Sao kiểm sát viên phải 'nể' lãnh đạo địa phương?

0:00 / 0:00

Chủ nhiệm Uỷ han Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga mới đây nói rằng một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.

Bà Nga đưa ra nhận xét này tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vào ngày 12/1, đánh giá nhiệm kỳ công tác khóa XIV, 2016 – 2021, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Xác nhận thực trạng vừa nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết tình trạng hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên trong các phiên tòa dân sự và hành chính ở cấp huyện, tỉnh vẫn còn vấn đề cả nể.

Cụ thể, lời ông Trí được truyền thông nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn như sau: “Một kiểm sát viên công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện, tỉnh ra tòa mà phát biểu mạnh về ông Chủ tịch tỉnh thì chắc sau khó xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên, xin đất, xin trụ sở là công việc thôi nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm. Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà ông viện trưởng bảo “nói vừa vừa thôi” thì kiểm sát viên cũng không dám nói. Phải nói thật như vậy. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng phải dùng cách thuyết phục là nhiều chứ có phải lúc nào cũng nói thẳng ra được đâu. Ngay cả Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể chứ một cán bộ bình thường mà đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì rất khó. Tất nhiên, kiêng nể cũng phải có nguyên tắc”.

Theo tôi đây cũng là một thực tế ở Việt Nam vì cơ quan tư pháp của Việt Nam không độc lập với bên hành pháp, nắm quyền hành liên quan đến kinh tế, đất đai, nhiều cái về công chức cán bộ khác, tuy ngang cấp nhưng họ vẫn có thế lực hơn đối với bên cơ quan tư pháp. – LS. Hà Huy Sơn

Trao đổi với RFA tối 13/1, Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng là một nhà báo, hiện đang công tác tại Văn phòng Luật sư Đặng Dũng & Ninh Hoà ở thành phố lớn nhất phía Nam nhận xét về phát biểu của người đứng đầu Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao như sau:

“Tôi coi bản tin báo Pháp luật như vậy tôi rất buồn. Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nói thật như thế thì phải nói rằng nếu kiểm sát viên vì những quyền lợi riêng tư như ông viện dẫn như vậy mà không có hình thức răn đe hoặc nói thế nào thì đó là điều rất thất vọng cho luật sư và người dân. Thiếu điều ông ‘vẽ đường cho hươu chạy’. Ông ấy bảo vì quyền lợi thế này, thế kia thì kiểm sát viên không dám nói gì nhiều, ông bảo ngay cả Viện trưởng cũng phải thận trọng thì tôi thấy rằng điều ông nói như thế là thực tế mà thực tế đó là điều rất đáng buồn và không biết cách nào khắc phục.”

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Hà Huy Sơn, Giám đốc Công ty luật TNHH Hà Sơn tại Hà Nội nhận định:

“Theo tôi đây cũng là một thực tế ở Việt Nam vì cơ quan tư pháp của Việt Nam không độc lập với bên hành pháp, nắm quyền hành liên quan đến kinh tế, đất đai, nhiều cái về công chức cán bộ khác, tuy ngang cấp nhưng họ vẫn có thế lực hơn đối với bên cơ quan tư pháp.”

Vẫn theo lời Viện trưởng Lê Minh Trí tại phiên thảo luận ngày 12/1, tính ‘cả nể’ mà ông nhắc đến không chỉ xuất hiện riêng trong lĩnh vực tư pháp giữa các kiểm sát viên với các lãnh đạo tỉnh, mà vẫn còn nhiều trong cả hệ thống.

Chị Ngọc Hà, một người dân đang sống tại Bình Dương, bày tỏ cảm nghĩ qua Facebook Messenger về phát biểu vừa nêu như sau:

“Mình thì thấy việc ông Viện trưởng nói người dân ai cũng biết, chỉ là bây giờ có quan chức xác nhận sự thật thôi. Mình chỉ thấy lạ là có luật pháp nhưng chính người làm luật lại nói vậy như một sự cam chịu, không thể thay đổi thì trách nhiệm của những người lãnh đạo liên quan ở đâu?”

Nếu ông (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) nói thực trạng như vậy mà không hề nói được biện pháp khắc phục là điều rất đáng buồn. – LS. Đặng Trọng Dũng

Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng luật pháp Việt Nam hiện nay đã có quy định đầy đủ, nhưng ăn thua là người thực thi pháp luật như thế nào, phải có bản lãnh thế nào, vừa phải đào tạo vừa phải kiểm điểm mỗi một vụ án thế nào… Ông tiếp lời:

“Nếu ông (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) nói thực trạng như vậy mà không hề nói được biện pháp khắc phục là điều rất đáng buồn. Trong đó ông nói là tranh luận là then chốt nhưng thực sự ra tòa luật sư chúng tôi rất muốn tranh luận đến nơi đến chốn nhưng người mà cầm cân trong phiên tòa là chủ tọa, thẩm phán nhiều khi họ cắt ngang chúng tôi. Như một vụ án dân sự tôi vừa vào tòa án cấp cao, chưa tranh luận gì cả thì ông cắt cụp một cái rồi ông đưa một bản án trái pháp luật, cuối cùng chúng tôi phải giám đốc thẩm. May mà giám đốc thẩm được và bây giờ xử lại từ đầu. Tôi thấy nền tư pháp của mình có những thực trạng đáng buồn như vậy.”

Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Hội nghị của Chính phủ Hà Nội về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật diễn ra ngày 24/11/2020 có nhắc đến nội dung chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác làm chính sách.

Do đó, Luật sư Hà Huy Sơn đưa ra đề xuất:

“Phải thay đổi từ Hiến pháp về hệ thống chính trị tại Việt Nam. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập thì mới thay đổi được cái gốc. Còn do đảng thống nhất, phân công chức năng thì không thay đổi được câu chuyện. Theo tôi việc thay đổi hình thức hầu như không thể thay đổi được vì nó là bản chất hiện nay đó là đảng lãnh đạo toàn nhà nước và xã hội nên không thay đổi được. Quan điểm của tôi là như vậy.”

Vẫn theo Luật sư Hà Huy Sơn, đây là bản chất chế độ chính trị của Việt Nam nên không thể thay đổi. Trong thực tế, những người nêu lên những vấn đề này, với truyền thống chính phủ Hà Nội thì có thể bị kết tội lật đổ chính quyền nhân dân.