Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956: Ảnh Hưởng Của Cố Vấn Trung Quốc (phần 1)

Được mô phỏng theo kinh nghiệm của Trung Quốc, cải cách ruộng đất do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện giai đoạn 1953–56 có lẽ là chính sách đối nội quan trọng nhất của cách mạng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự khan hiếm của các nguồn tài liệu chính, có rất ít thông tin về ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc đối với chính sách này. Khuyến nghị của La Quý Ba về việc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất là một trong số rất ít tài liệu được biết đến do một cố vấn hàng đầu của Trung Quốc soạn thảo cho giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Việc cung cấp tài liệu này giúp bạn đọc có một cái nhìn rõ hơn về quan điểm và sự đánh giá của Trung Quốc về tình hình Việt Nam vào đầu những năm 1950. Nó cũng làm sáng tỏ khía cạnh về vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Trung - Việt vào thập kỷ đó, cũng như đối với những quyết định của Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong chương trình cải cách ruộng đất, vốn đã gây nhiều tranh cãi hơn nửa thế kỷ qua.

Vào ngày 9 tháng 10 năm 1952, một tài liệu dài bảy trang, viết bằng tiếng Việt với tựa “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” đã được chuyển đến Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). Trực tiếp và có kế hoạch, bản khuyến nghị đã vạch ra các bước vận động quần chúng. Có thể lập luận bản khuyến nghị này là khuôn mẫu cho cuộc vận động quần chúng và cải cách ruộng đất do Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐ Việt Nam) thực hiện từ năm 1953 đến năm 1956. Cuộc vận động đã thúc đẩy sự ủng hộ của nông dân với chính quyền, điều vô cùng cần thiết cho việc đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 và tạo điều kiện cho Đảng Lao động củng cố quyền lực của mình ở miền Bắc. Cuộc vận động quần chúng cũng là một chiến dịch bạo lực mang lại sự thay đổi “long trời lở đất” mà hầu hết người Việt Nam ở nông thôn miền Bắc đã trải qua trong những năm 1950.

Bản khuyến nghị gởi đến Hồ Chí Minh tầm đầu tháng 10, được ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952 bởi “Quý” - viết tắt của La Quý Ba, trưởng đoàn Cố vấn Chính trị Trung Quốc tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1951 đến năm 1954, và là đại sứ đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) từ năm 1954 đến năm 1957.

Số lượng nghiên cứu lịch sử về các cuộc chiến ở Việt Nam trong thế kỷ XX rất lớn và đang phát triển, nhưng rất ít bài viết về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946–54) và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1959–75). Một số ít nghiên cứu được xuất bản có xu hướng nhấn mạnh mối quan hệ giữa và quá trình ra quyết định, chính sách của các nhà lãnh đạo tầm quốc gia, những chủ đề như tình đồng chí giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh hay ảnh hưởng ngoại giao của Chu Ân Lai đối với việc đàm phán Hiệp định Geneva 1954. Một số tài liệu thảo luận về sự hiện diện của các cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam, và đặc biệt là ảnh hưởng của họ trong trận Điện Biên Phủ và chiến dịch cải cách ruộng đất của VNDCCH. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này thường chỉ phân nhóm các nhân sự Trung Quốc được cử sang Việt Nam một cách mơ hồ với cụm từ “cố vấn Trung Quốc” nhưng rất ít nỗ lực để giải thích những cố vấn này là ai, họ đóng vai trò cụ thể nào trong việc ảnh hưởng giới lãnh đạo của ĐLĐ Việt Nam và VNDCCH.

Nhấn mạnh bản ý kiến của La Quý Ba gởi cho giới lãnh đạo Đảng Lao Động Việt Nam và đặc biệt là Hồ Chí Minh, tôi lập luận về sự cần thiết nên phổ biến và nghiên cứu bản tài liệu lịch sử quan trọng này. Lý do vì nó làm sáng tỏ vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Việt - Trung trong những năm 1950, đặc biệt là về chiến dịch cải cách ruộng đất gây tranh cãi của VNDCCH. Tài liệu này quan trọng vì một số lý do. Thứ nhất, nó bối cảnh hóa mối quan hệ giữa Cộng Sản Trung Quốc và VNDCCH trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đặc biệt khi mối quan hệ đó liên quan đến việc tiếp thu kinh nghiệm và thực hành mô hình của Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các cố vấn Trung Quốc và các khuyến nghị của họ. Thứ hai, nó mô tả vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc trong việc hình thành và thực hiện chính sách cải cách ruộng đất ở Việt Nam từ 1953 đến 1956.

Sự hiện diện của La Quý Ba và các cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam

La Quý Ba đã chuẩn bị bản “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” vào thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đang cần nhất sự viện trợ của CHND Trung Quốc dưới hình thức vũ khí, vật chất cũng như những cố vấn chính trị và quân sự. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cần củng cố quyền lực và giành được sự ủng hộ của số đông quần chúng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ba năm trước, vào năm 1949, Đảng Lao động dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã sa lầy vàocuộc chiến tranh du kích kéo dài với người Pháp. Liên Xô, ngọn hải đăng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã quan tâm đến châu Âu hơn là với những diễn biến cách mạng ở Đông Nam Á. Cùng lúc, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì lại bận rộn với cuộc nội chiến dữ dội chống lại chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Mãi đến khi Mao Trạch Đông chiến thắng và tuyên bố thành lập nước CHND Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, hy vọng cách mạng của Hồ Chí Minh và ĐLĐ Việt Nam mới được hồi sinh. Tháng 12 năm 1949, Hồ Chí Minh cử hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy sang Bắc Kinh để đề nghị Trung Quốc hỗ trợ và công nhận ngoại giao đối với chính phủ của ông.

laquyba1.jpeg
Văn bản ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của chuyên gia Trung Quốc La Quý Ba. Hình tư liệu do tác giả cung cấp

Khi nhận được yêu cầu của Hồ Chí Minh, quyền chủ tịch của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 24 tháng 12 nhằm xem xét tình hình Đông Dương. Bốn ngày sau, Lưu Thiếu Kỳ thay mặt cho Ủy ban Trung ương ĐCSTQ gọi điện cho Hồ Chí Minh để nêu rõ rằng CHND Trung Quốc sẽ đồng ý thành lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH và rằng Chính phủ CHND Trung Quốc sẽ cử một nhóm đại diện sang Việt Nam nhằm đánh giá các nhu cầu của VNDCCH. Đến đầu năm 1950, Trung Quốc đã mở cửa liên lạc với Việt Nam. Lưu Thiếu Kỳ, được sự ủy quyền của Mao Trạch Đông khi ông ấy đang trên đường thăm Matxcơva, đã chọn La Quý Ba làm lãnh đạo đại diện liên lạc của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. La Quý Ba được chọn bởi kinh nghiệm cách mạng và lãnh đạo du kích của mình. Ngày 16 tháng 1 năm 1950, La Quý Ba chính thức lên đường sang Việt Nam.

Sinh ngày 14 tháng 7 năm 1908 tại huyện Nam Khang - tỉnh Giang Tây, La Quý Ba trở thành đảng viên của ĐCSTQ vào tháng 1 năm 1927. Từ năm 1927 đến năm 1934, ông là một chỉ huy quân sự và là một trong những thành viên sáng lập của Căn cứ Cách mạng Xô viết Nam Giang Tây. Từ tháng 11 năm 1930 đến tháng 5 năm 1931, ông tham gia vào cuộc phản công của Hồng quân Công nhân và Nông dân Trung Quốc chống lại chiến dịch bao vây lần thứ nhất và thứ hai của chính phủ Quốc dân đảng ở Giang Tây. Sau sự sụp đổ của căn cứ Nam Giang Tây, La Quý Ba tham gia cuộc vạn lý trường chinh dài một năm đến Diên An từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 10 năm 1935, và ông nằm trong số tám nghìn người ước tính còn sống sót sau cuộc rút lui lịch sử này. Trong chiến dịch quân sự ngày 20 tháng 8 đến ngày 5 tháng 12 năm 1940 chống lại lực lượng Nhật Bản ở miền Trung Trung Quốc, được gọi là "Đại chiến Bách Đoàn," La Quý Ba giữ chức Tư lệnh Mặt trận quân Nam của Khu vực biên giới Sơn Tây – Tuy Viễn. Trước khi được bổ nhiệm làm đại diện liên lạc của Trung Quốc tại Việt Nam, La Quý Ba từng là tổng đốc của Tổng văn phòng Ủy ban Quân sự Trung ương của CHND Trung Quốc.

laquyba2.jpeg
Một trang trong ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của chuyên gia Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp

Với tư cách là đại diện liên lạc của CHND Trung Quốc với VNDCCH, nhiệm vụ của La Quý Ba bao gồm thiết lập liên lạc với lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, điều tra tình hình chung ở Việt Nam và báo cáo những phát hiện của ông cho Bắc Kinh để các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra quyết định hỗ trợ VNDCCH. Trước chuyến đi, La Quý Ba đã gặp gỡ các đại biểu Việt Nam tại Bắc Kinh để làm quen với các phong tục và tập quán Việt Nam. Tháp tùng La Quý Ba trong chuyến đi Việt Nam có 8 nhân viên, bao gồm nhân viên điện báo, thư ký và bảo vệ. La Quý Ba cùng cộng sự đến Việt Nam vào ngày 26 tháng 2 năm 1950. Đến nơi, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư ĐLĐ Việt Nam Trường Chinh đón tiếp. Chuyến đi tưởng chỉ chừng ba tháng của La Quý Ba đã kéo dài thành bảy năm.

Trong những năm đầu ở Việt Nam, La Quý Ba đã giúp thành lập Nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc và Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc. Với tư cách là người đứng đầu Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc, La Quý Ba lãnh đạo hơn một trăm cố vấn có chuyên môn về tài chính, ngân hàng và cung cấp ngũ cốc để tư vấn cho VNDCCH về các vấn đề quân sự, tài chính và kinh tế, an ninh công cộng, văn hóa và giáo dục, và các vấn đề như hoạt động của mặt trận thống nhất, hợp nhất đảng và pháp luật cải cách. Công việc của họ bao gồm giới thiệu kinh nghiệm của Trung Quốc cho Việt Nam; phát triển các chiến lược cấp vĩ mô và các thủ tục hoạch định chính sách; đưa ra khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến các quy tắc, quy định và chỉ thị; và giúp giới lãnh đạo Việt Nam thực hiện các chương trình. Đến năm 1952, những cố vấn này đã trở thành công cụ giúp Hồ Chí Minh và chính phủ của ông thành lập các bộ máy pháp lý và các chính sách để củng cố quyền lực quân sự và chính trị xã hội.

Xem kế hoạch của La Quý Ba về huy động quần chúng và thực hiện giai đoạn thử nghiệm của cải cách ruộng đất năm 1953 sẽ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với VNDCCH tại thời điểm này. Sau khi ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952, La Quý Ba đã gởi bản ý kiến sơ bộ của mình cho “Thận” – tức Lê Văn Thận, một tên khác của Trường Chinh, người sau này làm trưởng ban chỉ đạo Ủy ban chỉ đạo Cải cách ruộng đất. Không rõ bản ký kiến này được chuyển cho Trường Chinh trong hoàn cảnh nào, nhưng rất có thể nó đã được chuyển đến tay tổng bí thư Đảng Lao động trước hoặc trong dịp La Quý Ba được mời tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động vào đầu-giữa tháng 9 năm 1952. Ngày 9 tháng 10 năm 1952, Trường Chinh ra lệnh cho nhân viên văn phòng của mình chuyển bản ý kiến của La Quý Ba cho Hồ Chí Minh, ngay lúc ông Hồ đang trên một chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh và Matxcơva. Hồ Chí Minh đã rời Việt Nam vào giữa tháng 9 và đến Bắc Kinh vào ngày 29 tháng 9. Thời gian ở lại Bắc Kinh của ông chủ yếu là để thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về Chiến dịch Tây Bắc và các kế hoạch chiến lược khác, bao gồm cả cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh và ĐLĐ Việt Nam có thể đã sắp xếp chuyến đi để kịp thời cho ông tham gia đi cùng trong phái đoàn của CHND Trung Quốc sang tham dự Đại hội lần thứ mười chín của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Do đó, bản ý kiến của La Quý Ba có thể đã đến tay Hồ Chí Minh khi ông đang ở Matxcơva tham dự đại hội (từ ngày 5 đến ngày 14 tháng 10 năm 1952) và gặp trực tiếp Joseph Stalin -lãnh tụ tối cao của Liên bang Xô Viết, để thông báo cho ông ấy về tình hình Việt Nam, bao gồm mục tiêu cách mạng ở Việt Nam và vấn đề cải cách ruộng đất. Sau cuộc gặp với Stalin vào ngày 28 tháng 10, Hồ Chí Minh đã gửi hai bức thư cho Stalin vào ngày 30 và 31 tháng 10, để thông báo về tiến độ của chương trình cải cách ruộng đất của Việt Nam và kêu gọi sự trợ giúp của ông ta. Trong bức thư đầu tiên, Hồ Chí Minh nói rằng ông đã bắt đầu phát triển chương trình cải cách ruộng đất ở Việt Nam và ông sẽ trình bày nó với Stalin. Trong bức thư thứ hai, Hồ Chí Minh vạch ra chương trình cải cách ruộng đất của ĐLĐ Việt Nam và yêu cầu Stalin xem xét và cho chỉ thị. Hồ Chí Minh cho biết ông đã lên kế hoạch cho chương trình với sự giúp đỡ của Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường, đại sứ CHND Trung Quốc tại Liên Xô từ năm 1949 đến 1951. Trong các cuộc trao đổi này, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Stalin cử các quan chức Liên Xô sang Việt Nam để khảo sát điều kiện và yêu cầu bổ sung 10 tấn thuốc trị sốt rét, vũ khí và cho phép Việt Nam gửi từ 50 đến một trăm sinh viên Việt Nam sang Liên Xô để huấn luyện quân sự và tư tưởng. Ngày 29 tháng 11, trong thư từ biệt Stalin, Hồ Chí Minh viết rằng ông sẽ làm việc siêng năng để thực hiện cải cách ruộng đất và tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp. Ông bày tỏ hy vọng sẽ trở lại Matxcơva sau hai hoặc ba năm để báo cáo về kết quả của những nỗ lực đó.

___________________

*Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học SOJOURN vào năm 2016, nay nhân dịp 70 năm việc khởi xướng chiến dịch cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, xin dịch sang tiếng Việt và đăng lại cùng với bản photo của bản tài liệu gốc để độc giả rộng đường tham khảo.

**Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Viện Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Cornell, và chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do