Ai cố tình lãng quên cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979?

Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 được truyền thông chính thống Việt Nam nhắc đến trong vài năm trở lại đây khiến dư luận thắc mắc bởi vì trước đây là sự im lặng, thậm chí bia thảm sát người Việt do lính Trung Quốc thực hiện trong cuộc chiến biên giới bị đục bỏ.

Liệu có phải tâm tư, nguyện vọng của các gia đình cựu chiến binh cùng nạn nhân trong cuộc chiến được nhà cầm quyền Hà Nội lắng nghe sau gần 4 thập niên?

Nhà nước không tổ chức tưởng niệm

Cuộc chiến biên giới nổ ra vào sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi 600 ngàn quân lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam; bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu. Sau một tháng, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân. Ghi nhận cho thấy hàng ngàn người dân Việt, đa số là phụ nữ và trẻ em bị giết hại trong thời gian quân Trung Quốc đánh sang Việt Nam. Nhiều cơ sở hạ tầng như khu dân cư, nông trường, hầm mỏ, nhà máy… bị san bằng.

Tuy vậy, cuộc chiến biên giới Việt-Trung không hoàn toàn chấm dứt vào ngày 16 tháng 3 năm 1979, thời điểm rút quân cuối cùng của Trung Quốc; mà xung đột vũ trang giữa 2 nước còn tiếp diễn cho đến năm 1990. Đến tháng 11 năm 1991, Hà Nội và Bắc Kinh chính thức ký kết bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Mặc dù Việt Nam gọi tên đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, đẩy lùi được âm mưu xâm lược của Trung Quốc, nhưng suốt gần 3 thập niên, nhà cầm quyền Hà Nội không chính thức tổ chức tưởng niệm; cũng như không được các cơ quan truyền thông do Nhà nước quản lý nhắc đến dịp ngày 17 tháng 2 hàng năm.

Dẫu thế không vì vậy mà ký ức về đồng bào bị thảm sát, dân lành và quân nhân bị thương vong bởi quân đội Trung Quốc tàn bạo gây nên bị lu mờ trong tâm tưởng của các nạn nhân còn sống sót và trong lòng của nhiều người dân Việt Nam. Họ đặt ra câu hỏi vì sao cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, một trang sử hào hùng của dân tộc lại bị đảng và nhà cầm quyền lãng quên trong nhiều năm trời như thế?

Đáp câu hỏi vừa nêu với RFA nhân dịp kỷ niệm 38 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung, một số nhân sĩ trí thức trong nước cho biết kể từ khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã, Hà Nội đã quyết định “bắt tay” với Trung Quốc như một cách để duy trì chế độ và thực hiện chủ trương cũng như chỉ đạo bộ máy hành chính Việt Nam không được nhắc lại chuyện cũ, những xích mích hay rạn nứt với Trung Quốc trước đó.

Được lên tiếng nhỏ giọt

Một lính biên phòng Việt Nam bị giết trong cuộc xâm lược của Trung Quốc lên các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hôm 17/2/1979.
Một lính biên phòng Việt Nam bị giết trong cuộc xâm lược của Trung Quốc lên các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hôm 17/2/1979. (AFP photo)

Thế nhưng, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận vài năm trở lại đây, truyền thông chính thống nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 một cách nhỏ giọt và ngày càng chuyển tải ý nguyện của nhiều người dân rằng lãng quên là có tội; cũng như cần phải cho con cháu đời sau nhận thức rõ bản chất xâm lược của Trung Quốc qua cuộc chiến đó. Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Kha Lương Ngãi lên tiếng về lập luận của ông vì sao có hiện tượng Hà Nội cho phép cơ quan báo đài trong nước đưa tin liên quan cuộc chiến biên giới sau nhiều năm cấm đoán:

“Tôi không có đầy đủ thông tin để phát biểu chuyện này nhưng theo tôi đoán họ bị mang tiếng là ôm chân Bắc Kinh, chịu lệ thuộc Bắc Kinh để được bảo hộ đảng và chế độ cầm quyền. Họ bị mang tiếng quá rồi cho nên họ nới lỏng ra. Chắc cõ lẽ là như vậy.”

Đại khái là có những điều tiết nên không hoàn toàn là thống nhất, nhất quán đâu. Việc chỉ đạo báo chí thì cũng trồi sụt tùy theo 'nóng lạnh' giữa Ba Đình với Bắc Kinh."<br/> - Nhà báo Võ Văn Tạo

Từ Nha Trang, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho biết theo ghi nhận của ông chiến tranh biên giới năm 1979 bắt đầu được truyền thông lề phải nhắc đến từ việc không đề cập ai đã khơi mào cuộc chiến cách nay vài năm và dần dần phổ biến thông tin đầy đủ hơn về cuộc chiến cũng như các hệ lụy sau cuộc chiến. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng đây là minh chứng cho dấu hiệu nới lỏng của Ban Tuyên giáo trong chỉ đạo đăng tải thông tin về chiến tranh biên giới năm 1979 nhưng không có nghĩa là được tự do trong việc đưa tin. Qua đồng nghiệp cũ và bạn bè trong giới báo chí, nhà báo Võ Văn Tạo được cho biết:

“Ban Tuyên giáo có chỉ đạo, ví dụ sắp tới đây là ngày bao nhiêu đó thì bắt đầu được đăng; báo A, báo B đăng nhưng báo C, báo D thì chưa đăng rồi cách đấy một hai ngày thì báo C, báo D mới đăng…Đại khái là có những điều tiết nên không hoàn toàn là thống nhất, nhất quán đâu. Việc chỉ đạo báo chí thì cũng trồi sụt tùy theo ‘nóng lạnh’ giữa Ba Đình với Bắc Kinh.”

Về phía dân chúng trong nước, những người quan tâm đến cuộc chiến tranh biên giới bi hùng năm 1979 chia sẻ với RFA việc tìm kiếm thông tin trong thời đại internet là đều không khó nhưng đối với họ đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận cuộc chiến một cách đúng đắn và những người lính hy sinh để bảo vệ tổ quốc cần được vinh danh, cũng như tưởng nhớ nạn nhân bị sát hại trong cuộc chiến đó.