Ai là trung gian giữa Securency và Venezuela?

Tin mới nhất liên quan đến vụ Securency, chuyên in tiền bằng polymer, đưa hối lộ để được nhận các hợp đồng in tiền cho một số quốc gia ở châu Phi, châu Á tiếp tục làm hoen ố hình ảnh chính quyền Việt Nam.

Securency là doanh nghiệp có 50% vốn thuộc quyền sở hữu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Úc. Theo hệ thống truyền thông Úc, trong quá trình điều tra các sai phạm xảy ra tại Securency, người ta phát giác, Securency đã chi tiền để một số quan chức Việt Nam đến Venezuela – một quốc gia ở Nam Mỹ - thuyết phục lãnh đạo Venezuela bỏ tiền giấy dùng tiền polymer do Securency in ấn…

Hệ thống truyền thông Úc chưa cho biết những quan chức nào của Việt Nam đã nhận tiền của Securency để đứng ra làm trung gian, song thông tin vừa kể khiến nhiều người thắc mắc: Tại sao Securency lại chọn quan chức Việt Nam làm trung gian để thuyết phục Venezuela bỏ tiền giấy dùng tiền polymer?

Tham nhũng, hối lộ cũng “vươn ra biển lớn”

Vụ Securency trở thành ồn ào vào khoảng giữa năm ngoái, sau khi Cục Cảnh sát Liên bang Úc loan báo sẽ mở rộng điều tra việc Securency đưa hối lộ để có thể in tiền polymer cho một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bước đầu, người ta xác định, sau khi thắng hợp đồng in tiền polymer cho Việt Nam, Securency đã trả cho BankTek – một công ty do ông Lê Đức Minh điều hành, khoản phí “phiên dịch” lên tới 10 triệu USD. Ông Lê Đức Minh là ai mà được Securency chọn để “phiên dịch” với khoản phí cao đến mức khó tin như vậy? Theo báo chí Úc, ông Lê Đức Minh là con trai ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào thời điểm Securency được chọn để in tiền polymer.

Các quan chức Việt Nam có bay qua Venezuela theo yêu cầu của công ty Securency để làm mai mối với phía Venezuela, vận động họ đổi tiền giấy qua tiền polymer của Úc.

Tờ The Age

Đến tháng 11 năm ngoái, báo chí Úc tiếp tục loan báo sự dính líu của ông Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc CFTD (một công ty chuyên cung cấp hàng hoá và dịch vụ công nghệ cao phục vụ lực lượng vũ trang và các ngành ngân hàng, tài chính tại Việt Nam), đến việc Việt Nam quyết định đổi tiền giấy thành tiền polymer.

Tờ The Age của Úc cho biết, ông Lương Ngọc Anh đã từng làm việc cho Securency và lý do chính khiến Securency tuyển dụng ông Lương Ngọc Anh là vì ông có quan hệ với rất nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam. The Age còn khẳng định ông Lương Ngọc Anh làm việc cho Bộ Công an Việt Nam và Securency đã chuyển cho CFTD 12 triệu đô la. Một phần của khoản tiền này đã được chuyển vào một số tài khoản tại Thụy Sỹ.

Cho đến lúc đó, giới quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam ghi nhận Việt Nam chỉ làm hai việc. Việc thứ nhất là báo điện tử Đảng CSVN lột bài viết ca ngợi ông Lương Ngọc Anh như một doanh nhân tiêu biểu cho sự thành đạt của doanh giới Việt Nam ra khỏi website của họ. Việc thứ hai là các quan chức lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát tuyên bố chờ kết qủa điều tra chính thức từ phía Úc và sẵn sàng hợp tác nếu Úc có yêu cầu phối hợp...

Điều đó giống hệt với những gì đã diễn ra trong vụ tai tiếng liên quan đến PCI – một tập đoàn tư vấn của Nhật, từng đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu, thực hiện một số dự án liên quan đến Đại lộ Đông Tây và Cải tạo môi trường nước ở TP.HCM.

Vào lúc này, người ta chưa rõ Úc đã yêu cầu Việt Nam phối hợp điều tra vụ Securency như Nhật đã từng làm trong vụ PCI hay chưa, song những thông tin mà phía Úc công bố cho thấy, quan chức Việt Nam không chỉ nhận hối lộ mà còn tham gia môi giới hối lộ trên bình diện quốc tế.

Vì sao Securency lại chọn quan chức Việt Nam làm môi giới trong việc thuyết phục lãnh đạo Venezuela thay tiền giấy bằng tiền polymer? Chúng tôi đã phỏng vấn ông Lê Minh, một nhà báo tự do sống tại Úc, đã và đang theo dõi rất sát diễn biến của vụ Securency…

Bởi cùng là “đồng chí”

tiendong-Afp-200
Tiền đồng polymer. AFP photo (Tiền đồng polymer. AFP photo)

Trân Văn : Thưa ông, chúng tôi được biết là báo chí Úc vừa cung cấp một số thông tin có liên quan đến vụ đưa hối lộ xảy ra tại Securency. Trong số những thông tin đó thì có những thông tin liên quan đến phía Việt Nam. Ông có thể tóm tắt thêm về những thông tin mới được công bố này không?

Lê Minh: "Thưa anh, tờ The Age vừa công bố thêm một chi tiết rất lý thú đối với người đọc, đặc biệt là người Việt Nam. Đó là các quan chức Việt Nam có bay qua Venezuela theo yêu cầu của công ty Securency để làm mai mối với phía Venezuela, vận động họ đổi tiền giấy qua tiền polymer của Úc."

Trân Văn : Truyền thông Úc có bình luận gì về việc này không? Họ có cung cấp thêm là tại sao Securency lại chọn Việt Nam không?

Lê Minh: "Thưa anh, chúng ta đều biết, tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez thích kết bạn với các nước Cộng sản. Các quan chức của công ty Securency nghĩ rằng, Việt Nam có sẵn mối quan hệ nôm nà là "xã hội chủ nghĩa" với Venezuela. Chính vì nghĩ như vậy mà họ nhờ Việt Nam làm trung gian để thuyết phục Venezuela."

Trân Văn : Thưa ông đó là nhận xét của ông hay đó là nhận định của giới truyền thông Úc?

Lê Minh: "Thưa anh, đây là nhận xét của hai ký giả Nick McKenzie và Richard Baker. Hai ký giả nổi tiếng đang điều tra vụ Securency. Đó là đầu mối mà họ mới hé lộ thêm và chắc chắn tới đây sẽ còn nhiều chi tiết lý thú hơn nữa."

Trân Văn : Thưa ông, theo truyền thông Úc, những người Việt Nam được Securency nhờ là đối tượng như thế nào? Truyền thông Úc có cho biết cụ thể tên tuổi, chức vụ của họ không?

Lê Minh: "Cuộc điều tra đang tiếp diễn cho nên cảnh sát không thể nào đưa ra các tên tuổi.

Còn các phóng viên thì đến bây giờ họ mới chỉ điều tra được là các quan chức Việt Nam có bay sang Venezuela thể theo lời yêu cầu của công ty Securency."

Việt Nam mong muốn một Venezuela ngày càng phát triển và hùng mạnh. Venezuela mạnh là Việt Nam mừng. Ngược lại, Việt Nam mạnh thì Venezuela mừng!

Ông Nguyễn Minh Triết

Trân Văn : Còn một câu hỏi nữa, đó là truyền thông Úc có xác định những quan chức Việt Nam đến Venezuela vận động đổi tiền giấy sang tiền polymer là vào lúc nào, vào năm nào không?

Lê Minh: "Tin tức mới nhất về cuộc điều tra này của hai nhà báo Úc không nói chi tiết. Họ chỉ cho biết rằng, các quan chức Việt Nam làm mai mối, sau khi Việt Nam đã hoàn tất việc chuyển đổi từ tiền giấy sang tiền nhựa polymer. Công ty Securency nhờ Việt Nam làm mai mối vào năm 2007, 2008."

Lật lại báo chí Việt Nam, theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 30 tháng 5 năm 2007, ông Nông Đức Mạnh đã đến Caracas, thủ đô của Venezuela để hội kiến với Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội của Venezuela. Ngoài ra, ông Mạnh còn gặp gỡ một số bộ trưởng, các thành viên trong Ủy ban quốc gia vận động thành lập Đảng Xã hội thống nhất Venezuela.

Năm sau, cũng theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 19 tháng 11 năm 2008, ông Nguyễn Minh Triết đã đến thăm Venezuela, để "cụ thể hoá các thoả thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy các dự án hợp tác, nhất là về năng lượng, dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp". Trong chuyến thăm vừa kể, ông Triết tuyên bố: Việt Nam mong muốn một Venezuela ngày càng phát triển và hùng mạnh. Venezuela mạnh là Việt Nam mừng. Ngược lại, Việt Nam mạnh thì Venezuela mừng!

Đầu năm ngoái, tại một buổi tọa đàm nhằm kỷ niệm 10 năm ông Hugo Chavez trở thành Tổng thống Venezuela, diễn ra ở Hà Nội, ông Vũ Văn Hiền, Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN tuyên bố: Sự phát triển của quan hệ hai nước Việt Nam – Venezuela mang tính tất yếu khách quan bởi cả hai nước đều có mục tiêu chung là tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước hùng mạnh, công bằng, người dân được hưởng thụ những thành quả của công cuộc phát triển đất nước.

Chính mục tiêu chung này sẽ là động lực để hai nước cùng phát triển trên mọi lĩnh vực, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Trên thực tế, theo thống kê, trong hai năm 2008 và 2009, Venezuela dẫn đầu khu vực châu Mỹ về... tỷ lệ lạm phát.

Theo dòng thời sự: