Đích thân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong phiên họp thường kỳ tháng 3 lên tiếng yêu cầu xử lý nghiêm vụ nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị đánh hội đồng, phải nhập viện. Dư luận nói gì trước phản ứng sốt sắng của các cấp chính quyền trong vụ việc vừa nêu cũng như trong việc giải quyết nạn bạo lực học đường ở Việt Nam?
Chính phủ vào cuộc
Vụ việc một nữ sinh học lớp 9 ở trường Trung học Cơ sở (THCS) Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên vào ngày 22 tháng 3 bị nhóm 5 nữ học sinh đánh hội động, lột quần áo ngay tại lớp học và quay video clip đưa lên mạng xã hội đặc biệt gây chú ý trong dư luận những ngày qua.
Nhiều người quan tâm không chỉ vì thương cảm hoàn cảnh đáng thương của nữ sinh nạn nhân, không chỉ vì phẫn nộ đối với nhóm 5 nữ sinh hành hung bạn học cũng như sự tắc trách của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm mà còn vì các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương nhanh chóng xử lý vụ việc này.
Ba ngày sau khi nữ sinh lớp 9, tên Y bị đánh phải nhập viện điều trị tâm thần, nhóm 5 nữ học sinh hành hung bị hội đồng kỷ luật của nhà trường đình chỉ học tập một tuần.
Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Ân Thi, vào sáng ngày 30 tháng 3 ra quyết định tạm đình chỉ dừng công tác điều hành 15 ngày đối với Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong và cho giáo viên chủ nhiệm lớp thôi làm chủ nhiệm bắt đầu từ ngày 1 tháng 4.
Sáng 31/3, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì một cuộc họp với cán bộ ở tỉnh Hưng Yên, yêu cầu kiểm tra, xử lý kịp thời vụ việc bạo hành học đường vừa xảy ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Truyền thông trong nước vào ngày 1 tháng 4, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị cách chức toàn bộ ban giám hiệu, chi ủy nhà trường, kỷ luật hội đồng sư phạm và cô giáo chủ nhiệm; đồng thời yêu cầu Công an huyện Ân Thi vào cuộc để sớm có kết luận trả lời công luận. Song song đó, Chánh Văn phòng UBND huyện Ân Thi thông báo toàn bộ giáo viên trong tỉnh sẽ tham dự một cuộc họp trực tuyến, được dự kiến diễn ra trong tuần đầu tháng 4, do Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Hưng Yên chủ trì để được tư vấn các xử lý khi bạo lực học đường xảy ra.
<i>Trong một môi trường xã hội có rất nhiều bất an thì cũng khiến con người hung hăng hơn. Và môi trường mà các giá trị đẹp đẽ thì bị coi rẻ, các giá trị về sức mạnh được hiểu là cách người ta đè bẹp và thống trị người khác thì nó cũng gây ảnh hưởng đến trẻ con vì thực ra trẻ con chỉ là hình ảnh phản chiếu đến người lớn mà thôi<br/>-Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA</i>
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, diễn ra trong ngày 2 tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên bị bạn học hành hung như là một trường hợp điển hình trong vấn đề bạo lực học đường, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước và cần phải làm rõ trách nhiệm của địa phương về quản lý giáo dục-đào tạo đối với các vi phạm như thế.
Ý kiến của dư luận
Đài RFA ghi nhận vài ngày trước phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra, qua hàng loạt ý kiến của độc giả trên các trang fanpage của báo quốc nội kêu gọi Bộ Giáo Dục và chính quyền các cấp cần phải nghiêm trị vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng một cách dã man để làm gương trong bối cảnh tình trạng bạo lực học đường xảy ra tràn lan; đặc biệt nên khởi tố vụ án hình sự, cho dù nhóm 5 nữ sinh hành hung đang ở độ tuổi trẻ vị thành niên, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng ông hiệu trưởng và cô giáo có hành vi không tố giác, bao che tội phạm khi bắt học sinh xóa clip “để bảo vệ danh dự cho nữ sinh bị đánh”.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến trong dư luận bày tỏ sự phẫn nộ đối với học sinh và nhà trường tại trường THCS Phù Ủng vì nữ sinh nạn nhân không phải bị đánh hội đồng lần đầu mà đã bị tình trạng bạn học bạo hành trong thời gian dài, nhưng không được ai can thiệp hay bảo vệ. Một cựu giám thị, làm việc nhiều năm tại trường trung học ở Đồng Tháp lên tiếng lý giải rằng đối với học sinh thì theo ông không hẳn là các em vô cảm khi thấy bạn học bị hành hung, tuy nhiên các em bị tâm lý sợ trả thù nên không dám liên can. Vị cựu giám thị không muốn nêu tên cũng giải thích liên quan vấn đề bạo lực học đường thì nhà trường phải tuân thủ theo các quy định ban hành:
“Chủ trương từ Bộ Giáo Dục và từ ngành đều có hết, nhưng thường là triển khai một cách chung chung. Trừ những trường hợp như xảy ra vụ việc thì nhà trường mới tiến hành, tức là xảy ra rồi thì mới bắt đầu xử lý.”
Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, cho biết mặc dù Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng phê duyệt cũng như Bộ Giáo Dục-Đào Tạo và Bộ Công An đã cùng các bộ, ngành ban hành 11 thông tư phòng chống bạo lực học đường nhưng việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm. Ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm Bộ Giáo Dục-Đào Tạo cũng đã ban hành chỉ thị cho ra khỏi ngành đối với giáo viên vi phạm đạo đức; đồng thời sắp tới tổ công tác liên ngành sẽ được thành lập để kiểm tra và xây dựng chương trình về tâm lý học đường cho học sinh, những vấn đề đạo đức nhà giáo…Cựu giám thị ở Đồng Tháp cùng một số giáo viên đang giảng dạy ở nhiều địa phương từ Bắc vô Nam, mà Đài RFA tiếp xúc, bày tỏ với sự vào cuộc đồng loạt của các bộ, ngành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, họ có niềm tin rằng tình trạng bạo lực học đường sẽ được giải quyết đúng mức.
Những phản biện
Trong những năm gần đây, cộng đồng thường xuyên báo động về tình trạng bạo lực học đường và với những thông tin mới nhất về sự phối hợp của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cùng ngành giáo dục tập trung giải quyết vấn đề này không khiến cho dư luận được an tâm hơn rằng nạn bạo hành ở trường học sẽ được chấn chỉnh.
Giới chuyên gia cho rằng không thể chỉ mỗi nhà trường chịu trách nhiệm liên đới trong tình trạng bạo lực học đường hiện nay ở Việt Nam. Một chuyên gia làm việc trong Viện Khoa học-Giáo dục, không muốn nêu tên từng khẳng định với RFA rằng có 3 yếu tố quan trọng tác động đến quá trình giáo dục học sinh, đặc biệt học sinh ở tuổi vị thành niên có diễn biến tâm lý rất phức tạp:
“Cần nhớ rằng, mỗi hành vi ứng xử của học sinh trong cuộc sống thường ngày đều là hệ quả của giáo dục và đào tạo. Khái niệm giáo dục và đào tạo đề cập ở đây không giới hạn trong nội hàm nhà trường mà rộng hơn với ba yếu tố: Nhà trường-Gia đình-Xã hội.”
Bộ Giáo Dục-Đào Tạo, hồi năm 2012, công bố một thống kê cho thấy có gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài lớp học. Tức trung bình mỗi ngày xảy ra 5 vụ học sinh ẩu đả, gấp 13 lần so với một thập kỷ trước đó. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nhận định nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ngày càng nhiều là do:
“Trong một môi trường xã hội có rất nhiều bất an thì cũng khiến con người hung hăng hơn. Và môi trường mà các giá trị đẹp đẽ thì bị coi rẻ, các giá trị về sức mạnh được hiểu là cách người ta đè bẹp và thống trị người khác thì nó cũng gây ảnh hưởng đến trẻ con vì thực ra trẻ con chỉ là hình ảnh phản chiếu đến người lớn mà thôi.”
Nhà giáo Tô Oanh, ở Bắc Giang cho rằng xu hướng bạo lực không chỉ trong phạm vi trường học mà ngay cả trong xã hội Việt Nam cũng ở mức báo động dưới sự lãnh đạo và điều hành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà giáo Tô Oanh nêu quan điểm của ông với RFA:
<i> <i>Tôi nghĩ rằng ngay từ cơ sở của xu hướng Cộng sản là dùng bạo lực để giành chính quyền, mọi thứ Nhà nước đều là trấn áp, toàn làm các điều trái luật thôi. Cho nên người dân, kể cả trẻ em không tin vào luật pháp của đất nước nữa rồi. Vì thế mới coi thường luật pháp và hành xử có tính chất theo kiểu bắt chước luật rừng<br/>-Nhà giáo Tô Oanh</i> </i>
“Tôi nghĩ rằng ngay từ cơ sở của xu hướng Cộng sản là dùng bạo lực để giành chính quyền, mọi thứ Nhà nước đều là trấn áp, toàn làm các điều trái luật thôi. Cho nên người dân, kể cả trẻ em không tin vào luật pháp của đất nước nữa rồi. Vì thế mới coi thường luật pháp và hành xử có tính chất theo kiểu bắt chước luật rừng.”
Khi đề cập đến nạn bạo lực học đường, Nhà giáo Hoàng Oanh, ở Hà Nội cũng từng khẳng định sẽ khó có giải pháp hiệu quả cho tình trạng này:
“Tất cả mọi thứ ở Việt Nam đều ở dạng 'nói vậy nhưng không phải vậy', cho nên bây giờ dạy đạo đức bây giờ học trò nó nghe nó cứ buồn cười. Người lớn bây giờ không sợ pháp luật, trẻ con đi học cũng chả sợ nội quy hay kỷ luật của nhà trường. Hễ có chuyện gì thì bố mẹ mang quà cáp đến cho thầy cô thì mọi cái lại đâu vào đấy. Do đó, từ ảnh hưởng của xã hội là người ta tự xử, bởi vì pháp luật không được tôn trọng. Vì thế cho nên người ta phải dùng bạo lực.”
Hai nhà giáo nghỉ hưu Tô Oanh và Hoàng Oanh đều cho rằng cái gốc của vấn đề chung quy vẫn là giáo dục, một cá thể, một gia đình và nhân rộng ra thành một xã hội được nhân văn, có đạo đức, tôn trọng luật pháp thì quốc gia phải đặt tiêu chí giáo dục lên hàng đầu. Thế nhưng, ngành giáo dục ở Việt Nam được đánh giá là bị lẩn quẩn, đi vào ngỏ cụt. Nhà giáo Tô Oanh nhấn mạnh hậu quả của một nền giáo dục kém tạo ra sự suy đồi đạo đức xã hội:
“Tôi cho rằng Bộ Giáo Dục Việt Nam bây giờ bị nát quá rồi. Giáo dục Việt Nam xuống cấp một cách trầm trọng cho nên đạo đức xã hội bây giờ chả ra sao cả.”
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận một làn sóng ủng hộ giới giang hồ ra tay nghĩa hiệp bảo vệ những người cô thế như nữ sinh lớp 9 bị hành hung ở Hưng Yên, qua hình ảnh thanh niên xăm trổ Dương Minh Tuyền, chia sẻ trên Facebook rằng nhân vật này và một số khác thuộc nhóm “anh em ngoài xã hội” đến gia đình nữ sinh bị đánh ở Hưng Yên giúp đỡ về tài chính và vào bệnh viện thăm hỏi, động viên tinh thần cho em nữ sinh này, với lời dặn dò bất kể khi nào bị bạn học hành hung, hãy liên lạc và họ sẽ bảo vệ em an toàn tuyệt đối. Nhóm “anh em ngoài xã hội” này còn gửi thông điệp đến các học sinh rằng cuộc sống có khi phải dùng đến sức mạnh để sinh tồn, nhưng đừng bao giờ dùng vũ lực để hiếp đáp người yếu thế hơn mình.