Phản đối tập trận chung Mỹ - Nam Hàn
Cuộc tập trận chung đã lên kế hoạch giữa Mỹ và Nam Hàn ở Hoàng Hải với mục đích răn đe Bắc Hàn đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn, đang gây căng thẳng cho Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo tin tức từ các viên chức Nam Hàn cho biết, cuộc tập trận này có sự tham gia của tàu sân bay Hoa Kỳ, tàu USS George Washington, đã làm cho Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Hoàng Hải thể hiện sự cương quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia.
Ô. Xu Guangqian
Mặc dù cuộc tập trận này dự định sẽ diễn ra ở khu vực hoàn toàn thuộc vùng biển quốc tế, thế nhưng Bắc Kinh lớn tiếng phản đối vì cho rằng cuộc tập trận đe dọa đến Trung Quốc. Ông Xu Guangqian, chiến lược gia quân sự, thuộc Học viện Khoa học Quân sự của Quân đội Trung Quốc, đã cảnh cáo cuộc tập trận chung này như sau: "Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Hoàng Hải thể hiện sự cương quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia. Nó cũng phản ảnh điều mà Trung Quốc đang ngày càng chú ý tới thực tế là không gian chiến lược của mình phải đối mặt với mối đe dọa đến từ các nước khác".
Giới chuyên gia cho rằng, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc thông qua một tuyên bố lên án việc đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn, dường như phản ứng của Trung Quốc về cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Nam Hàn mạnh mẽ hơn. Báo chí Trung Quốc đã liên tục đăng các bài với lời lẽ gay gắt nhắm vào Hoa Kỳ và Nam Hàn trong cuộc tập trận này. Một bài xã luận ngày 8 tháng 7 đăng trên báo Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đổ lỗi cho ông Lee Myung-bak, Tổng thống Nam Hàn, đã làm cho quan hệ Trung – Hàn xấu đi. Bài báo viết:

"Không rõ liệu ông Lee đã nghĩ đến phản ứng của Trung Quốc chưa khi ông công bố tập trận với Hoa Kỳ hồi tháng 5? Ông ấy có thấy trước sự giận dữ của người dân Trung Quốc? Hay là ông có ý định kích động đất nước ở phía bên kia Hoàng Hải? Đó là điều xấu hổ và một sự khiêu khích ngay trước cửa nhà của Trung Quốc. Nếu một tàu sân bay Hoa Kỳ vào Hoàng Hải, có nghĩa là một trở ngại lớn đối với ngoại giao của Seoul, như sự thù địch giữa các dân tộc Trung Quốc và Nam Hàn có lẽ sẽ leo thang, mà Bắc Kinh và Seoul đã và đang làm việc trong nhiều năm qua để tránh".
TQ lên tiếng đe dọa
Không những phản đối Nam Hàn, Bắc Kinh còn cho đăng những bài báo có tính răn đe Hoa Kỳ. Trong một bài viết có tựa đề: "Hoa Kỳ phả trả giá về việc chọc tức Trung Quốc", báo Global Times đã viết:
"Việc triển khai các tàu sân bay Hoa Kỳ là sự thử thách sức chịu đựng tận cùng về chiến lược của Trung Quốc. Người dân Trung Quốc sẽ không tha thứ điều đó. Bất cứ tổn hại nào mà cuộc tập trận của quân đội Mỹ gây ra cho Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ phải trả giá về điều đó, dù sớm hay muộn. Nếu Hoa Kỳ gây rối loạn cho tình hình chung, tức là họ sẽ quay ngược trở lại hàng thập kỷ ở khu vực Đông Á và cái giá mà Hoa Kỳ phải trả cho quyết định vô trách nhiệm của mình sẽ cao hơn cái giá mà họ có thể hình dung".
Bài báo này còn cảnh cáo Nhật và Nam Hàn, hai đồng minh của Hoa Kỳ như sau: "Nhật Bản và Nam Hàn không phải là vật tế thần trong cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhật và Nam Hàn bị ảo tưởng về chiến lược khi muốn dựa vào quân đội Mỹ để kiểm soát Trung Quốc. Hành vi của hai nước này đang đẩy chính họ tới gần vạch cấm trong tâm trí của người Trung Quốc".
Chúng tôi tôn trọng và cân nhắc ý kiến Trung Quốc. Nhưng đây là vấn đề chúng tôi tập trận ở vùng biển quốc tế. Chúng tôi ra các quyết định này và chỉ chúng tôi mà thôi.
Ô. Geoff Morrell
Cũng xin nhắc thêm rằng, trước đây Hải quân Hoa Kỳ đã từng tham gia tập trận ở Hoàng Hải, có lẽ do Hải quân Trung Quốc lúc đó không đủ mạnh nên họ đã không phản đối mạnh mẽ như hiện nay. Một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết: "Hoa Kỳ tin rằng khi họ tiến hành tập trận ở biển Hoàng Hải trong quá khứ, họ nghĩ rằng có thể làm điều đó trong hiện tại và tương lai. Nhưng Hoa Kỳ nên hiểu, với sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng, người dân Trung Quốc sẽ cảm thấy nhạy cảm hơn với các hành động khiêu khích của hải quân Hoa Kỳ ở một nơi rất gần Trung Quốc".
Mới đây, trong một bài xã luận khác đăng trên báo Global Times cho biết, Trung Quốc có thể gửi tàu và máy bay để theo dõi việc tập trận, và cảnh báo sẽ có các tác động ảnh hưởng đến quan hệ song phương Trung - Mỹ nếu như có bất kỳ sự cố nào xảy ra do hiểu lầm hoặc do không tiên liệu trước, liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bài báo viết: "Toàn bộ phía Tây Thái Bình Dương không phải là sân sau của Hoa Kỳ. Mỹ phải xem xét sự hiện diện quân sự của mình sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng và sự cân bằng chiến lược tinh tế trong khu vực. Họ phải từ bỏ ý tưởng liên tục làm trầm trọng thêm những vấn đề quan trọng liên quan tới an ninh trong khu vực".
Hoa Kỳ cương quyết
Đáp trả lại các lời lẽ đe dọa từ phía Trung Quốc, mới đây tại hội nghị an ninh ở Seoul, Tướng Walter Sharp, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Hàn (USFK) cho biết: "Mỗi quốc gia không chỉ có quyền, mà còn có nghĩa vụ huấn luyện các lực lượng chống lại các mối đe dọa mà họ thấy và làm điều đó trong phạm vi lãnh thổ quốc tế của họ".

Mặc dù lên tiếng bác bỏ các phản đối của Trung Quốc về cuộc tập trận, thế nhưng Hoa Kỳ cũng đã có một chút thay đổi về kế hoạch tập trận để tránh gây căng thẳng thêm trong khu vực. Theo tin tức mới nhất, một viên chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết: hai nước sẽ tham gia tập trận ở Hoàng Hải và Biển Hoa Đông (East China Sea), thay vì chỉ tập trận ở khu vực Hoàng Hải như đã lên kế hoạch.
Cũng theo viên chức này, tàu sân bay USS George Washington sẽ tham gia tập trận ở Biển Hoa Đông, chứ không có mặt ở Hoàng Hải như kế hoạch đã dự tính. Viên chức này cho biết: "Lúc đầu, chúng tôi thảo luận kế hoạch tập trận ở Hoàng Hải, nhưng đã thay đổi địa điểm thành Biển Hoa Đông, do có cân nhắc đến các diễn biến ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ cho rằng vì hai nước tập trận ở vùng biển quốc tế, không thuộc lãnh hải Trung Quốc, cho nên đây là công việc nội bộ của Mỹ và Nam Hàn. Ông Geoff Morrell, phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nói: "Chúng tôi tôn trọng và cân nhắc ý kiến Trung Quốc. Nhưng đây là vấn đề chúng tôi tập trận ở vùng biển quốc tế. Chúng tôi ra các quyết định này và chỉ chúng tôi mà thôi. Chúng tôi tập trận nơi nào, khi nào, với ai và tập trận như thế nào, sử dụng các loại vũ khí gì…là các quyết định của Hải quân Hoa Kỳ, của Bộ Quốc phòng và của chính phủ Hoa Kỳ".
Liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương có được “thái bình” sau cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nam Hàn? Mời quý vị theo dõi tin tức trong thời gian tới.
Theo dòng thời sự:
- Trung Quốc phô trương sức mạnh ở Biển Đông
- Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
- Những quan ngại ở Á Châu theo nhân định của Dân biểu David Wu
- Trung Quốc gây quan ngại trong khu vực biển Đông Trung Hoa
- Philippines: Sự trỗi dậy của TQ thách thức Hoa Kỳ
- Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
- Nhật lo ngại Trung Quốc cho tập trận gần đảo Okinawa
- Trung Quốc cáo buộc Mỹ dùng chiến lược bao vây
- Việt Nam-Trung Quốc tuyên bố cùng tìm giải pháp cho biển Đông