Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 2/8 yêu cầu khởi tố tất cả trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép tại Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra chỉ đạo vừa nêu tại cuộc họp Thường trực chính phủ chiều ngày 2 tháng 8 năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Dẫn ý kiến của các chuyên gia về khả năng đợt bùng phát dịch lần 2 này do yếu tố lây nhiễm từ bên ngoài Việt Nam, ông Phúc yêu cầu các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an... và các địa phương tăng cường quản lý khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở.
Liệu có thể khởi tố người Trung Quốc nhập cảnh trái phép?
Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn hôm 4/8/2020, liên quan chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhận định:
“Hiện nay, một số địa phương phát hiện có nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch và đường biển ở các tỉnh biên giới phía Bắc và phía Nam để vào lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu khởi tố tất cả trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép.Tôi cho rằng yêu cầu này vừa đúng lại vừa sai. Đúng vì yêu cầu này là hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn bùng phát lại dịch Covid 19 như hiện nay. Nhưng ở góc độ pháp lý, yêu cầu này sai về thẩm quyền và mức độ xử lý.
Bởi lẽ, thủ tướng, người đứng đầu các cơ quan hành pháp không có thẩm quyền yêu cầu xử lý hình sự, vì thẩm quyền xử lý hình sự thuộc về các cơ quan tư pháp mà cụ thể là các cơ quan tiến hành tố tụng như cảnh sát điều tra, viện kiểm sát và tòa án.”
Yêu cầu này vừa đúng lại vừa sai. Đúng vì yêu cầu này là hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn bùng phát lại dịch Covid 19 như hiện nay. Nhưng ở góc độ pháp lý, yêu cầu này sai về thẩm quyền và mức độ xử lý.<br/>-LS. Đặng Đình Mạnh
Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép từ các nước láng giềng. Theo truyền thông trong nước, chủ yếu là người Trung Quốc ‘nhập cảnh bất hợp pháp, trốn cách ly’ bằng đường bộ qua các tỉnh giáp biên giới, nhiều nhất là biên giới phía bắc.
Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an, khi phát biểu tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ vào chiều tối 3/8/2020 cho biết, hiện có 27/63 tỉnh thành của Việt Nam có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với tổng số là 504 người, tính từ đầu năm 2020 đến nay. Đơn cử như: An Giang có 4 trường hợp, Bắc Ninh có 35, Đà Nẵng có 78, thành phố Hồ Chí Minh là 12 người, Lai Châu có 36, Lạng Sơn có 29 người, Quảng Ninh 126 và Tây Ninh là 32.
Thông tin này được công bố vào thời điểm Việt Nam bùng phát đợt dịch Covid-19 lần hai, khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng virus theo chân những người Trung Quốc nhập cảnh bất hợp pháp, không qua kiểm soát dịch tễ.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, hôm 4 tháng 8 năm 2020, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nói:
“Nghị định 167 ban hành năm 2013, trong đó quy định những hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài hoặc vào và ở lại Việt Nam, kể cả bản thân người nhập cảnh trái phép qua đường biên giới, thì sẽ bị phạt hành chính từ 15 triệu đến 40 triệu đồng. Nếu người vi phạm là người nước ngoài, tùy theo mức độ có thể bị xử phạt và trục xuất ra khỏi Việt Nam. Xin nói thêm về mặt hình sự tại Việt Nam, thì mức cao nhất có thể bị phạt 15 năm tù giam... theo quy định của điều 348 Bộ luật hình sự 2015. Ngoài ra nếu hành vi này dẫn đến lây lan dịch bệnh như viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thì người này có thể bị xử lý hình sự theo điều 240, với mức phạt tù từ 1 đếm 5 năm. Nếu đó là người nước ngoài, thì theo quy định của Việt Nam là sẽ dẫn độ.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật hình sự Việt Nam quy định những công dân Việt Nam và nước ngoài, sống trên lãnh thổ Việt Nam mà vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý theo Bộ luật hình sự quy định. Luật sư Hậu nêu ví dụ như trước đây Việt Nam cũng đã từng xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật của Việt Nam, và đã dẫn độ để nước đó xử lý tiếp. Theo ông, đối với người Trung Quốc cũng sẽ tương tự như vậy.
Hôm 4/8/2020, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt tổng cộng 25 năm tù giam với 6 bị can về tội “tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Sáu bị can đã móc nối với các đối tượng người nước ngoài không rõ lai lịch, trong các ngày 9 và 10/6, đã 2 lần tổ chức cho 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đã bị Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ.
Tin cho biết những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đã được chuyển đến cơ sở cách ly, để xét nghiệm phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, tin không cho biết những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đợt này có bị truy tố hay không?
Luật sư Đặng Đình Mạnh, giải thích với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này:
“Tham chiếu theo Bộ luật Hình sự hiện hành (điều 347), thì việc khởi tố hình sự đối với hành vi nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật chỉ đặt ra khi mà người vi phạm đã từng bị xử lý phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm mà thôi. Chứ không phải trường hợp nào vi phạm thì cũng đều có thể khởi tố hình sự ngay được.
Tham khảo thêm, chỉ đối với hành vi tổ chức, môi giới cho nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì sẽ bị xem xét khởi tố ngay theo quy định Bộ luật Hình sự (điều 348). Hình phạt nhẹ nhất là 1 năm tù và mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.”
Còn Nhà hoạt động Trần Bang, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hôm 4 tháng 8 năm 2020, liên quan vấn đề này tỏ vẻ nghi ngờ việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép sẽ bị truy tố:
“Có khởi tố hay không thì mình cũng chịu, cái đấy là do chủ quan của nhà nước cộng sản Việt Nam, và mối quan hệ với cộng sản Trung Quốc. Như trước đây có vụ bắt mấy chục người Trung Quốc ở Hải Phòng, thì họ lại trả về Trung Quốc, các vụ khác cũng vậy... Không có mấy khi mà họ xét xử hay truy tố tại Việt Nam, cho nên đợt này có xét xử hay không thì cũng không thể đoán.”
Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép để làm gì?
Vì sao ngày càng nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam? Họ vào Việt Nam với mục đích gì?
Trong khi bao nhiêu lực lượng an ninh, biên phòng, công an, chưa kể lực lượng 750 ngàn dân phòng... Việt Nam nuôi lượng an ninh quá đông, mà để cho họ vào như chỗ không người, quá chủ quan.<br/>-Trần Bang
Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam vì một số nguyên nhân như, tìm việc ở một số địa phương Việt Nam, đi du lịch và theo ông Xô đa số vào Việt Nam để sang Campuchia đánh bài, bởi Campuchia đã mở lại các sòng bài. (!?)
Cũng trong ngày 4/8/2020, trước lo lắng của cử tri việc người nhập cảnh trái phép vào TP.HCM ngày càng đông, sẽ rất nguy hiểm nếu mang theo mầm bệnh... cũng như thắc mắc vì sao nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào thành phố và đề nghị thành phố phải có biện pháp mạnh. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết có nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, TPHCM có đông người Hoa sinh sống, có mối quan hệ nhân thân và làm ăn với người Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam được đánh giá an toàn trong phòng chống dịch, trong khi Trung Quốc đang thiên tai, dịch bệnh, nên không tránh khỏi người Trung Quốc nhập cảnh sang để cư trú, tìm việc...
Nhà hoạt động Trần Bang, cho biết thêm:
“Ngay từ tháng 7, khi bắt đầu có hiện tượng người Trung Quốc vào Việt Nam, bị dân phát hiện thì tôi cũng đã cảnh báo đây có thể là một trong những nguồn gieo rắc virus Vũ Hán. Lúc đấy đợt dịch thứ 2 chưa bùng lên, tôi đã cảnh báo thế giới đang đối mặt cuộc chiến tranh siêu vi trùng, xuất phát từ Vũ Hán Trung Quốc. Chúng ta có thể hiểu ngầm, trong cuộc chiến tranh không tuyên chiến, mà để người Trung Quốc vào Việt Nam quá dễ dàng như vậy. Mà dân là người phát hiện ra, trong khi bao nhiêu lực lượng an ninh, biên phòng, công an, chưa kể lực lượng 750 ngàn dân phòng... Việt Nam nuôi lượng an ninh quá đông, mà để cho họ vào như chỗ không người, quá chủ quan.”
Cũng tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ vào chiều tối 3/8/2020, trước câu hỏi của truyền thông về việc xử lý vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết thêm, từ tháng 6 đến nay, công an và biên phòng phát hiện 21 vụ việc, với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Theo ông, Việt Nam đã khởi tố 5 vụ với 19 đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên ông không nói thêm chi tiết về việc này.