Hoài Hương, phóng viên đài RFA
Thưa các quý thính giả, trong kỳ phát thanh trước, chúng tôi đã gửi tới quý thính giả phần 1 của chủ đề đi học thêm của học sinh phổ thông. Trong lần phát thanh này, chúng tôi xin gửi tới các quý thính giả phần thứ 2 của đề tài này.
Có rất nhiều bậc phụ huynh tự nhận thấy chương trình học chính và học thêm quá nặng đối với con cái họ, nhưng họ vẫn không dám cho con nghỉ học thêm, thậm chí vẫn phải đi học thêm những lớp khác nhau.
Nguyên nhân sâu xa
Vậy nguyên nhân sâu xa của phong trào học thêm nằm ở đâu. Mời các quý thính giả nghe tâm sự của cô giáo dạy toán trường phổ thông trung học Phan Đình Phùng, thành phố Hà Nội. Lời cô giáo nói về bệnh thành tích. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Các thầy cô hăng hái đi dạy thêm để có thêm thu nhập là điều dễ hiểu. Các trường tích cực tổ chức các lớp học thêm để có nhiều thành tích giảng dạy cũng có thể hiểu được. Nhưng xét cho cùng thì người quyết định chính vẫn là học sinh và các bậc phụ huynh.
Vậy điều gì khiến học sinh dù mệt mỏi cũng vẫn phải còng lưng đi học thêm, còn các bậc phụ huynh dù thương con và tiếc tiền vẫn phải cố gắng động viên con học và động viên mình trả tiền.
Mời các quý thính giả nghe tiếp tâm sự của cô giáo Lê Phương Lan về tình trạng đua nhau đi học thêm của học sinh. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tuy người ta kêu ca nhiều về vấn đề đi học thêm, nhưng trên thực tế đi học thêm ở một chừng mực nào đó vẫn là cần thiết và mang lại lợi ích cho học sinh. Điều quan trọng là thầy phải biết dạy, trò phải biết học. Vậy dạy như thế nào là biết dạy, học như thế nào là biết học.
Mời quý thính giả tiếp tục nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi với cô giáo Lê Phương Lan. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Ở các nước khác
Chuyện đi học thêm không phải chỉ ở Việt Nam mới có, chẳng hạn học sinh ở nga cũng đi học thêm. Tuy nhiên đi học thêm ở các nước khác không mang tính phong trào, đồng loạt, mà mỗi học sinh tự quyết định mình còn yếu kém môn nào thì nhờ cô giáo kèm thêm cho môn học đó mà thôi.
Mỗi lớp học thêm thường chỉ có từ 1 đến 3-4 học sinh. Khi cô giáo thấy em học sinh nào chưa hiểu bài, cô sẽ tự đề nghị học sinh đó ở lại cô giảng thêm, vấn đề thù lao thì bố mẹ học sinh tự quyết định. Khi học sinh đã vững vàng thì cô giáo cũng không dạy thêm nữa.
Mời các quý thính giả nghe cuộc trao đổi của chúng tôi với cháu Phạm Quốc Minh, học sinh xuất sắc lớp 5, trường phổ thông chuyên anh thành phố Moskva. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Ước mơ của mỗi ông bố bà mẹ là nuôi dạy con cái thành những người tốt, thông minh, có vị trí trong xã hội. Nhưng không phải ông bố, bà mẹ nào cũng co thời gian và trình độ để dạy và hướng dẫn cho con cái học hành.
Chính vì vậy cho con đi học thêm là việc không tránh khỏi, nhưng bắt con cái học quá nhiều, trả tiền cho những lớp học quá đắt chưa chắc đã mang lại kết quả mong muốn. Điều quan trọng là mỗi bậc phụ huynh phải tự hiểu con cái của mình cần học bổ sung thêm môn gì, học bao nhiêu là vừa đủ và chọn được cho chúng một người thầy có trách nhiệm giảng dạy.
Chúng tôi kết thúc chủ đề đi học thêm ở đây. Trong kỳ phát thanh tới, chúng tôi sẽ dành sự quan tâm cho vấn đề dạy dỗ con cái.
Trong những trường hợp nào chúng ta nên và có quyền trách mắng con cái và trách mắng như thế nào là hữu hiệu nhất. Có nên kỷ luật trẻ con không và nên dùng những hình thức kỷ luật như thế nào đối với con cái. Mời các quý thính giả nhớ đón nghe.