Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10, sau khi hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội đợt hai vào 0h ngày 29 tháng 6 năm 2021. Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TPHCM Dương Anh Đức cho báo chí nhà nước biết thông tin vừa nêu hôm 28/6.
Có còn lạc quan?
Chỉ thị 10 có nghĩa là TPHCM tiếp tục việc dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng chợ và các hoạt động mua bán khác.
Trong khi đó, theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân TPHCM thông qua cuối năm 2020, chỉ tiêu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố năm 2021 là gần 365 ngàn tỷ đồng. Liệu TPHCM sẽ đạt được con số chỉ tiêu thu trung ương giao trong năm nay - để nộp ngân sách Nhà nước? Trong khi TPHCM đang bị điêu đứng vì đợt bùng phát dịch COVID-19 từ tháng tư đến nay, liệu giải pháp giảm thu có được trung ương áp dụng?
Với hoàn cảnh như vậy thì tôi cho rằng cần giảm nghĩa vụ nộp ngân sách trung ương của TPHCM trước mắt là trong năm nay, để TPHCM có tiềm lực giải quyết dịch bệnh với một trung tâm hơn 10 triệu người sinh sống.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết khi trả lời RFA từ TPHCM hôm 29/6, nhận định:
“Chính phủ đứng trên bình diện tổng thể, thì Chính phủ phải nhìn tổng thể đó để mà quyết định. Còn chuyện giảm bớt thì rõ ràng dịch ảnh hưởng kinh tế xã hội, đến sản xuất, đến kinh doanh, đến dịch vụ, đến du lịch... tất cả mọi thứ đều bị sụt giảm... Và cuộc sống về mặt con người trong xã hội bây giờ cũng phải giảm chứ không có cách nào. Bây giờ muốn giảm dịch lây lan thì phải giãn cách xã hội, phải có các biện pháp. Mà các biện pháp đó làm người ta không làm ăn được thì thu nhập kém, cái đó là tất yếu.”
Theo lẽ tất yếu như nguyên Bộ trưởng Lê Văn Triết nói nhưng trong thực tế trước đại dịch COVID-19 kéo dài trong suốt năm 2020, lãnh đạo TPHCM vẫn ngạo nghễ thông báo con số thu ngân sách Nhà nước cho thành phố trong năm 2020 là 371.385 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu giao là 364.893 tỉ đồng, chiếm 24,79% tổng dự toán thu cả nước.
Dù vậy, với đợt bùng phát dịch lần thứ tư này- TPHCM trở thành một trong ba tâm dịch với số ca nhiễm tăng mỗi ngày khiến TP đã phải áp dụng giãn cách dài hơi thì sự “lạc quan” về việc hồi phục nền kinh tế có thể được như mong đợi? Chưa kể, theo Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết thì các biện pháp hiện nay TPHCM áp dụng để ngăn chặn dịch vẫn chưa hiệu quả:
“Các biện pháp giãn cách xã hội mà TPHCM thực hiện để giảm dịch COVID, thì theo ý tôi nhìn chung vẫn chưa giảm, mà người ta còn đang khẩn trương là các biện pháp khác. Tôi cho rằng việc này cần làm ngay, vì lần này rất nghiêm trọng, số ca cứ tăng. Theo như người ta đánh giá, Việt Nam từ nước chống dịch được thế giới thừa nhận, thì bây giờ thành nước đứng hạng thấp trong các nước Đông Nam Á. Trong lúc đó thì dịch cứ phát triển, nên theo tôi phải tiếp tục tìm mọi cách để làm giảm bớt dịch bệnh bùng phát.”
Trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ tư, theo cổng thông tin TPHCM, trong bốn tháng đầu năm 2021, thành phố đã thu ngân sách hơn 140 ngàn tỉ đồng, đạt hơn 38,4% dự toán bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên theo đánh giá của Tạp chí VNEconomy, đây là khoản thu ‘lạc quan’ trên nền thấp của năm 2020.
Nên giảm nghĩa vụ nộp ngân sách
Trong Báo cáo Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Tài chính–Ngân sách Quốc hội lo ngại đợt bùng phát của đại dịch COVID-19 từ tháng 4 ở các địa phương và thành phố lớn vẫn phức tạp. Việc giãn cách đã tác động bất lợi đến tình hình sản xuất kinh doanh và dự báo sẽ ảnh hưởng nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách, khi trả lời báo chí nhà nước cho rằng, khả năng miễn dịch cộng đồng còn xa do đại dịch COVID - 19 vẫn phức tạp nên vấn đề thu chi ngân sách cuối năm căng như dây đàn...
Trở lại với tình hình ở TPHCM, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, khi trao đổi với RFA hôm 29/6, cho biết ý kiến của mình:
“Sự thật mà nói các địa phương nộp ngân sách cho trung ương thì nên lấy chuẩn mực giống như thuế thu nhập. Địa phương thu nhập được bao nhiêu thì phải nộp thuế bấy nhiêu. Tôi cho rằng cái đó là một nguyên lý mà cả thế giới áp dụng. Còn trong mùa dịch, nhất là đợt bùng phát thứ tư này có biểu hiện hơi nặng, thứ nhất là kéo dài, thứ hai là số lượng tăng nhiều hơn các đợt trước. Đến nay thì TPHCM là một tâm dịch mới, sau Bắc Giang, và hiện nay cũng có vấn đề có thể làm cho TPHCM rất khó khăn trong chống dịch... Với hoàn cảnh như vậy thì tôi cho rằng cần giảm nghĩa vụ nộp ngân sách trung ương của TPHCM trước mắt là trong năm nay, để TPHCM có tiềm lực giải quyết dịch bệnh với một trung tâm hơn 10 triệu người sinh sống.”
Theo như người ta đánh giá, Việt Nam từ nước chống dịch được thế giới thừa nhận, thì bây giờ thành nước đứng hạng thấp trong các nước Đông Nam Á. Trong lúc đó thì dịch cứ phát triển, nên theo tôi phải tiếp tục tìm mọi cách để làm giảm bớt dịch bệnh bùng phát.
-Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu đủ tiềm lực thì TPHCM có thể tự giải quyết chuyện vắc-xin cho toàn dân. Ông nói tiếp:
“Tôi cho rằng lúc này đừng câu nệ bất cứ gì trong chuyện giải quyết vắc-xin. Bời vì như kinh nghiệm của Mỹ, nước Mỹ khi có vắc-xin thì nước Mỹ khác hẳn. Vì vậy Việt Nam cũng nên lấy điểm tựa là vắc-xin, phải đa dạng hóa nguồn nhập vắc-xin, đa dạng hóa cách thức nhập khẩu và cách đưa vắc-xin đến với người dân. Nhưng trước mắt, về nghĩa vụ nộp ngân sách, trong hoàn cảnh hiện nay TPHCM là một tâm dịch mới, thì cần phải giảm, thậm chí giảm rất mạnh, để TPHCM lo chống dịch cho mình.”
Theo số liệu thống kê được công bố trong buổi họp Chính phủ Việt Nam ngày 8/5/2020, đóng góp của thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 22-23% GDP của cả nước, chiếm 25% ngân sách cả nước, và 33% dịch vụ cả nước…
Còn theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách cho TPHCM có xu hướng giảm qua từng thời kỳ. Vào năm 2000, TPHCM được giữ 33% ngân sách, thì sau 20 năm giảm chỉ còn 18% vào năm 2020 và phải nộp ngân sách 82% số tiền thu được.
Trong khi đó Hà Nội được giữ lại 35% ngân sách và chỉ phải nộp ngân sách 65% số tiền thu được từ tất cả các nguồn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA mới đây cho rằng:
“Vấn đề là những nguồn thu của TPHCM không phải chỉ do thành phố sản xuất ra mà nguồn thu đó có sự đóng góp của các địa phương khác ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Như vậy trung ương có các lý do nhất định để điều tiết nguồn thu phát sinh từ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy tôi cũng đồng ý rằng 18% để lại cho ngân sách của TPHCM là vấn đề nên được thảo luận và xem xét.”