Giới trẻ phản ứng lệnh cấm biểu tình

UBND TP Hà Nội vừa có thông báo đến người dân, yêu cầu phải chấm dứt các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát phản đối Trung Quốc trên địa bàn thành phố.

0:00 / 0:00

Thông báo này đã gây ra phản ứng dữ dội trong các nhóm thanh niên yêu nước đã tham gia biểu tình và trên các trang blog và mạng xã hội.

Một “cú đạp” chính thức

Có ý kiến cho rằng thông báo của UBND TP Hà Nội vừa đưa ra vào ngày hôm qua (18/8) yêu cầu phải chấm dứt các cuộc biểu tình trên địa bàn thành phố có thể được xem tương đương như một “cú đạp” chính thức, công khai đầu tiên đối với phong trào biểu tình tại thủ đô.

Mặc dù thông báo đã được chính thức đăng trên hầu hết các phương tiện truyền thông chính thống trong nước vào ngày hôm qua, nhưng một số thanh niên đã tham gia biểu tình cũng như các cư dân mạng đều cho rằng văn bản của UBND TP Hà Nội đưa ra là trái pháp luật.

Tiến Nam, một thanh niên đã từng bị bắt nhiều lần vì tham gia biểu tình ở Hà Nội, nhận xét:

Cái văn bản này không có người ký và không có số, có nghĩa là văn bản này không có người chịu trách nhiệm và chỉ có một dấu treo ở trên văn bản.

Bạn Tiến Nam

“Đây là một văn bản yêu cầu chấm dứt biểu tình và yêu cầu này là hoàn toàn sai pháp luật. Văn bản đưa ra hoàn toàn sai pháp luật và vi hiến.”

Theo cách giải thích của Nam cũng như một số thanh niên khác thì:

“Văn bản đó đã được đưa lên mạng và nó không có số của văn bản. Khi nhà nước đưa ra bất kỳ một văn bản nào đều phải có số văn bản và phải có người ký. Cái văn bản này không có người ký và không có số, có nghĩa là văn bản này không có người chịu trách nhiệm và chỉ có một dấu treo ở trên văn bản.”

Tuy nhiên, vấn đề về tính pháp lý của văn bản thông báo không phải là mối quan tâm hàng đầu của những người biểu tình, mà nội dung của nó mới là điều khiến cho dư luận và những tham gia biểu tình quan tâm.

Lý do đầu tiên mà UBND TP Hà Nội đưa ra cho việc yêu cầu chấm dứt biểu tình là những cuộc biểu tình gần đây bị các thế lực chống đối nhà nước lợi dụng, gây mất an ninh trật tự ở địa bàn thành phố.

Blogger Mẹ Nấm, tức Như Quỳnh, người vừa tham gia biểu tình tại Hà Nội vào Chủ nhật tuần trước, cho biết thực tế mà chính cô chứng kiến:

img_0256-200.jpg
Blogger Mẹ Nấm và blogger Người Buôn Gió tại cuộc biểu tình chống TQ ngày 7/8/2011 ở Hà Nội. Courtesy AnhBaSam.

“Quỳnh nghĩ là có một số nhân tố họ muốn lôi kéo cuộc biểu tình sang một hướng khác nhưng mình không biết người đó là người nào, tức là họ hướng cái khẩu hiệu (sang hướng khác), nhưng mà hầu như những người tham gia biểu tình ở đó họ rất tỉnh táo. Có những khẩu hiệu mình thấy không hợp, hơi nặng nề một chút là mọi người cũng khuyên nhau là nên bỏ xuống, thì Quỳnh thấy là khó mà lợi dụng mục đích cuối cùng là chống Trung Quốc để lái sang việc khác lắm.”

Và một yếu tố khác khiến cô cho rằng lý do mà UBND TP Hà Nội đưa ra là không xác đáng:

“Trong đoàn đi biểu tình, công an mặc thường phục cũng rất đông. Chẳng hạn như hôm Quỳnh ra, một mình Quỳnh mà lúc nào cũng có 3 hoặc 4 người đi theo hết. Nếu có yếu tố phản động trong đó thì tại sao không bắt mấy người phản động ngay lúc đó đi để những người biểu tình người ta thấy, mà phải đợi tới 10 cuộc biểu tình rồi mới phát biểu như vậy.”

Ngoài ra, thông báo cũng cho rằng “một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin, ngộ nhận tham gia biểu tình tự phát là thể hiện tinh thần yêu nước. Đối với những người đã từng tham gia biểu tình như blogger Mẹ Nấm thì đây là một kết luận… nực cười!

“Hầu như thành phần tham gia biểu tình mà Quỳnh biết thì có ít nhất 1/3 là những người có nhận thức và 1/3 là những nhân sĩ trí thức và sinh viên, thì những người đó không thể là những người thiếu thông tin được. Thiếu thông tin là những người không có cơ hội tiếp xúc với báo mạng, với thông tin đa chiều, chứ những người này họ hoàn toàn ý thức được chuyện họ làm mà làm sao lại nói là thiếu thông tin. Chuyện này rất nực cười!”

Sự vu khống trắng trợn

Quỳnh nghĩ là có một số nhân tố họ muốn lôi kéo cuộc biểu tình sang một hướng khác nhưng mình không biết người đó là người nào?

Blogger Mẹ Nấm

Riêng đối với bạn trẻ Tiến Nam, việc UBND Hà Nội cho rằng những người biểu tình bị các thế lực khác lợi dụng không những cho thấy chính quyền không đứng về phía nhân dân mà thậm chí đây còn là một sự vu khống trắng trợn đối với những người dám thể hiện lòng yêu nước một cách chính đáng.

“Nam nghĩ là không có một thế lực nào có thể lợi dụng lòng yêu nước của người dân trong 11 tuần qua cả. Đó là một sự vu khống trắng trợn của nhà nước đối với những người biểu tình yêu nước chính đáng. Làm sao có thể lợi dụng được những người trí thức như bác tiến sĩ Nguyễn Quang A, GS. Phạm Duy Hiển rồi rất nhiều những bác trí thức khác? Kể cả những thanh niên như Tiến Nam đây thôi, Tiến Nam hằng ngày lên mạng đọc các loại báo chí. Không thể có ai lợi dụng được. Nếu có ai lợi dụng lòng yêu nước của Tiến Nam thì Tiến Nam sẽ là người đầu tiên phản đối họ.”

Lý do tiếp theo của yêu cầu chấm dứt biểu tình của chính quyền Hà Nội đưa ra là phong trào biểu tình “tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị, tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối, quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước”, hay nói cách khác, nó gây “chia rẽ quan hệ Việt – Trung”.

Phản ứng với kết luận trên của UBND thành phố Hà Nội, những người biểu tình cho rằng việc họ xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam không những không gây tác động tiêu cực mà còn đem đến những tác động tích cực cho Việt Nam khi đàm phán về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc.
Tiến Nam nói tiếp:

“Nam không nghĩ là nó tác động tiêu cực đến đường lối ngoại giao, mà nó còn tạo áp lực tốt cho phía Việt Nam trên bàn đàm phán. Nó cũng như trận Điện Biên Phủ trên không của Hà Nội năm 1972, tạo một áp lực lớn để Việt Nam đặt lên bàn đàm phán với Mỹ, thì bây giờ cũng là một sự việc tốt cho nhà nước.”

000_Hkg5218897-250.jpg
Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội sáng 14-08-2011. AFP PHOTO.

Theo thông báo đưa ra thì sắp tới đây, nếu những người cố tình không chấp hành yêu cầu ngừng biểu tình thì “lực lượng làm nhiệm vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ công cộng theo quy định tại điều 9, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP”. Điều này ngầm hiểu chắc chắn sẽ có trấn áp, bắt bớ nếu biểu tình tiếp tục diễn ra.

Đối với những người đã từng có kinh nghiệm bị đánh đập, trấn áp thì thông báo này không thể ngăn trở họ tiếp tục xuống đường để thể hiện lòng yêu nước. Tiến Nam là một trong số đó.

“Nam cũng sẽ xuống đường cùng mọi người. Cho dù có chịu bất kỳ sự đàn áp hay bắt bớ nào, Nam cũng xuống đường cùng mọi người.”

Yếu tố ngăn trở?

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng cho rằng thông báo trên ít nhiều ảnh hưởng đến số lượng người sẽ xuống đường vào chủ nhật tới. Cho dù bản thân người tham gia xuống đường không bị tác động, nhưng gia đình, người thân của họ, những người đã trực tiếp xem thông báo trên báo chí hay truyền hình nhà nước, cũng sẽ là yếu tố ngăn trở lớn nhất đối với họ.

Anh Nguyễn Chí Đức, một Đảng viên đã từng tham gia biểu tình và công an bị đạp vào mặt trong một lần biểu tình, cho biết:

Nói thẳng, mình không sợ bạo lực, công quyền, tại vì việc mình làm đây là rất chính nghĩa, mà nó là truyền thống của dân tộc ta.

Anh Nguyễn Chí Đức

“Nói thẳng, mình không sợ bạo lực, công quyền, tại vì việc mình làm đây là rất chính nghĩa, mà nó là truyền thống của dân tộc ta. Đối với cường quyền bạo lực, với công an mình không sợ đâu, nhưng mình sợ nhất là gia đình. Hôm nay mẹ mình cũng vừa xem phóng sự trên VTV1 thì mẹ mình đã gọi điện cho mình rồi, thì mình nghĩ rất nhiều người nòng cốt mà mình biết sẽ bị tác động của gia đình. Đấy là sợ hơn tác động của cường quyền, tại vì những người như bọn mình đã bị bắt rồi, bị đánh rồi, mình còn chả sợ cơ mà, nhưng sợ nhất là nhân tâm. Đấy là đòn hiểm! Có thể nó làm cho họ sẽ kéo mình lại. Đấy mới là đòn cực độc, sẽ làm chùn chân nhiều người, chứ không phải cái công văn của UBND thành phố hay là của công an hay là bất kỳ thế lực nào nói xấu đoàn biểu tình.”

000_Hkg5218900-305.jpg
Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội sáng 14-08-2011. AFP PHOTO.

Cho đến nay, vẫn chưa có phản ứng chính thức từ phía các trí thức Hà Nội hay những người đã tham gia biểu tình. Tuy nhiên, nhiều thanh niên cho biết động thái trên của chính quyền Hà Nội không thể ngăn chặn được người dân tiếp tục thể hiện lòng yêu nước một cách công khai. Blogger Mẹ Nấm nói:

“Không biết Quỳnh có lạc quan hay không nhưng với một số nhân tố được xem như là những người lãnh đạo tinh thần của cuộc biểu tình thì mọi chuyện sẽ không dừng lại. Mọi người đang tìm những cách phản ứng rất khoa học là gửi đơn kiến nghị giải thích rõ quyết định đó, rằng lợi dụng là lợi dụng như thế nào. Quỳnh nghĩ là nó sẽ không dừng lại đâu. Vào thời điểm này, văn bản đưa ra không phải là quyết định khôn ngoan của nhà nước đâu.”

Riêng anh Nguyễn Chí Đức cho rằng điều quan trọng là chính quyền phải đứng về phía nhân dân và phải hiểu lòng dân nếu muốn tiếp tục tồn tại.

“Đâu phải vì một người A, người B, người C, mà không có những người ấy thì vẫn có những cuộc biểu tình xuống đường. Năm 2007 toàn những người vô danh thôi, nhưng nó là những viên sỏi cho những cuộc biểu tình lần này. Cứ như thế mãi nó sẽ tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân và cho cả hàng ngũ chính quyền là phải dựa vào dân thì mới giữ được chế độ và giữ được nước. Xưa nay, bất luận chế độ nào, chính quyền nào không dựa vào dân, chế độ đó sẽ nhanh chóng sụp đổ. Chính quyền hiện nay cũng thế, họ hàng tôi và rất nhiều họ hàng khác đã xả thân vì chế độ này rồi, mà chúng tôi vẫn phải nói, cảnh báo rằng bất luận chế độ nào mà ly khai khỏi quyền lợi của dân tộc, chế độ đấy cực kỳ nhanh chóng sụp đổ. Đây là lời cảnh báo của những người dân vô danh đối với chính quyền nói chung, là phải hiểu lòng dân, phải đứng về phía nhân dân. Trước áp lực của ngoại bang và lòng dân thì phải đứng về lòng dân. Không thể có sự nước đôi hay toan tính được, bắt buộc phải đứng về phía lòng dân. Không đứng về phía nhân dân thì chính quyền đấy sẽ sụp đổ.”

Riêng với văn bản thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình của UBND TP Hà Nội, không ít người lạc quan cho rằng việc chính quyền Hà Nội đưa ra thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng một mặt nào đó là có tác động tích cực với phong trào biểu tình nói chung; vì nhờ đó, những người dân không có cơ hội tiếp xúc với thông tin đa chiều biết đến biểu tình và từ đó họ sẽ tìm hiểu thêm lý do tại sao lại có phong trào này.