Truyền thông Hoa Kỳ và quốc nội đều loan tin Tòa án Việt Nam, vào ngày 20 tháng 7, sẽ mở phiên tòa xét xử sinh viên Mỹ gốc Việt-William Nguyễn, người tham gia biểu tình ở Sài Gòn ngày 10 tháng 6 vừa qua.
Luật sư Lê Công Định đưa ra nhận định trên mạng xã hội Facebook rằng “Nếu vụ án của William Nguyễn được đưa ra xét xử vào ngày 20/7/2018 như truyền thông quốc tế đưa tin, thì đó là bước lùi đầy xấu hổ của nhà cầm quyền Việt Nam”, vì:
Hoa Kỳ gây áp lực
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta biết trong tất cả những vụ án chính trị ở Việt Nam thì nhà cầm quyền đều giam giữ rất lâu các bị can, trước khi đưa họ ra xét xử với mức trung bình ít nhất cũng phải là 4 tháng. Tuy nhiên, trong vụ án của anh William Nguyễn, nếu thật sự Tòa án Việt Nam có kế hoạch xét xử vào ngày 20 tháng 7 này, thì chúng ta thấy rõ ràng chỉ mới có 1 tháng 10 ngày là họ đã đưa anh William ra xét xử.
Tất nhiên là một tiền lệ về xử nhanh như vậy cũng đã có, nhưng đếm trên đầu ngón tay. Và tiền lệ nhanh nhất mà mọi người đều biết là vụ xử ông Đinh La Thăng, vừa bắt ông hơn 1 tháng là đem ra xét xử. Đó là một vụ án mà ai cũng biết có sự dàn dựng và chuẩn bị từ trước rồi và việc xét xử chỉ là hình thức.
Đối với vụ của anh William Nguyễn lần này cũng vậy, nghĩa là trước áp lực về ngoại giao của phía Hoa Kỳ thì buộc lòng nhà cầm quyền Việt Nam phải đem ra xét xử, và như thế mới có cớ để trả tự do cho anh William Nguyễn. Bởi vì một khi đã bắt giam người ta và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không có lý do gì mà không xét xử; trừ phi phải đình chỉ vụ án. Trong trường hợp nếu đình chỉ vụ án thì nhà cầm quyền Việt Nam còn gì là mặt mũi nữa. Cho nên, họ buộc lòng phải xét xử và phải mở phiên tòa.
Hòa Ái: Theo như Đài ABC, vào ngày 12 tháng 7 dẫn lời của em gái anh William Nguyễn, cô Victoria Nguyễn cho biết gia đình rất thất vọng vì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã không thực sự hối thúc vụ việc anh trai của cô với Chính quyền Việt Nam, qua lời nói của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây, rằng kêu gọi Việt Nam "có giải pháp nhanh chóng" đối với trường hợp của William Nguyễn, thay vì phải yêu cầu "trả tự do ngay lập tức" cho anh William.
Trước áp lực về ngoại giao của phía Hoa Kỳ thì buộc lòng nhà cầm quyền Việt Nam phải đem ra xét xử, và như thế mới có cớ để trả tự do cho anh William Nguyễn. Bởi vì một khi đã bắt giam người ta và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không có lý do gì mà không xét xử; trừ phi phải đình chỉ vụ án. Trong trường hợp nếu đình chỉ vụ án thì nhà cầm quyền Việt Nam còn gì là mặt mũi nữa. Cho nên, họ buộc lòng phải xét xử và phải mở phiên tòa<br/>-LS. Lê Công Định
Ý kiến của Luật sư như thế nào qua chia sẻ vừa rồi của gia đình anh William Nguyễn?
Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ chắc chắn do áp lực của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của ông Ngoại trưởng Mỹ Pompeo. Lời yêu cầu của ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ, rõ ràng là phía Việt Nam đã phải cân nhắc và lưu tâm. Bởi vì họ không làm như vậy thì họ có thể nhận những hậu quả về phương diện ngoại giao và kinh tế. Cho nên, họ phải buộc lòng mở phiên tòa sớm, xét xử rồi trả tự do cho anh William Nguyễn.
Chúng ta biết trong quan hệ giữa hai quốc gia độc lập, có quan hệ bình đẳng với nhau thì làm sao Hoa Kỳ có thể ra lệnh cho Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức là họ làm ngay được. Không phải! Thủ tục phải trải qua một tiến trình pháp lý theo luật của Việt Nam, để qua đó Chính quyền Việt Nam giữ thể diện của mình, cũng muốn chứng minh rằng Việt Nam là một quốc gia có luật pháp, chứ đâu phải Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc ra lệnh thì họ phải làm ngay đâu.
Cho nên sự nôn nóng và thất vọng của gia đình anh William Nguyễn là có thể hiểu. Tuy nhiên, chúng ta là người ngoài cuộc, nhìn vào diễn biến của sự việc thì chúng ta thấy rõ ràng vụ án này đang được giải quyết một cách nhanh chóng. Với kinh nghiệm của tôi quan sát qua những vụ án chính trị trong quá khứ, chưa bao giờ có vụ án nào xét xử trong vòng 4 tháng hết. Chưa bao giờ. Và như tôi nói, gần đây chỉ có vài vụ án như vậy mà thôi.
Hòa Ái: Truyền thông trong nước, vào ngày 13 tháng 7, trong bản tin về phiên tòa xét xử anh William Nguyễn sắp sửa diễn ra, cho biết anh William Nguyễn có thể bị lãnh mức án lên đến bảy năm tù nếu bị kết tội.
Theo Luật sư, anh William sẽ bị tuyên án đến mức tối đa như thế không?
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta thấy hành vi của anh William Nguyễn trong ngày biểu tình 10/6 là anh chỉ xuống đường và cùng mọi người lên tiếng phản đối Dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Còn những cáo buộc mà truyền thông nhà nước nói rằng anh mang 1 triệu 700 ngàn đô la Mỹ về Việt Nam để tài trợ cho người dân đi biểu tình, kích động biểu tình thì đó là những lời cáo buộc không có chứng cứ. Muốn mang một lượng ngoại tệ lớn như vậy vào Việt Nam không phải là chuyện đơn giản, trừ khi có sự tiếp tay của chính quyền này. Chắc chắn điều đó không bao giờ có. Cho nên, ai cũng biết đó là chuyện dàn dựng. Do đó, tình tiết vụ án của anh William Nguyễn trên phương diện pháp lý, theo tôi nghĩ là rất đơn giản nên việc xét xử anh cũng không có gì hết.
Tôi cho rằng có hai kịch bản. Một là họ sẽ tuyên bằng đúng thời gian họ đã giam anh, khỏang 40 ngày thôi. Hoặc họ sẽ tuyên dài hơn, anh ở thêm vài tháng và cuối cùng sẽ được trả tự do.
Kiện Công an Việt Nam
Hòa Ái: Đài RFA ghi nhận 8 ngày sau khi bị bắt, anh William Nguyễn xuất hiện trên kênh truyền hình HTV, thuộc Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh nói rằng lấy làm tiếc về việc làm của anh đã gây tắt nghẽn giao thông và cam kết không tham gia biểu tình hay có bất cứ hành động nào chống phá Nhà nước Việt Nam trong tương lai.
Là người đã từng có hình ảnh xuất hiện trên truyền hình nói lời nhận tội và qua những gì đã trải nghiệm, Luật sư có thể cho biết khi những người bị bắt và xuất hiện trước truyền thông, họ có bị áp lực nào để buộc phải nói những điều như vậy?
Luật sư Lê Công Định: Việc cho những bị can xuất hiện trên truyền hình, đó là thông lệ gần như vụ án chính trị nổi cộm nào thì nhà cầm quyền Việt Nam cũng dùng biện pháp đó hết. Đây là điều chúng ta không ngạc nhiên.
Trong trường hợp của anh William Nguyễn thì tôi không rõ như thế nào. Nhưng trong trường hợp của tôi, rõ ràng đó là một sự cắt ghép những lời tôi nói, và họ cố tình bóp méo những điều tôi đã phát biểu để nhằm mục đích bôi nhọ hình ảnh, đồng thời để chứng minh rằng việc bắt giam tôi cũng như anh William Nguyễn là hoàn toàn có cơ sở; bởi vì các đối tượng đều đã nhận tội. Nghe thì rất buồn cười và chúng ta phải chờ anh William Nguyễn ra ngoài và anh sẽ kể lại cho truyền thông Hoa Kỳ biết là anh trong thời gian đó đã bị như thế nào, mà anh có những hình ảnh trên truyền hình như vậy.
Tôi biết có một đạo luật rất hay, tên là "Alien Tort Claims Act, tức là đạo luật cho phép kiện một chính quyền nước ngoài tại Hoa Kỳ…Và đạo luật này cho phép anh William Nguyễn sẽ tiến hành kiện bất kỳ những người có trách nhiệm nào trong bộ máy Công an của Việt Nam liên quan đến hành động hành hung, tấn công anh như vậy<br/>-LS. Lê Công Định
Hòa Ái: Một khi anh William Nguyễn được trả tự do và trở về Mỹ, anh William có thể kiện công an, an ninh tại Việt Nam hay không qua hành động đã hành hung anh gây đổ máu và dùng vũ lực để bắt giữ, áp tải anh về đôn công an?
Luật sư Lê Công Định: Hoàn toàn được theo luật của Mỹ. Tôi biết có một đạo luật rất hay, tên là "Alien Tort Claims Act" (ATAC) hoặc "The Alien Tort Statute (ATS), tức là đạo luật cho phép kiện một chính quyền nước ngoài tại Hoa Kỳ, khi người khởi kiện biết và có cơ sở chắc chắn là có một nhân viên trong bộ máy nhà nước đã ra lệnh đánh đập, hành hung người đi kiện đó. Và đạo luật này cho phép anh William Nguyễn sẽ tiến hành kiện bất kỳ những người có trách nhiệm nào trong bộ máy Công an của Việt Nam liên quan đến hành động hành hung, tấn công anh như vậy.
Khi vụ kiện này được đặt ra và nếu tòa thụ lý, thì anh William Nguyễn hoàn toàn có thể yêu cầu tòa kê biên, phong tỏa toàn bộ tài sản của người đó và nếu người đó xuất hiện tại Hoa Kỳ hoặc bất kỳ lãnh thổ nào thì có khả năng sẽ bị các cơ quan chấp pháp của Hoa Kỳ hoặc các quốc gia có quan hệ về tư pháp với Hoa Kỳ bắt giam người đó.
Và, tôi nghĩ rằng các luật sư của anh William Nguyễn chắc chắn sẽ sử dụng đạo luật này để khởi kiện.
Hòa Ái: Cảm ơn Luật sư Lê Công Định dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với RFA.