Nhân sự kiện này, Gia Minh hỏi chuyện giáo sư tiến sĩ Phạm Phụ về vấn đề đó và đầu tiên ông cũng bày tỏ vui mừng như bao nhiêu người Việt khác khi nghe tin vui giáo sư Việt Nam Ngô Bảo Châu được vinh dự trao giải thưởng Fields kỳ này.
GS Phạm Phụ:
Trước hết tôi cũng như toàn dân Việt Nam, những nhà giáo, những nhà khoa học Việt Nam hết sức vui mừng trước tin này; tạm gọi là tuyệt vời đối với Việt Nam. Điều này cũng đem lại tên tuổi cho Việt Nam trên cộng đồng thế giới, ít nhất người ta nghĩ đầu óc Việt Nam cũng khá. Nhưng liên quan đến tin này thì vừa qua có tin thành lập Viện Toán học Việt Nam, hay thế này, thế khác; báo chí trong nước và Báo Tiền Phong hôm nay cũng hỏi tôi về chuyện này.
Theo tôi, nếu Việt Nam đem tất cả trí tuệ dồn vào ‘chỗ này’ thì chưa phù hợp lắm với điều kiện của Việt Nam. Việt Nam cần nhiều nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác. Có những việc quá bức bách trong việc phát triển khoa học công nghệ, trong việc góp phần xây dựng đường lối, chính sách.
Gia Minh: Xin giáo sư cho biết cụ thể những bức bách đó là gì? Và phải thực hiện ra sao?
Nếu giáo sư Ngô bảo Châu tách khỏi những môi trường như ở các Viện Toán ở nước ngoài thì e khó phát triển.
GS Phạm Phụ
GS Phạm Phụ: Trước hết nhìn ở góc độ toán học thì những thành tựu toán như vậy giúp ích nhiều hơn cho những nước dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ như Mỹ, Nhật, Nga…
Còn những nước trình độ còn thấp như Việt Nam, vấn đề cấp bách là những vấn đề hơi ngả về mặt công nghệ, về phát triển công nghệ, về lựa chọn đường lối chính sách phát triển… Có lẽ do một hoàn cảnh lịch sử nào đó mà dân Việt Nam hơi quá nhấn mạnh về hai loại thông minh thôi: loại thông minh về lôgíc toán và chừng mức nào đó là lọai thông minh về ngôn ngữ, tức nhấn mạnh văn chương.
Nhưng thực ra phải có ít nhất bảy loại thông minh. Như một người làm PR, họ thực chất có thông minh đối ngoại chứ không cần lắm về thông minh logic toán. Vì vậy đối với một quốc gia cần phải có cái nhìn tổng thể, có chiến lược tổng thể phát triển nhân tài trên những lĩnh vực khác nhau.
Toán tuyệt vời đó, nhưng dù sao cũng chỉ là một mảng; mà mảng đó đối với Việt Nam còn tương đối gián tiếp. Có nhiều mảng trực tiếp cần phải đầu tư phát triển cho chúng. Muốn thế phải có chiến lược phát triển tài năng, trong đó vấn đề vật chất, lương bổng phải ở một chừng mức đủ sống. Điều quan trọng phải tạo ra môi trường tự do học thuật và môi trường biết tôn trọng những giá trị xã hội của họ. Có như vậy mới phát triển được.
Môi trường phát triển tài năng
Gia Minh: Đối với những nhân tài như GS Ngô Bảo Châu thì nên ở môi trường nào để có thể phát huy tối đa tài năng và có thể giúp ích cho Việt Nam?
GS Phạm Phụ: Vừa rồi Việt Nam có đặt vấn đề mời giáo sư Ngô Bảo Châu về Việt nam làm việc; tôi nghĩ không nên. Nếu giáo sư Ngô bảo Châu tách khỏi những môi trường như ở các Viện Toán ở nước ngoài thì e khó phát triển. Vấn đề nhà khoa học, dù cá nhân họ là chính, nhưng phải có môi trường. Về Việt Nam hiện nay chưa có môi trường đó sẽ kìm hãm sự phát triển của chính họ.
Tóm lại GS Ngô Bảo Châu nên ở lại bên nước ngoài, và làm đầu mối giúp các nhà khoa học trên thế giới chú ý Việt Nam hơn nữa, giúp Việt Nam hơn nữa.
GS Phạm Phụ
Về mặt đóng góp cho đất nước, GS Ngô Bảo Châu ở bên ‘nước ngòai’, một mặt phát triển tài năng, một mặt mở ra cơ hội mời các nhà toán học, khoa học nước ngoài thỉnh thoảng qua Việt Nam, cũng như chính giáo sư về Việt Nam báo cáo lại cho những anh em trẻ những định hướng phát triển toán học, hoặc giúp kích thích đam mê khoa học trong lĩnh vực này; như thế tốt hơn.
Tóm lại GS Ngô Bảo Châu nên ở lại bên nước ngoài, và làm đầu mối giúp các nhà khoa học trên thế giới chú ý Việt Nam hơn nữa, giúp Việt Nam hơn nữa.
Gia Minh: Lâu nay cũng có nhiều nhà khoa học gốc Việt về nước làm việc nhưng rồi không phát huy được tài năng; ai cũng thấy điều đó. Theo ông điều gì gây cản trở và sao không giúp họ phát huy tài năng được?
GS Phạm Phụ: Câu hỏi này hơi khó đối với tôi. Tuy nhiên theo tôi đứng về khâu chính sách chưa thích hợp. Thứ nữa về vấn đề 'thực tâm' trong vấn đề này, tôi thấy dường như còn khỏang cách.
Gia Minh: Cám ơn giáo sư về ý kiến và thời gian của ông dành cho cuộc phỏng vấn.