Liệu Đoàn Thị Hương có được trả tự do vào ngày 1 tháng 4 đến đây?

Trong phiên xét xử ngày 11/3, tòa án Malaysia đã tuyên bố trả tự do cho cô Siti Aisyah người Indonesia mà không nêu ra lý do. Cô này được phóng thích ngay sau phiên tòa và hiện đã về nước.

Tại phiên biện hộ diễn ra hôm 14/3, Bộ trưởng Tư pháp Malaysia quyết định tiếp tục phiên tòa đối với cô Đoàn Thị Hương dù nhóm luật sư bào chữa có gửi thư đề nghị xem lại trường hợp của cô này và đề nghị thả tự do cho cô Hương.

Ngay sau khi có quyết định của tòa án Malaysia, ông Abdul Fareed tân chủ tịch Hội luật sư Malaysia lên tiếng cho rằng việc bị cáo Indonesia được tha bổng sau quá trình khởi tố và biên hộ, trong khi Đoàn Thị Hương vẫn bị truy tố là điều bất bình thường và yêu cầu công bố lý do.

Có thắc mắc được nêu ra vì sao Liên đoàn Luật sư Việt Nam lại không lên tiếng về vụ việc. Bên cạnh đó là lo ngại đây không đơn thuần còn là vụ án hình sự nữa mà nó mang yếu tố chính trị.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết, về mặt pháp lý quốc tế thì Malaysia đã vi phạm nghiêm trọng về những quy định công ước quốc tế về tư pháp. Ông giải thích

<i>Bảo hộ công dân là công việc của ngành ngoại giao, đi ra nước ngoài đại sứ quán có nhiệm vụ bảo hộ công dân tuy nhiên công tác bảo hộ công dân Việt Nam nó rất là ít.</i>

<i>- Đặng Xương Hùng</i>

“Thật sự mà nói nguyên tắc về suy đoán vô tội ở đây nó không được thực hiện ở Malaysia cho nên về công ước quốc tế đó đã vi phạm nghiêm trọng về quyền con người và quyền công dân. Mỗi nước khi tham gia công ước về quyền dân sự, ở đây tôi sợ rằng nó sẽ trở thành một thông lệ, tiền lệ sống khi người ta nói đến luật pháp của Malaysia thì người ta sẽ nghi ngờ. Tôi nghĩ rằng đây là một vụ án nó không mang tính hình sự mà mang tính chính trị là nhiều.”

Còn đối với luật sư Đặng Đình Mạnh, người thường xuyên bào chữa cho nhiều vụ án oan sai tại Việt Nam, từ Sài Gòn cho chúng tôi biết, vụ án này nếu cô Hương được tự do hay tiếp tục bị giam giữ là do các tác động về vấn đề ngoại giao là chính chứ không phải về pháp lý luật hình sự của Malaysia.

“Vì hành vi của cô người Indonesia với Đoàn Thị Hương là tương tự nhau thì không có lý nào lại hành xử hai người khác nhau như vậy. Nên tôi nói nó có tác động về phương diện ngoại giao giữa chính phủ các quốc gia chứ không xét về phương diện pháp lý đâu, nếu theo phương diện pháp lý thì mình sẽ không bao giờ lý giải được vấn đề này.”

Vào hôm 28/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam có lên tiếng khẳng định rằng hiện Việt Nam đang có những biện pháp được tiến hành nhằm bảo hộ mức cao nhất công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được thả tự do.

Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, cho rằng quan chức Việt Nam chỉ quan tâm đến việc bảo vệ quyền lực của họ mà thôi chứ còn công tác ngoại giao của Việt Nam đến nay vẫn còn xem nhẹ về vấn đề bảo hộ công dân lắm. Ông nhận định:

“Cái đó chỉ là đối phó dư luận thôi chứ cái thời Bộ Ngoại giao tôi làm thì cho thấy một nền ngoại giao chuyên môn đi đối phó thôi chứ không có giải quyết cụ thể đâu. Bảo hộ công dân là công việc của ngành ngoại giao, đi ra nước ngoài đại sứ quán có nhiệm vụ bảo hộ công dân tuy nhiên công tác bảo hộ công dân Việt Nam nó rất là ít.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra nhận định của một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp như ông:

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng. (AFP)

“Tôi nghĩ rằng việc này giống như là đứng trước sự việc đã rồi đó, một cách hành xử chỉ mang tính vuốt đuôi thôi chứ không mang tính chủ động. Nếu chúng ta biết quá trình mà chính quyền Indonesia mà họ đã làm thì mới biết đó là suốt một quá trình vận động của họ chứ không phải là những hành vi bọc phát nhất thời để họ bảo vệ công dân của họ.”

Thông tin từ Việt Nam cho biết Hà Nội cũng có vận động với chính phủ Malaysia để Đoàn Thị Hương được thả tự do. Ngày 28/4/2017 thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp thủ tướng Malaysia khi đó là ông Najib Razak tại thượng đỉnh ASEAN nêu yêu cầu bảo đảm cho cô Hương một phiên tòa công bằng. Sau đó vài tháng, phó thủ tướng Trương Hòa Bình có chuyến thăm Malaysia cũng có nêu lại vụ án này.

Mới đây nhất sau khi cố Aisyah được thả tự do, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia đề nghị bảo đảm một phiên tòa công bằng và trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương và cùng ngày Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng đưa ra yêu cầu tương tự trong thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Malaysia.

Ông Đặng Xương Hùng cho hay, giữa các nước Đông Nam Á luôn có những cuộc vận động đặc thù nhưng hiệu quả đạt được tới đâu nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan hệ giữa hai nước.

“Giữa các nước ĐNA thì nó cũng có những sự vận động đặc thù, phải nó là trong các nước ĐNA thì việc giải quyết vấn đề nhân quyền nó rất là bấp bênh và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong quan hệ giữa hai nước nữa chứ không phải cứ vận động là anh có thể làm được, tuy nhiên quả bóng lại quá rõ ràng như thế này rồi thì ngành ngoại giao cũng phải vào cuộc còn hiệu quả tới đâu thì tôi rất là nghi ngờ bởi vì là sự cố gắng đó vẫn chưa đủ.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng e ngại kết quả của phiên tòa tiếp theo sẽ không như mong đợi.

“Tôi e ngại rằng kết quả nó sẽ không như chúng ta mong đợi cho cô Đoàn Thị Hương và có thể có một phán quyết xấu đối với cô vì nếu có kết quả tốt thì người ta đã hành xử với cô ấy cùng với sự tha bổng đối với cô người Indonesia nhưng họ vẫn quyết tâm giữ cô ấy lại xét xử nên chúng tôi rất là e ngại cho hoàn cảnh cô ấy bây giờ và tôi nghĩ kết quả sẽ xấu.”

Hình ảnh của cô Đoàn Thị Hương sau phiên tòa ngày 11 tháng 3 khi cô Siti Aisyah được tự do cho thấy một sự suy sụp hoàn toàn, khác hẳn với những lần xuất hiện tại những phiên tòa trước đây.

Bản thân cả hai cô đều cho rằng bị lừa chơi một trò truyền hình thực tế và họ không hề biết hành động của họ khiến người khác tử vong.