Những suy nghĩ về hôn nhân dị chủng đã thay đổi như thế nào?

Trong những cuộc thăm dò gần đây nhất, kết quả cho biết các cuộc hôn nhân dị chủng đã tăng khoảng 20%.

Tuy nhiên, dù có sự tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với sự tăng trưởng trong thập niên 1990-2000.

Khoa Diễm có bài viết về suy nghĩ của những người trẻ về các cuộc hôn nhân không cùng văn hóa, chủng tộc như sau, mời quý thính giả theo dõi.

Ranh giới chủng tộc sẽ không biến mất

Theo thống kê của cuộc điều tra dân số gần đây nhất, trên toàn quốc Hoa Kỳ có 8% các cuộc hôn nhân là hôn nhân dị chủng, tăng 7% so cới cuộc điều tra hồi năm 2000. Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ là một quốc gia đa chủng tộc, một xã hội đồng hóa.

Những người dân gốc châu Mỹ Latin và châu Á có xu hướng đến với nhau hơn vì có nhiều mối tương đồng và từ đó tạo ra sự xa cách văn hóa với những người Mỹ da trắng bản xứ vì khác biệt từ văn hóa đến ngôn ngữ.

Fact box
- Năm 1959, ông bà Mildred và Richard Loving bị bỏ tù 1 năm và buộc rời khỏi tiểu bang Virginia vì tội kết hôn giữa 1 người da trắng và 1 người da màu. Ông da trắng , bà da đen.
- Năm 1963, 2 ông bà khởi kiện tiểu bang Virginia lên Tòa Án Tối Cao Pháp Viện.
- Ngày 12/06/1967, Tòa Án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán rằng luật cấm kết hôn vì khác biệt chủng tộc là trái hiến pháp.

Một giáo sư Xã Hội học và Chính sách Xã hội tại trường Cornell University, ông Daniel Lichter cho biết ranh giới chủng tộc sẽ không biến mất hay thay đổi trong một thời gian ngắn. Ông cũng nhận xét là vì cuộc khủng bố xảy ra năm 2001 cùng với luật di trú vừa ban hành tại Arizona tạo ra những phản ứng không tốt từ những người di cư đối với chính phủ Hoa Kỳ và do đó khả năng những nhóm di cư xích gần lại với nhau hơn là điều không thể tránh khỏi.

Thống kê cho thấy có 40% những người Mỹ gốc Á kết hôn với người da trắng, một con số không khác mấy so với thập niên 1980. Trong khi đó số này kết hôn với người châu Á nhập cư lại tăng lên gấp 3 lần đối với nam và 5 lần đối với nữ.

Song, kết quả của cuộc điều tra cho thấy là số người da đen kết hôn với người Mỹ da trắng tăng gấp 3 lần so với năm 1980. Ảnh hưởng của nền giáo dục nâng cao, giới trung lưu Mỹ da đen ngày tăng lên, và quân đội qui tụ nhiều sắc tộc khác nhau đã tạo nên cơ hội giao tiếp đa chủng.

Giới trẻ cởi mở hơn

Đối với người Việt thì mối quan tâm phần lớn thiên về sự cách biệt văn hóa giữa một người bản xứ và một người Việt. Đồng thời, các bậc phụ huynh gốc Việt rất e ngại tính cởi mở của các thanh niên Mỹ, lo ngại ảnh hưởng đến con cái của họ. Tuy nhiên, các thanh thiếu niên người Việt lớn lên tại Mỹ không có quan ngại gì về vấn đề đó cả.

Qua cuộc nói chuyện với một cô dâu gốc Việt, người đã kết hôn với người bạn trai quen khi cả hai cùng chung học đại học, cô cho biết không thấy sự khác biệt lớn vì cả hai có một nền giáo dục tương đồng. Cô Nhi Trần nghĩ điều quan trọng nhất là cả hai cùng có chung một mục đích và yêu thương lẫn nhau. Họ đang sống hạnh phúc sau 3 năm kết hôn và đã hai lần trở về Việt Nam thăm gia đình cô Nhi tại Việt Nam.

jim-webb-and-wife-250.jpg
TNS Jim Webb và vợ, Hồng Lê, tại 1 cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 04/07/2007. AFP photo.

Nhìn về khía cạnh suy nghĩ của một người ngoại quốc, yêu thương một người con gái Việt, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với anh Matt Koranda. Hiện, Matt đang chuẩn bị đám cưới cùng cô bạn gái người Việt lâu năm. Anh và người vợ tương lai đã lớn lên cùng nhau trong một thành phố, học cùng chung trường. Hai người vừa trở về từ chuyến thăm châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Matt cho biết anh rất yêu thích đất nước này và hy vọng sẽ có thời gian để học thêm về ngôn ngữ cũng như văn hóa Việt.

Matt kể rằng anh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để cha mẹ của vị hôn thê chấp nhận anh là bạn trai của con gái họ, thay vì chỉ là một người bạn nam giới. Vì là người từ một nền văn hóa khác nên anh khuyên những bạn trẻ, nếu như đang ở trong trường hợp của anh thì hãy cố gắng chứng minh cho các bậc phụ huynh thấy rằng mình đến với con cái của họ là vì tình cảm chân thật chứ không phải vì một lý do nào khác.

Anh cho biết:

Tôi yêu cô ấy vì con người của cô ấy, những tính cách và suy nghĩ của cô ấy làm tôi rung động. Tôi chưa bao giờ quan tâm là cô ấy không phải người da trắng. Màu da không phải là điều con người ta quan tâm nhất khi người ta yêu một ai đó.

Matt Koranda

“Tôi không cảm thấy sự khác biệt nào cả. Hai chúng tôi lớn lên cùng một thành phố và học chung trường. Tôi yêu cô ấy vì con người của cô ấy, những tính cách và suy nghĩ của cô ấy làm tôi rung động. Tôi chưa bao giờ quan tâm là cô ấy không phải người da trắng. Màu da không phải là điều con người ta quan tâm nhất khi người ta yêu một ai đó.

Sau chuyến thăm châu Á dài 3 tháng trời của chúng tôi, tôi rất thích thú với đất nước Việt Nam. Việt Nam thật đẹp và văn hóa nơi đó rất hay. Chúng tôi thật may mắn là đã có nhiều thời gian tham quan các nơi. Một ngày nào đó tôi sẽ học tiếng Việt để còn nói chuyện với ba mẹ vợ nữa chứ. Nếu như ai đó hỏi tôi có lời khuyên như thế nào cho

những ai cùng trường hợp thì tôi sẽ nói người đó phải thật kiên nhẫn.

Gia đình châu Á rất chăm chút đến con cái của họ. Nếu muốn chứng minh tình cảm của mình là chân thật thì phải bỏ thời gian tiếp cận với gia đình, giúp đỡ, quan tâm và chăm sóc họ. Gia đình của vị hôn thê tôi bây giờ cho tôi cảm giác tôi là một phần tử trong gia đình của họ còn hơn những người bạn khác của tôi đang quen một cô bạn gái người da trắng.”

Có lẽ vì những người trẻ đang sống và đã lớn lên cùng người bản xứ nên suy nghĩ của họ phần nào khác với cha mẹ về vấn đề hôn nhân dị chủng. Mong rằng các bậc cha mẹ luôn dùng trái tim yêu thương và hiểu cho con họ cũng như có cái nhìn khách quan hơn về tình yêu giới trẻ, vượt qua rào cản của sắc tộc và màu da.

Theo dòng thời sự: