Nhiều cuộc biểu tình, phản đối hay khiếu nại xảy ra trên khắp Việt Nam mà người tham gia chủ yếu là phụ nữ. Họ bất chấp chấp khả năng bị chính quyền hoặc côn đồ đàn áp, vẫn cùng nhau đứng dậy thể hiện tiếng nói của mình đối với những vấn đề bất công trong xã hội.
Một sự việc gần đây nhất là vào ngày 27 tháng 2 vừa qua, truyền thông trong nước cho biết tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, một nhóm khoảng 30 người, đa số là phụ nữ, đã tập trung ngồi dàn hàng ngang giữa quốc lộ 1 để phản đối một dự án thủy sản tại địa phương vì họ sợ có thể gây ô nhiễm môi trường. Trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh những người phụ nữ trang bị đầy đủ nón áo, ngồi bệt xuống mặt đường bất chấp sự can thiệp của lực lượng công an.
Thỉnh thoảng đâu đó vẫn có những bản tin về các cuộc biểu tình, nói rõ đa số người tham gia là phụ nữ. Chẳng hạn như cuộc biểu tình đòi bồi thường thảm họa Formosa tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào hôm 12/12/2016, đài BBC đưa tin ghi rõ hàng trăm người tham gia, đa số là phụ nữ.
Trước đó, vào ngày 15 tháng 10 năm 2016, báo chí nước ngoài cũng đưa tin khoảng 200 người, đã số là phụ nữ ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã chặn trước khu công nghiệp Lai Vu để phản đối công ty dệt may Pacific Crystal xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Đây chỉ là một số trong rất nhiều những cuộc biểu tình mà truyền thông đưa tin trong đó đa số người tham gia là phụ nữ.
RFA trò chuyện với cô Sim, người trực tiếp tham gia cuộc biểu tình ở khu công nghiệp Lai Vu tỉnh Hải Dương vừa nêu trên. Cô Sim xác nhận rằng đa số là phụ nữ tham gia cuộc biểu tình này. Cô nghĩ rằng lý do là vì phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề ô nhiễm môi trường:
Phụ nữ phải sinh đẻ nhiều. Nếu không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người đàn bà nhiều hơn. Cũng chỉ vì lý do đấy, nó ảnh hưởng đến chính bản thân mình, con cái mình sinh ra. Cho nên dù có là đàn bà, mình cũng phải đứng lên chống lại những ảnh hưởng đến cộng đồng, gia đình và bản thân.
Còn đối với chị Hoa, một người dân tỉnh Nghệ An, người từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm, thì lý do nhiều cuộc biểu tình có đa số phụ nữ tham gia là vì họ cho rằng chính quyền không dám đàn áp phụ nữ:
Mình cứ nghĩ là họ không dám đánh phụ nữ, cho nên cái gì cũng phụ nữ đương đầu ra. Phụ nữ có quyền, như các nước khác họ bảo vệ phụ nữ trẻ em nhiều hơn. Đó là điều đầu tiên.
Thứ hai, nếu để cho nam giới tham gia vào những công việc đó thì sợ hai bên xung đột, xô xát hay mâu thuẫn vì phụ nữ thường kìm nén được. Trong khi ở Việt Nam quyền con người, quyền tự do ngôn luận chưa có.
Những tưởng nếu là phụ nữ thì chính quyền sẽ nương tay, nhưng chị Hoa nói rằng chị chứng kiến rất nhiều đàn bà, trẻ nhỏ bị an ninh và côn đồ đánh đập trong các buổi buổi biểu tình. Chị nhớ lại một lần đi biểu tình cách đây chưa lâu:
Bà cô của chị là bà Lệ, 73 tuổi rồi, mà bị họ đánh, họ dậm xuống dưới bùn, gãy răng luôn. Nói chung không hề thấy họ nương tay đâu.
<i>Phụ nữ phải sinh đẻ nhiều. Nếu không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người đàn bà nhiều hơn. - Cô Sim<br/> </i>
Từ Sài Gòn, cô Kim Chi, người thình thoảng xuống đường phản đối nạn ô nhiễm môi trường, cho chúng tôi biết phụ nữ thường đi biểu tình nhiều hơn nam giới là vì họ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình và con cái của họ:
Nam giới thì thường các ông ấy cũng lo ăn nhậu nhẹt. Phụ nữ thì người ta lam lũ. Khi môi trường nhiễm độc như vậy người ta sợ. Quá nhiều thứ, thực phẩm độc, y tế không được tốt,… Người phụ nữ thường chăm sóc gia đình nên họ sợ cho con cháu họ nhiều hơn nam.
Ngoài những hình ảnh đoàn phụ nữ kéo nhau đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn, người ta còn thấy nhiều phụ nữ đứng lên khởi xướng các cuộc biểu tình này. Điển hình phải nói đến blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được cho là đã chủ xướng các cuộc biểu tình phản đối Formosa ở thành phố Nha Trang trước khi cô bị bắt. Hay nhà hoạt động Đỗ Minh Hạnh, một trong những người tổ chức cho 10.000 công nhân nhà máy giày Mỹ Phong tỉnh Trà Vinh đình công đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Cũng vì lý do này cô bị bắt ngay sau đó và bị tuyên án 7 năm tù giam.
Cô Kim Chi cho rằng hành động bỏ tù hay đàn áp từ phía chính quyền đối với những người phụ nữ đi biểu tình không hề làm họ nản chí, mà ngược lại càng thôi thúc sự uất hận trong tâm trí họ:
Bắt người ta thì bắt thôi chứ người ta không sợ vì người ta không có tội. Người ta chỉ lên tiếng vì môi trường nó bẩn quá.
<i> <i>Người phụ nữ thường chăm sóc gia đình nên họ sợ cho con cháu họ nhiều hơn nam - Cô Kim Chi</i> </i>
Nhân tuần lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3, từ miền Trung của đất nước, chị Hoa gửi gắm thông điệp đến với những người phụ nữ còn e sợ, chưa dám đứng dậy nói lên quan điểm của mình:
Chị mong muốn tất cả mọi phụ nữ ở Việt Nam, biết nhìn nhận cái gì đúng, cái gì sai, biết bảo vệ cho mình, cho con cái cháu chắt của mình. Cho nên mình phải mạnh mẽ lên, phản kháng, có lòng dũng cảm để bảo vệ tương lai con cái và đất nước mình.
Đây cũng là lời nhắn gửi từ cô Kim Chi, và cô Sim đến với các chị em phụ nữ, rằng hãy mạnh mẽ phản đối nếu thấy bất bình, vì một đất nước tốt đẹp hơn.
Việt Nam hiện tại vẫn chưa có luật biểu tình chính thức mặc dù quyền biểu tình được quy định rõ ràng trong Hiến pháp 1946 và 2013. Vì chưa có luật, nhiều người tham gia thường bị quy kết vào tội gây rối trật tự công cộng.