Tác động của cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine tới an ninh của Việt Nam

Nước Nga của Putin đã tổng tấn công vào một loạt thành phố của Ukraine, không chỉ vào hai tỉnh "ly khai" một phần. Trong đó, cuộc đổ bộ vào Odessa, thành phố đối diện với Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ biển Đen, phản ánh những tham vọng và ảo tưởng địa chính trị kiểu thế kỷ 19 của Putin. Bất kể Nga chỉ uy hiếp hay xóa sổ chính phủ Ukraine đương nhiệm, nhanh chóng rút quân hay chiếm đóng, bị sa lầy hay đè bẹp các lượng Ukraine nổi dậy, thì các cuộc trừng phạt, phong tỏa toàn diện của Âu Mỹ Nhật đối với Nga và các nước có quan hệ kinh tế và quân sự với các công ty quân sự và quốc doanh lớn của Nga là khá cao.

Nhìn vào sự tác động của sự biến này đến Việt Nam, chúng ta thấy có lẽ khí tài quân sự là việc ngay bây giờ Việt Nam cần phải xem xét, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc.

Khí tài quân sự

Một khi Nga bị cấm vận, phong tỏa, những nước mua vũ khí Nga có khả năng cao cũng bị ngăn chặn nguồn cung thiết bị bảo dưỡng và vũ khí đi kèm phương tiện chiến tranh.

Việt Nam hiện nay phụ thuộc sâu vào vũ khí Nga. Máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu ngầm đều cần có vũ khí chủ lực đi kèm và phụ tùng thay thế định kì, đi theo một hệ thống cố định.

Về không quân, theo báo cáo " World Air Forces 2022" của FlightGlobal, Việt Nam hiện có 34 máy bay Su-22, 43 máy bay Su-27 và Su-35 của Nga. Năm 2020, có thông tin Việt Nam dự kiến mua thêm 12 chiếc Su-30 nữa. Việt Nam hiện sở hữu Su-30 nhiều nhất thế giới.

Quân đội Việt Nam hiện sở hữu 34 máy bay Su-22. Theo thông tin của hãng Rosoboronexport (Russian Defence Export) thì Nga không còn sản xuất Su-22 và Su-27 nên chắc chắn Việt Nam cũng thiếu thiết bị, phụ tùng thay thế.

Đối với dòng máy bay Su-22 ở Việt Nam, ngay cả khi Nga chưa có xung đột sâu với phương Tây, thiếu phụ tùng thiết bị thay thế là vấn đề hiện tại, không còn là chuyện "tương lai" nữa. Các máy bay Su-27 của Việt Nam cũng đã dùng trên dưới 25 năm, đến lúc phải đại tu, nâng cấp, nếu muốn sử dụng hiệu quả trong chiến đấu.

Về hải quân, "Lữ đoàn tàu ngầm 189" là lực lược tầu ngầm đầu tiên của Quân đội Việt Nam, được ra mắt năm 2013 tại Cam Ranh, 24/6/2013. Lực lượng này gồm 6 tàu ngầm, tất cả đều đặt hàng Nga sản xuất từ 2009, với trị giá ước tính khoảng 4,3 tỷ USD. Toàn bộ 6 tàu ngầm được bàn giao đầy đủ vào năm 2017.

Các con tàu này đều mới xuất xưởng, các thiết bị, phụ tùng trọng yếu có thể vẫn còn dùng tốt. Tuy vậy Việt Nam không chỉ cần nhập khẩu từ nhà sản xuất (Nga) các thết bị bảo dưỡng mà còn cần mua từ Nga các loại vũ khí đi kèm phương tiện chiến đấu này nữa.

Vũ khí chủ lực của sáu chiếc tàu ngầm mua từ Nga là tên lửa Klub-S, các loại tên lửa chống ngầm, tên lửa hành trình đối đất, tên lửa chống hạm. Đối với các dòng máy bay chiến đấu Sukhoi, hãng Rosoboronexport (Russian Defence Export) chào hàng 6 loại tên lửa không đối không cho các máy bay nói trên.

Tàu ngầm không có tên lửa đi kèm thì chỉ giống như tàu du lịch.

Nga không chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí. Việt Nam cũng không có khả năng tự copy được. Một số thiết bị khác có khả năng phải nhập khẩu định kỳ.

Những thiết bị, phụ tùng và đặc biệt là vũ khí đi kèm các loại máy bay, tên lửa, tầu ngầm Nga không tích hợp được với hệ thống của Mỹ.

Một khi Nga bị bị cấm vận, Âu Mỹ, Nhật Bản trừng phạt không chỉ Nga mà các nước kinh doanh với Nga, nhất là về khí tài quân sự, thì Việt Nam sẽ khó khăn khi không có nguồn khác thay thế.

Lúc này, các phương tiện chiến đấu chủ lực của Quân đội Việt Nam có nguy cơ thành “đồ chơi” hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngoại giao của Việt Nam với phương Tây.

Cuộc thách thức của Nga đối với các nước dân chủ Âu Mỹ Nhật có khả năng sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến khi Putin không còn quyền lực, có lẽ cũng ít nhất trên dưới 10 năm nữa. Bây giờ nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam thì tàu ngầm vẫn bơi được, máy bay Su vẫn bay được, vũ khí chắc hẳn vẫn còn để bắn, nhưng không ai chắc chắn vài năm sau tình hình thế nào.

Hồi kí "How we lost the Vietnam war?" của cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ của Miền Nam Việt Nam có kể rằng, khi viện trợ Mỹ còn, mỗi lần phụ tùng máy bay chiến đấu bị hỏng, các kĩ sư VNCH đem ra bảo dưỡng, sửa chữa thì các kĩ sư Mỹ nói: Hãy nhìn xem, chúng ta còn trong kho rất nhiều, anh sửa làm gì, lấy cái mới ra thay. Hậu quả là kĩ sư Miền Nam Việt Nam bị quên các kĩ năng bảo dưỡng. Đến khi viện trợ Mỹ không còn, họ không sửa chữa được thiết bị cũ, máy bay có rất nhiều nhưng nằm "đắp chiếu" trong kho. Đến 1975, bộ binh và xe tăng Miền Bắc Việt Nam nối đuôi nhau chạy dài hàng cây số trên quốc lộ nhưng không quân VNCH bất lực.

Nếu chi tiết này là thật, điều đó có nghĩa là từ 1973 đến 1975, VNCH đã không kịp cho kĩ sư luyện lại tay nghề đã mất. Việt Nam ngày nay nếu không xử lý quan hệ quốc tế một cách khôn ngoan, máy bay tàu ngầm vẫn có đó, nhưng khả năng phải đắp chiếu một phần là có thể xảy ra. Việt Nam hiện nay vẫn còn thời gian để xử lý tình huống nhưng phải hành động, còn ngồi im thì rất dễ bị Trung Quốc bức tử.

Đối diện với một thế giới phân thành hai hệ thống

Các cuộc trừng phạt của Âu Mỹ và Nhật Bản đối với Nga có thể đẩy mối quan hệ Nga và Trung Quốc thêm sâu sắc, cục diện thế giới chia làm hai trục Mỹ Trung có khả năng trở nên áp đảo. Hai trục này sẽ tạo thành hai hệ thống riêng rẽ, có các chuỗi liên kết riêng về tài chính, vùng nguyên liệu, mạng lưới giao thông, thị trường.

Các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng, cũng có khả năng bị đảo lộn. Việt Nam là nước phụ thuộc vào xuất nhập khẩu nên sẽ bị ảnh hưởng lớn, xét về kinh tế.

Nói riêng về ngành năng lượng, Việt Nam phụ thuộc vào thiết bị của Nga, trong đó có Công ty Power Machines. Năm 2020, công ty Nga này bị Mỹ liệt vào danh sách cấm vận. Công dân Mỹ không được phép hợp tác. Công ty này có dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Dự án này bị ảnh hưởng tiến độ vì lệnh trừng phạt của Mỹ và họ muốn đẩy trách nhiệm cho PVN. Câu chuyện Power Machines của Nga xảy ra trước cuộc xâm lăng vào Ukraine hiện nay. Nhưng nó báo trước những khó khăn trong ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai, nếu Việt Nam chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.