“Việc so sánh đẳng cấp giữa trường này với trường khác thông qua xếp hạng; phân định thứ hạng trên dưới quá rõ ràng dẫn tới việc các trường đại học chuyển từ ‘hợp tác’ sang ‘cạnh tranh’ và ‘ganh đua’”.
Đó là phát biểu của Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng ‘Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo’, là người sáng lập hệ thống xếp hạng đại học ‘gắn sao như khách sạn’ UPM - một sản phẩm thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ quốc gia về Khoa học Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 19/8/2020, nhận định:
“Tôi hiểu người phát biểu muốn nói là cách xếp hạng như bình thường nó có nhược điểm, nó khiến người ta nhìn lệch lạc và mất đi một số tiêu chí khác... và cách làm mới của họ bổ khuyết cái đó. Nếu thật sự đúng như thế thì chấp nhận được, chứ nói cái tôi mới tốt cái kia vứt đi thì không được, hay cái này thay thế cái kia thì không được. Bởi vì, ngay cách xếp hạng theo kiểu đánh sao, thì vẫn là một sự tranh đua, xếp hạng nào mà không hàm ý một sự tranh đua."
Ngay cách xếp hạng theo kiểu đánh sao, thì vẫn là một sự tranh đua, xếp hạng nào mà không hàm ý một sự tranh đua.<br/>-PGS. TS. Hoàng Dũng
Không tranh đua thì làm sao tiến bộ, vấn đề là tranh đua như thế nào, có chính đáng hay không? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ra ví dụ tranh đua về công bố khoa học là rất chính đáng, nhưng từ đó đi đến chỗ lệch lạc là đi mua bài. Ông nói tiếp:
“Việc xếp hạng đại học từ 1 đến 5 sao, tôi thấy nó không thể thay thế việc xếp hạng thông thường mà chúng ta thấy. Nhưng nếu đó là cách bổ sung thì tôi nghĩ sẽ tốt, người hiểu biết đọc xếp hạng thì bao giờ người ta cũng xem xếp hạng như thế theo những tiêu chí nào, ví dụ 3 sao thì theo tiêu chí nào, nếu hợp lý, thì sẽ hiểu 3 sao là như thế nào. Còn xếp hạng như 100 trường đại học xuất sắc nhất thế giới chẳng hạn, thì nó theo hướng kia. Như vậy là bổ sung, chứ cái này không thể phủ nhận cái kia, mà nếu muốn cũng không thể phủ nhận được.”
Đài Á Châu Tự Do hôm 19 tháng 8 năm 2020 nhiều lần liên lạc Giáo sư Nguyễn Hữu Đức qua điện thoại để tìm hiểu thêm về hệ thống xếp hạng đại học ‘gắn sao như khách sạn’ UPM, tuy nhiên mọi cố gắng đều không thành công.
Trả lời báo chí trong nước, Giáo sư Nguyễn Hữu Đức cho biết, các bảng xếp hạng trên thế giới hiện nay chủ yếu chỉ quan tâm đến các trường đại học nghiên cứu và nhóm 1.000 trường đại học xuất sắc hàng đầu thế giới, tức khoảng 3% số trường đại học được xếp hạng. Còn 97% trường còn lại tương đương khoảng 28.000 trường, sẽ không có “sân khấu” nào để tự đánh giá về những đóng góp của mình cho sự phát triển của kinh tế xã hội.
Vì thế theo Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, bộ tiêu chí UPM ra đời với mục tiêu tiếp cận đến số đông các trường đại học còn lại trên thế giới. Ông cho biết, điều UPM hướng tới không phải xếp hạng mà là công cụ để các trường đại học đối sánh với chuẩn.
Trao đổi với RFA hôm 19/8 liên quan việc này, giảng viên Đinh Gia Hưng của Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng, nhận định:
“Tôi cũng đã làm việc lâu trong ngành đại học, theo sự hiểu biết của tôi về việc xếp hạng các trường đại học, quốc tế lâu nay người ta làm rất là nhiều. Các tổ chức có uy tín người ta đã nêu ra các danh mục, các quy chuẩn, những tiêu chí rất chi tiết, để dựa vào đó để đưa ra bảng xếp hạng hàng năm. Mục đích của bảng xếp hạng là thông báo cho giới giáo dục, khoa học và dân chúng nói chung, biết về cơ sở giáo dục đại học và tầm cỡ của nó, cũng như triển vọng phát triển của nó. Các hiệp hội này đánh giá lâu bay rất có nền tảng, có truyền thống, có uy tính nhất định rồi. Còn Việt Nam làm cái này không theo xếp hạng mà theo ‘sao’ thì tôi không hiểu Việt Nam dựa trên cơ sở nào và mang ý nghĩa gì? Tôi nghĩ cái này thứ nhất không tương hợp với các hệ thống quốc tế, thứ hai không biết mục đích của nó là gì, tôi vẫn còn đang thắc mắc những tiêu chí của nó.”
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2019, Việt Nam có 472 trường đại học, cao đẳng, bao gồm 236 trường đại học và 236 trường cao đẳng.
Hôm 18/8 UPM công bố kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên có 25 trường đại học cao đẳng của Việt Nam, 2 trường Thái Lan, 2 trường của Philippines và 1 trường Indonesia tham gia.
UPM cho biết đánh giá dựa trên 8 nhóm tiêu chuẩn gồm: Quản trị chiến lược 6%; Đào tạo 35%; Nghiên cứu 20%; Đổi mới sáng tạo 11%; Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo 6%; CNTT và tài nguyên số 10%; Mức độ quốc tế hóa 6% và Phục vụ cộng đồng chiếm 6%.
Trong khi đối với tổ chức quốc tế xếp hạng đại học như ‘Times Higher Education’ của Anh, dựa trên 13 yếu tố quan trọng, được phân loại trong năm lĩnh vực với tỷ lệ khác nhau như: Giảng dạy 30% (môi trường học tập), Nghiên cứu 30% (khối lượng, thu nhập và danh tiếng), Trích dẫn 30% (ảnh hưởng nghiên cứu), Triển vọng quốc tế 7.5% (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) và Thu nhập ngành 2.5% (chuyển giao kiến thức).
Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 19/8 liên lạc Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Ông cũng từng hợp tác nhiều chương trình đào tạo với các trường đại học tại Việt Nam, và được ông cho biết:
Những nước tiên tiến và có quá trình xây dựng đại học lâu năm, họ không bóp méo, nhưng họ cũng không bài bác chuyện xếp hạng, họ coi vấn đề này là một tiêu chuẩn để cải tiến trường của mình.<br/>-GS. Nguyễn Đăng Hưng
“Thật ra tất cả các việc đó đều có ích, nhưng phải tránh đánh tráo khái niệm, tránh việc làm giả tạo... Nếu sắp xếp để mà ganh đua giảng dạy nghiêm túc, nghiên cứu khoa học đàng hoàng để cải tiến chất lượng có lợi cho giảng dạy, cho sinh viên, có lợi cho nghiên cứu của các trường, để bắt kịp các nước tiên tiến, thì đều tốt. Có điều không nên đánh tráo khái niệm, thay vì ganh đua làm khoa học thật sự, giảng dạy nghiêm túc... thì mình làm chuyện gian dối, như mua các bài khoa học... Mới nhất là một trường đại học ở Việt Nam được xếp hạng 800, nhưng không đúng thực chất, không có nghiên cứu khoa học gì mà chỉ để cái tên nhắc đến trường đó. Việc này rất đáng bài trừ, tôi nghĩ nhà nước cần có biện pháp để nó không tràn lan. Như thế mới có không khí tranh đua nghiêm túc, tranh đua trung thực, để chất lượng ngày càng cải tiến.”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, vấn đề là mình không bỏ đi xếp hạng, mà đừng làm bóp méo những tiêu chuẩn khoa học nghiêm túc, trung thực... làm cho cuộc xếp hạng thành giả tạo, thành cuộc tranh đua thành tích, chứ không thực chất. Cái đó nên tránh, chứ còn xếp hạng các trường đại học theo ông không có gì xấu, ngược lại đó là điều rất là tốt. Ông nói về kinh nghiệm khi giảng dạy tại Bỉ:
“Vấn đề xếp hạng các trường đại học trên thế giới, như các trường đại học bên Bỉ, người ta cũng quan tâm để mà cải tiến, để mà làm việc có thực chất... Nhưng tôi thấy họ không có chính sách chạy đua và một hành động giả tạo, bởi vì nếu giả tạo sẽ rất dễ bị phát hiện. Chính phủ Bỉ có cách trừng trị nhanh chóng, và khi bị một kỷ luật như vậy sẽ mất uy tín và không hay cho trường mình. Cho nên những nước tiên tiến và có quá trình xây dựng đại học lâu năm, họ không bóp méo, nhưng họ cũng không bài bác chuyện xếp hạng. Cũng không phải họ không chú ý đến chuyện xếp hạng, họ coi vấn đề này là một tiêu chuẩn để cải tiến trường của mình.”
Báo Thanh Niên Online hôm 14/8/2020 đăng bài từ chỉ dẫn của một số nhà khoa học, về việc một số trường đại học cao đẳng tại Việt Nam chỉ cần từ 30 đến 200 triệu đồng là có thể có vào trang web, để mua một bài nghiên cứu khoa học trên báo quốc tế, với chủ đề đa dạng như kinh tế, tài chính, marketing, quản lý, quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, y tế công cộng và giáo dục...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc mua bài thực chất chỉ là mua một lớp sơn cho đẹp mắt, chứ bên trong không thay đổi gì, như vậy rất nguy hiểm. Ông cho rằng, nếu mà từ những chuyện bậy bạ trong tranh đua, mua bài mà nói xếp hạng là không đúng vì nảy sinh tranh đua, thì là sai hoàn toàn.