Thêm thời gian khẳng định
Dự án mạng xã hội Lotus được thành lập và đầu tư, triển khai bởi VCCorp với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp, tư nhân trong nước. Theo thông tin tại sự kiện, mạng xã hội Lotus đã huy động được 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư, với quy mô cho phép hàng triệu người sử dụng cùng một lúc và nhà đầu tư cam kết “giải phóng sức sáng tạo” cho người dùng.
Tại buổi ra mắt ông Nguyễn Thế Tân tổng giám đốc VCCorp chia sẻ rằng, hơn 10 năm qua thông tin trên mạng xã hội (MXH) mà ông đọc không đem đến cho ông cảm giác thoải mái, thỏa mãn.
“Tôi suy nghĩ nhiều làm sao để khi lên mạng chúng ta có cảm giác thoả mãn chứ không phải cảm giác băn khoăn khó chịu với các cuộc tranh luận. Để thấy được những hình ảnh đẹp, đem đến cảm giác hạnh phúc và cảm xúc tốt, chúng tôi cố gắng xây dựng mạng xã hội để làm được việc đó” (trích từ baotintuc.vn ngày 16/9/2019)
Ông Tân khẳng định mạng xã hội Lotus sẽ hướng đến việc: “nội dung là vua, thượng đế là người sử dụng”. Chính những người sử dụng Lotus sẽ mang đến những giá trị tốt đẹp bằng cách lan tỏa những giá trị tích cực, những hình ảnh đẹp và bài viết có giá trị.
Ngay sau những lời “có cánh” quảng bá cho sản phẩm con đẻ của mình từ Tổng giám đốc VCCorp, thì tiếp đến những phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông tại lễ ra mắt MXH này đã khiến dư luận đứng, ngồi không yên. Ông Bộ trưởng Hùng nói: “Tôi cũng có một niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm. …không có sự sáng tạo nào lớn hơn chính sự sáng tạo của những người dùng và đó là sức mạnh của tất cả người Việt Nam”.
Ngoài ra ông Hùng còn hy vọng số lượng người Việt Nam sử dụng MXH Lotus có thể cao bằng số người sử dụng các mạng xã hội thế giới. Theo số liệu thống kê mới nhất, có khoảng 58 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội Facebook và 62 triệu tài khoản Google. Nghĩa là ý ông Hùng, MXH Lotus sẽ đạt ngưỡng 60 triệu người dùng?
Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkav thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội ông Nguyễn Tử Quảng nhận định về điều này rằng:
“Họ có tiềm năng ở chỗ như thế này, hiện nay họ có trong tay rất nhiều tờ báo, trang tin có số lượng người truy cập nhiều, nhiều nội dung được nhiều người quan tâm nên đó là một trong những lợi thế của họ. Nếu họ tận dụng tốt và có chiến lược đúng đắng thì họ có thể thực hiện được điều mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Tuy nhiên cũng còn cần nhiều thời gian mới có thể trả lời được.”
Đồng ý với điều này ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ thông tin, có trụ sở tại Bình Dương, đang sở hữu trang mạng xã hội VietNamTa chia sẻ với chúng tôi qua tin nhắn rằng, giai đoạn đầu do ra mắt và quảng cáo mạnh nên lượng người dùng sẽ tăng nhanh, lọt vào top 1 ứng dụng được tải về. Còn về mặt nội dung và chất lượng thì phải để một thời gian ngắn người dùng sẽ nhận xét là chính xác nhất nhưng suy cho cùng đó cũng là MXH có tiềm năng.
Có tiềm năng nhưng …?
Lãnh đạo VCCorp tại buổi ra mắt cho biết, hiện nay, mạng xã hội Lotus lấy nội dung và trải nghiệm người dùng làm trọng tâm và công bố hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo với 20 lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, vlog… và trên 30 nguồn chính luận như thông tấn xã Việt Nam…có 50 nền tảng đa dạng như video, giải trí, hình ảnh, blog, tạp chí, nhạc… giúp chuyển tải các loại nội dung khác nhau cho người đối tượng như làm báo, viết blog, chuyện …Để minh chứng điều đó, ngay sau lễ ra mắt, Lotus sẽ phát hành bản dùng thử trong vòng từ 3 – 6 tháng.
Chuyên gia công nghệ thông tin Lê Ngọc Sơn từ Đức chia sẻ với chúng tôi rằng, MXH này muốn thành công cần phải dựa rất nhiều yếu tố trong đó bài toán kỹ thuật là điều vô cùng khó khăn và hệ sinh quyển truyền thông trên mạng là điều không thể loại bỏ.
“Tôi thật sự muốn có một mạng xã hội của Việt Nam nhưng khả năng thành công của mạng xã hội nói chung và Lotus thì tôi không thấy nó khả dĩ lắm. Bởi vì một số nguyên do, về mặt kỹ thuật chúng ta còn thua xa so với các mạng xã hội hiện nay, thứ hai người ta lo ngại về sinh quyển, đàm luận trên không gian mạng và sự an toàn của nó. Thì những thứ này đang là một dấu chấm hỏi, các nhà phát triển cần phải trả lời vấn đề này một cách sòng phẳng với người tiêu dùng thì khi đó mới có thể dùng được.”
Ngoài ra, ông Lê Ngọc Sơn còn cho hay, mặc dù mạng xã hội này đang cố gắng định hình một bản sắc riêng dựa trên nội dung khi người dùng là vua nhưng đó cũng chỉ là diễn ngôn quảng cáo thôi. Điều quan trọng nhất của MXH là khả năng kết nối người dùng và phải kết nối được nội dung tranh luận. Nếu đủ hai yếu tố đó thì MXH đó mới gọi là King của mạng xã hội.
Chỉ trong một ngày sau khi ra mắt, nhiều người cho RFA biết họ cảm thấy thất vọng với MXH này. Một giám đốc truyền thông quảng cáo tại Sài Gòn nói:
“Cái Lotus nó y hệt như Báo Mới đó, không khác là mấy, có nghĩa nó là nơi kiểm duyệt nội dung, nó sẽ quét từ các báo rồi đưa thông tin người dùng lên. Đối tượng chính của Báo Mới là những người lớn tuổi nên hầu như các độc giả họ đều vào xem Lotus đều các độc giả trẻ mà vào thấy như Báo Mới là họ thoát ra ngay, vì mã quét của Lotus thì 40% sẽ là báo chính thống và nó không khác gì mình đọc tin cả và chưa có người dùng đăng tin của họ. Tức là hệ thống của nó sẽ như thế này, bước đầu họ sẽ đưa các báo lên trước, còn người trên Lotus không có chế độ kết bạn mà chỉ có chế độ theo dõi thôi, nếu mình là một nhà sản xuất nội dung như Vlog chẳng hạn thì mình bấm theo dõi khi nào ra nội dung mới thì có thông báo để xem, như vậy nó rất giống cơ chế của Youtube.”
Ngoài ra, vị này cho biết thêm, đa số người dùng Việt Nam chỉ thích viết và quan tâm những điều gì đó nhanh, dễ dàng câu view chứ bắt người sử dụng MXH phải suy nghĩ để “sản xuất” nội dung và đối chiếu chất lượng thì không nhiều quan tâm.
Điều tương tự được lặp lại?
Trước đây, cũng có một số MXH do người Việt Nam sáng tạo và được truyền thông rộng rãi nhưng một thời gian sau thì không còn ai nhắc đến hay bình luận như Hahalolo, Gapo… MXH Lotus có thể lại sẽ rơi vào tình trạng như các MXH khác không?
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ hàng Việt người Việt tạo ra nhưng ông nghĩ khó mà đạt được như Facebook. Ông giải thích.
“Thứ nhất bây giờ không phải có cái gì mới là người ta vào dùng vì nó mất thời gian lắm, sử dụng mạng xã hội cũng mất thời gian lắm chứ không phải đơn giản. Thứ hai là Facebook họ có cả một hệ sinh thái, người dùng đã tạo được sự tương tác, liên kết với nhiều bạn bè khác rồi, có người hàng chục ngàn Follow(theo dõi) thì bây giờ sang mạng mới tất nhiên để thiết lập được như vậy thì nó tốn rất là nhiều thời gian và công sức chứ không đơn giản.”
Ngoài ra, ông Tuyến còn khẳng định thêm nguyên do vì sao ông sẽ không bao giờ sử dụng mạng xã hội này. "…vì họ yêu cầu phải đăng nhập bằng tài khoản Facebook, nếu như không có bắt phải gửi 4 tấm ảnh của chứng minh thư (ID), thì việc lấy thông tin cá nhân như thế thì dĩ nhiên chúng tôi chắc chắn không bao giờ sử dụng vì ở VN là một đất nước do công an toàn trị thì dù bất kỳ doanh nghiệp nào đi nữa thì dưới bàn tay sắt của an ninh thì họ chỉ cần ho cái thì buộc các doanh nghiệp phải tuân theo…"
Để buộc người dùng phải bỏ thói quen cũ, đòi hỏi sản phẩm mới phải thật sự tuyệt vời, cả về tính năng sử dụng lẫn phương pháp tiếp cận. Nhưng với những trải nghiệm trong ngày đầu ra mắt theo như người dùng phân tích thì rõ ràng cả hai yêu cầu thứ yếu trên MXH Việt Nam đều không đáp ứng tốt. Cái kết của MXH mới sẽ như thế nào, nói như ông Nguyễn Tử Quảng –cần thời gian mới trả lời được!