Trì hoãn việc xây thêm đập...
Những chương trình xây dựng đập thủy điện của các nước trong khu vực hạ lưu sông Mekong, đặc biệt là 3 đập thủy điện đã được xây tại Trung Quốc và kế hoạch xây đập Sayabouly tại Lào, sẽ ảnh hưởng nặng đến môi trường sinh thái nơi đây. Do đó, Ủy hội sông Mekong đã có những nỗ lực nhằm trì hoãn những công trình có nguy cơ tàn phá thiên nhiên này.
Ủy Hội sông Mekong, hay còn gọi tắt là MRC gồm 4 nước thành viên Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, là một tổ chức liên chính phủ có trách nhiệm hợp tác quản lý lưu vực sông Mekong. Ủy hội xem xét tất cả các lĩnh vực, bao gồm hỗ trợ nghề cá, xác định các cơ hội cho nông nghiệp, bảo đảm tự do giao thông thủy, quản lý lũ và bảo vệ hệ sinh thái.
Trong thời gian qua, Ủy hội đã cho ra đời nhiều báo cáo về tình trạng vùng hạ lưu sông Mekong, nhưng với bản báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) ra đời ngày 15/10 vừa qua, MRC đã hoàn tất những kế hoạch cho tất cả những trường hợp có thể xảy ra cho khu vực này.
WWF ủng hộ sự trì hoãn của bất cứ đập thủy điện nào trên dòng chảy của sông Mekong cho đến khi chúng tôi có một sự hiểu biết bao hàm toàn diện về những mất mát và ích lợi trong việc xây dựng những con đập này...
Cô Đặng Thùy Trang
Trong bản thông cáo báo chí, ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Uỷ hội sông Mekong, cho biết 12 bản đề xuất xây dựng thủy điện trên dòng chính với sự tham gia của các nhà phát triển khu vực tư nhân thúc đẩy MRC thực hiện một đánh giá tổng hợp về lợi ích, chi phí và tác động, bao gồm cả ảnh hưởng của những dự án đã và đang được xây dựng trên thượng lưu sông Mekong ở Trung Quốc và bản báo cáo này là một trong những bản báo cáo phức tạp nhất được tiến hành cho một lưu vực sông quốc tế, từ đó có thể thấy tầm quan trọng cho môi trường sinh thái của khu vực.
Bản báo cáo đánh giá sâu về tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính đến tổng thể môi trường của sông Mekong, đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị cho các thành viên như Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong trường hợp các nước này quyết định tiến hành các dự án thủy điện như đã đề xuất.
Ông Marc Goichot, chuyên gia tư vấn của chương trình sinh thái sông Mekong thuộc quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên cho biết một trong những cách giải quyết.
“Có khoảng 20 con đập ở phần nhánh tại hạ lưu, có một số các nghiên cứu tìm hiểu về các ảnh hưởng của các con đập này trên dòng sông. Đối với các con đập trên nhánh sông, chúng ta có thể sẽ dàng điều chỉnh như tập trung đập trên một số nhánh chính trong khi để cho một số nhánh khác tự do chảy, làm như vậy thì vẫn có thể đảm bảo được việc sản xuất điện từ các nhánh sông, trong khi bảo vệ được các nhánh sông khác nơi không có đập.”
... để xem xét lợi hại
Những tác động cho các đập thủy điện gây nên có khả năng không thể hồi phục được tình trạng phát triển tự nhiên, đối với nghề đánh bắt cá, đối với hệ sinh thái trên cạn, dưới nước, và đối với sinh kế của người dân. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho biết nếu như có những quy hoạch hợp lý thì quy mô ảnh hưởng có thể tránh được và giảm thiểu.
Cô Đặng Thùy Trang, điều phối viên của khu vực sinh thái sông Mekong thuộc Qũy Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên cho biết.
“Rất nhiều tổ chức quan tâm đến vấn đề sinh thái tại sông Mekong cũng như sự phát triển của đập thủy điện và WWF là một trong những tổ chức đó. Chúng tôi đặc biệt quan tâm và đã tham gia xây dựng các tiêu chuẩn về thủy điện bền vững cùng với các tổ chức khác. WWF ủng hộ sự trì hoãn của bất cứ đập thủy điện nào trên dòng chảy của sông Mekong cho đến khi chúng tôi có một sự hiểu biết bao hàm toàn diện về những mất mát và ích lợi trong việc xây dựng những con đập này cùng những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như phương kế sinh nhai của người dân trong vùng.”
Báo cáo SEA đưa ra bốn phương án chiến lược cho việc phát triển thủy điện trên dòng chính. Mỗi phương án đều có những phân tích tỉ mỉ cho các đề xuất từ việc “dừng toàn bộ việc phát triển đập” đến “phát triển theo xu hướng thị trường.” Nhóm thực hiện báo cáo SEA khuyên các nước MRC nên chọn phương án chiến lược 2, mang tên “Quyết định trì hoãn tất cả các dự án xây dựng đập trên dòng chính trong một giai đoạn định sẵn”.
SEA kêu gọi những quyết định về xây dựng đập trên dòng chính của sông Mê Kong cần hoãn lại một thời gian từ 10 năm trở lên, đồng thời tiến hành đánh giá 3 năm một lần để đảm bảo tạo các điều kiện cần thiết nhằm tăng cường hiểu biết về các hệ thống tự nhiên cũng như tăng cường quá trình quản lý.
Điều quan trọng là chúng ta không có đủ thông tin dữ liệu để có thể làm một nghiên cứu tính hiệu quả, đó là lý do vì sao chúng tôi yêu cầu một khoảng thời gian hoãn thực hiện dự án 10 năm ...
Ông Marc Goichot
Ông Marc Goichot cũng đồng tình với kiến nghị trên. Ông cho biết:
“Điều quan trọng là chúng ta không có đủ thông tin dữ liệu để có thể làm một nghiên cứu tính hiệu quả, đó là lý do vì sao chúng tôi yêu cầu một khoảng thời gian hoãn thực hiện dự án 10 năm để có thể thực hiện các nghiên cứu đó và có thể cung cấp các thông tin cơ bản cần thiết cho những người làm chính sách. Bạn có thể đạt được nhiều điều trong 10 năm, điều cần làm là phải lấp đầy các chỗ trống về sự hiểu biết về các tác động lên dòng sông.”
Những bản báo cáo, các nghiên cứu có thể làm được trong thời gian cho phép đã được thực hành. Hiện, tất cả mọi quyết định đều thuộc về các quốc gia có liên quan đến vùng hạ lưu sông Mekong. Người dân hy vọng rằng chính phủ họ sẽ cân nhắc thật kỹ để cân bằng giữa những điều mà các đập thủy điện đem đến và những khó khăn người dân cũng như vùng sinh thái trong khu vực phải hứng chịu.
Theo dòng thời sự:
- Khám phá mới trên dòng Mekong
- Đề nghị hoãn xây dựng đập thủy điện tại hạ lưu Mekong
- Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn
- Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục
- Nhật ký sông Mêkông (phần 3): Địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 4): Xuôi dòng địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 5): Trong địa phận Miến Điện