Khuyến nghị sơ bộ
La Quý Ba trình bày đề xuất của mình vào thời điểm Đảng Lao Động Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ của cả Liên Xô và CHND Trung Quốc, những quốc gia cộng sản hùng mạnh nhất thế giới. Sự hỗ trợ này làm giảm bớt nhu cầu của ĐLĐ Việt Nam phải dựa vào giới địa chủ và nông dân khá giả để có nguồn lực chống lại Pháp. Nó đã tạo cho ĐLĐ Việt Nam sự ủng hộ để thực hiện cải cách ruộng đất như một chiến lược xã hội, kinh tế và chính trị hầu củng cố quyền lực địa lý và chính trị ở nông thôn. Đề xuất này cũng được đưa ra hai năm sau khi CHND Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của riêng họ vào mùa hè năm 1950. Do đó, CHND Trung Quốc và các cố vấn được cử sang Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm liên quan. Chưa kể trước đấy, La Quý Ba cũng đã có được kinh nghiệm của riêng mình khi thực hiện cải cách ruộng đất ở Giang Tây và Diên An trong những năm 1930. Kinh nghiệm này cho La Quý Ba đủ điều kiện để đề xuất với giới lãnh đạo Việt Nam đường lối vận động quần chúng và tiến hành cải cách ruộng đất.
Được chia thành sáu phần, bản khuyến nghị của La Quý Ba nêu ra mục đích, yêu cầu và các bước cần thiết để lãnh đạo phong trào vận động quần chúng, tổ chức lại hệ thống làng-xã và giành ưu thế chính trị ở nông thôn. Mục tiêu cơ bản được đề ra là kích động quần chúng tấn công lật đổ tầng lớp địa chủ, giành quyền kiểm soát chính trị ở nông thôn, xoa dịu nông dân, tăng gia sản xuất nông nghiệp và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu rộng hơn của đề xuất này là phác thảo các bước cần thiết nhằm tích lũy tài nguyên và sự ủng hộ của số đông để ĐLĐ Việt Nam củng cố vị trí của mình. Nó được viết ra (đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong phân đoạn thứ tư) dựa trên quan điểm của cố vấn Trung Quốc nhằm thúc giục lãnh đạo Việt Nam áp dụng “lập trường vững” và “thái độ rõ rệt” để vượt qua nỗi sợ hãi rằng việc huy động quần chúng sẽ làm cho mặt trận thống nhất bị hoang mang và chia rẽ, dẫn đến những phản ứng không lành từ giai cấp địa chủ.
Sự khuyến khích này từ La Quý Ba dường như đã đóng một vai trò trong việc khởi xướng động thái của ĐLĐ Việt Nam từ mục tiêu “kéo địa chủ về phe kháng chiến” sang nhấn mạnh vào việc “trung lập một số địa chủ, đánh đuổi đế quốc và đại địa chủ phong kiến phản động.” Nó cũng thể hiện sự trấn an của cố vấn Trung Quốc đối với ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam rằng việc đổi mặt đối các tầng lớp giàu có và đặc quyền đã từng ủng hộ chính quyền VNDCCH và cuộc kháng chiến trước đây sẽ không gây ra rủi ro quá đáng, vì CHND Trung Quốc (cũng như Liên Xô) sẽ thay thế các nhóm này làm hậu thuẫn về mặt quân sự và tài chính chính cho cuộc cách mạng của ĐLĐ Việt Nam.
So sánh nội dung đề xuất của La Quý Ba với các chính sách vận động quần chúng ở nông thôn của ĐLĐ Việt Nam trước và sau đó cho thấy rõ ảnh hưởng đáng kể của cố vấn Trung Quốc đối với việc phát triển cấu trúc phương pháp luận cho chiến dịch vận động quần chúng của ĐLĐ Việt Nam - từ ý tưởng đến thực hành. Nội dung và ngôn ngữ của năm phần đầu tiên trong bản đề xuất của La Quý Ba đã trở thành khuôn mẫu để lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam phát huy rõ định hướng chính sách cũng như lý luận của mình, chủ yếu trong các chỉ thị, nghị định, thông tư, báo cáo, thông báo, cũng như những tập huấn luyện được lưu hành nội bộ. Ảnh hưởng này được thể hiện rõ nhất trong Chỉ thị 37 / CT / TW do Tổng Bí thư Trường Chinh ban hành ngày 24 tháng 4 năm 1953, đêm trước đợt thi hành chiến dịch thí nghiệmphát động quần chúng, vì nó đã dùng giọng điệu và nội dung của La Quý Ba để xây dựng khuôn mẫu phát động quần chúng.
Hơn nữa, phần thứ sáu của đề xuất cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của La Quý Ba đối với sự chuẩn bị của ĐLĐ Việt Nam cho việc bắt đầu chiến dịch cải cách ruộng đất. Để chuẩn bị cho một chiến dịch thử nghiệm mà các chiến dịch trong tương lai có thể sử dụng làm hình mẫu, La Quý Ba khuyến nghị nên cẩn thận đặt nền tảng cho việc huy động quần chúng để “thu được kết quả mong muốn, không xảy ra hoặc ít xảy ra lệch lạc.” Công việc này bao gồm khảo sát vùng nông thôn, tuyên truyền các chính sách của ĐLĐ Việt Nam, đào tạo cán bộ và lựa chọn các khu vực để thực hiện cải cách ruộng đất. Cụ thể hơn, ông ta đã khuyên ĐLĐ Việt Nam phân công và đào tạo hai trăm cán bộ để thực hiện chiến dịch này tại hai mươi xã trong Liên khu I - hay Việt Bắc - và Liên khu IV, hai khu vực này từ lâu đã là thành trì của ĐLĐ Việt Nam.
Đã xin được sự chấp thuận và hậu thuẫn của Stalin và Mao, sau khi trở về từ Bắc Kinh và Mátxcơva, Hồ Chí Minh đã làm việc cùng với các thành viên còn lại của ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam để bắt đầu thực hiện đề xuất của La Quý Ba về vận động quần chúng. Họ đã thực hiện các bước để thay đổi lập trường trước đây của họ về cải cách ruộng đất. Họ bắt đầu bằng cách yêu cầu một cuộc điều tra sâu hơn về các điều kiện ở nông thôn. Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1953, họ đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tư của đảng để bắt đầu đưa ra các mục tiêu và đặt nền móng cho một chiến dịch cải cách ruộng đất rộng lớn. Nền tảng này bao gồm việc xây dựng nhiều khía cạnh trong đề xuất của La Quý Ba và đưa chúng vào chính sách của họ. Tại Hội nghị Trung ương, Hồ Chí Minh đọc báo cáo nêu rõ hai nhiệm vụ chính cần chú trọng trong năm 1953 để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những nhiệm vụ này bao gồm: lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và đưa ra các chính sách quân sự liên quan, vận động quần chúng giảm địa tô hơn nữa và thực hiện cải cách ruộng đất. Về chính sách ruộng đất, Hồ Chí Minh cho rằng, vì “hoàn cảnh đặc biệt,” chỉ thực hiện giảm địa tô và giảm lãi suất trong những năm trước năm 1953. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đã thay đổi nên hiện nay cần thiết cho cuộc cách mạng mở rộng chính sách ruộng đất và “nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân” bằng cách thực thi cải cách ruộng đất một cách triệt để hơn. Những cải cách này sẽ bao gồm việc phân phối lại ruộng đất cho nông dân. Khi mục đích này thành công, ĐLĐ Việt Nam sẽ có thể huy động đầy đủ nhân lực cần thiết từ giai cấp nông dân để tiến hành cuộc chiến kéo dài và giành thắng lợi tuyệt đối.
Để hiểu rõ quyết định đẩy mạnh cải cách ruộng đất triệt để hơn vào thời điểm này, cần phải chấp nhận một thực tế rằng cải cách ruộng đất đã là một mục tiêu cách mạng hàng đầu của Đảng Cộng sản kể từ khi thành lập năm 1930. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên của cuộc chiến Đông Dương với Pháp, các chính sách của ĐLĐ Việt Nam đối với lĩnh vực nông nghiệp chỉ giới hạn trong việc giảm tô và thuế. Lý do vì giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam sợ rằng cải cách nông nghiệp triệt để hơn sẽ làm suy yếu sự thống nhất của mặt trận thống nhất chống Pháp bằng cách tạo sự chia rẽ với giai cấp địa chủ cũng như phú nông. Trong bối cảnh này, điều quan trọng cần lưu ý là các chủ đất và những người có tài sản là những người ủng hộ kinh tế chính cho nỗ lực chiến tranh, vì cho đến năm 1950 ĐLĐ Việt Nam vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh cộng sản. Do đó, đảng chỉ có thể giới hạn việc thúc đẩy các chính sách cấp tiến hơn ở các khu vực do quân đội trực tiếp kiểm soát, chẳng hạn như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khiĐCS Trung Quốc đã thành công trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Quốc dân đảng, bắt đầu cử cố vấn sang Việt Nam, trực tiếp hỗ trợ quân sự và tài chính qua biên giới phía Nam của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam tin rằng đã đến thời điểm thích hợp để thực hiện toàn bộ cuộc vận động nông dân xóa bỏ “giai cấp thống trị” ở nông thôn miền Bắc và tập hợp nhân lực cần thiết để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong một báo cáo dài sau bài phát biểu của Hồ Chí Minh, Trường Chinh cho rằng cần tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc để lật đổ đế quốc Pháp và phong kiến. Theo sát các khuyến nghị của La Quý Ba, Trường Chinh xác định mục đích, ý nghĩa, phương châm và phương pháp cụ thể của các chính sách cải cách ruộng đất và đề ra kế hoạch thực hiện chúng. Báo cáo của Trường Chinh phản ánh sự thay đổi lập trường của đảng đối với tầng lớp địa chủ khi cho rằng lý do mà các chính sách cấp tiến về đất đai không được thực hiện trong những năm trước năm 1953 là do đảng này đã đánh giá quá cao mức độ hợp tác của giai cấp địa chủ. Trường Chinh tiếp tục cáo buộc các thành viên của tầng lớp này là những kẻ phản động phong kiến bất hợp tác, những người đã làm việc chống lại các chính sách của đảng và các nỗ lực chiến tranh. Do đó, ông đã mạnh mẽ kêu gọi “phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức; chuẩn bị tiến tới cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng ở vùng tự do.” Chỉ khi các chính sách này được thực thi đầy đủ thì ĐLĐ Việt Nam mới “động viên nông dân hăng hái hy sinh cho kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, củng cố được chính quyền nông thôn.”
Trên cơ sở các mục tiêu mà Hồ Chí Minh và Trường Chính đã vạch ra, Hội nghị Trung ương lần thư tư đã đề ra nghị quyết kêu gọi phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất ở những vùng do đảng trực tiếp kiểm soát. Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam bắt đầu ban hành một loạt đạo luật và quy định để mở đường cho việc thực hiện đề xuất của La Quý Ba. Để hỗ trợ cho giai đoạn quan trọng này của chiến dịch, vào mùa xuân năm 1953, ĐCS Trung Quốc đã bổ nhiệm Kiều Hiểu Quang sang Việt Nam để đứng đầu Ban Cải cách ruộng đất và Hợp nhất Đảng thuộc Nhóm cố vấn chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam. Bắc Kinh đã cử thêm 42 chuyên gia cải cách ruộng đất trong cùng năm đó để củng cố đội ngũ của Kiều Hiểu Quang. Theo đề xuất của La Quý Ba, các cố vấn này đã dạy các cán bộ Việt Nam, vốn đã được giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam chọn, cách khảo sát, phân tích và phân loại các điều kiện kinh tế xã hội và giai cấp của các làng xã. Sau khi các cán bộ cải cách ruộng đất được đào tạo, ĐLĐ Việt Nam phát động đợt thí nghiệm phát động quần chúng vào ngày 15 tháng 4 năm 1953. Chiến dịch kéo dài đến tháng 8 năm 1953, được thực hiện ở 23 xã - nhiều hơn ba xã so với bản khuyến nghị của La Quý Ba - ở Việt Bắc và Liên Khu IV.
Chiến dịch vận động quần chúng thực nghiệm được thực hiện theo một quy trình phức tạp bao gồm nhiều bước để kích động đấu tranh giai cấp. Nó bắt đầu bằng việc cử một đoàn cán bộ phát động quần chúng được đào tạo đặc biệt đến một địa điểm được chọn, thường là một xã, để khảo sát các mối quan hệ giữa các tầng lớp của người dân trong xã và phân loại họ thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Cải trang thành nông dân, những cán bộ này thâm nhập vào xã bằng cách tiếp xúc với những nông dân và bần cố nông nghèo nhất. Họ làm quen với điều kiện của nông dân bằng cách áp dụng chiến lược “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thông qua quá trình “thăm nghèo hỏi khổ,” các cán bộ gieo vào lòng nông dân sự căm thù đối với tầng lớp địa chủ (và sau này là phú nông và trung nông) bằng cách so sánh sự nghèo khổ của họ với sự sung túc của địa chủ. Các cán bộ phát động xúi giục giới nông dân phát động, nổi dậy chống lại địa chủ. Khi lòng căm thù đã dấy lên và điều kiện đấu tranh giai cấp đã chín muồi, cán bộ vận động tập hợp các địa chủ trong xã và đưa họ ra xét xử trước một “Tòa án Nhân dân đặc biệt,” trong đó họ khích những người từ giới nông dân và bần cố nông tố cáo những “tội ác” và sự lộng hành của địa chủ. Sau phiên đấu tố, các tòa án đưa ra quyết định về số phận của các địa chủ, gia đình và tài sản của họ. Quá trình phát động này đã trở thành khuôn mẫu cho phần còn lại của chiến dịch cải cách ruộng đất từ tháng 4 năm 1953 đến tháng 7 năm 1956. Trớ trêu thay, một trong những người đầu tiên bị đưa ra xét xử và hành quyết là Nguyễn Thị Năm, một địa chủ yêu nước được mệnh danh là “mẹ kháng chiến,” người đã ủng hộ cuộc chiến chống thực dân và nhiều lãnh đạo của Việt Minh, bao gồm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng.
Bản ý kiến sơ bộ của La Quý Ba có thể không phải là bản khuyến nghị duy nhất hoặc cuối cùng đã dẫn ĐLĐ Việt Nam đến việc thi hành chương trình cải cách ruộng đất. Nhưng bối cảnh lịch sử La Quý Ba đưa ra những khuyến nghị đó và mức độ giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam tuân theo lời khuyên của người đại diện ĐCS Trung Quốc cho thấy cố vấn Trung Quốc và những góp ý của họ đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể nói là khung sườn cho chiến dịch vận động quần chúng và cải cách ruộng đất của ĐLĐ Việt Nam từ tháng 4 năm 1953 đến tháng 7 năm 1956. Nó không phải là một bản thiết kế từng bước cho nỗ lực cải cách ruộng đất lâu dài, phức tạp và nhiều bạo lực, nhưng nó vừa là khuôn khổ để Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam xây dựng và phát triển, vừa là phương tiện để các cố vấn Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng đến nỗ lực đó. Quan trọng hơn, đề xuất này cho thấy chính xác những gì các cố vấn Trung Quốc đã thực sự trao đổi với các lãnh đạo của ĐLĐ Việt Nam, điều chưa nghiên cứu nào về cải cách ruộng đất đề cập trước đây. Tài liệu có thể giúp chúng ta hiểu cách các cố vấn đó đã định khung các khuyến nghị của họ và mức độ mà phía Việt Nam chấp nhận chúng. Nó cho phép chúng ta hiểu cách lãnh đạo Việt Nam vàT rung Quốc quan hệ với nhau như thế nào khi họ xử lý tình hình xã hội, kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Đó là bản khuyến nghị cho thấy niềm tin của giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam và ĐCS Trung Quốc rằng một chương trình cải cách ruộng đất nghiêm ngặt, thậm chí đầy bạo lực là cần thiết nếu ĐLĐ Việt Nam muốn giành được không gian địa chính trị, nhân lực và tài lực cần thiết để tiến hành cuộc chiến toàn diện đối với Pháp.
____________
* Bài 1: Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956: Ảnh Hưởng Của Cố Vấn Trung Quốc (phần 1)
*Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học SOJOURN vào năm 2016, nay nhân dịp 70 năm việc khởi xướng chiến dịch cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, xin dịch sang tiếng Việt và đăng lại cùng với bản photo của bản tài liệu gốc để độc giả rộng đường tham khảo.
**Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Viện Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Cornell, và chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do