Doanh nghiệp tư nhân sẽ khởi sắc sau Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019?

Quang cảnh khai mạc Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ngày 02/05/19, tại Hà Nội.
Quang cảnh khai mạc Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ngày 02/05/19, tại Hà Nội. (Courtesy: VGP News)

0:00 / 0:00

Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra trong hai ngày 2-3/5. Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ phát triển và vươn ra thị trường thế giới.

Nhiều kỳ vọng

Truyền thông trong nước cho biết Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 là diễn đàn đối thoại về kinh tế tư nhân lớn nhất với sự tham dự của hơn 4000 người bao gồm đại diện doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, diễn giả, báo chí truyền thông cùng với hơn 100 giới chức và cán bộ trực thuộc cơ quan Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì khai mạc Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 với lời kêu gọi doanh nghiệp “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” để phát triển và đóng góp cho xã hội, cũng như vươn ra cạnh tranh toàn cầu.

Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là dịp để Nhà nước tiếp thu ý kiến cho việc góp ý xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII.

<i>Chính phủ thực sự cũng đã có quan tâm rất lớn đến kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế tư nhân thật sự chưa được như mong muốn. Chính vì lẽ đó mà việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 với khoảng 2500 đại diện của các doanh nghiệp tư nhân thực sự là một bước đổi mới. Người ta đã lắng nghe hơn những ý kiến khác nhau từ các doanh nghiệp tư nhân và từ đó cũng có các trao đổi một cách tương đối thẳng thắn, sòng phẳng về những vướng mắc cũng như những vấn đề mà kinh tế tư nhân đang gặp phải và cần phải có sự thay đổi cả về thể chế, kinh tế cũng như về phương thức quản lý và đặc biệt là thay đổi về cách điều hành đối với các cơ quan quản lý khi có những sự phát triển tiếp theo của kinh tế tư nhân<br/>-TS. Đinh Trọng Thịnh</i>

Đại diện của các cơ quan Đảng và Chính phủ, tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 cho biết khối doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng phát triển, qua các thông số ghi nhận như đóng góp tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, góp khoảng 14% so với tổng thu ngân sách Nhà nước và tính đến cuối năm 2018, có 715 ngàn doanh nghiệp tư nhân, chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế.

Giới chức Nhà nước Việt Nam cũng nhắc lại mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ có một triệu doanh nghiệp tư nhân và cố gắng nâng tỷ trọng đóng góp lên đến 50-60% GDP.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình đưa ra thông điệp về chủ trương của Nhà nước Việt Nam là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, mà ông nói là “nền kinh tế phải vỗ bằng tay là Nhà nước và thị trường”.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài Chính Việt Nam nhận định với RFA rằng ông đánh giá cao sự kiện Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019:

“Thực ra trong thời gian từ những năm bắt đầu có Chính phủ mới thì cũng phải nói là kinh tế tư nhân có thể nói đã được quan tâm hơn và đã được chú trọng phát triển với quan điểm là Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động. Vì thế, Chính phủ thực sự cũng đã có quan tâm rất lớn đến kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế tư nhân thật sự chưa được như mong muốn. Chính vì lẽ đó mà việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 với khoảng 2500 đại diện của các doanh nghiệp tư nhân thực sự là một bước đổi mới. Người ta đã lắng nghe hơn những ý kiến khác nhau từ các doanh nghiệp tư nhân và từ đó cũng có các trao đổi một cách tương đối thẳng thắn, sòng phẳng về những vướng mắc cũng như những vấn đề mà kinh tế tư nhân đang gặp phải và cần phải có sự thay đổi cả về thể chế, kinh tế cũng như về phương thức quản lý và đặc biệt là thay đổi về cách điều hành đối với các cơ quan quản lý khi có những sự phát triển tiếp theo của kinh tế tư nhân.”

Thách thức

Mặc dù khách tham dự Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 thừa nhận trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hóa về các chính sách kinh tế liên quan kinh tế tư nhân, tuy nhiên khối kinh tế tư nhân vẫn còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn và hạn chế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng xác nhận còn có nhiều rào cản, vướng mắc về mặt thể chế và pháp luật trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Đài RFA ghi nhận qua chia sẻ của bà Thanh Nguyễn, chủ một doanh nghiệp về xử lý rác thải rằng những quy định, luật lệ về kinh doanh trong lãnh vực môi trường vẫn còn thiết sót, bất cập và thiếu thực tế:

“Như bản thân tôi làm trong lãnh vực môi trường mà có nhiều quy định của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường rất buồn cười và trớt quớt. Ví dụ như công ty của tôi lắp đặt một cái lò đốt rác lớn nhất thế giới, đem về lắp đặt ở Đồng Nai. Cái lò đốt rác của chúng tôi hai năm trời không được nghiệm thu là vì tiêu chuẩn của Việt Nam tréo ngoe cẳng ngỗng, không áp dụng được. Có nhiều quy định thiếu thực tế, đâm ra doanh nghiệp ở giữa chịu kẹt cứng luôn.”

Hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, truyền thông quốc nội cũng đăng tải nhiều thông tin liên quan doanh nghiệp trong nước than phiền về cơ chế, mà trong đó chủ yếu là tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan chức năng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tháng 3 năm 2019, công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, ghi nhận phản ánh từ 12 ngàn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy có đến 58% bị nhũng nhiễu và 54% phải trả chi phí bôi trơn cho cơ quan công quyền các cấp.

Một chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, không muốn nêu tên nói với RFA rằng nếu như được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ông sẽ “nói thẳng và nói thật” với Thủ tướng Chính phủ về lực cản của kinh tế tư nhân:

“Có chính sách xúc tiến nhưng vấn đề ở chỗ là tất cả mọi vị trí, mọi ‘ghế’ đều quy bằng tiền. Khâu nào cũng tham nhũng hết. Ví dụ như nhập hàng về thì vướng Hải quan, rồi vướng tiếp ở khâu Quản lý ngành bên Chi cục, rồi xuống địa phương thì khâu Quản lý thị trường. Bây giờ chi phí của doanh nghiệp bỏ ra ngày càng nhiều. Tất cả đẩy giá lên hết. Xăng dầu lên thì chi phí vận chuyển, logictics (chi phí hạ tầng vận tải và kho bãi)…nội địa đều lên. Chi phí logictics hiện giờ còn cao hơn chi phí từ nước ngoài về Việt Nam nữa. Doanh nghiệp mà muốn tồn tại thì bắt buộc tất cả chi phí phải đổ đồng vào giá và cuối cùng thì người tiêu dùng chịu.”

Quang cảnh khai mạc Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ngày 02/05/19, tại Hà Nội.
Quang cảnh khai mạc Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ngày 02/05/19, tại Hà Nội. (Courtesy: VGP News)

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy kinh tế tư nhân để có thể tạo ra sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng không những đóng góp cho xã hội mà còn vươn tầm quốc tế, một số doanh nghiệp tư nhân cho biết đó cũng là mong muốn và ước vọng của họ ngay khi có ý tưởng kinh doanh thành hình; thế nhưng với môi trường kinh doanh hiện nay tại Việt Nam thì khó mà thực hiện được. Chủ doanh nghiệp ẩn danh trần tình:

“Làm nhỏ để tồn tại thôi, chứ càng làm lớn mà không có quan hệ thì rủi ro cũng cao. Vấn đề là do thể chế này không minh bạch, không có sự giám sát và chế tài.”

Viễn ảnh

Trong khi đó, không ít chuyên gia lưu ý với chủ trương của Chính phủ đưa kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn và là động lực phát triển kinh tế mà vẫn giữ kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì rõ ràng thực tế đã chứng minh khối kinh tế tư nhân không thể phát triển như mong đợi suốt 3 thập niên qua. Tiến sĩ Ngô Trí Long từng lên tiếng nhận định về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là một cái vòng lẩn quẩn:

“Trên thế giới không có một đất nước nào mà dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu ngày càng hiện hữu rồi.”

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS cũng nêu lên quan điểm của ông về thảm trạng kinh tế quốc doanh là chủ đạo nền kinh tế ở Việt Nam:

“Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đại vấn đề của nền kinh tế và chừng nào mà không thay đổi được não trạng đó, không thay đổi được đường lối đó thì đừng nói đến sự phát triển kinh tế thị trường một cách lành mạnh và rất là khó trong chuyện đi đặt vấn đề với Mỹ với EU xác nhận là Việt Nam có nền kinh tế thị trường…”

Trong tháng 4, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình dẫn đầu một phái đoàn Việt Nam đến Mỹ và ông Bình đã đề nghị phía Mỹ quan tâm tới việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 nhấn mạnh rằng kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ; tuy nhiên cần phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn tới tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân, mà cần phải khích lệ các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Ông Bình vẫn khẳng định phải có sự giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay thì tuyên bố của ông Trưởng Ban Kinh tế Trung ương là hợp lý:

“Hợp lý ở chỗ nhà nước vẫn có bàn tay điều tiết để phát triển một cách đồng đều và tận dụng năng lực của nhà nước đang có, nhưng một mặt nhà nước phải tự đổi mới mình bằng cách đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nhà nước và phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở những ngành, những lãnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ toàn bộ để đẩy lượng tài sản, đẩy lượng năng lực sản xuất sang khu vực tư nhân cùng với việc xây dựng mới ở khu vực tư nhân nữa để từ đó giúp cho khu vực tư nhân lớn lên và liên kết với nhau trở thành những dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị để từ đó tạo ra được những thực thể kinh tế tư nhân có tầm vóc, có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam.”

<i>Trong một nền chính trị không có kiểm soát quyền lực thì những người có quyền lực họ dễ dàng lạm quyền cho những mục đích cá nhân của mình mà không gặp sự chống đối nào. Vì vậy, chừng nào còn độc quyền chính trị, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những người nắm quyền cấu kết với nhóm thân hữu của họ nhằm trục lợi trên đất nước. Hậu quả là những chính sách đưa ra chỉ vì mục đích làm lợi cho một nhóm người thay vì là phúc lợi của toàn dân<br/>-TS.Nguyễn Huy Vũ</i>

Quá trình cổ phần hóa ở Việt Nam diễn ra trong 3 thập niên được giới chuyên gia đánh giá là không hiệu quả do thực tế nhà nước lãnh đạo và nắm cổ phần hơn 51%, thậm chí lên đến 80-90% hoặc rơi vào tay các lợi ích nhóm.

Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Văn Bình Bình còn cho biết để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh thì Đảng lãnh đạo kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các tiêu cực của kinh tế tư nhân qua biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na-Uy qua ứng dụng messenger cho rằng:

“Trong một nền chính trị không có kiểm soát quyền lực thì những người có quyền lực họ dễ dàng lạm quyền cho những mục đích cá nhân của mình mà không gặp sự chống đối nào. Vì vậy, chừng nào còn độc quyền chính trị, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những người nắm quyền cấu kết với nhóm thân hữu của họ nhằm trục lợi trên đất nước. Hậu quả là những chính sách đưa ra chỉ vì mục đích làm lợi cho một nhóm người thay vì là phúc lợi của toàn dân.”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là khu vực năng động nhất và tạo ra việc làm nhiều nhất. Ông đưa ra ý kiến của mình:

“Muốn có một nền kinh tế phát triển, năng động và sáng tạo thì việc cần thiết là nhà nước cần tạo ra một môi trường nhằm hỗ trợ khu vực này. Trước hết là thực hiện luật pháp công minh, bảo vệ tài sản, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Sau đó là có những cơ chế nhằm hỗ trợ phát triển ở các khâu từ tài chính, nghiên cứu, sản xuất, đến tìm kiếm thị trường.”

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh bày tỏ hy vọng sau Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 sẽ có những thay đổi, đổi mới trong cách thức thực hiện, cũng như đường lối chỉ đạo để từ đó cho kinh tế tư nhân được rộng đường phát triển.

Một số các chuyên gia Đài RFA tiếp xúc kêu gọi Nhà nước Việt Nam cần cấp bách hành động vì nhiều dự án kinh tế lớn do doanh nghiệp nhà nước quản lý bị thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng, trong lúc tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới, với hơn 45 ngàn doanh nghiệp giải thể mỗi ngày trong năm 2018 và hiện tại Việt Nam vẫn chưa có được một thương hiệu nổi tiếng tầm quốc tế.