Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Việt nam lần thứ 10 khai mạc vào ngày 10/12 tại Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại hội nghị, ông Phúc cũng phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025, với nhiệm vụ “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại.”
Có 2.300 đại biểu tham dự, gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các “chiến sỹ thi đua tiêu biểu”…
Ông Phúc nói đây là kỳ đại hội có số đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay. Điều đó thể hiện phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, những tấm gương thi đua điển hình ngày càng nhiều.
Mang tính hình thức, phô trương
Theo tiến sỹ, nhà giáo Nguyễn Đình Cống, phong trào thi đua yêu nước hiện nay “lợi ít hại nhiều”. Ông nói, vào năm 1948, khi ông Hồ Chí Minh lần đầu phát động phong trào này, ai nấy đều nghèo đói nên có động lực, tinh thần để làm việc, cống hiến. Càng về sau thì nó càng biến chất, trở nên sáo rỗng, lừa bịp:
"Thi đua hiện nay là người ta đặt ra rồi bình bầu, đăng ký, báo cáo thành tích, khen thưởng. Người ta làm như rằng là nhờ có thi đua mà kinh tế, giáo dục phát triển.
Các phong trào thi đua hồi năm 1948 tạo ra là để động viên tinh thần cho người ta làm việc tốt hơn, để đóng góp động viên tinh thần. Bởi vì cái hồi đó không có một cái quyền lợi, vật chất gì cả, lương bổng cũng rất ít. Động viên để mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba, xong rồi thì người ta sẽ được bình bầu là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng đơn vị…
Đó là cái cách mà người ta cho rằng thi đua là động lực để cho mọi người làm việc. Điều ấy đúng trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ. Chứ còn bây giờ, trong nền kinh tế thị trường mà anh vẫn còn dùng cái động lực ấy thì không đúng.
Hiện nay, quan trọng nhất là trả công lao động cho người khác thật là xứng đáng để người ta vì quyền lợi vật chất mà làm, chứ cần gì phải thi đua.
Ở Việt Nam hiện nay trong các cơ sở tư nhân đâu ai cần gì thi đua làm tốt. Thành ra tôi cho rằng cái thi đua ở Việt Nam hiện nay là một cái trò mang tính chất là bịp bợm nhiều hơn là thực chất."
Bây giờ nhà nước họ muốn làm như thế để chứng tỏ rằng cũng có những phong trào, hoạt động của nhà nước có người dân tham gia, hưởng ứng. Nhưng mà trên thực tế thì những cái này ít được tham gia lắm, chỉ tập hợp một số người để đưa lên truyền hình thôi chứ thực tế thì rất ít người tham gia - Lê Công Giàu
Ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư Thành đoàn TPHCM nói từ khi ông còn làm việc trong cơ quan nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức rất rầm rộ, cũng có nhiều người tham gia và đạt được một số thành tích nhất định. Tuy nhiên, càng về sau càng ít người quan tâm chú ý. Các đại hội tôn vinh các tấm gương thi đua chỉ mang tính hình thức, phô trương là chính chứ không có đóng góp thiết thực cho đất nước:
"Vào những năm mới sau năm 1975, phong trào thi đua yêu nước được phát động rất rầm rộ. Những đơn vị, đoàn thể, quần chúng như là Mặt trận Tổ quốc, Thành đoàn đều tham gia. Nó có rất nhiều hoạt động. Ví dụ như họ tổ chức những hoạt động giúp đỡ người khó khăn, những hoạt động nhằm tuyên truyền phổ biến chủ trương của nhà nước của đảng.
Trong thời gian đầu, người ta còn hăng hái tham gia. Nó cũng mới và có những nội dung hấp dẫn. Nhưng sau đó một thời gian thì dần dần người ta thấy rằng những cái này là những cái mà nhà nước, đảng và chính phủ muốn tổ chức, phát động để tập hợp lực lượng, để mọi người tham gia thực hiện một số công việc theo ý của nhà nước.
Dần dần người ta thấy rằng những việc làm đó không cần thiết trong đời sống của người dân. Những hoạt động này dần trở nên hình thức và phô trương.
Những người tham gia là những người cán bộ của đảng và nhà nước thôi thì đâu có tác động gì đến được xã hội.
Theo quan sát thì tôi thấy những hoạt động này chỉ diễn ra trên các hội nghị trên TV thôi chứ còn ngay ở địa phương mà tôi đã thì không thấy động tĩnh gì cả về phong trào yêu nước."
Vì sao vẫn còn duy trì?
Trả lời câu hỏi vì sao các phong trào thi đua yêu nước không mang lại lợi ích thiết thực nhưng nó vẫn được duy trì đến hiện này, và tiếp diễn ít nhất là trong 5 năm tới. Ông Lê Công Giàu cho rằng lãnh đạo cần phải tạo được hình ảnh nhà nước luôn được dân ủng hộ:
"Bây giờ nhà nước họ muốn làm như thế để chứng tỏ rằng cũng có những phong trào, hoạt động của nhà nước có người dân tham gia, hưởng ứng. Nhưng mà trên thực tế thì những cái này ít được tham gia lắm, chỉ tập hợp một số người để đưa lên truyền hình thôi chứ thực tế thì rất ít người tham gia."
![thiduayeunuoc1111.jpeg](https://www.rfa.org/resizer/v2/ZGUPN22CEVHMS7Q3VTNDFN4I7I.jpg?auth=6afc88983a4db110f95f24f9a5886a6daef2f524a6ddffa152a25882989d6120&width=800&height=533)
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cống, việc duy trì hoạt động này vì nó mang lại lợi ích cho một số thành phần cán bộ. Mặt khác, do đây là lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh từ năm 1948 nên không ai dám yêu cầu bãi bỏ:
"Hiện nay thi đua mang lại lợi ích cho một số loại người. Thứ nhất là những người làm trong ban bệ xét thi đua. họ đã quen rồi. Bây giờ mà bỏ thi đua thì họ sẽ không biết làm gì.
Rất nhiều người muốn chạy danh hiệu thi đua anh hùng hoặc được nhận huân chương thì thường người ta phải đút lót.
Tôi đã chứng kiến trước đây, để chạy một danh hiệu phải mất vài ba chục triệu đến cả trăm triệu chứ không ít.
Người ta cứ làm theo quán tính. Mấy chục năm nay đã làm như thế rồi. Bây giờ không có ai dám đứng ra nói là bỏ cả. Rất nhiều người biết thi đua chẳng ra cái gì cả, nhưng người ta không dám đề xuất ra chuyện bỏ thi đua.
Bởi vì, người ta sợ nếu nói ra được hưởng ứng thì thôi không nói làm gì, chứ nếu như người khác phản đối, nói bọn đòi bỏ thi đua là bọn thù địch, nên người ta không dám làm.
Cứ xem thử Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đâu có nước nào thi đua nhưng người ta vẫn phát triển. Thành ra cái thi đua của Việt Nam là một việc làm theo thói quen.”
Phong trào thi đua yêu nước do ông Hồ Chí Minh phát động trong toàn đảng, toàn quân và toàn dân vào ngày 11/6/1848 với khẩu hiệu “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”, và được kéo dài cho đến bây giờ.
Tốn kém ngân sách
Không chỉ tổ chức đại hội thi đua yêu nước toàn quốc tại Hà Nội vào ngày 10/12. Trong tháng qua, nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước như TPHCM, Huế, Hưng Yên, Nghệ An, Ninh Bình, Bến Tre, Hải Dương cũng liên tiếp tổ chức đại thi đua yêu nước cấp tỉnh. Mỗi nơi quy tụ từ vài chục đến vài trăm đại biểu tham gia.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cống và ông Lê Công Giàu đều phản đối việc tiếp tục tổ chức các phong trào yêu nước vì không ích lợi mà còn hao tốn quá nhiều ngân sách:
"Tôi không tán thành chuyện kéo dài thi đua như thế này. Hiện nay, tôi thấy rằng thi đua là lợi ít mà hại nhiều. Tổ chức các hội nghị thi đua cho nhiều cho hoành tráng như thế là chỉ tiêu pha cho tốn kém chứ thực ra hiệu quả trong việc phát triển đất nước là không có, rất kém." - TS Nguyễn Đình Cống.
Ông Lê Công Giàu nói "Những cái hoạt động này nó rất tốn kém. Mỗi một đại hội như thế các nơi đổ về, phải bay ra Hà Nội, rồi thì tiền vé máy bay, tiền khách sạn, ăn uống, nhiều thứ khác là nó sẽ tốn kém dữ lắm."
Theo trang web Thời báo Tài Chính, cơ quan ngôn luận của Bộ Tài Chính thông tin, ở kỳ Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 9 diễn ra vào năm 2015, các đại biểu đều được chi trả tiền ăn ở, đi lại trong suốt thời gian diễn ra đại hội.
Cụ thể, mức tiền ăn là 400.000 đồng/người/ngày. Tiệc chiêu đãi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là 500.000 đồng/suất. Ngoài ra, còn có tiền vé máy bay, khách sạn và đi lại…
Tất cả các chi phí đều được Bộ Tài Chính phê duyệt và ngân sách chi trả.