Trung Quốc dùng tàu hải cảnh gây áp lực yêu cầu Indonesia ngừng khoan thăm dò trên Biển Đông. Nikkei đưa tin ngày 28 tháng 12 năm 2021.
Tin cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Indonesia dừng dự án phát triển dầu và khí gas tự nhiên trên Biển Đông vì cho rằng dự án này xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh. Trong khi đó, Indonesia khẳng định không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và không công khai phản ứng những lần phản đối từ Bắc Kinh. Theo Indonesia, nếu công khai đồng nghĩa với việc thừa nhận có tranh chấp chủ quyền.
Hoạt động khoan thăm dò của Indonesia được thực hiện gần quần đảo Natuna, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Khu vực này chồng lấn với cái gọi là “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Ngày 22 tháng 1 năm 2013, Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về một số tranh chấp giữa hai nước liên quan việc giải thích và áp dụng UNCLOS ở Biển Đông.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, tòa trọng tài tuyên bố Trung Quốc không có các quyền lịch sử dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.
Từ năm 2019, Bắc Kinh tăng cường hoạt động gần quần đảo Natuna, làm leo thang căng thẳng với Jakarta.
Tháng 5 năm 2020, Indonesia gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò”.
Đáp trả, Trung Quốc gửi công hàm tới Liên Hiệp Quốc để khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, tìm kiếm giải pháp qua thương lượng. Indonesia từ chối ngồi vào bàn đàm phán.
Indonesia và Mỹ hiện đang xây dựng cơ sở huấn luyện chung cho lực lượng hải cảnh gần Natuna. Tháng 8 vừa qua, hai nước tổ chức đợt diễn tập chung lớn nhất từ trước tới nay mô phỏng hoạt động phòng ngự trên đảo.