Ngoài việc “thúc” Chính phủ sớm ban hành quy định xử lý cán bộ thì UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi trung ương hỗ trợ thành phố trong việc tiếp xúc, vận động, giải thích để người dân hiểu, thông suốt và đồng thuận với phương án giải quyết của TP. Đồng thời hạn chế việc tiếp nhận, chuyển đơn về TP xử lý đối với các khiếu nại, tố cáo đã được các ngành, cấp TP giải quyết.
Cải tổ bộ máy
Cũng trong kiến nghị lần này, thành phố cho biết sẽ xử lý nghiêm, công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử và cương quyết xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm để cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.
Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan công quyền phải nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu với người dân, doanh nghiệp; loại bỏ ngay các thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với nghề luật sư như ông khi làm thủ tục giấy tờ cho người dân cũng thấy nhiều khó khăn nên thông điệp vừa được thành phố đưa ra được rất nhiều doanh nghiệp và người dân đồng tình.
“Đã từ lâu người dân đã muốn công khai chuyện này và phải thực hiện công khai đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận xử lý kịp thời những kiến nghị tố cáo của người dân, doanh nghiệp về hành vi nhũng nhiễu và gây phiền hà. Tôi thấy đây là một thông điệp rất là hay cho một nhà nước vì nhân dân của dân và chịu sự giám sát của người dân, thông điệp này được sự rất đồng tình của người dân và doanh nghiệp TPHCM đối với những cán bộ công chức lâu nay gây phiền hà, họ đặt ra những thủ tục không có trong luật.”
Ngoài ra, luật sư Hậu còn cho hay, trong luật thì tổ chức chính quyền địa phương đã có những quy định rất rõ các trình tự thủ tục nên ở những nơi thường xuyên có sự tiếp xúc và giao dịch với người dân và doanh nghiệp thì các cơ quan công quyền cần phải có hệ thống giám sát bằng công nghệ hiện đại như ghi âm, ghi hình hoặc giám sát trực tuyến thì mới hiệu quả.
Nhà báo Đàm Ngọc Tuyên, một nhà quan sát từ Sài Gòn cho chúng tôi hay, vấn đề không chỉ riêng tại Thành phố HCM, từ trước đến nay Việt Nam không biết bao nhiêu thông tư, nghị quyết, quy định như vậy được đưa ra nhưng khi thực hiện thì hoàn toàn không đúng. Vì vậy:
“Nếu chính xác người ta đưa ra sắc luật như vậy để thượng tôn pháp luật thì điều đó rất là tốt, chứ thật sự trước đây khi mà không có những đạo luật như vậy thì khi đưa ra những luật như vậy thì nhiều quan chức sau khi sai phạm từ những chuyện nhỏ đến chuyện lớn thì hầu như người dân đều cảm nhận rằng, khi tên tuổi họ được đưa lên truyền thông rồi thì một thời gian sau người ta được thuyên chuyển sang những vị trí cao hơn thì cũng như không thôi.”
Còn theo ông Trần Bang, một kỹ sư và là một người dân sinh sống tại Sài Gòn thì có nhận định rằng, điều này rất cần thiết trong nội bộ của nhà nước nhưng ông cho rằng nó không thật sư triệt để.
“Bởi vì triệt để nhất là nên bỏ luật an ninh mạng đi để người dân có quyền được cất tiếng nói, thì tiếng nói trên cộng đồng mạng là tiếng nói khủng khiếp nhất ngay cả những sự kiện mà cộng đồng mạng mà họ khui ra thì xin lỗi còn hơn một bản án của tóa quyết nên điều đó nó tác động nhiều hơn là nội bộ xin Chính phủ xử lý. Tội của người ta mà không công khai ra mà phải xin một người nào đó để mình được làm thì nếu ông kia không cho làm thì anh cũng không làm được hay sao.”
Đã có luật – thêm quy định
Dư luận xã hội đặc vấn đề cho rằng, trong Nghị định 97/2017 bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013 quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành nêu rất rõ việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm trong công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ được giao, giờ thêm quy định về xử lý cán bộ sai phạm, liệu thêm quy định có thể thanh lọc được cán bộ suy thoái, cậy thế cậy quyền, nhũng nhiễu dân?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, ông không lo sẽ có sự chồng chéo trong cách xử phạt, vì cơ chế của chính phủ như hình chóp, tức là Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị thì các tỉnh thành, quận huyện là những nơi thực hiện cụ thể.
“Thì giờ thành phố HCM đưa ra thông điệp này kiên quyết loại bỏ những bộ máy của Đảng và nhà nước những cán bộ có hành vi tiêu cực, tham nhũng và thậm chí xử lý hình sự những trường hợp vi phạm. Muốn làm được chuyện này thì tôi cho con người rất là quan trọng mà để con người làm tốt thì phải có những chế tài như vậy và cần thay đổi công tác đối với những công việc mang tính nhạy cảm và phức tạp. Đảm bảo giảm quyết dứt điểm những kiến nghị phản ánh tố cáo của người dân và doanh nghiệp.”
Tuy nhiên, theo nhà báo Đàm Ngọc Tuyên thì luật Việt Nam có sự chồng chéo lên nhau và ngay cả “phép vua thua lệ làng”, có nghĩa là ngay cả những có Luật thì cũng không “hợp” với luật của địa phương.
Ngay cả trên cao khi họp Quốc hội người ta đưa ra những luật cũng vậy, đi kèm theo biết bao nhiêu thông tư hướng dẫn xử lý thế này thế kia nhưng cuối cùng cũng không ăn thua gì cả. Bây giờ không chỉ TPHCM mà ngay cả trung ương đưa ra bao nhiêu sắc luật yêu cầu quan chức không sách nhiễu người dân phải làm đúng là nô bọc nhân dân thì sẽ không bao giờ thực hiện được vì cái chính là đã nằm ở thể chế rồi nên giờ có ra bao nhiều sắc luật thì cũng sẽ như vậy mà thôi."
Còn theo ông Trần Bang thì thừa nhận rằng, về việc thủ tục hành chính thì tại Sài Gòn họ đã làm khá hơn (chứ không tốt) nhiều tỉnh thành khác
“Tức là thủ tục hành chính ở phường, quận thì cán bộ cũng hơi sợ dân vì dân nhiều khi cũng là cán bộ cấp cao về hưu, người ta đi làm các thủ tục hành chính cho nên họ cũng rất sợ nên trong nội thành tương đối khá hơn chút còn ngoài thành, các tỉnh khác, tỉnh lẻ thì họ bậy bạ nhiều hơn. Trong bất cứ nội bộ của tổ chức nào người ta cũng đều có những quy định riêng nhưng mà theo tôi nó không triệt để.”
Vào ngày 30/7/2019, thành phố HCM vừa tiến hành xử lý 300 cán bộ, công chức bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, thôi việc vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác phòng chống lĩnh vực xây dựng. Và trong ngày 27/8, 10 cá nhân và tập thể Sở Giao thông vận tải cũng vừa bị kiểm điểm. Trước đó hàng loạt cán bộ TPHCM cũng bị đề nghị truy tố như nguyên phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh….