Bản tin Reuters ngày 12 tháng 1 của tác giả James Pearson có tựa “'Tin nóng từ Siêu Cúp’- Cách né tránh lệnh cấm suy đoán về Đảng trên mạng xã hội”. Theo nhận định của tác giả James Pearson, đang có tình trạng cư dân mạng sử dụng cách lách khi viết về những vấn đề mà Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) liệt vào danh mục “tuyệt mật”.
Ông đưa ra ví dụ bài viết trên trang Facebook của chủ tài khoản được nhiều người biết đến là Lê Nguyễn Hương Trà mà ông mượn tựa để làm nhan đề bài viết. Cụ thể, bài viết “Tiếp tục nóng hổi với Siêu cúp Bóng đá Việt Nam!” đăng trên trang cá nhân Hương Trà ngày 9 tháng 1, không có một chữ nhắc đến tên các vị lãnh đạo ĐCSVN trong nhiệm kỳ kế tiếp. Thay vào đó, chủ tài khoản Lê Nguyễn Hương Trà chỉ nhắc đến “Đội Đông Anh”, “Đội Quảng Nam”, “cầu thủ số #1 Hà Nội”, “đội tuyển nữ tỉnh Quảng Bình”, lãnh đạo “Liên Đoàn bóng đá nhiệm kỳ 2021-2025”, v.v.
Chủ tài khoản Hương Trà bình luận: “Cơ hội cho các đội phía Nam coi như hết và tuyển nữ yếu thế; cuộc chơi chỉ còn lại cho Đông Anh - Quảng Nam - Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh”!
Tác giả Pearson cho rằng đây là phương cách sáng tạo của cư dân mạng nhằm phá vỡ màng thông tin bị chính quyền bưng bít. Theo đó, các Facebooker ví phe Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người xuất thân huyện Đông Anh, Hà Nội, là Đội Đông Anh; phe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người từ Quảng Nam, là Đội Quảng Nam.
Ngày 3 tháng 11, ông Phúc đã ký quyết định Quyết định 1722/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục bí mật Nhà nước. Theo đó, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai được xếp vào loại thông tin "tuyệt mật".
Nhà báo tự do Anton Tuấn, phóng viên của Chấn Hưng TV, nói các Facebooker phải tìm cách lách khi bàn luận, tiết lộ tin thật hay tin đồn về nhân sự đảng có hai lý do:
"Họ không nói thẳng, ví dụ như Đông Anh là ai hoặc là Quảng Nam là ai? Đại loại họ sẽ dùng cách nói bóng nói gió.
Không có ai dám khẳng định cái đó là chính xác. Giả sử có tin rò rỉ gì đi nữa người ta cũng không dám nói nó là đúng, nên người ta sẽ không bao giờ nói chính xác. Họ phải nói bóng gió là vậy. Người Việt Nam thừa biết cái trò quy chụp. Ví dụ như nói ra mà đến lúc quy chụp thế này thế kia thì đương nhiên ảnh hưởng đến họ, nguy hiểm cho họ thì họ phải nói bóng nói gió thôi. Chuyện đó bình thường. Ra ngoài vỉa hè, tin rò rỉ thì lúc đó có thể nói thẳng còn đưa lên mạng thì nói bóng nói gió".
Blogger Nguyễn Vũ Bình, người đã từng viết cho Tạp Chí Cộng Sản, nhận định rằng quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không hạn chế được những tranh luận sôi nổi về việc sắp xếp lãnh đạo tại Đại hội 13 dự kiến diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2. Ông nói đây là cách viết, cách nói đã có từ lâu nay:
"Theo dõi các Facebooker mà viết từ trước khi có văn bản đến sau khi có văn bản đó thì mình không thấy không có sự khác biệt theo cách viết. Theo suy nghĩ của tôi thì không phải là do có văn bản mới về tuyệt mật của nội bộ của Đảng Cộng sản đâu, mà đây là cách của những Facebooker họ đã viết từ trước đó, cách thức viết như thế.... Và cũng có khía cạnh coi thường cái việc sắp xếp lựa chọn của Đảng trong đó".
Một người khác cũng ví các phe nhóm tranh giành quyền lực như các đội bóng đá là Facebooker Bùi Văn Thuận, ông tự xưng là “Cha già dân tộc” trên Facebook. Gần đây ông đưa tin đại loại như sau:
"Team Lại Đà Đông Anh vẫn không chịu rời sân bất chấp tuổi tác, bệnh tật và điều lệ bầy.
Team Quảng Nôm cũng không chịu về, cũng đòi ở lại làm trường hợp đặc biệt như ai kia.
Team đuông dừa Bến Tre sẽ về...”
Đài Á Châu Tự Do đặt câu hỏi vì sao ông chọn cách viết như thế, ông trả lời qua tin nhắn:
“Có 3 lý do để chọn cách viết đó.
1. Tránh nặng nề chính trị, viết kiểu hài hước nhẹ nhàng sẽ làm những người mới đọc, tìm hiểu về chính trị VN dễ ‘tiêu hóa’ hơn. Thứ nữa, người Việt "cuồng" bóng đá, viết kiểu đó sẽ thu hút độc giả và sự mạnh dạn trao đổi, bàn luận và thậm chí là cười nhạo các "team" chính trị.
2. Cũng là cách ‘né’ quy định ‘tuyệt mật’ của chế độ. Viết kiểu bóng đá, các ‘team’, ‘cầu thủ’, ‘ông bầu’... sẽ làm cho người đọc thích thú và giúp họ có cảm giác an toàn. Thêm lý do nữa là ý nghĩa ẩn dụ: Chính trị ở VN chỉ như trò giải trí là bóng đá, nhưng với các team, trọng tài, ban tổ chức... đều từ ‘một mẹ’. Đó là trò vừa đá bóng vừa thổi còi.
3. Lý do thứ ba là, viết như vậy cũng là cách né kiểm duyệt của FB. (Tuy tôi không thoát vẫn bị FB ẩn status đó ở VN). Có vài tài khoản FB ở VN (có tôi trong đó) khi viết, bàn bạc, bình luận về chính trị nước nhà nói chung, về phe cánh đấu đá giữa các băng nhóm, giữa các ‘đồng đảng- đồng chí’ với nhau thì sẽ bị chế độ yêu cầu FB xóa, ẩn bài của những người đó”.
Ông Thuận chia sẻ, chính những bài viết “điểm tin và bình loạn” của ông viết trên Facebook từ năm 2016 đến nay đã khiến ông bị nghỉ việc vào giữa năm 2017. Trước đây ông là giáo viên dạy hóa học Trung học Phổ thông.
Ông nói, các Facebooker hiện nay “phải ‘chiến đấu’ ở hai mặt trận: Chế độ độc tài ở VN và một thế lực độc tài công nghệ là Facebook.”
Ông trình bày tiếp: "Điều đáng lo ngại là: Vì lợi nhuận trong kinh doanh, Facebook ngày càng có xu hướng nghe lời, tuân phục các yêu cầu phi dân chủ, thậm chí trợ giúp nhà cầm quyền VN kiểm duyệt và bịt miệng giới phản biện, bất đồng chính kiến. Chúng tôi đang phải đơn độc chống lại 2 thế lực độc tài, và hai thế lực đó đang có dấu hiệu rõ ràng bắt tay với nhau. Đây cũng là lý do mà nhiều người chọn cách viết lái đi".
Facebook và các gã khổng lồ khác như Google gần đây bị Ân xá Quốc tế tố cáo là đồng lõa với nhà cầm quyền Việt Nam, giúp chính quyền kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội.
Phóng viên Reuters đã đặt câu hỏi với Bộ Ngoại giao Việt Nam, liệu rằng các loại post như của Facebooker Bùi Văn Thuận hoặc Lê Nguyễn Hương Trà có vi phạm quyết định “tuyệt mật” của chính quyền không, nhưng chưa được xác định.