Trong những ngày hạ tuần tháng 6 năm 2019, giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vịnh Hạ Long sẽ bị rơi vào mức độ “nguy hiểm” trước các hoạt động công nghiệp hiện nay của tỉnh Quảng Ninh.
Các nhà máy công nghiệp bủa vây
Truyền thông trong nước một lần nữa loan tin về phản ánh của người dân ở khu vực Vịnh Cửa Lục, thuộc quần thể Vịnh Hạ Long đang phải “sống mòn” trong môi trường ô nhiễm bởi các nhà máy nhiệt điện, xi măng và các cảng than mà báo giới quốc nội dùng từ “bủa vây” để mô tả.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, dân chúng sinh sống xung quanh khu vực các mỏ đá ở thôn Đồng Cao, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, nơi được gọi là “thủ phủ” của các mỏ khai thác đá và các trạm trộn bê tông nhựa asphalt hoạt động, than phiền với Tạp chí điện tử Môi trường & Cuộc sống rằng họ phải chung sống ngày đêm với khói, bụi, tiếng ồn, khí thải khét lẹt, đất đai khó canh tác trong hơn 10 năm qua. Và trong những ngày hạ tuần tháng 6, Báo Lao Động Oline cho biết các hộ dân ở huyện Hoành Bồ lại còn phải hứng chịu khói bụi mịt mù từ hai nhà máy xi-măng cùng hai nhà máy nhiệt điện Thăng Long và Quảng Ninh. Song song đó, hoạt động tại các cảng than ở bờ sông Diễn Vọng cũng gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân địa phương vùng Vịnh Cửa Lục.
Không những vậy, những mỏ than đang khai thác ở phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, cách huyện Hoành Bồ khỏang 15 km về hướng Tây Bắc, còn bị hiện tượng than trôi đen các con suối đổ ra Vịnh Cửa Lục mỗi khi có trời mưa lớn. Các trụ sở làm việc của cơ quan công quyền ở phường Hà Khánh được báo giới ghi nhận luôn phải làm việc trong tình trạng đóng kín cửa sổ và một lớp bụi xi-măng màu trắng phủ kín hành làng và bàn làm việc…
Cảnh báo của giới chuyên gia
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra bởi các nhà máy công nghiệp và hoạt động khai thác khoáng sản than ở Quảng Ninh gây nên, giới chuyên gia cho rằng môi trường thiên nhiên của Vịnh Hạ Long, hai lần được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994 và năm 2000 sẽ bị rơi vào “nguy hiểm”.
<i>Thực chất là thế này, trong kinh nghiệm làm báo của tôi là họ bảo kê cho những việc đó. Họ bảo kê hết. Họ biết quá đi chứ, nhưng họ có quyền lợi trong đó. Hầu hết các trường hợp như thế đều đút lót hết, chứ không thể nào không biết. Nói thẳng vấn đề là như thế<br/>-Nhà báo Võ Văn Tạo</i>
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo, ông Nguyễn Chu Hồi được Báo Lao Động Online dẫn lời rằng sau chuyến khảo sát có ông tham gia thì kết quả cho thấy Vịnh Cửa Lục đã trở thành “vành đai nâu” với diện tích được ước tính đã giảm 40% do các hoạt động thi công đổ lấn vịnh, đồng thời nguồn nước từ 6 con sông đầu nguồn đổ ra Vịnh Cửa Lục nếu không được xử lý tốt thì Vịnh Hạ Long sẽ gánh chịu hậu quả, vì sự trao đổi nước giữa hai vịnh này là rất lớn.
Báo Lao Động Online còn trích lời cảnh báo của ông Trương Quốc Bình, người trực tiếp tham gia làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới rằng rừng càng ngày bị thu hẹp, trong khi các hoạt động lấn biển và sản xuất xung quanh Vịnh Hạ Long chưa có biện pháp xử lý tốt.
Diện tích rừng ngập mặn khu vực Bắc Vịnh Cửa Lục được ghi nhận hồi năm 2017 đã giảm gần 160 héc-ta so với năm 2013 và chất lượng rừng cũng được giới chuyên gia xác nhận ngày một kém đi do ảnh hưởng của quá trình san lấp.
Thạc sĩ Lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia làm việc trong lãnh vực bảo vệ rừng, vào tối ngày 24 tháng 6 giải thích với RFA về vai trò quan trọng của rừng ngập mặn xung quanh khu vực Vịnh Hạ Long
“Rừng ngập mặn có chức năng thanh lọc không khí và nước. Nếu rừng không bị phá và kết hợp với các nhà máy, xí nghiệp xả thải đúng tiêu chuẩn quy định thì có thể cân bằng hoặc là bản thân của thiên nhiên có thể thanh lọc và làm cho nước và không khí được quân bình. Tuy nhiên khi bị mất sự cân bằng thì có các nguyên nhân vì rừng bị phá đi nhiều, nhất là rừng ngập mặn nên môi trường không khí và nước đều bị ô nhiễm và bây giờ các nhà máy công nghiệp ngày nhiều và máy móc vận hành lỗi thời, kết hợp với cả du lịch và ở Vịnh Hạ Long cũng không loại trừ các hộ dân canh tác sử dụng họa chất nữa và các cơ quan môi trường quản lý cũng còn lỏng lẻo… Cho nên phải nhìn đa ngành, chứ không chỉ do các nhà máy công nghiệp xả thải thôi. Khi mất đi sự liên kết cân bằng thì thực tế sẽ xảy ra ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn và con người chúng ta ‘tự tử’ một cách từ từ khi làm như vậy.”
Công tác của cơ quan chức năng
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vào mùa hè năm 2018 đã tổ chức một đoàn tư vấn bởi các chuyên gia quốc tế nhằm hỗ trợ Chính quyền tỉnh Quảng Ninh quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long, đặc biệt trong vấn đề ô nhiễm do rác và nước thải.
Một hướng dẫn viên du lịch không muốn nêu tên nhận xét với RFA:
“Nói về hoạt động du lịch ngay trên Vịnh Hạ Long thì vấn đề rác là sạch hơn xưa. Trước đây ở Hạ Long rất dơ vì người ta xả rác ra môi trường, từ người dân cho đến các làng chài. Còn bây giờ bị cấm hết, không cho buôn bán trên thuyền bè nữa. Thêm nữa là bây giờ ý thức của khách du lịch cũng đỡ hơn, tức là họ nhận thức về việc không được xả rác xuống biển để bảo vệ môi trường. Tuy cũng còn những trường hợp theo luồn gió đẩy rác trên dòng nước từ chỗ này qua chỗ khác, nhưng nói chung là mỗi ngày tôi thấy càng tốt hơn.”
Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh ước tính trong năm 2018 có hơn 12 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan Vịnh Hạ Long, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017 và thu về gần 24 ngàn tỷ đồng. Ngành du lịch của tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 16 triệu du khách và thu về từ 30 đến 40 ngàn tỷ đồng cho đến cuối năm 2020.
Mặc dù tỉnh Quảng Ninh rất cố gắng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác và nước thải, trong đó có dự án “Bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long”, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Nhật Bản; tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường bởi các hoạt động của những nhà máy công nghiệp thì dường như là nan giải đối với chính quyền địa phương.
Trước phản ánh của người dân ở xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ và ký đơn tập thể kêu cứu với chính quyền địa phương, ông Trần Đình Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thống Nhất thừa nhận với Tạp chí điện tử Môi trường & Cuộc sống rằng chính quyền xã bị bất lực vì đã xuống kiểm tra các mỏ khai thác đá và trạm trộn bê tông asphalt nhưng các đơn vị trên không hợp tác.
<i>Vịnh sẽ chết và nước sẽ bị ô nhiễm, khách du lịch không đến nữa rồi dân chúng ở Vịnh Hạ Long sẽ mất nguồn thu và vấn đề niềm tin trong bảo vệ môi trường cũng bị mất…Đó là thực trạng sẽ diễn ra thôi<br/>-Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật</i>
Trong khi đó báo giới cũng không ít lần phanh phui các hoạt động khai thác đá trái phép hay những công trình sai phạm ở Vịnh Hạ Long. Thế nhưng công tác quản lý và xử lý của Chính quyền tỉnh Quảng Ninh được báo giới ghi nhận chưa đạt hiệu quả cao, điển hình như vụ việc Lữ đoàn Hải quân 107 hồi tháng 7 năm 2017 bị phát hiện lợi dụng công trường trong ranh giới quốc phòng để đưa tư nhân vào khai thác đá, tàn phá cả một vùng đệm ở khu vực phường Hà Tu mà Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc chỉ tuyên bố rằng đây là bài học trong việc quản lý đất, dự án quốc phòng trên địa bàn của địa phương và đã không cho biết biện pháp xử lý như thế nào.
Nhà báo Võ Văn Tạo từng nhấn mạnh với RFA liên quan các vụ việc vừa nêu:
“Thực chất là thế này, trong kinh nghiệm làm báo của tôi là họ bảo kê cho những việc đó. Họ bảo kê hết. Họ biết quá đi chứ, nhưng họ có quyền lợi trong đó. Hầu hết các trường hợp như thế đều đút lót hết, chứ không thể nào không biết. Nói thẳng vấn đề là như thế.”
Trả lời câu hỏi của RFA rằng các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh không đánh giá đúng mức tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vịnh Cửa Lục và có những giải pháp bảo vệ môi trường kịp thời thì hậu quả sẽ ra sao, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật khẳng định rằng:
“Vịnh sẽ chết và nước sẽ bị ô nhiễm, khách du lịch không đến nữa rồi dân chúng ở Vịnh Hạ Long sẽ mất nguồn thu và vấn đề niềm tin trong bảo vệ môi trường cũng bị mất…Đó là thực trạng sẽ diễn ra thôi.”