Trà Mi, phóng viên đài RFA
Thủ tướng Phan Văn Khải vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ kéo dài 1 tuần. Chuyến thăm lịch sử được đánh giá là thành công tốt đẹp cho mối quan hệ Việt-Mỹ, sau 30 năm chấm dứt cuộc chiến Việt Nam và 10 năm bình thường hoá quan hệ song phương.
![VietnamStockYouth200.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/RMXFDOKV2AV3OZMEMB7XR7XNOA.jpg?auth=5509b3d6c3e74dc579ba5f4ef258a4c98b0e39c2a3071e3f9c01c58ee4010351&width=400&height=266)
Tuy nhiên, những thành quả gặt hái được sau chuyến đi này sẽ được áp dụng ra sao để giúp ích cho sự phát triển của đất nước? Có lẽ đây mới là mối quan tâm chính của mọi người, nhất là đối với giới trẻ, thế hệ làm chủ đất nước.
Người trẻ trong nước kỳ vọng có những sự biến chuyển, cải tổ như thế nào sau chuyến Mỹ du của thủ tướng?
Trang Phụ Nữ hôm nay, Trà Mi xin mời quý vị theo dõi cuộc thảo luận của một số trí thức trẻ trong nước xung quanh chủ đề: "Sau chuyến công du Hoa Kỳ trở về, thủ tướng nên làm gì giúp ích cho sự phát triển của Việt Nam?"
Trà Mi: Hiện giờ Trà Mi đã mời được 4 bạn trên đường dây tham gia cuộc thảo luận hôm nay. Trước tiên, Trà Mi xin cảm ơn các bạn đã góp tiếng trong chương trình hôm nay, và xin mời các bạn tự giới thiệu sơ lựơc về mình.
Trà Mi: Là những người trẻ có quan tâm nhiều đến hiện tình xã hội-đất nước, cũng như có theo dõi thường xuyên diễn tiến chuyến thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải, thì theo các bạn, khi trở về, thủ tướng nên ưu tiên, cấp thiết thực hiện những thay đổi nào cho hướng phát triển của đất nước?
Ly: Có 2 vấn đề mà mình cảm thấy quan tâm nhất hiện giờ. Thứ nhất là về giáo dục. Mình thấy giáo dục của Việt Nam hiện giờ tuy đã có nhiều bước phát triển rồi, nhưng nói chung vẫn còn rất nhiều bất cập.
Hy vọng là sau chuyến đi này về, như mình được biết là thủ tướng định xây dựng 1 mô hình trường đại học mang tầm cỡ quốc tế, thì hy vọng thủ tướng sẽ học hỏi được những kinh nghiệm tiên tiến về áp dụng, cải thiện thực trạng giáo dục hiện nay.
Còn vấn đề thứ hai là làm sao để cho Việt Nam được gia nhập WTO, để từ đó nền kinh tế mới có thể phát triển được, và tạo cơ hội cho doanh nghiệp cùng với các công ty thuộc nhà nước cạnh tranh 1 cách công bằng để cung cấp cho khách hàng ngày càng nhiều dịch vụ hơn. Việt Nam bây giờ có những lĩnh vực độc quyền như ngành điện, ngành nước, ngành viễn thông, hàng không..v..v..
Chính vì độc quyền như vậy cho nên họ không phấn đấu cung cấp chất lựơng tốt nhất. Cho nên, khi Việt Nam gia nhập WTO thì sẽ có nhiều công ty khác cùng nhau cạnh tranh, thì lúc đó khách hàng mới thật sự là thựơng đế, và cuộc sống của người dân Việt Nam sẽ được cải thiện tốt hơn.
Bạn nghĩ gì về những ý kiến của các bạn trẻ này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Trà Mi: Vâng, xin cảm ơn bạn Ly. Mời bạn kế tiếp.
Hùng: Vâng, nếu như tôi là thủ tướng thì sau chuyến công du Mỹ này thì về Việt Nam tôi sẽ thực hiện những gì cam kết với nước Mỹ để nhận được những sự hỗ trợ của Mỹ để vào được WTO. Và những cái xung quanh đó là về luật pháp.
Ở Việt Nam có rất là nhiều luật, nhưng không hỗ trợ cho những người đầu tư vào Việt Nam. Đó là cái bất cập trong việc thu hút đầu tư. Những vấn đề bạn Ly lúc nãy đề cập tới thì mình xin bổ sung là những cái độc quyền nó sinh ra rất là nhiều chi phí, cho nên nhà đầu tư rất là ngại.
Ngoài ra, nếu tôi là thủ tướng thì tôi sẽ chống tham nhũng, tại vì ở Việt Nam, tham nhũng đã trở thành 1 quốc nạn rồi. Ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có hối lộ và tham nhũng hết..thì những nhà đầu tư nước ngoài người ta sẽ rất ngại mấy cái đó.
Bảo: Vâng, mình là Bảo. Mình có ý kiến như thế này. Chuyến công du của thủ tướng PVKhải thì mục đích của chúng ta là để gia nhập WTO. Vấn đề mà mình quan tâm nhất là Việt Nam phải tạo điều kiện về giấy tờ để làm sao không còn những cản trở hay khó khăn khi người ta múôn làm việc với mình...thì đó là điều mình quan tâm nhất.
Trà Mi: Trà Mi xin mời Hạnh. Hạnh có ý kiến gì không?
Hạnh: Đối với tôi, điều cần phải thay đổi đầu tiên là đảng cộng sản Việt Nam phải thay đổi tư duy của họ. Cái tư duy ở đây chính là phải có dân chủ trong đảng trước. Phải biết lắng nghe ý kiến những người bất đồng với mình.
Phải đối thoại với những người có ý kiến khác biệt trong và ngoài nước, giống như những gì ông Phan Văn Khải đã tuyên bố với phóng viên của hãng thông tấn AP. Và đảng cộng sản phải chấp nhận tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tôi xin nhấn mạnh cái từ "chấp nhận".
Trà Mi: Vâng, mỗi bạn có những quan điểm khác nhau, rất thú vị. Trà Mi xin được gom ý kiến của các bạn thành những mối quan tâm chính là: cải thiện giáo dục, sửa đổi khung pháp lý-hành chính để tiến tới WTO, tăng cường tự do ngôn luận và dân chủ.
Vì thời gian dành cho chương trình có hạn, nên hôm nay chúng ta hãy bàn về đề mục giáo dục trước nhé. Mời các bạn đóng góp ý kiến:
Ly: Đối với lĩnh vực giáo dục, mình cảm thấy nhức đầu và cảm thấy bức xúc lắm trước chuyện bây giờ các em phải nhồi nhét rất nhiều, nào là học thêm, học phụ đạo...Cái nguyện vọng của mình là làm sao giảm tải bớt chương trình học để các em học mà vẫn có thời gian vui chơi, giải trí.
Vấn đề tiếp theo, mình mơ ước sẽ có 1 mô hình đại học làm sao để sinh viên nào tài giỏi, có khả năng, thì có thể học vựơt, không nhất thiết phải theo trình tự học hết 4 năm mới xong đại học. Nếu có khả năng, các bạn sinh viên có thể học theo tín chỉ, không cần phải 4 năm mà có khi chỉ 2-3 năm là có thể hoàn tất chương trình đại học, để sau đó có thể tiếp tục học lên những bậc cao hơn, khi đạt được trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì ở độ tuổi rất trẻ.
Sinh viên Việt Nam mình có 1 số bạn ra nước ngoài học tập đã lấy đựơc bằng tiến sĩ ở những độ tuổi rất trẻ từ 24-26 tuổi thôi. Và mình rất ngưỡng mộ các bạn đó và ngữơng mộ cái cách học như vậy. Mình mong ước là sau này Việt Nam mình sẽ cải cách để làm sao cũng có cách dạy và học như vậy.
Hạnh: Mình xin có ý kiến như thế này. Giáo dục Việt Nam là giáo dục của lý thuyết, có học mà không có hành. Cứ nhìn vào thành tích của những học sinh Việt Nam đi thi toán quốc tế hay thi những môn quốc tế mà xem. Về lý thuyết họ đạt điểm rất cao, thậm chí là tuyệt đối, nhưng toàn rớt ở khâu thực hành.
Mà cuộc sống thực tế của chúng ta là mình phải làm, phải hành động. Có hành động thì mới biến những kiến thức để phục vụ cho bản thân mình và cho xã hội. Giáo dục của mình đúng là giáo dục của cộng sản, lại theo kiểu cộng sản, bởi vì người cộng sản thì luôn luôn nói mà không thấy làm.
Tôi thấy rất là nhiều hội nghị, bao nhiêu là kỳ họp đại biểu quốc hội, nào là phải thay đổi giáo dục, nào là bỏ tốt nghiệp phổ thông trung học này nọ... Tôi thấy là tốn biết bao nhiêu là giấy mực, biết bao nhiêu người đã nói, nhưng đâu vẫn hoàn đó.
Tôi thấy là Việt Nam mình dựa trên lý thuyết quá nhiều và nói quá nhiều. Tôi nghĩ là đã đến lúc cần phải hành động đối với cả giáo dục, cả y tế. Tôi thấy rất nhiều người không có tiền, thì đành phải chấp nhận ở nhà mà làm ruộng thôi, chứ bây giờ đi học thì phải có tiền. Mà hơn nữa nhiều người học ra lại không thân không thế, không quen không biết gì, thì lại cũng không xin được việc làm.
Tôi nhớ mãi 1 câu ngày xưa khi còn đi học đại học, thầy giáo dạy hoá của tôi nói là: "Các em cứ ráng mà học đi, may sau nếu các em có học ra mà không xin đựơc việc, các em đi về cày ruộng thì đường cày của người có học cũng khác người không học các em ạ."
Nghe mà rất đau lòng. Và tôi cũng xin được nhấn mạnh là đồng lương của giáo viên Việt Nam và về y tế cũng vậy, một bác sĩ trực cả ngày cả đêm được 30 ngàn đồng tiền bồi dữơng lại còn trừ đi 2 bữa tiền ăn thì hỏi chị còn bao nhiêu tiền để sống? Tại sao mà cứ phải đi dạy thêm? Tại sao phải đi chữa bệnh ngoài giờ?
Đơn giản vì nếu chị dạy theo đúng đồng lương thì chị chẳng đủ ăn. Nếu vậy thì chẳng có tâm huyết chị ạ, bởi vì khi cái bụng mình không no thì tâm huyết đâu để đem truyền hết những cái hay cái đẹp cho người khác. Đằng này cái bao tử của anh thì cứ nửa đói, nửa vơi. Tôi nghĩ là nhiều người cũng tâm huýêt lắm, nhưng...
Hùng: Về vấn đề giáo dục của Việt Nam thì bây giờ nó rất nhiều cái bất cập, mà nó đào tạo học sinh ra mà coi như là không có thể có tư duy sáng tạo. Đó là sự thật. Nếu mà chính quyền thay đổi được giáo dục thì sẽ tốt cho người dân hơn, vì giáo dục dầu gì nó cũng làm nâng nền kinh tế lên.
Trà Mi: Vừa rồi, các bạn đã đưa ra những thực trạng tồn tại. Vậy các bạn có đề nghị thay đổi, cải thiện như thế nào?
Ly: Theo như Hạnh thấy thì nhà nước cộng sản Việt Nam mang cái chủ thuyết Mác-Lênin để xây dựng một xã hội chủ nghĩa đúng không ạ? Thế thì tại sao mình lại áp dụng dở dang thế nhỉ? Tại vì theo Hạnh đựơc biết, chủ nghĩa xã hội thì mọi thứ đều được miễn phí hết đúng không? Mình mới có miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi bắt từ ngày 1/5/2005 thôi, còn trước đó tất cả mọi người đều phải đóng tiền vào giáo dục.
Trà Mi: Vâng, ý kiến của Hạnh đóng góp cho sự thay đổi trong nền giáo dục là miễn phí giáo dục, thông thoáng giáo dục, phải không ạ?
Hạnh: Vâng ạ.
Ly: Và một điều tiếp theo, mình nghĩ là nên áp dụng công nghệ thông tin vào trường học. Thực ra, hiện giờ nhà nước mình cũng đã áp dụng rồi nhưng nó chưa được phổ biến và chưa được nhân rộng. Nơi vùng sâu vùng xa học sinh chưa được tiếp cận với công nghệ thông tin, cho nên cần phải xoá mù công nghệ thông tin.
Hùng: Tôi đề nghị giảm bớt giờ học cho học sinh bởi vì học sinh không phải là 1 cái máy để mà nhồi nhét nó. Các em cũng cần thời gian đi chơi...chưa kể học nhiều thì tốn tiền nhiều. Thật sự ở Việt Nam học rất là tốn tiền.
Ngoài học chính khoá ra còn phải học thêm. Rất là tốn kém cho nhân dân. Rồi thi cử nữa... Thật sự thì nhà nước thay đổi nhiều rồi, nhưng mà hình như càng thay đổi thì càng rối. Mình để ý vậy đó. Cứ 1 năm, 2 năm lại cải cách.
Nói chung là mình nên có 1 nền giáo dục ổn định và học tập theo các nước xung quanh mình giống như Singapore, Malaysia chẳng hạn. Và đừng có khư khư giữ cái gọi là "xã hội chủ nghĩa" ở trong giảng đường đại học nữa, tại vì mình thấy bây giờ, ra xã hội bất cứ đụng vô lĩnh vực nào cũng đều là kinh tế thị trường.
Trong khi trong giảng đường đại học, sinh viên muốn ra trường thì vẫn phải học kinh tế chính trị Mác-Lênin, mà không mở ra những môn học mới, giống như kinh tế thị trường chẳng hạn. Thì mình nghĩ đó là 1 điều bất cập mà khi bước ra đời thì sinh viên sẽ bị hụt hẫng.
Trà Mi: Rất cảm ơn ý kiến của bạn. Những ý kiến các bạn đưa ra rất hay, nhưng tiếc là đến đây thì thời gian dành cho chương trình đã hết. Trà Mi xin tạm ngưng cuộc thảo luận, và chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi ý kiến về những đề mục tiếp theo vào những chương trình tới. Một lần nữa, xin cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện hôm nay.
Trong những Trang Phụ Nữ sắp tới, Trà Mi sẽ tiếp tục gửi đến quý vị những ý kiến, đề xuất của các bạn trí thức trẻ trong nước về sửa đổi khung pháp lý-hành chính để tiến tới WTO, tăng cường tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và dân chủ cho Việt Nam. Mời quý vị nhớ đón nghe.
Mong được đón tiếp quý vị trên làn sóng này vào tuần sau. Trà Mi kính chào.