Chiến thắng 3-0 trước đội tuyển Indonesia ở vòng chung kết bóng đá SEA Games vào tối ngày 10/12 vừa qua giúp Việt Nam đạt được chức vô địch sau 60 năm. Đa phần người dân trong nước đều bày tỏ niềm vui và gọi chiến thắng này là niềm tự hào dân tộc.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, Giáo sư Mạc Văn Trang, cũng là người đam mê xem bóng đá, nhận định:
Đá bóng chỉ là một lĩnh vực nhỏ bên Văn hóa – Thể thao, còn đất nước mình bây giờ đang thua xa các nước khác. Mình không thể lấy đá bóng là niềm tự hào được trong khi đó còn có nhiều cái lãnh đạo mình phải tự xem lại bản thân lãnh đạo đất nước của mình như thế đã đúng chưa. - Du học sinh ở Đài Loan
"Bóng đá là môn thể thao mà dân của nhiều nước rất yêu chuộng, đặc biệt đối với Việt Nam thì rất yêu bóng đá và yêu đội tuyển quốc gia. Tính ra là 60 năm từ năm 1959 thì đội bóng của Việt Nam Cộng Hòa đạt vô địch Đông Nam Á, đến nay là 60 năm đội tuyển bóng đá nam mới đạt được vô địch SEA Games thì người ta thích thú, tự hào là chính đáng. Có điều cuồng loạn với bóng đá 1 cách quá mức hoặc lợi dụng bóng đá để tuyên truyền, khuấy động là không nên, không đúng. Ví dụ thanh niên đi bão phóng xe thì công an phải bắt và xử lý."
Có thể thể nhận thấy rất nhiều người dân và chính quyền Việt Nam mong chờ đội tuyển U22 Việt Nam đem lại chiến thắng trong trận chung kết bóng đá SEA Games 2019. Từ trưa, các màn hình lớn đã được cơ quan chức năng địa phương cho dựng lên tại những nơi công cộng.
Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh còn cấm tất cả xe vào đường Nguyễn Huệ, riêng taxi và ôtô tải không được vào trung tâm để người dân cổ vũ tuyển Việt Nam trong trận chung kết.
Sau khi đội tuyển Việt Nam chạm vào cúp vàng, người dân khắp các tỉnh thành đổ xô ra đường đi ‘bão’. Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh, video người dân khoác cờ, đeo băng rôn, hò hét trên đường ăn mừng chiến thắng.
Truyền thông dẫn lời nhiều người gọi việc đoạt huy chương vàng của Đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam là ‘niềm tự hào dân tộc.’
Một du học sinh ở Đài Loan sau khi xem xong trận chung kết lịch sử của bóng đá Việt Nam lại có cách nhìn nhận khác:
“Theo mình niềm tự hào về đá bóng và niềm tự hào dân tộc nên tách biệt. Đá bóng chỉ là một lĩnh vực nhỏ bên Văn hóa – Thể thao, còn đất nước mình bây giờ đang thua xa các nước khác. Mình không thể lấy đá bóng là niềm tự hào được trong khi đó còn có nhiều cái lãnh đạo mình phải tự xem lại bản thân lãnh đạo đất nước của mình như thế đã đúng chưa. Trước đây mình được học là đất nước mình rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu nhưng sau 30 năm phát triển dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thì nước Việt Nam mình bây giờ đang ở vị trí nào trên bản đồ vị trí kinh tế thế giới thì mò kim đáy bể không ra được.”
Đồng quan điểm với bạn du học sinh ở Đài Loan, Kỹ sư Trần Bang, hiện đang ở Sài Gòn cũng cho rằng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam, đội tuyển bóng đá nữ cũng như số lượng huy chương xếp thứ 2 toàn Đông Nam Á của Việt Nam trong SEA Games 2019 là niềm tự hào, nhưng thực tế tình hình đất nước vẫn còn những lo ngại:
“Có lẽ nó không là gì so sánh với môi trường xã hội xuống cấp về đạo lý, văn hóa xã hội, chính trị, môi trường, việc đe dọa an ninh quốc gia... nhiều vấn đề trầm trọng lắm mà thể thao chỉ là khía cạnh nhỏ, không nói lên được điều gì nhiều lắm. Ngay như Philippine chẳng hạn, họ giải nhất SEA Games tất nhiên họ có lợi thế tổ chức nhưng rõ ràng so việc phát triển kinh tế xã hội thì Philippine không thể bằng Mã Lai, Indonesia, Singapore được.”
Một bạn trẻ ở Sài Gòn lại cho rằng cần tách biệt rõ ràng hai lĩnh vực bóng đá giải trí và chính trị:
“Nói về chính trị so với bóng đá thì không thể nói chung vô được. Bóng đá là môn thể thao để mọi người giải trí, gọi là môn thể thao vua, chứ không thể nào áp đặt được từ bóng đá qua chính trị được.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Giáo sư Mạc Văn Trang lại cho rằng có thể rút ra được bài học lớn từ thắng lợi của bóng đá Việt Nam tại trận chung kết Sea Games 2019:
Nói về chính trị so với bóng đá thì không thể nói chung vô được. Bóng đá là môn thể thao để mọi người giải trí, gọi là môn thể thao vua, chứ không thể nào áp đặt được từ bóng đá qua chính trị được. - Người dân
“Qua thành công của đội tuyển quốc gia thì nhiều người đã rút ra một kết luận là nếu chúng ta có những người lãnh đạo giống như huấn luyện viên, những người lãnh đạo có tâm có tài thật sự. Thứ hai là có hệ thống đào tạo trẻ một cách đúng đắn, không gian lận, không kiểu thành phần chủ nghĩa mà chọn những em có năng khiếu đúng đắn, xem những chương trình tiến bộ thế giới thì Việt Nam chúng ta các thế hệ trẻ sẽ tài năng. Thứ ba là chúng ta bỏ thành kiến, rào cản để phát huy nguồn lực xã hội như đầu tư vào bóng đá của các phong trào xã hội dân sự như thế thì tất cả các ngành khác mà làm như thế thì đều tiến bộ: về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, y tế...”
Du học sinh Đài Loan cũng đồng ý với nhận xét của Giáo sư Mạc Văn Trang. Anh lập luận:
“Nếu bên lĩnh vực đá bóng thuê được huấn luyện viên Park Hang-Seo của Hàn Quốc về làm huấn luyện viên mà bóng đá của mình được như thế thì mình nghĩ theo kiểu hơi hài hước tí là nhập nguyên dàn lãnh đạo của Hàn Quốc về Việt Nam hoặc ít ra thì cũng phải có suy nghĩ tiến bộ như người ta cách làm tiến bộ hơn, phải học hỏi các nước như Hàn, Nhật, Đài Loan là các nước trong vùng mà kinh tế đang đi đầu tàu Châu Á.”
Đa số những người trao đổi với Đài Á Châu Tự Do đều cho rằng tự hào với bóng đá không phải tự hào dân tộc vì hiện nay bên cạnh niềm tự hào về bóng đá Việt Nam thì vẫn có nhiều lĩnh vực không được tự hào cho lắm như chính trị, kinh tế, cách điều hành quản lý, những thảm họa môi trường...
Tuy nhiên, họ đều cho rằng từ cách dẫn dắt đội tuyển U22 của huấn luyện viên Park Hang-seo để đem lại chiến thắng vàng cho Việt Nam vừa qua đều có thể đưa ra bài học cho giới lãnh đạo chính phủ Hà Nội. Trong đó, việc mở rộng tư duy, lựa chọn đúng tài năng, không giới hạn mọi mặt... là các yếu tố mà những người đứng đầu bộ máy nhà nước cần thay đổi.