Quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam bị giằng co giữa chính phủ Hà Nội và Facebook!

0:00 / 0:00

Vào ngày 21/4/2020 hãng tin Reuters trích hai nguồn tin giấu tên thuộc Facebook cho biết, các công ty viễn thông trong nội địa Việt Nam đã để các máy chủ hoạt động ở dạng offline trong khoảng 7 tuần khiến việc truy cập Facebook bị gián đoạn. Sau đó, Facebook đã phải nhượng bộ chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt các thông tin bị cho là có tính tiêu cực đối với Việt Nam.

Đài Á Châu Tự Do mới đây cũng nhận được thông báo từ Facebook, cho biết một nội dung là bài viết về việc chính phủ Việt Nam kêu gọi người Việt ở nước ngoài giúp sức chống dịch COVID-19 đã bị chặn truy cập tại Việt Nam.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về thông tin mà hãng Reuters loan.

Vào đầu năm 2019, cơ quan này cũng đã lên tiếng chỉ trích Facebook vì không chịu gỡ bỏ những thông tin liên quan đến vụ xung đột dẫn đến đổ máu giữa công an và người dân xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội. Đại diện bộ này khi đó cho báo chí trong nước biết: “Không thể kiên nhẫn nếu Facebook không tuân thủ pháp luật Việt Nam”.

Người dùng Việt Nam sử dụng Facebook để có được những tin tức độc lập, không chịu sự kiểm soát của chính quyền, với biện pháp của Facebook vấn đề này bị tác động thế nào?

Việc đó ảnh hưởng không tốt với người dân Việt Nam. Họ lại bị bịt tai, bịt miệng, che mắt như thời không có Facebook.<br/>-Trần Bang

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, nhà hoạt động Trần Bang nhận định:

“Việc đó ảnh hưởng không tốt với người dân Việt Nam. Họ lại bị bịt tai, bịt miệng, che mắt như thời không có Facebook. Bởi thông tin của mấy chục triệu người dùng Facebook đưa nhiều tin đa chiều, giúp người dân thấy nhiều, biết nhiều tin nóng, tin sự thật về chính trị, kinh tế xã hội, tự nhiên... giúp người dân khai trí rất tốt. Facebook chặn, gỡ bài theo yêu cầu nhà cầm quyền là đồng loã với độc tài, vi phạm nhân quyền, ở đây là quyền tự do ngôn luận... Như vậy, Facebook có khác gì tuyên giáo và an ninh cộng sản?”

Tuy nhiên ông Bang cho rằng, người dân sẽ có cách, như dần dần sẽ chuyển sang mạng khác như Twitter hay Telegram... nhưng trước mắt người dân Việt Nam thiệt thòi vì sẽ không được “hưởng thụ” những tin nóng, sự thật đa chiều, hay kiến thức cần thiết nhiều mặt như về y khoa, dịch bệnh, về chủ quyền, nhân quyền... thời sự chính trị quốc tế... ở những trang Facebook truyền thông như RFA, VOA, RFI, SBS... hay Facebooker uy tín. Theo ông đó là sự tụt lùi của văn minh, là chính sách ngu dân để trị, để giữ độc tài và túi tiền của tài phiệt làm khổ nhân dân!

Facebooker Trần Đình Thu cho RFA biết ý kiến của mình:

“Chúng tôi không bao giờ muốn bị kiểm duyệt, bởi vì như thế thì sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận của chúng tôi. Tuy nhiên tôi nghĩ Facebook bị rơi vào thế phải hợp tác chứ họ cũng không muốn. Bởi vì nếu không chấp nhận yêu cầu của chính quyền thì họ sẽ dựng tường lửa chặn Facebook như trước đây, khi mới có mặt ở Việt Nam thì cũng căng. Theo tôi thì facebook phải tiếp tục đặt tự do thông tin lên hàng đầu.”

Còn Facebooker Đinh Văn Hải thì cho rằng, việc này thứ nhất làm cho người dùng bất mãn và có xu hướng chuyển sang dùng các nền tảng ứng dụng khác. Thứ hai, sẽ làm giảm đi tinh thần lên tiếng của những người dùng Facebook như là một phương tiện để cất lên tiếng nói từ lương tâm. Ông Hải cho rằng Facebook không từ bỏ chức năng cổ xúy cho tự do thông tin, nhưng người dùng phải học cách cài đặt và sử dụng VPN...

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 23 tháng 4 lên tiếng cho rằng tập đoàn Facebook đã cúi đầu khuất phục sức ép của chính phủ Việt Nam, đồng ý hạn chế đăng tải của những người bất đồng chính kiến. Điều này tạo nên một tiền lệ xấu cho nhân quyền và chính sách toàn cầu. Quyết định đó của Facebook làm tăng thêm khả năng về những giới hạn nội dung trong tương lai.

Trước đó vào này 22/4, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International cũng đã ra thông cáo báo chí lên tiếng kêu gọi Facebook ngưng đồng lõa với biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Hà Nội, cụ thể không chặn những nội dung đăng tải bị cho là chỉ trích chính phủ Việt Nam.

Ông Mark Zuckerberg - nhà đồng sáng lập Facebook, và hiện đang là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành, khi phát biểu ở Georgetown University, Hoa Kỳ, vào tháng 10/2019, đã khẳng định việc kiểm duyệt đi ngược lại với cam kết bảo vệ tự do ngôn luận.

Minh họa: Hướng dẫn bảo mật thông tin người dùng trên Facebook.
Minh họa: Hướng dẫn bảo mật thông tin người dùng trên Facebook. (Reuters)

Vậy liệu Facebook hợp tác với chính quyền Việt Nam ngăn chặn các tiếng nói đối lập như vậy, có phải từ bỏ chức năng cổ xúy cho tự do thông tin?

Bà Amy Sawitta Lefevre - Quản lý chính sách truyền thông của Facebook, khi trả lời RFA qua email hôm 22/4, đã dẫn lại lời người phát ngôn của Tập đoàn cho hay:

“Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị chúng tôi hạn chế quyền truy cập vào nội dung được coi là bất hợp pháp tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và nỗ lực hoạt động để bảo vệ quyền tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện hành động này để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi vẫn có sẵn và hàng triệu người ở Việt Nam có thể sử dụng được vì họ dựa vào chúng mỗi ngày.”

Vẫn theo vị Quản lý chính sách truyền thông của Facebook, điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù những nội dung này đã bị chặn ở Việt Nam, nhưng nó vẫn có thể được xem ở các quốc gia khác trên thế giới. Phía Facebook tin rằng đây là kết quả tốt nhất có thể trong những hoàn cảnh vô cùng thách thức đang diễn ra hiện nay.

Ông Ngô Toàn Thắng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khi phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 23/4/2020 đã cáo buộc rằng, từ năm 2019 đến nay, Facebook đã vài lần vi phạm quy định về đóng thuế tại Việt Nam và chậm trễ trong việc gỡ bỏ các nội dung chống chính quyền mà phía Việt Nam yêu cầu.

Thêm lần này cùng một số lần trước, chính quyền Hà Nội đã thành công trong việc buộc Facebook rút xuống một số đăng tải.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, trong hai năm 2018-2019, Google đã hợp tác và gỡ bỏ theo yêu cầu gần 8.000 clip bị chính phủ Việt Nam cho là xấu độc. Buộc Facebook xóa 208 trong số 211 tài khoản bị cho là giả mạo, hơn 2.400 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung mà Hà Nội nói là chống phá đảng, nhà nước, gỡ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc...

Vào tháng 8 năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu Facebook phải triển khai việc định danh tài khoản, trước mắt áp dụng tại Hà Nội và TP HCM. Theo đó, chỉ các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livestream). Ngoài ra, Bộ này cũng yêu cầu Facebook cần có chính sách tiền kiểm và gỡ các quảng cáo phát tán tin giả liên quan đến các vấn đề chính trị khi có yêu cầu từ chính phủ.

Tôi chưa thấy có bất cứ tuyên bố hay ý định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cấm sử dụng Facebook.<br/>-Hà Hoàng Hợp

Việt Nam từng cho ra đời những mạng xã hội do trong nước phát triển; tuy vậy đến lúc này những mạng đó đều chết yểu và không thể nào thay thế Facebook. Nhưng liệu trong tương lai ước muốn này có thể thành hiện thực?

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, khi trả lời RFAđưa ra ý kiến của mình:

“Theo tôi nghĩ, việc làm mạng xã hội thay Facebook, thì về mặt kỹ thuật không có gì khó, nhưng vấn đề là không có người dùng. Quyền để làm một sản phẩm để cạnh tranh thì cũng là bình thường, nhiều doanh nghiệp cũng có thể nhảy vào để làm. Còn để có một kết quả để có người sử dụng thật sự thì không thể nói trước được, chắc là khó.”

Còn ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV cho rằng, về mặt công nghệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng để làm mạng xã hội, để thay thế Facebook. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Về mặt phát triển thị trường thì cần phải rất là nỗ lực mới có thể thay thế Facebook. Hiện có hai xu hướng, một là các công ty sẽ vào thị trường ngách, tức là họ tìm một điểm mới, cũng theo phương thức mạng xã hội, nhưng khác với Facebook, nếu thành công thì phần nào cũng cạch tranh với Facebook. Thứ hai là làm ra một cái mới có thể thay thế hoàn toàn Facebook. Tôi nghĩ công cuộc này chắc chắn có nhiều khó khăn, tuy nhiên không phải là không thể.”

Nhưng ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng, không dễ dàng có sự ủng hộ của người dân, vì hiện nay rất nhiều người đang sử dụng Facebook một cách rất quen thuộc, việc chuyển sang một hệ thống khác không phải là dễ dàng. Ông cho biết, một số nước có nền công nghệ phát triển, như Trung Quốc hay Hàn Quốc, đã có thể có các đối thủ nặng ký với Facebook. Theo ông Quảng, nếu dùng biện pháp chặn hẳn Facebook như Trung Quốc thì dễ dàng nhất, nhưng ông cho rằng Việt Nam sẽ không làm như vậy.

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore, khi trao đổi với RFA qua tin nhắn cho biết:

“Chính phủ Việt Nam thời gian qua giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một số mạng xã hội gần giống như facebook, vận động người Việt Nam sử dụng các mạng đó. Họ nhằm mục đích kiểm soát nội dung và thông tin chia sẻ trên các mạng xã hội, nhằm chống các lại quyền tự do biểu đạt ý kiến, chính kiến. Nhưng các mạng xã hội Việt Nam chế ra rất ít người xài, và kém xa Facebook. Bộ trưởng thông tin và truyền thông năm ngoái cũng tuyên bố rằng Việt Nam sẽ có các mạng xã hội 'tốt hơn' Facebook...

Tuy nhiên, tôi chưa thấy có bất cứ tuyên bố hay ý định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cấm sử dụng Facebook.”

Hồi đầu năm ngoái, luật An ninh mạng của Việt Nam đi vào hiệu lực. Đây là bộ luật gặp phải nhiều chỉ trích của quốc tế vì những ràng buộc và hạn chế tự do thông tin trên mạng internet. Luật cũng yêu cầu các công ty nước ngoài như Facebook, Google phải thiết lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và lưu trữ các thông tin người dùng trong nước ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, Facebook cho biết hãng này không lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam.

Việt Nam hiện là quốc gia bị nhiều chỉ trích về việc hạn chế thông tin, đàn áp các nhà báo và blogger. Theo báo cáo mới được công bố hôm 21/4/2020 của tổ chức Phóng viên không biên giới, Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí 2020.