Vì sao phải mạo danh Bộ trưởng chỉ để gửi hàng?

0:00 / 0:00

Đoạn clip ngắn về lô hàng gồm hàng chục thùng rượu chạy trên băng chuyền tại phi trường Tân Sơn Nhất, bên ngoài ghi “Bộ trưởng Bộ GTVT” và người nhận là Mr. Mạnh với số điện thoại kèm theo, được lan truyền trên mạng xã hội nhiều ngày qua.

Báo Dân Trí sáng ngày 8 tháng 5 dẫn lời ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định: “Đó không phải là hàng của tôi. Sự thật là sự thật. Sẽ xử lý nghiêm”.

Việc một ai đó dám mạo danh Bộ trưởng để gửi hàng hóa chạy công khai trên băng chuyền ở điểm đến, khiến dư luận xã hội quan tâm. Người ta cho rằng, khi mọi việc được “bảo kê” bằng tên tuổi của các vị lãnh đạo cao cấp thì đó là một xã hội không có pháp quyền. Nó cũng cho thấy một thể chế quan liêu, cửa quyền mà những bản án tù với tội danh “Lợi dụng quyền hạn, chức vụ…” ngày càng nhiều được phơi bày trên mặt báo là điều không khó hiểu.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, khi trao đổi với RFA vào sáng 12 tháng 5 cho hay, chuyện giả danh Bộ trưởng không là chuyện lạ. Người ta còn giả danh tới cả Thủ tướng nhưng truyền thông không lên tiếng nên ít người được biết.

“Cái chuyện người ta lợi dung danh nghĩa của người này, người nọ để thực hiện ý đồ riêng của họ thì hiện nay trong xã hội nhiều lắm. Nó diễn ra liên tục, nhiều khi trắng trợn và bất chấp luật pháp. Ở những quốc gia luật pháp chưa nghiêm minh, chưa có những chế tài để trị tới nơi tới chốn thì thường xuyên xảy ra những chuyện như thế này.

Việt Nam là một trong những quốc gia chưa hoàn chỉnh về mặt luật pháp. Luật thì ra rất nhiều nhưng thực thi thì chưa nghiêm túc.

Tôi không nắm hết toàn bộ nhưng chuyện giả danh Bộ trưởng thì cũng nhiều trường hợp rồi. Còn giả danh tới Phó Thủ tướng, Thủ tướng nữa mà."

Có thể nêu một ví dụ liên quan chuyện giả danh là “người của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ” xảy ra vào năm 2016. Theo truyền thông Nhà nước, ngày 19 tháng 4 năm 2016, Cảnh sát giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện một ô tô chạy quá tốc độ nên ra hiệu dừng xe kiểm tra. Một người từ trên xe bước xuống và xuất trình tờ công lệnh ghi tên Trần Kiều Hưng với chức vụ “Phó Cục trưởng Cục quản lý kinh tế Chính phủ kiêm đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ”.

Hưng còn một giấy công tác với chức vụ “Phó Cục trưởng Cục quản lý kinh tế đối ngoại” do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký và dấu đóng của Thủ tướng Chính phủ. Hưng bị hai năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Tháng Hai vừa qua, với thủ đoạn tự xưng là Đại tá, cán bộ thuộc “Tổ công tác đặc biệt” của Tổng cục II, có quan hệ với nhiều lãnh đạo cấp cao, có khả năng xin việc làm, chạy dự án, ông Trần Đăng Khoa ở Hà Nội đã lừa đảo được nhiều người với số tiền hàng trăm triệu đồng.

kien-hang-bgtvt-1620400581049.jpeg
Những kiện hàng trên băng chuyền sân bay Tân Sơn Nhất ghi tên "Bộ trưởng Bộ GTVT"

Lợi dụng hay giả bộ sự quen biết với những cán bộ cao cấp, các vị lãnh đạo để “đầu xuôi đuôi lọt” là chuyện xảy từng xảy ra với bà Đức, trong một lần về thăm quê nhà Việt Nam. Bà kể:

“Cách đây mười mấy năm tôi có về Việt Nam, có ra Hà Nội chơi thì được một người bạn chở đi phố bằng xe gắn máy. Trên xe có ba người lớn, tôi là người ngồi sau. Đi đến quãng đường kia thì có một anh công an thổi còi lại. Tức thì cô lái xe nói rằng, ‘để tôi gọi cho ông Thiếu tướng Phạm Chuyên’. Anh cảnh sát nói lại là ‘không, cháu chỉ gọi để nhắc nhở cô đi cẩn thận thôi, không có vấn đề gì’.

Tôi được biết ở Việt Nam, xe gắn máy mà chở ba người như vậy là vi phạm luật giao thông, nhưng với trường hợp này thì họ cho qua.”

Thiếu tướng Phạm Chuyên là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội từ năm 1996 đến năm 2005. Ông từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 10 thuộc đoàn đại biểu Hà Nội.

Với tư cách là một người dân sài Gòn, cựu đại úy quân đội Võ Minh Đức nêu quan điểm của mình về trường hợp một người mạo danh Bộ trưởng GTVT gửi hàng qua đường hàng không:

"Cái này là sự lợi dụng về danh tiếng, về quyền lực trong một việc rất bình thường là gởi hàng hóa. Mục đích là để gói hàng không bị chọc, không bị móc, bị rạch như dân thường. Ngoài ra còn được ưu tiên chuyển trước, người nhận cũng được ưu tiên nhận trước…

Nó cũng giống như những trường hợp vi phạm luật giao thông, người ta lôi ông này ông kia ra, gọi điện thoại nhờ can thiệp. Trong một vài lĩnh vực khác cũng thế, hồ sơ này của anh này, anh kia… Ở Việt Nam bao nhiêu năm nay nó rất phổ biến.”

Với câu khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về những thùng hàng trên băng chuyền ở phi trường Tân Sơn Nhất có ghi “Bộ trưởng Bộ GTVT” không phải của mình, dư luận lại đặt câu hỏi, phải chăng thủ tục hành chánh quan liêu, hách dịch và nhiêu khê cho người dân vẫn còn hiện diện ở các cơ quan Nhà nước nên người dân phải mạo danh như thế?

Năm nào các tỉnh, thành cũng công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, và tỷ lệ năm nào cũng cao.

Chẳng hạn như ở Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy hơn 98% người dân được khảo sát cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về thủ tục hành chính công năm 2019.

Tại tỉnh Phú Thọ, mới đây UBND tỉnh phối hợp với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức và công dân đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan Nhà nước tỉnh Phú Thọ. Kết quả cho thấy, có đến 68% tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp được khảo sát trả lời phỏng vấn đã thể hiện sự hài lòng đối với các dịch vụ hành chính công.

Tuy vậy, gần 30% số tổ chức, cá nhân phát hiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn ưu tiên tiếp nhận và trả hồ sơ cho người khác không theo đúng trình tự.