Thiền sư Thích Nhất Hạnh về lại Thái Lan

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau chuyến về Việt Nam mới nhất hôm cuối tháng 8 vừa qua, nay đã trở lại Làng Mai, Thái Lan.

Ngày Tiếp nối

Vào sáng ngày 11/10, Làng Mai – Thái Lan tổ chức lễ Tiếp nối lần thứ 91 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh người khai sinh pháp môn Làng Mai. Có khoảng 200 tăng ni Phật tử đến tham dự buổi lễ này.

Ở Làng Mai, người ta không nói với nhau là “Mừng ngày sinh nhật” mà gọi là “mừng ngày Tiếp nối”. Theo cách hiểu ở đây tức là con người từ một kiếp khác tiếp nối về kiếp này và sự hy vọng thế hệ mai sau sẽ tiếp nối bước chân chánh niệm của thầy Thích Nhất Hạnh.

Từ 6 giờ sáng, các tăng ni Phật tử cùng đi thiền hành từ Thiền đường về Cốc - nơi ở của Sư Ông Thích Nhất Hạnh. Ai cũng háo hức mong được nhìn thấy ông, người được truyền thông quốc tế xem là lãnh đạo tinh thần của Phật giáo có ảnh hưởng thứ 2 thế giới chỉ sau đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ông được các đệ tử đẩy bằng xe lăn ra để mừng ngày Tiếp nối, tuy nhiên được một lúc thì trời bỗng đổ mưa. Thiền sư phải quay trở lại vào trong Cốc.

Ý kiến Phật tử

Có khá đông các Phật tử tổ chức thành đoàn ở Việt Nam sang trong thời gian này để tụ tập ở Làng Mai, đồng thời mừng ngày Tiếp nối. Anh Khương tự nhận mình là một người rất kính phục thầy Thích Nhất Hạnh, anh cho biết:

“Hôm nay là một dịp đặc biệt rất cần cho thế hệ trẻ VN, một tấm gương, một con đường.

Lợi ích chính là một con đường dẫn cho giới trẻ Việt Nam, hiện nay đang rất cần một niềm tin và Sư Ông chính là người tạo ra nguồn cảm hứng cho giới trẻ VN.”

Lợi ích chính là một con đường dẫn cho giới trẻ Việt Nam, hiện nay đang rất cần một niềm tin và Sư Ông chính là người tạo ra nguồn cảm hứng cho giới trẻ VN.<br/> - Anh Khương

Chị Trần Ngọc Thúy từ Sài Gòn sang, nói mình cần có trách nhiệm tiếp nối con đường của Thầy Thích Nhất Hạnh:

"Khi quý Thầy cầm micro nói hôm nay là "Ngày tiếp nối" của Sư Ông thì mình có cái gì để tặng Sư Ông, nên mọi người hãy bước đi trong Chánh Niệm và xâu thành một tràng hoa, kết thành một sự liên kết để tặng Sư Ông, thì lúc đó chị thật sự đã rơi nước mắt, bởi vì chị phải nhờ đến sư huynh là huynh hãy bước đi trong Chánh Niệm dùm muội… Mọi người nói là mỗi bước chân là một sự kỳ diệu, sự kỳ diệu đó là khi mà chúng ta thấy Sư Ông đứng lên bước đi. Và lúc đó chị nghĩ đến mình, đúng là mỗi bước chân là một phép lạ. Và khi đi từ thiền đường đến nửa đường thì nước mắt chị không ngừng rơi vì khi đó chị xúc cảm rất là nhiều. Cảm giác mình nhìn bước chân của từng người đi giống như là mỗi người đang hôn lên quả địa cầu vậy. Nhưng mà khi đến đây rồi thì cảm xúc dâng trào nhưng mình lại không rơi nước mắt. Mình cảm thấy một niềm hạnh phúc, hạnh phúc đến tận tế bào trong cơ thể. Và mình cảm thấy có trách nhiệm cần phải tiếp nối cái con đường của Sư Ông."

Theo chị Trần Ngọc Thúy thì sự tiếp nối mà bản thân chị muốn là xây dựng tình huynh đệ trong đạo tràng đang có và đem ánh sáng Phật Pháp, đem những bài thiền ca đến cho những người em trong đạo tràng niệm Phật Nhà Bè để tất cả mọi người có thể giữ được tình huynh đệ và đem ánh sáng Phật pháp đến cho nhiều người khác nữa để họ được hạnh phúc.

Chị Thúy tiếp lời:

“Hôm nay thực sự những giọt nước mắt đã rơi, rơi rất nhiều nhưng rơi trong hạnh phúc. Từng giọt nước mắt rơi đó là thêm 1 sức mạnh tinh thần để tiếp bước trên con đường mình đang đi.”

Theo các đệ tử của Thiền sư, thì ước mong của ông chính là đem Giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến mọi ngõ ngách trong đời sống và thứ hai là vực dậy đời sống tâm linh cho mỗi người dân, vì chỉ có như vậy mới đem lại đời sống tươi đẹp cho người dân VN.

Xin được nhắc lại lần về Việt Nam vào cuối tháng 8 vừa qua của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lần thứ tư. Ba lần trước vào các năm 2005, 2007 và 2008.

Vụ chùa Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng xảy ra khiến chừng 400 tăng ni sinh Làng Mai phải trốn chạy khỏi Việt Nam.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Huế. Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” trong cuốn sách có tựa tiếng Anh “Vietnam: Lotus in a Sea of Fire”.