Viết, vẽ bậy lên di tích: thói quen hay vô ý thức?

0:00 / 0:00

Tình trạng viết, vẽ bậy lên các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử lâu nay được xem là một vấn nạn trong văn hóa của người Việt.

Một thực tế đáng ngại là tình trạng này không có dấu hiệu giảm đi mà ngày càng diễn ra nhiều hơn. Đơn cử như những nét vẽ chằng chịt trong động Tối chùa Bích Động ở Ninh Bình – hay còn được biết đến với tên gọi Nam Thiên Đệ Nhị Động; hay trên những viên gạch tháp Pô Klong Garai hơn 800 tuổi ở Ninh Thuận; hoặc mới đây nhất là dòng chữ ‘Tú love Nhung’ trên cột mốc độ cao đỉnh Fansipan…

Người ta thấy bạn mình làm sao thì làm vậy mà không ý thức rõ ràng về những ảnh hưởng cũng như tác hại đối với di sản văn hóa cũng như ngành du lịch của Việt Nam mình. - Thạc sĩ Đinh Gia Hưng

Không chỉ trong nước, vào cuối tháng 10 năm ngoái, 1 nhân viên bộ phận văn hoá di tích thành cổ Yonago tỉnh Tottori, Nhật Bản, phát hiện các ký tự ‘A’ và ‘Hào’ cùng 2 ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên 1 phiến đá thuộc tòa thành hàng trăm năm tuổi Yonago. Sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều người đã nhận diện được người viết bậy này là người Việt vì chữ viết có dấu huyền.

Trao đổi với RFA, ông Phong – một cựu hướng dẫn viên công ty du lịch ở Sài Gòn có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng vấn đề này vẫn sẽ tiếp diễn do có khiếm khuyết về mặt giáo dục ý thức cho người dân bảo vệ công trình công cộng:

“Đa phần cái đó lại rớt vào nhóm tuổi tương đối còn trẻ nhưng do giáo dục không đến nơi đến chốn, tức là không biết quý trọng di tích, lúc nào cũng muốn thể hiện cái tôi.”

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Văn hóa học trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cũng cho rằng đây là một trong những vấn đề văn hóa của một bộ phận người dân Việt Nam liên quan đến ứng xử văn hóa nơi công cộng, nhất là nơi thuộc dạng di tích, hoặc là những thắng cảnh, hay những công trình văn hóa có giá trị nổi bật về mặt lịch sử cũng như văn hóa dân tộc.

“Do quan điểm về mặt giáo dục của chúng ta, giáo dục văn hóa, tư cách công dân, có thể ứng xử văn hóa du lịch chưa được coi trọng. Tôi nghĩ là do nhận thức sai lệch cũng như những ứng xử ảnh hưởng văn hóa trong nhóm. Người ta thấy bạn mình làm sao thì làm vậy mà không ý thức rõ ràng về những ảnh hưởng cũng như tác hại đối với di sản văn hóa cũng như ngành du lịch của Việt Nam mình.”

Du khách đã khắc bậy chữ "Hào" trên một bệ đá nằm ở vị trí cao nhất của khu di tích
Du khách đã khắc bậy chữ "Hào" trên một bệ đá nằm ở vị trí cao nhất của khu di tích (Courtesy of zing.vn)

Nhận xét về những hậu quả và thiệt hại mà việc viết vẽ bậy trên các di tích lịch sử, văn hóa, cũng như các công trình du lịch gây ra, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng ảnh hưởng kinh tế là rất lớn. Trước hết, cần tốn một khoảng phí không nhỏ để phục hồi những chỗ trước khi bị vẽ bậy. Tuy nhiên, đối với những di tích lịch sử, sau khi khắc phục thì di tích không còn như ban đầu, độ thu hút đối với người du lịch trong và ngoài nước giảm thiểu đi rất nhiều.

“Thiệt hại về kinh tế là rất lớn, bởi vì nhiều du khách khi đi du lịch thì có những điểm mang tính chất hạ chốt, bắt buộc người ta phải ghé qua. Nếu như nó không còn nguyên trạng như ban đầu nữa thì rõ ràng người này nói người kia và phản ảnh lên các mạng xã hội khác nhau, các nhóm khác nhau. Tác động lan tỏa rất lớn. Như vậy làm giảm thiểu lượng khách du lịch. Ngành du lịch hiện nay đang đóng góp cho các quốc gia một thu nhập rất lớn. Việt Nam cũng đang muốn phát triển ngành công nghiệp không khói là du lịch của mình.”

Do đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chính phủ cần có những biện pháp giảm thiểu tình trạng viết, vẽ bậy đang diễn ra tràn lan thời gian gần đây.

Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, chính phủ cần cải thiện công tác quản lý của nhà nước và của địa phương nơi có danh thắng vì \hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn những khoảng trống.

“Còn những chỗ không khoảng trống mà có điều chỉnh rồi, kể cả vấn đề vi phạm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cũng có những điều luật, áp dụng hình sự rồi. Nhưng vấn đề áp dụng pháp luật hầu như bỏ lỏng. Áp dụng pháp luật hình sự, kể cả hành chính rất ít. Tại sao lại ít thì vấn đề thứ nhất là quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước chồng chéo. Nếu không chồng chéo thì không cụ thể cho cơ quan nào cả. Thế nên người ta không thấy đó là trách nhiệm người ta, người ta buông lỏng.”

Kể cả vấn đề vi phạm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cũng có những điều luật, áp dụng hình sự rồi. Nhưng vấn đề áp dụng pháp luật hầu như bỏ lỏng. - LS. Hoàng Văn Hướng

Vẫn theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, một phần yếu kém của vấn đề áp dụng pháp luật là phân công, phân điểm chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, nếu có phân công rõ ràng thì những người thực hiện buông lỏng do nhiều yếu tố: có thể nghiệp vụ yếu kém, kể cả khái niệm tiêu cực cũng có, nên rõ ràng người ta không làm, và làm cũng không tới.

Ngoài ra, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc này không đơn giản chỉ có ban quản lý làm, mà cần sự vào cuộc của cộng đồng mạng, của từng người dân đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích vì theo ông, từ những người tham quan đến những người sống xung quanh hoặc ngay tại lõi trung tâm di tích cũng phải tự nhận thức được việc bảo tồn di tích để từ đó phát huy được giá trị.

Còn Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cũng cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất là nâng cao ý thức người dân:

“Những chương trình giáo dục công dân phải thay đổi, phải có nội dung liên quan ứng xử văn hóa công cộng để gia tăng nhận thức cũng như bồi dưỡng cho giới trẻ và người dân về giá trị văn hóa nhằm gia tăng cảm thụ văn hóa, mặt thẩm mỹ của người dân nói chung, giúp thị hiếu cao. Lúc đó thì những hành vi mang tính phá hoại, bôi nhọ văn hóa, hay coi thường giá trị văn hóa.”

Tuy nhiên, để công tác này có hiệu quả cần có thời gian; trong khi đó những hoạt động vô ý thức của nhiều người dân đang gây hại cho những di tích lịch sử, công trình văn hóa, danh lam thắng cảnh quý hiếm của đất nước.