Nước Pháp và Người Roms

Nước Pháp đang là điểm nhắm của cả Cộng Đồng Âu Châu kể từ khi Tổng thống Nicolas Sarkozy quyết định áp dụng chính sách trục xuất người Roms ra khỏi nước Pháp.

Dư luận của công chúng trước vấn đề này như thế nào? Người Roms phản ứng ra sao? Thông tín viên Tường An có bài tường trình gửi về từ Paris sau đây.

Dân du mục

Roms là tên gọi chung của dân du mục đến từ Roumanie và Bulgarie. Hiện có khoảng 10 triệu người Roms trên toàn Âu Châu và 20.000 người Roms trên nước Pháp. Họ sống nghèo nàn trong những caravan và không có nghề nghiệp nhất định.

Cách đây hơn 1 năm, 1 người Roms đã giết 1 nhân viên cảnh sát, ngoài ra có những cuộc bạo động xảy ra và kéo dài tại Grenoble, nơi có 1 khu tập trung đông đảo người Roms. Từ đó, người Roms được coi như là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn trong nước Pháp.

Có nguy cơ bị trục xuất

Sau khi không giải quyết được triệt để những tệ nạn xã hội gây ra bởi nhóm dân thiểu số này, Tổng thống Sarkozy ra thông cáo trục xuất họ về nước, bù lại mỗi người sẽ được nhận 300 €, trẻ em được 100 € để ổn định cuộc sống tại quê hương của họ.

Trước quyết định trục xuất người Roms của Tổng thống Sarkozy, Ủy Ban Châu Âu dự định sẽ khởi tố nước Pháp về tội vi phạm luật pháp của Âu Châu. Riêng trong nước Pháp, thống kê của trang Exite-France cho thấy có 83,5% thuận và 16,5 % chống lại quyết định của ông Sarkozy.

Sarkozy không có quyền làm như vậy! Ở Pháp thì tốt hơn, ở Roumanie chúng tôi không có gì để sống. Pháp là nơi dành cho mọi người.

Bà Angelika<br/>

Phản ứng của người Roms trước quyết định này như thế nào? Một điều dễ hiểu: họ rất phẩn nộ. Bà Angelika, một trong số ít ỏi người Roms còn sót lại ở ngôi làng Eragny sur Oise giận dữ nói:

«Sarkozy không có quyền làm như vậy! Ở Pháp thì tốt hơn, ở Roumanie chúng tôi không có gì để sống. Pháp là nơi dành cho mọi người. Tôi không ăn cắp, tôi không làm gì có tội cả. Tôi muốn ở lại Pháp để có việc làm như mọi người. Tôi cũng có đi học. Không thể trả tôi về Roumanie được.»

Ngày thứ hai 30 tháng 8 trong một buổi phỏng vấn của đài truyền hình RTL, ngoại trưởng Bernard Kouchner tuyên bố có ý định từ chức để phản đối Tổng thống Sarkozy, nhưng ông nghĩ rằng từ chức là trốn tránh, không những thế, ông đã lên tiếng bảo vệ chính sách của chính phủ Sarkozy.

Ngoại trưởng Bernard Kouchner là người đã từng hoạt động tích cực trong các công tác nhân đạo, ông là người sáng lập ra Hội Bác Sĩ Không Biên Giới (Medecine du Monde), là ân nhân của hàng trăm ngàn thuyền nhân. Trong hơn 25 năm qua ông cũng đã giúp đỡ nhiều cho người Roms, vì thế quyết định của ông làm cho nhiều người ngạc nhiên.

angelika-caravan-250.jpg
Chiếc caravan của gia đình Bà Angelika. Photy by Tường An/RFA.

Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, một người đã từng sát cánh với bác sĩ Bernard Kouchner trong công tác cứu người vượt biển trong thập niên 80, hiện là Giáo sư tại đại học y khoa Cochin Paris, ông nghĩ rằng:

«Ông Kouchner tuyên bố với báo chí là tuy ông ta không tán đồng với Tổng thống Sarkozy nhưng ông ta đã nói rằng là ông ta đã rất do dự giữa chuyện ở lại và chuyện từ chức và ông ta nghĩ rằng ở lại là một cách hữu hiệu hơn đối với ông ta để mà có thể trì hoãn hoặc thay đổi cách cư xử của Tổng thống Sarkozy.»

Là người đã từng cộng tác chặt chẽ với ông Bernard Kouchner trong nhiều năm trên con tàu Đảo Ánh Sáng (L'ile de la Lumière), bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn nhận xét về bác sĩ Bernard Kouchner ngày xưa và ngoại trưởng Bernard Kouchner bây giờ như sau:

«Bernard Kouchner là người mà tôi có hân hạnh làm việc chung, đã từng hợp tác với ông trong việc cứu vớt thuyền nhân trong cuối thập niên 80. Ông là 1 người có rất nhiều sáng kiến. Ông đã không những sáng lập ra hội Medecine du Monde đi cứu vớt thuyền nhân mà ông còn sáng lập ra Hội Medecine sans Frontière là tiền thân của hội Medecine du Monde. Ông đã được giải Nobel Hòa Bình cách đây một vài năm.

Bác sĩ Bernard Kouchner cũng là 1 người rất thích tham chính, đã từng cộng tác với chính phủ của Tổng thống Mitterand của đảng Xã Hội và hiện giờ là Ngoại trưởng của tổng thống Sarkozy của đảng UMP là phe chống lại đảng Xã Hội.

Bác sĩ Bernard Kouchner là 1 người rất là phức tạp. Tôi chỉ e rằng là trong vòng 1 vài phút và với 1 người không gặp đã 10 năm rồi thì cái nhìn của tôi về bác sĩ Bernard Kouchner có phần phiến diện.»

Cho nên chính phủ Pháp bị các tổ chức Nhân quyền phản đối, đưa vấn đề đó ra Quốc hội Âu châu và Ủy ban Âu châu cũng tuyên bố rằng nước Pháp vi phạm luật Âu châu và luật Nhân quyền Quốc tế, đồng thời Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng phản đối chính phủ Sarkozy.

Ô. Nguyễn Văn Trần<br/>

Ông Nguyễn văn Trần, tiến sĩ về Xã hội học, đang cư ngụ tại ngoại ô Paris thì nhận xét về phản ứng của Ngoại trưởng Bernard Kouchner như sau:

«Ông Bernard Kouchner phản ứng là vì vấn đề tình cảm. Sự xúc động của ông trước việc 1 số đông đảo người Roms bị trục xuất. Nhưng sau đó ông nhận thấy rằng việc làm đó hợp lý là bởi người Roms đến đây về luật pháp Âu Châu họ chưa hưởng được quyền hoàn toàn tự do di chuyển và cư trú.

Sự có mặt của họ ở đây là bất hợp lệ và gây ra tình trạng bất ổn. Vì quyền lợi của xứ Pháp, vì vấn đề an ninh của dân chúng Pháp mà ông Bernard Kouchner đã suy nghĩ lại và đã phản ứng phù hợp với quyền lợi của nước Pháp.»

Tuy nhiên, đối với dư luận thì đây là một chính sách thiếu nhân đạo. Tổng thống Sarkozy bị Liên hiệp Âu Châu chỉ trích nặng nề, thậm chí bà Ủy viên Châu Âu đặc trách tư pháp và các quyền cơ bản Vivian Reding đã so sánh việc này với các tội ác trong thế chiến thứ hai. Ông Nguyễn văn Trần phân tích tiếp:

«Về mặt luật pháp thì khi trục xuất một nhóm người như vậy thì thiếu tính cách pháp lý ở chỗ là: có quyền trục xuất những cá nhân vi phạm luật, chứ không có thể trục xuất trong ý nghĩa là không cho phép một số nhóm lớn người đến cư trú ở nước Pháp như luật định

Cái phức tạp là ở chỗ làm thế nào để phân biệt một cá nhân vi phạm luật pháp và 1 tập thể có tính cách chủng tộc đến đây và cũng vi phạm luật pháp. Cho nên chính phủ Pháp bị các tổ chức Nhân quyền phản đối, đưa vấn đề đó ra Quốc hội Âu châu và Ủy ban Âu châu cũng tuyên bố rằng nước Pháp vi phạm luật Âu châu và luật Nhân quyền Quốc tế, đồng thời Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng phản đối chính phủ Sarkozy.»

roms-in-france-250.jpg
Một người Rom ăn xin ở Quận 13, Paris. Photo by Tường An/RFA.

Cuộc họp thượng đỉnh ở Âu Châu ngày 16 tháng 9 đã cố gắng dàn xếp những tranh cãi chung quanh vấn đề người Roms, sẽ đưa ra một thông cáo chung để tìm một giải pháp hầu làm lắng dịu lại mối quan hệ giữa chính phủ Sarkozy và Ủy Ban Âu Châu.

Một đoạn youtube cho thấy một nhóm người Roms vừa bị cảnh sát Pháp dẫn độ ra khỏi biên giới Pháp-Bỉ, qua đến Bỉ, không đầy 2 phút sau, cả gia đình đã lũ lượt dẫn nhau bước qua biên giới trở lại Pháp. Theo thống kê, có khoảng 2/3 số người Roms bị trục xuất đã trở lại Pháp liền sau đó vì theo luật tự do đi lại trong Cộng đồng chung Âu châu (Europe Unie) họ có quyền sống ở Pháp trong vòng 3 tháng mà không cần phải làm việc gì cả.

Nhóm người Roms đã gây nên nhiều tranh cãi nặng nề trong Cộng đồng chung Âu Châu trong thời gian vừa qua. Hy vọng rằng ngọn lửa làm bùng cháy những đám «rơm» sẽ được dập tắt trong một ngày gần đây.

Theo dòng thời sự: