Trước giờ bóng lăn: đường đi sao quá gập ghềnh!

Những nhận định trước trận Chung kết World Cup 2011 giữa hai đội tuyển nữ Nhật Bản và Hoa Kỳ.

1. Trong cuộc đời của một nhà báo thể thao và của một người say mê bóng đá, chưa bao giờ tôi phải xem những trận banh "ép tim" như 2 trận banh vừa rồi. "Ngạt thở chứ không đùa", câu này không chỉ một mình tôi thốt lên mà là câu nói của tất cả những những người ủng hộ Đội Tuyển Nữ Hoa Kỳ khi xem đội nhà ra sân trong 7 ngày vừa qua.

Chủ Nhật tuần trước, đội tuyển của chúng ta tưởng đã đi đứt trong trận gặp Brazil ở tứ kết, đến trưa thứ Tư lại hãi hùng hơn nữa khi thấy những chiếc áo xanh của đội tuyển quốc gia Pháp tung hoành trước khung thành của đội tuyển Mỹ, thấy cảnh vất vả của hàng hậu vệ khi tìm cách phá banh và thấy khuôn mặt của cô thủ môn Solo Hope như đanh lại mỗi lần tung người phá những đường banh hiểm hóc.

Chỉ vài giờ trước đây khi ngồi nói chuyện với bạn bè ở D.C. về trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày mai, chúng tôi đều đồng ý với nhau: hú vía, nếu không có những cú đánh đầu tuyệt đẹp của Abby Wambach thì các nữ tướng của Hoa Kỳ đã phải xách valise về nước từ lâu rồi, không có dịp nhìn thấy sân vận động Frankfurt và cũng đừng mong đưa chân đá trái banh của trận chung kết.

hope-solo-150.jpg
Thủ môn Hope Solo của ĐT Hoa Kỳ. Photo courtesy of Wikipedia.

2. Rõ ràng chuyện Hoa Kỳ vào đến chung kết Giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới Nữ 2011 là điều không ai dám nghĩ đến. Tháng 11 năm ngoái thua Mexico -chấm dứt thời kỳ vàng son làm chủ sân CONCACAF kéo dài hơn 20 năm-, sau đó thua cả Anh lẫn Thụy Điển trên đường đến Đức so giày với thế giới. Tệ hơn nữa: trong một năm thua Thụy Điển tới 2 lần, lần cuối cùng xảy ra cách đây cũng chẳng bao xa, ngay trong trận cuối cùng của vòng bảng.

Trận thua Thụy Điển đó khiến hy vọng vào tới bán kết của đội tuyển Hoa Kỳ hầu như tiêu tan, hầu như chẳng ai tin các nữ tuyển thủ Mỹ có thể qua được cửa ải Brazil với nữ cầu thủ Marta 5 lần đoạt giải cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Dự đoán đó hoàn toàn không sai, nếu không có đường banh tuyệt diệu của Megan Rapinoe và cú đánh đầu nhanh như sao xẹt của Wambach đúng phút thứ 122 giúp cân bằng tỷ số. Ở vòng đá phạt đền luân lưu nếu không có cô thiếu nữ với bàn tay vàng mang tên Solo Hope, chưa chắc đội tuyển Mỹ đã có thể đi xa hơn.

Vào đến bán kết, tình hình cũng không sáng sủa gì cho lắm!!! Từng có lúc mọi người “đều nghĩ” chiến thắng sẽ nằm trong tay của các nữ tướng người Pháp, đặc biệt nhất là trong 25 phút đầu tiên của hiệp nhì khi đoàn quân đại diện cho xứ Gaulloise dồn hết mọi nỗ lực để tìm cách ghi bàn thắng và trong một khoảng thời gian khá dài đội tuyển Pháp chỉ đá có nửa sân, banh lúc nào cũng nằm trên phần đất của Mỹ, hầu như lúc nào banh cũng lăn tròn trước khung thành của đội tuyển Mỹ, hết đường banh đi thật nhanh từ chân Gaetane Thiney, lại tới với cú dứt bất ngờ từ ngoài vùng cấm địa của Sonia Bompastor. Khoảng thời gian chỉ vài chục phút đồng hồ nhưng kéo dài tưởng như cả thế kỷ đó là thời gian mọi người lo âu, không biết làm sao các nữ tuyển thủ của đội tuyển Hoa Kỳ lật ngược được tình thế.

Cuối cùng, tình hình hoàn toàn đổi khác: vẫn Wambach và cú đánh đầu tuyệt diệu thay đổi hẳn cục diện trên sân, giúp đội tuyển "đến rất gần với mục tiêu đặt ra" như cô cầu thủ mang số 20 vừa đưa tay lau mồ hôi vừa trả lời cuộc phỏng vấn ngay sau trận đấu. "Chúng tôi đã vào đến chung kết và bây giờ chỉ còn một trận cuối cùng nữa thôi. Chúng tôi muốn hoàn tất những gì đã đặt ra ngay từ ngày đầu tiên: phải chiếm được cúp vô địch bóng tròn thế giới". Ngay bên cạnh Wambach là Lauren Cheney và Alex Morgan, 2 nữ cầu thủ nổi tiếng khác của hàng tiền đạo, những cầu thủ với đôi chân vàng đã buộc thủ môn Berangere Sapowicz của Pháp phải nghẹn ngào vào lưới nhặt banh.

Bà huấn luyện viên Pia Sundhage cũng không dấu được vẻ xúc động, cho biết "hãnh diện về các cầu thủ của đội tuyển" nhưng không quên nhắc nhở tất cả mọi người "vẫn còn một trận banh nữa""trách nhiệm của tất cả chúng tôi là phải chứng tỏ cho mọi người thấy tại sao FIFA hoàn toàn không sai chọn Hoa Kỳ đứng đầu danh sách các đội tuyển quốc gia của thế giới". Bà sếp cũng nhìn nhận "phải nói thật là đội tuyển đá không xuất sắc lắm… nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chuyện chúng tôi tìm được cách để chiến thắng".

abby-wambach-200.jpg
Cầu thủ Abby Wambach của ĐT Hoa Kỳ. Photo courtesy of Wikipedia.

3. Đường đi quả quá gập ghềnh, nhưng yếu tố nào đã giúp đội tuyển Hoa Kỳ đi xa đến thế? Câu trả lời rất dễ: tất cả các cầu thủ đều đồng ý với quan niệm của bà huấn luyện viên Sundhage "đội tuyển thành công là đội tuyển có 21 cầu thủ". Nhưng khuôn mặt nổi bật trên sân như Wambach, Lauren Cheney… chỉ là một phần của đội banh, và trách nhiệm của mọi người là phải đóng góp cho đội dưới bất cứ hình thức nào để cùng nhau thành công.

Họ đóng góp như thế nào? Câu chuyện của nữ cầu thủ Cheney đi hàng trung vệ là câu chuyện đang được mọi người nói tới. Được đưa ra sân thay cho Heather O'Reilly (bị thương) trong trận đầu vòng bảng, cô Cheney cảm thấy "lạc lỏng, đá không ăn khớp với bạn đồng đội". Ở giờ giải lao, cô hỏi ngay các nữ cầu thủ khác đang ngồi ghế phòng hờ "nhờ họ hướng dẫn cách phải làm sao để đá đúng nhịp với các bạn khác".

Cô kể lại: "mọi người xúm lại bảo tôi là phải đá như thế nào, dặn dò phải dẫn banh làm sao, đưa banh ra sao để hàng tiền đạo có cú sút". Không ai ích kỷ với ai, kể cả những cầu thủ trước đây từng tranh giành nhau để chiếm chỗ đứng trong đội tuyển.

Một yếu tố khác nữa: luôn luôn giữ thái độ bình tĩnh. Theo nữ cầu thủ O'Reilly, chúng tôi luôn luôn bảo nhau "đừng bị chi phối vì khán giả la ó, trọng tài thổi sai, cứ bình tĩnh làm việc". Bằng chứng rõ rệt nhất: trong trận gặp Brazil trọng tài thổi sai tới 4 lần "nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh, tin tưởng thành công hay thất bại là ở chính tài sức của toàn đội, chuyện trọng tài đóng góp vào đó chỉ là một phần rất nhỏ".

Yếu tố thứ ba: chính bà huấn luyện viên Sundhage nói mỗi lần thất bại, đám học trò của bà "lại trưởng thành hơn và vững mạnh hơn". Cô cầu thủ Rampone phụ họa theo "chính những thất bại đã giúp chị em chúng tôi gắn bó với nhau hơn, đội tuyển vững mạnh hơn. Đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn và chúng tôi đã thể hiện điều này từng phút một trên sân, kể cả những lúc những người ái mộ lo âu vì nghĩ chúng tôi thua cuộc. Sau đó mọi người đều thấy đội tuyển chúng tôi không ai chấp nhận bỏ cuộc".

4. Đúng 12 năm sau ngày thành công với Giải Women's World Cup 1999 ngay tại sân nhà, lần đầu tiên Hoa Kỳ có mặt ở chung kết cuộc tranh tài thể thao quan trọng nhất dành cho phái nữ. Nếu thắng trận banh diễn ra trên sân Frankfurt, Hoa Kỳ sẽ là quốc gia đầu tiên 3 lần đoạt cúp vô địch bóng tròn nữ thế giới.

Đối thủ lần này của Đội Tuyển Quốc Gia Hoa Kỳ là Đội Tuyển Nhật Bản. Tổng cộng 2 đội tuyển đã gặp nhau 25 lần và Hoa Kỳ thắng cả 25 trận. Mới tháng Năm vừa rồi trong 2 trận giao hữu trên sân Columbus, Ohio và sân Cary của tiểu bang North Carolina, đội tuyển Mỹ đều thắng đội tuyển Nhật Bản với tỷ số 2-0.

Nhưng trên sân của Đức, đội tuyển Nhật Bản hoàn toàn đổi khác: thắng chủ nhà 1-0 và đè bẹp Thụy Điển với tỷ số 3-1 để vào chung kết. Cầu thủ Nhật không cao như cầu thủ Hoa Kỳ hay cầu thủ Âu Châu, nhưng họ nhanh nhẹn đến mức không ngờ và kỹ thuật nhồi bóng của họ khiến cả thế giới phải ngạc nhiên. Tài mở banh của thủ quân Homare Sawa và những cú sút của cô tạo thành tiếng vang ở sân vận động.

"Tôi tin Sawa chính là lực đẩy của đội tuyển Nhật Bản", nữ cầu thủ Mỹ Rapinoe nhận xét. "Nhưng phải công nhận cả đội banh của Nhật rất nguy hiểm chứ không đùa được với họ. Họ ra sân tranh tài quá sức nhiệt tình, cho mọi người thấy rõ là họ để cả tâm và trí vào trái banh".

Như vậy, Nhật hay Mỹ sẽ thắng trận chung kết? Cô Christie Rampone, nữ cầu thủ lớn tuổi nhất và cũng là cầu thủ duy nhất từng đá Giải 1999 bảo "đội thắng giải là đội phải giỏi hơn đội khác". Thế giữa Nhật và Mỹ, đội nào giỏi hơn đội nào? Cô thủ quân của đội tuyển Hoa Kỳ trả lời "chắc chắn phải là chúng tôi chứ không thể là ai khác".

Hy vọng đường đi của đội tuyển Hoa Kỳ gập ghềnh ở những bước đầu, nhưng sẽ rất êm ở trận cuối cùng.