Cuộc biểu tình của người dân Hong Kong đang diễn ra mấy ngày vừa qua là tâm điểm thu hút dư luận trên thế giới. Cuộc biểu tình này được truyền thông quốc tế ghi nhận là đông đảo nhất kể từ khi Anh Quốc trao trả thuộc địa Hong Kong về cho Trung Quốc hồi năm 1997, với hơn 1 triệu người dân Hong Kong tham gia để phản đối dự luật chống dẫn độ nghi phạm từ đặc khu Hong Kong về Trung Hoa đại lục xét xử.
Cao trào của cuộc biểu tình được mô tả trở thành hỗn loạn khi cảnh sát Hongkong, vào ngày 12 tháng 6, đã bắn hơi cay và đạn cao su vào hàng trăm ngàn người biểu tình trong lúc họ đổ về các trục đường chính dẫn đến Tòa nhà Lập pháp Hong Kong, nơi dự kiến Quốc hội Hong Kong tiếp tục thảo luận về Dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc và sẽ bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 20 tháng 6 tới đây.
Dân chúng Hong Kong tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi Chính quyền Hong Kong hủy bỏ Dự luật Dẫn độ, bởi vì họ cho rằng dự luật này có rủi ro lớn đe dọa nhân quyền và nền pháp quyền của Hongkong và chính mỗi người dân Hong Kong đều có thể trở thành nạn nhân một khi dự luật được thông qua.
Đài RFA có cuộc hội thoại với 3 khách mời ở Việt Nam, hai bạn trẻ Thịnh Nguyễn, Huy Jos và nhà báo độc lập Đàm Ngọc Tuyên.
Tinh thần dân chủ
Bắt đầu cuộc hội thoại, bạn Thịnh Nguyễn chia sẻ về thời gian 5 ngày anh có mặt trong cuộc biểu tình Phong trào Dù Vàng của sinh viên Hongkong hồi năm 2014:
Thịnh Nguyễn: Xin chào mọi người. Năm 2014, tôi có cuộc đi chơi ở Hong Kong thôi và trước đó thì mình không biết gì về xã hội cả, tức là không biết biểu tình hay nhân quyền là gì. Có mặt ở cuộc biểu tình Hong Kong năm 2014 thì thấy đông, có một không khí rất lạ, tại vì có thể mình chưa bao giờ nhìn thấy không khí đấy nên khiến mình bị một cái gì đó thu hút. Lúc đó tự nghĩ rằng nếu là người Việt Nam thì không thể tụ họp được như thế này. Tôi nhìn thấy rất đông sinh viên, nhỏ tuổi hơn mình có kỷ luật rất cao, mọi người giúp đỡ nhau. Những điều này rất lạ đối với tôi và khiến tôi ở lại với những bạn sinh viên Hong Kong biểu tình đến những 5 ngày để xem đang diễn ra những gì, mặc dù chuyến đi của tôi có mười mấy ngày và mặc dù không hiểu hết vì không biết ngôn ngữ tiếng Quảng Đông nhưng tôi cảm nhận được tinh thần của cuộc biểu tình đó.
Tôi nghĩ rằng bình thường một nhóm biểu tình hay một nhóm tụ tập đông thì bao giờ cũng có một người lãnh đạo. Nhưng hồi lần đầu tiên sang Hong Kong năm 2014 thì tôi nhận thấy dường như không ai lãnh đạo cuộc biểu tình đó cả. Hình như tinh thần dân chủ trong máu của mỗi người Hong Kong bình thường giống như là mình thở, tức là mọi người biết rằng có bất công thì mọi người cùng xuống đường và không cần ai hướng dẫn.
Hiện tại nhìn cuộc biểu tình năm 2019 thì tôi cũng có cảm giác y như vậy.
Hòa Ái: Sau khi theo dõi cuộc biểu tình ở Hong Kong từ hôm 9/6 tới nay, đặc biệt trong ngày 12/6 thì sức nóng biểu tình ở Hong Kong đã dẫn đến kết quả là Quốc hội Hong Kong phải tuyên bố hủy buổi họp thảo luận về Dự luật Dẫn độ, trong lúc bên ngoài Tòa nhà Lập pháp Hong Kong thì người dân biểu tình bị cảnh sát dùng hơi cay, bắn đạn cao su trong lúc họ đổ về hướng tòa nhà để yêu cầu hủy bỏ dự luật này. Câu hỏi dành cho bạn Huy Jos là bạn cảm nhận thế nào trước những diễn tiến như vậy khi bạn theo dõi cuộc biểu tình của người dân Hong Kong từ Việt Nam?
Huy Jos: Tôi cảm nhận rằng cuộc biểu tình này có rất nhiều bài học cho những người dân ở Việt Nam. Người ta khơi dậy cho mình về tinh thần trách nhiệm để bảo vệ quê hương đất nước của mình. Tôi thấy tinh thần của các bạn trẻ Hong Kong rất mạnh mẽ.
Hòa Ái: Bây giờ xin được nghe chia sẻ của nhà báo độc lập Đàm Ngọc Tuyên. Có lẽ anh cũng theo dõi nhiều thông tin liên quan cuộc biểu tình mấy ngày vừa qua ở Hong Kong trên mạng xã hội, các kênh truyền thông quốc tế lẫn truyền thông chính thống của Việt Nam. Là một nhà báo độc lập, anh có nhận đình gì về truyền thông chính thống của Việt Nam cập nhật đưa tin mà dân luận gọi là "hết tốc lực" về cuộc biểu tình lần này ở Hong Kong?
Nhà báo Đàm Ngọc Tuyên: Vấn đề đầu tiên là ở các nước có chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam chẳng hạn thì hoàn toàn không có tự do báo chí. Ở trong nước gọi là "truyền thông lề Đảng" và bất kỳ một thông tin gì mà họ được phép đưa tin thì luôn luôn ẩn chứa phía sau đó một dụng ý hoàn toàn có lợi cho nhà cầm quyền thì mới đưa tin, còn không thì người ta sẽ bưng bít truyền thông.
Trong đợt biểu tình ở Hong Kong lần này thì truyền thông lề Đảng đưa tin rất nhiều. Tuy nhiên như mình vừa nói thì mình có cảm nhận rằng thông qua chuyện biểu tình ở Hong Kong, người ta muốn nhắc lại với người dân Việt Nam rằng không hẳn cứ biểu tình là đúng hay từ việc biểu tình sẽ dẫn tới bạo động, các vấn đề khác gây ảnh hưởng đến kinh tế xã hội…giống như cách tuyên truyền lâu nay của chính quyền.
Mình có thể dẫn chứng như vào 9 giờ sáng ngày 10/6, giờ Việt Nam thì tờ Dân Trí loan đi một bản tin mà mình đọc cái tựa thôi đã thấy buồn cười, rằng báo chí Trung Quốc cho là cuộc biểu tình ở Hong Kong do các thế lực ngoại quốc tác động và kích động người dân Hong Kong nên mới xảy ra chuyện như vậy. Thật sự, theo tôi thì không có một thế lực nào để làm những chuyện đó cả. Tại vì khi người dân cảm thấy những quyền lợi của họ có thể thông qua một đạo luật nào đó, mà nếu để cho chính quyền thông qua thì sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp bản thân của họ. Người dân thì có thể làm gì khác hơn việc thực hiện quyền tối thượng của họ là quyền biểu tình để phản đối hay ủng hộ việc làm đúng sai của chính quyền thôi.
Sức lan tỏa của tinh thần dân chủ Hong Kong
Hòa Ái: Hòa Ái cũng vừa đọc được tin đăng tải trên Báo mạng macaubusiness.com cho biết Hiệp hội Macau Cấp tiến (New Macau Association-NMA), một đảng chính trị ở Macau vừa ra tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày Chủ nhật 16/06 tới đây để kêu gọi phổ thông đầu phiếu, bởi vì trong cùng ngày tại Macau sẽ diễn ra cuộc bầu cử cho chức vụ Đặc khu trưởng Macau nhiệm kỳ 5 năm.
Hòa Ái được biết bạn Thịnh Nguyễn là người đi du lịch nhiều nơi ở các quốc gia Châu Á, bạn có nghĩ rằng với tinh thần dân chủa của người dân Hong Kong sẽ lan tỏa ra trong khu vực, qua thông tin vừa nêu?
Thịnh Nguyễn: Tôi nghĩ là chắc chắn rồi. Nếu mà mọi người có mặt ở Hong Kong trong giai đoạn biểu tình thì mới thấy được sự lan tỏa rõ ràng nhất. Bởi vì chỉ đơn giản về mặt tổ chức, về truyền thông của các bạn trẻ ở Hong Kong thì các bạn biết mình là người Việt Nam hay bất cứ đến từ nước nào, các bạn cũng đều hỗ trợ rất tốt, kiểu như các bạn ấy mời chào để cho mình nhận lấy được tinh thần dân chủ của họ.
Hiện tại, tôi không biết về Macau như thế nào, không rõ đã từng có cuộc biểu tình nào như thế đã diễn ra ở Macau chưa, đã từng có tiền lệ chưa? Nhưng mà với 1, 2 đặc khu diễn ra biểu tình như vậy thì tôi nghĩ sức lan tỏa rất là lớn. Ý kiến của tôi là như vậy. Tại vì có những thứ mà mình không bao giờ quên được trong đời và cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2014 cũng là thứ mà rất ấn tượng và tôi không bao giờ quên được.
Hòa Ái: Câu hỏi cuối cùng dành cho 3 vị khách mời, rằng với tinh thần dân chủ của người Hong Kong được lan tỏa như vậy, và nếu như một ngày nào đó trong tương lai ở Việt Nam có những chính sách hay những dự thảo luật được Quốc hội Việt Nam thảo luận thì 3 vị nghĩ rằng mình cũng sẽ lên tiếng và có những cách riêng của mình để phản đối hoặc ủng hộ hay không khi mình không thể xuống đường hòa nhập cùng mọi người để bày tỏ về một dự luận hay một chính sách nào đó?
Huy Jos: Trước vấn đề xã hội thì bản thân tôi và hầu hết mọi người mong muốn rằng sẽ có tinh thần xuống đường để đòi hỏi quyền lợi của mình.
Thịnh Nguyễn: Tôi nghĩ là không có Luật Biểu tình thì người dân mất đi toàn bộ khả năng thay đổi hoặc là mọi thứ quyền lợi của mình bị mất. Tôi nghĩ Luật Biểu tình rất quan trọng và luật này cũng được ghi trong Hiến pháp nên tôi cho rằng cần làm thế nào để mọi người càng nghĩ về cái quyền đấy được nhiều hơn. Có Luật Biểu tình thì không phải là xấu vì người dân là gốc mà, thành ra họ biết nhu cầu của họ thì sẽ rất tốt cho đất nước. Hiện tại người dân Việt Nam bị cấm quyền biểu tình thì rất là vô lý.
Nhà báo Đàm Ngọc Tuyên: Hiện tình đất nước của chúng ta hôm nay có quá nhiều chuyện. Dù rằng nhà cầm quyền chưa thông qua Dự luật Đặc khu hoặc là lùi lại nhưng thực tế là nhà cầm quyễn vẫn âm thầm tiến hành xây dựng đặc khu ở Vân Đồn gần hoàn tất và ngay cả đồng tiền Nhân dân tệ cũng được lưu hành ở 7 tỉnh có đường biên giới chung với Trung Quốc. Điều đó cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam không coi người dân ra gì cả, mà họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng phái của họ mà thôi. Chính vì điều đó mà chúng ta là người dân Việt Nam và những gì chưa có luật thì cứ làm theo trong Hiến pháp. Tại vì Hiến pháp là bộ luật cao nhất của một đất nước, và trong đó Điều 25 quy định rất rõ là người dân có quyền được biểu tình để phản đối những việc sai trái của nhà cầm quyền. Tôi cho là các bạn trẻ Việt Nam không có gì lo sợ khi chính quyền đàn áp lúc chúng ta tham gia các cuộc biểu tình, vì rằng nếu chúng ta không lên tiếng phản đối và đã biểu quyết rồi thì chúng ta không còn là chúng ta nữa. Nói một cách khác là chúng ta sống nhưng chúng ta không có một cái quyền gì cả.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn 3 vị khách mời tham dự cuộc hội thoại với Đài RFA.
Tham khảo toàn bộ cuộc hội thoại:
[ https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/430745394172347/ Opens in new window ]