Khẩn trương di dời Nhà máy Rạng Đông
Sau hai tuần xảy ra vụ cháy ở Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và nhiều thông tin bất nhất giữa các cơ quan chức năng khiến dư luận càng hoang mang và lo lắng về mức độ độc hại sau vụ cháy, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ vào ngày 9 tháng 9 đã ban hành một văn bản hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Bộ Tài nguyên-Môi trường và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội để yêu cầu phối hợp nhằm khẩn trương xử lý hậu quả vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư.
Ngay lập tức vào chiều ngày 10 tháng 9, Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung ký văn bản hỏa tốc yêu cầu tiến hành ngay việc thu gom, xử lý chất thải, tẩy độc tại Nhà máy Rạng Đông; đồng thời khẩn trương di dời nhà máy này ra khỏi nội thành thủ đô.
Theo thông tin cập nhật mới nhất của Đài RFA ghi nhận từ cơ quan chính quyền và báo giới trong nước loan tin thì đến nay lãnh đạo Rạng Đông đã gửi lời xin lỗi đến chính quận thành phố và người dân hai phường Thanh Xuân Trung và Hạ Đình. Tuy nhiên người dân vẫn rất bức xúc vì những ảnh hưởng sức khỏe phải được đền bù thỏa đáng.
Một cư dân Hà Nội, Blogger Nguyễn Tường Thụy thuật lại với RFA những gì ông nghe được từ những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông qua các nhóm chia sẻ trực tuyến:
“Qua những nhóm online thì cư dân ở gần Nhà máy Rạng Đông bày tỏ sự lo lắng liên quan về công việc, khó khăn về làm việc và sinh hoạt, phải đi sơ tán do không khí ô nhiễm và quan trọng nhất là yêu cầu Nhà máy Rạng Đông bồi thường cho những thiệt hại lớn nhỏ cho họ liên quan công ăn việc làm… hay phải đi thuê nhà và công việc bị đảo lộn.”
Trước những hình ảnh người dân sinh sống xung quanh khu vực Nhà máy Rạng Đông treo biển cho thuê, bán nhà và gần 1500 người đi khám sức khỏe miễn phí trong vòng 4 ngày, từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 9, làm dấy lên một thắc mắc trong dư luận rằng trách nhiệm giải quyết bồi thường sau vụ cháy sẽ là công ty Rạng Đông hay Chính quyền địa phương và Trung ương?
Nếu vụ cháy không xảy ra
<i>Thật ra Nhà nước không có tiền để hỗ trợ. Nhà nước, chính quyền địa phương và Trung ương chỉ hỗ trợ về một số chính sách thôi. Ví dụ như Nhà nước hỗ trợ bằng cách cho vay vốn với lãi suất thấp, hay hỗ trợ giá, tạo điều kiện cho thuê đất thấp, hoặc hỗ trợ về mặt chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về mặt thị trường…Chứ Nhà nước không bỏ tiền cho doanh nghiệp di dời. Doanh nghiệp phải tự lo<br/>-Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ</i>
Để tìm lời đáp cho câu hỏi vừa nêu của dư luận, truyền thông quốc nội nhắc lại hồi tháng 4 năm 2003, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. UBND thành phố Hà Nội, chưa đầy hai tháng sau đó, cũng ra quyết định chuyển các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường khỏi nội đô.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính được báo giới dẫn lời cho biết vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư đã được tính đến từ thời điểm xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nhấn mạnh rằng tại Quy hoạch được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt hồi năm 2011 ghi rõ việc di dời các cơ sở công nghiệp cũ và các cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và dành 70 % diện tích đất tự nhiên cho hành lang xanh, nhằm giữ cân bằng đô thị, bảo tồn hệ sinh thái.
Thành phố Hà Nội cũng xác định lộ trình đến năm 2020, 117 cơ sở gây ô nhiễm trên phạm vi 12 quận sẽ được di dời ra khỏi nội thành thủ đô.
Từ Hà Nội, Nhà báo Hồ Bất Khuất, vào tối ngày 10 tháng 9 lên tiếng xác nhận với RFA về kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm được Chính quyền Hà Nội tiến hành trong những năm qua:
“Ví dụ như khu liên hiệp Cao-Xà-Lá được đưa ra ngoài nội ô, ở Thượng Đình chẳng hạn. Nhà máy Rạng Đông là ở Hạ Đình nhé. Còn Khu liên hiệp Cao-Xà-Lá gồm có nhà máy sản xuất xà phòng, thuốc lá đã được đưa ra ngoài ngoại ô rồi. Không hiểu sao Nhà máy Rạng Đông lại không bị đưa ra ngoài, thì tôi không rõ chứ còn có chủ trương như thế. Đáng ra cỡ như Nhà máy Rạng Đông là đã phải chuyển đi rồi. Nhưng bây giờ đã xảy ra sự cố rồi mới chuyển, như dân chúng nói là ‘mất bò mới lo làm chuồng’. Tuy nhiên, cương quyết là phải chuyển.”
Không chỉ mỗi Nhà máy Rạng Đông là trường hợp duy nhất, mà dân chúng Hà Nội lẫn truyền thông còn liệt kê rất nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa di dời, mặc dù bị phản ảnh gây ô nhiễm cho cộng đồng dân cư; đơn cử như Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy sản xuất thuốc lá Thăng Long, Công ty thương mại Bia Hà Nội…
Đài Á Châu Tự Do đặt giả thiết nếu vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông đã không xảy ra thì liệu rằng một chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam về di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, khu vực đông dân cư vẫn “dậm chân tại chỗ” ở thủ đô Hà Nội và ở cả những địa phương khác tại Việt Nam? Cũng như liệu rằng Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ gửi văn bản lên Chính phủ đề nghị rà soát và di dời tất cả các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm còn nằm lại trong khu vực dân cư như cơ quan này đã làm vào hôm 7 tháng 9 vừa qua?
Vì sao không di dời?
Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường lên tiếng giải thích với Đài Á Châu Tự Do rằng quá trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm diễn ra từ từ trong gần hai thập niên qua ở những thành phố lớn như Hà Nội, và thành phố Hồ Chí Minh hay ở các tỉnh có nhiều nhà máy công nghiệp như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên đều bởi một nguyên nhân là do doanh nghiệp không có tiền để di dời. Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ trình bày:
“Thật ra Nhà nước không có tiền để hỗ trợ. Nhà nước, chính quyền địa phương và Trung ương chỉ hỗ trợ về một số chính sách thôi. Ví dụ như Nhà nước hỗ trợ bằng cách cho vay vốn với lãi suất thấp, hay hỗ trợ giá, tạo điều kiện cho thuê đất thấp, hoặc hỗ trợ về mặt chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về mặt thị trường…Chứ Nhà nước không bỏ tiền cho doanh nghiệp di dời. Doanh nghiệp phải tự lo.”
Trong khi đó, kể từ sau khi vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông xảy ra vào hôm 28 tháng 8, không ít cơ quan báo chí Nhà nước đăng tải thông tin về các doanh nghiệp không chịu di dời ra khỏi nội thành như Công ty Rạng Đông mà được mô tả là “vẫn cố thủ, không chịu nhường ‘đất vàng’ trong nội ô cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn”.
<i>Hiện nay nhiều nhà máy đã biến thành các khu đô thị rồi. Và, những khu đô thị ấy toàn là của những đại gia. Đối với Nhà máy Rạng Đông, nhiều đại gia kiếm được quyền lợi rất nhiều ở trong vấn đề lấy mặt bằng của nhà máy để xây dựng khu dân cư. Và, riêng Nhà máy Rạng Đông, nói chung có ý kiến của rất nhiều người, trong đó nếu nhà máy phải di dời thì sẽ không chấp nhận biến nhà máy thành khu dân cư để đem lại quyền lợi cho đại gia, mà phải làm các công trình công cộng như công viên và trường học, hay các cơ sở phụ vụ cho cộng đồng<br/>-Blogger Nguyễn Tường Thụy</i>
Báo mạng Vietnamoi.vn, vào ngày 9 tháng 9 cho biết theo quy họach 1/2000 của thành phố Hà Nội thì khu đất 5,7 héc-ta của Công ty Rạng Đông được quy hoạch là đất công cộng, trường học và một phần chưa xác định và phần đất này đang nằm trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch, sẽ được thực hiện theo dự án riêng với sự chấp thuận của cấp thẩm quyền.
Dư luận và cư dân quanh khu vực Nhà máy Rạng Đông một mặt hài lòng với quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chính quyền Hà Nội là khẩn trương di dời Nhà máy Rạng Đông ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, qua tình trạng những khu “đất vàng” ở thủ đô mà các nhà máy đã di dời biến thành các khu đô thị thuộc sở hữu của những tập đoàn kinh doanh bất động sản, như Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo nay là Vincom, Triển lãm Giảng Võ nay là Vinhomes City, Công ty Viettronic Đống Đa (Láng Thượng-Nguyễn Chí Thanh) nay là Vincom Plaza hay Nhà máy dệt kim Hà Nội và dệt 8/3 nay là Time City hoặc Nhà máy xà phòng Hà Nội nay là Hoàng Huy Golden…khiến cho họ mặt khác hoài nghi về mảnh đất 5,7 héc-ta nơi Nhà máy Rạng Đông tọa lạc sẽ thế nào sau khi nhà máy này di dời? Blogger Nguyễn Tường Thụy chia sẻ với RFA về ghi nhận của ông:
“Hiện nay nhiều nhà máy đã biến thành các khu đô thị rồi. Và, những khu đô thị ấy toàn là của những đại gia. Đối với Nhà máy Rạng Đông, nhiều đại gia kiếm được quyền lợi rất nhiều ở trong vấn đề lấy mặt bằng của nhà máy để xây dựng khu dân cư. Và, riêng Nhà máy Rạng Đông, nói chung có ý kiến của rất nhiều người, trong đó nếu nhà máy phải di dời thì sẽ không chấp nhận biến nhà máy thành khu dân cư để đem lại quyền lợi cho đại gia, mà phải làm các công trình công cộng như công viên và trường học, hay các cơ sở phụ vụ cho cộng đồng. Về tinh thần của nhân dân khu dân cư ở đấy thì họ cũng mạnh mẽ đấy vì nó liên chặt chẽ đến quyền lợi của họ cho nên họ sẽ đấu tranh.”
Đài RFA ghi nhận qua mạng xã hội, rất nhiều ý kiến giống như lời kêu gọi của Nhà báo Hồ Bất Khuất rằng các cơ quan thẩm quyền cần thiết tổ chức họp báo để công khai, minh bạch thông tin liên quan vụ cháy tại Nhà máy Rạng Đông cũng như phổ biến cho dân chúng biết về kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành tại Việt Nam sẽ được thực hiện ra sao sau đề nghị mới nhất của Bộ Tài nguyên-Môi trường với Chính phủ. Bởi vì, những hệ lụy như vừa mới xảy ra tại Nhà máy Rạng Đông, người dân là nạn nhân trực tiếp.