Vào khi vụ việc làm xôn xao cư dân mạng cũng như nhiều người trong cả nước lúc nhìn thấy những hình ảnh giết vọoc dã man như thế chưa lắng xuống, một phúc trình được đưa ra khiến nhiều người yêu động vật và thiên nhiên thấy ‘bẽ mặt’ thêm. Đó là phúc trình do tổ chức Quĩ Thế giới Bảo tồn Động vật Hoang dã, WWF, thực hiện với đánh giá Việt Nam là nước kém nhất thế giới trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã trong số 23 quốc gia tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Vậy có gì đáng chú ý trong phúc trình đó? Và một số thực tế của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã ra sao?
Tiếng chuông cảnh báo
Bản phúc trình dài 35 trang của WWF được công bố vào ngày thứ hai 23 tháng 7 vừa qua. Đây là phúc trình đầu tiên đánh giá công tác bảo tồn các loài tê giác, hổ và voi tại 23 quốc gia thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Lý do chọn ba loài vừa nói được chuyên gia về tình trạng buôn bán động vật hoang dã của WWF, ông Colman O Criodain giải thích đó chỉ ba loài thôi, và là ba loài được nhắc đến nhiều nhất vì thế đó là chuông cảnh báo cho những vấn nạn lớn hơn.
Không phải chờ đến khi WWF ra phúc trình như vừa nói, người ta mới lo lắng về hình ảnh của Việt Nam nơi mà nhiều loài động vật hoang dã đang mất dần đi, giới chuyên môn và khoa học lâu nay đã thấy nỗi đau đó như phát biểu sau đây của tiến sĩ Vũ Văn Triệu, nguyên là chuyên gia của tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế IUCN:
"Mọi giống loài cứ tuyệt chủng dần đi; ví dụ như cá thể tê giác Đông Nam Á (tê giác một sừng) cuối cùng của Việt Nam đã chết rồi. Sắp đến sẽ là hổ chăng? Voi cũng suy giảm ghê gớm rồi. Những người hiểu biết và có tâm huyết rất đau xót. Nhưng để làm thế nào để chặn đứng được việc đó là việc làm không dễ dàng gì."
Phúc trình vừa công bố của WWF tập trung vào những quốc gia nơi mà nhiều loài động vật hoang dã quí hiếm bị mua đi bán lại hay bị tiêu thụ cho những mục đích khác nhau.
Theo Công ước Quốc tế về mua bán các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, CITES, do 175 quốc gia trên thế giới ký kết thì gần như mọi thương vụ buôn bán sừng tê giác, ngà voi, các bộ phận cơ thể hổ và các loài sắp tuyệt chủng khác đều là phi pháp.
Mới hồi ngày 19 tháng 7 vừa qua, hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất báo cáo nhanh về vụ vận chuyển ngà voi trái phép qui mô lớn qua đường hàng không. Một ngày trước đó, đơn vị này bắt được trong hành lý của hai hành khách quốc tịch Việt Nam chuyển 137 kilogram ngà voi nhập cảnh vào Việt Nam. Hai người khai là hành lý chứa ngà voi của họ được ký gửi từ Angola qua Kenya, sang Thái Lan rồi về Việt Nam giao cho một người ở thành phố Hồ Chí Minh.
Phúc trình của WWF nêu rõ Việt Nam là điểm đến lớn của sừng tê giác Phi châu. Khi nghe đến điểm này hẳn nhiều người đều nhớ đến vụ việc một nữ nhân viên sứ quán Việt Nam tại Nam Phi bị quay video quả tang khi tiếp xúc với một trùm buôn lậu sừng tê giác hồi năm 2008, vài năm trước đó cũng có một nhân viên khác bị kỷ luật vì cùng tội danh …
Lý do xếp Việt Nam đứng hạng tệ nhất về bảo vệ động vật hoang dã vì nhiều người có tiền của săn lùng tê giác như là một loại thuốc quí chữa được bá bệnh.
Thứ hạng Trung Quốc kế Việt Nam, và Lào là nước chỉ hơn Trung Quốc và Việt Nam trong hoạt động săn lùng, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ các loài thú hoang dã quí hiếm.
Đối với xếp hạng như thế, người ta có thể hình dung được tình hình tại khu vực. Có thể nơi tiêu thụ nhiều nhất không phải là Việt Nam; nhưng lâu nay nhiều vụ vận chuyển từ nơi khác đều đến Việt Nam, để rồi lại đi sang lân bang Trung Quốc. Có thể nói Trung Hoa là xuất phát điểm của quan niệm những loại quí hiếm như sừng tê giác, cao hổ cốt, cao khỉ… có thể giúp chữa những loại bệnh nan y, hay giúp tăng cường sinh lực đàn ông. Phúc trình nói rõ, Hoa Lục là thị trường lớn nhất thế giới cho các sản phẩm động vật hoang dã.
Không giải quyết được tận gốc
Phúc trình của WWF cho biết quyết định ban hành hồi năm 2007 của chính phủ Việt Nam hợp pháp hóa những trại nuôi hổ thí điểm đã làm hỏng những nỗ lực ngăn cấm buôn bán các sản phẩm từ hổ. Theo WWF thì mới hồi tháng năm vừa qua tại Việt Nam nổ ra vụ tranh luận khi mà Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam cho phép đem một con hổ bị chết đi nấu cao, như một kế hoạch thử nghiệm. Giới chuyên gia động vật hoang dã thế giới cho rằng kế hoạch đó được đưa ra nhằm hợp pháp hóa hoạt động mua bán các sản phẩm từ hổ. Chính quyền Việt Nam bác bỏ cáo buộc đó và một cán bộ từ văn phòng thủ tướng nói chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một tháng trước đó, đã bác một đề nghị như thế.
Mới hôm thứ sáu 27 tháng 7 vừa qua, hãng thông tấn AP loan tin cho hay là giới bảo tồn động vật hoang dã cho rằng ở Việt Nam hiện có 11 trại nuôi hổ có đăng ký nhưng đó chỉ là những điểm trá hình để buôn bán trái phép các bộ phận thân thể hổ mà thôi. Theo họ các nơi đó là địa điểm tương tự như là nơi ‘rửa tiền’, tức ‘rửa’ các bộ phận của hổ tự nhiên bị săn bắn trái phép bằng cách đánh lận con đen giữa thứ nuôi và thứ săn bắn trong tự nhiên. Các nhà bảo vệ động vật hoang dã lập luận rằng tỷ lệ tử vong của hổ nuôi rất cao; nên theo số báo cáo của 11 trại nuôi hổ ở Việt Nam thì hẳn phải đưa từ nơi khác về. Đó là từ những vùng núi cao của Lào.
Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam công bố rằng 49 con trên tổng số hổ đang được nuôi tại 11 trại có đăng ký với cơ quan chức năng là hổ được sinh ra ngay tại các trại.
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu nói đến một nguyên do khiến Việt Nam bị đánh giá là nơi mà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã kém cỏi nhất khu vực 23 quốc gia được khảo sát ở Châu Á- Thái Bình Dương:
"Các cá thể động vật quí hiếm tại Việt Nam tiếp tục suy giảm; nếu có tác động tích cực thì nó suy giảm chậm hơn thôi chứ chưa thể chặn đứng được. Thực ra rất khó ở chỗ người tiêu thụ không phải là dân nghèo, mà người tiêu thụ là những thương gia, hay có thể có cả những công chức mà họ dùng tiền từ nguồn nào đó rất ‘dồi dào’. Những người đi săn bắn, đặt bẫy lại là những người nghèo. Nếu bắt được họ rồi tịch thu phương tiện, phạt tiền thì cũng chỉ có mức độ thôi. Như thế không đánh được vào tận gốc, mà để chế tài được mạnh hơn phải đánh vào người tiêu thụ. Đó là cầu nên cung mới xảy ra."
Theo phúc trình vừa công bố của WWF thì những nước như Ấn Độ và Nepal lại được cho là những điểm sáng. Cả hai nơi đó đã có tiến bộ trong việc tuân thủ việc bảo vệ các loài hoang dã qua những chính sách ngăn ngừa được chuyện mua bán các loài thú quí hiếm.
Nhìn sơ qua thì không ai có thể nói Nepal có gì hơn Việt Nam trong nhiều lĩnh vực để nhiều người dân không cần phải săn bẫy thú rừng để đáp ứng nhu cầu của giới tiêu thụ như tiến sỹ Vũ Văn Triệu vừa nêu.
Phúc trình của WWF xếp hạng Việt Nam tệ nhất trong số 23 quốc gia tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về công tác bảo tồn động vật hoang dã, dù không mấy vui cho nhiều người; thế nhưng đó cũng là một đóng góp cảnh tỉnh Việt Nam.
Người dân không tự giác
Lâu nay những tổ chức quốc tế như WWF, IUCN có mặt tại Việt Nam và tham gia một số hoạt động trong bảo vệ động vật hoang dã tại đó.
Giáo sư Võ Quý, Trung tâm Nghiên cứu Tài Nguyên- Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết về sự hỗ trợ của quốc tế cho Việt Nam cũng như một số nỗ lực tự thân của Việt Nam như sau:
"Hiện có nhiều tổ chức phi chính phủ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngoài ra còn có cố gắng đưa vào các trường học cả nước vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Điều quan trọng nhất là ở những vùng có các con như thế tại các khu bảo tồn thiên nhiên phải đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục nhân dân trong vùng. Và đến lúc nào đó phải làm cho người dân trở thành chính là người bảo vệ thì công việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều chứ không dựa vào cảnh sát, kiểm lâm. Chỉ khi nào chính người dân hiểu và bảo vệ được thì mới tốt hơn."
Một người trong ngành lâm nghiệp là ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò- Xa Mát ở tỉnh Tây Ninh có đánh giá về hợp tác quốc tế ở Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và động vật hoang dã:
"Hiện chúng tôi có tiếp nhận và bản thân vườn quốc gia chúng tôi cũng có mối quan hệ với các tổ chức quốc tế giúp đỡ Việt Nam trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học nói chung. Phải nói là nổ lực của các tổ chức này cùng với hợp tác trong nước hiện đang tiến hành tốt như WWF, Birdlife International, rồi WB, Liên minh Châu Âu cũng tài trợ cho Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn qua chương trình quĩ bảo vệ rừng của Việt Nam cũng có những thành quả nhất định.
Tôi nghĩ việc hợp tác quốc tế phải được thúc đẩy trong thời gian tới. Một trong những trở ngại là thủ tục hành chính và cách tiếp tận của hai bên đôi khi hơi khác nhau nên đôi khi cũng gây trở ngại cho chương trình này; nhưng tôi đánh giá là tốt."
Xin được nhắc lại, phúc trình của WWF được công bố hôm ngày 23 tháng 7 dựa trên công bố của các chính phủ liên quan được truyền thông loan tải, dựa trên các chứng cứ và thông tin do TRAFFIC thu thập được. Đây là một chương trình phối hợp giữa hai tổ chức Quỹ Bảo vệ Động Vật Hoang Dã WWF và tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN.
Theo dòng thời sự:
- Không thể bảo tồn các thú quý hiếm ở VN?
- Thanh Hóa tổ chức bán đấu giá cao hổ cốt bị quốc tế phản đối
- Không đủ khả năng bảo vệ động vật quí hiếm?
- Con tê giác Java cuối cùng ở VN đã bị bắn chết
- Hàng ngàn loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam đang bị đe dọa
- Việt Nam: điểm nóng của nạn săn bắt, buôn bán động thực vật hoang dã
- Động vật quý hiếm và các món đặc sản
- Những con voi cuối cùng đang kêu cứu
- Hãng máy bay HongKong bị chỉ trích vì vận chuyển cá heo