Không có “Đổi mới lần 2”, lần này chỉ là cải cách, tập trung vào cải cách thể chế để thúc đẩy kinh tế, nhấn mạnh cải cách “từ bên trên”, nghĩa là sẽ không có “thay đổi lớn” hay mang tính “bước ngoặt” về quan điểm, đường lối chính sách và không “toàn diện” như đã từng cách đây 40 năm. Tuy nhiên, với tính chất “từ bên trên” lần cải cách này sẽ “mạnh mẽ,” có ý nghĩa quan trọng tiếp nối một nửa câu chuyện cải cách “từ bên dưới” trong suốt từ 1986 đến nay, và sẽ “đụng chạm” đến lợi ích của bộ phận quan chức của hệ thống chính trị.
Nếu Đổi mới tránh cho chế độ rơi xuống bờ vực sụp đổ, thì lần cải cách này nhấn mạnh vào thịnh vượng về kinh tế. Nếu trong Đổi mới giới lãnh đạo khó khăn ‘vượt qua chính mình’ để có thể ‘nhất trí’ đưa ra quyết định tại Đại hội 6, thì cải cách lần này, như đã nêu ở phần một, khởi xướng từ “lực lượng công an” đứng đầu là tân Tổng bí thư Tô Lâm và, như ông Tô Lâm khẳng định, Đại hội 14 dự kiến tổ chức vào đầu năm 2026 sẽ là dấu mốc cho kỷ nguyên mới.
Trước hết, thách thức lớn nhất đối với cải cách “từ bên trên” là một phần ba (1/3), như ông Lê Kiên Thành ‘ước tính’ và đã được nêu trong phần một*, số quan chức “bảo thủ” với vỏ bọc ý thức hệ và sự chuyên chế nhà nước, hưởng lợi quyền và tiền từ những bất cập thể chế. Nhiều thể chế đã lạc hậu, không còn đáp ứng thực tế sinh động nhưng bị họ cản trở cải cách dưới các chiêu trò với các biểu hiện tinh vi.Nói khái quát, động lực của Đổi mới đã bị triệt tiêu.
![000_36L22Q7.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/BFKG2PN3ZAEM3HK42TV53DVJ7U.jpg?auth=929ef3469800fe8f9e48dea8054bf25ef8d1d48248e0c8f2889f44b1e551986e&width=800&height=533)
Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng Việt Nam đang ở vào giai đoạn thoái trào của chu kỳ phát triển, trong đó tăng trưởng GDP cao nhưng trồi sụt và đã giảm tốc sau mỗi thập kỷ. Gắn liền với xu hướng này là vấn nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng và lan rộng, hậu quả là cả hệ thống chính trị, bộ máy lãnh đạo và quản lý trì trệ, đạo đức quan chức xuống cấp… Đảng CS Việt Nam không thể buông bỏ mô hình phát triển kiểu Trung Quốc. [1] Tuy nhiên, sự níu kéo bởi thức hệ CNXH giáo điều và hệ thống tuyên truyền độc quyền, lạm dụng chính trị ký ức và 'say sưa' thành tích tăng trưởng, xoá đói giảm nghèo… khiến cho tình hình trở nên tồi tệ và nguy cơ tụt hậu lớn dần. Các nhà lãnh đạo vẫn tô hồng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" [2] Đồng thời với niềm tin ý thức hệ duy ý chí được đẩy lên như một thứ tôn giáo chính trị thì xã hội dân sự, các cá nhân dần bị kiểm soát nghiêm ngặt. Xã hội trở nên ngột ngạt, từ biểu đạt đến hành vi một bộ phận dân cư bị quy chụp, bị 'điều chỉnh' thông qua cưỡng chế và tuyên truyền.
Có thể ý tưởng về cải cách “từ bên trên” được “ấp ủ” từ lâu, như bài viết của ông Lê Kiên Thành được ‘tung lên’ báo Công an nhân dân[3] từ hơn bảy năm trước, nhưng “chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng” như kiến nghị của “bảy câu lạc bộ và 32 cá nhân” là không thể. Qua các bài viết, các phát biểu chỉ đạo, các buổi làm việc với các cơ quan trong hệ thống chính trị của tân Tổng bí thư Tô Lâm từ khi ông nhậm chức, rất khẩn trương như ông ấy nói “vừa chạy vừa xếp hàng”, hy vọng quan điểm, chính sách tổng quát có thể đưa vào Văn kiện Đại hội 14 sắp tới. Lúc này, một số điểm chính, theo tôi, sẽ là:
Một, "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình" [3] để phát triển, vượt qua giai đoạn "trì trệ" của bộ máy;
Hai, "Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng…" [4] là phương châm hành động;
Ba, nội dung chủ yếu [5] của cải cách "từ bên trên" để bước vào kỷ nguyên mới gồm bảy nhóm giải pháp chính sách: Về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; Về tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Về chuyển đổi số; Về chống lãng phí; Về công tác cán bộ; Về kinh tế;
Bốn, một trong mục đích cải cách là hướng đến bộ máy Đảng là "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; [6] …
___________
[ Cuộc cải cách “từ bên trên” khởi xuống bởi Tô LâmOpens in new window ]
[ Liệu cuộc cải cách “từ bên trên” có bền vững?Opens in new window ]
[ Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ chỉ đạo cải cách thế nào?Opens in new window ]
___________
Có vô số những điều cần bàn thảo để có thể thiết kế một chương trình cải cách cụ thể. Ngay cả đối với Đổi mới năm 1986 cũng chỉ được coi là “chủ trương” hay “đường lối” của Đảng, nghĩa là ý định, quyết định về đường lối, phương hướng hành động, trên cơ sở đó các chính sách, pháp luật được xây dựng, cụ thể hoá. Cuộc cải cách lần này sẽ nhấn mạnh ý định sự ‘nâng cấp’ về thể chế, sự quyết tâm thực thi chính sách, pháp luật, trong đó trọng tâm là phương pháp lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, bài học lớn nhất sau 40 năm Đổi mới cần được đúc rút cho lần cải cách này để có thêm hy vọng, đó là triết lý và nguyên tắc cải cách là kiểm soát quyền lực mà nếu xa rời nó thì kết quả sẽ không bền vững, chỉ nhất thời.
Để lý giải nhận định này xin khái quát về “cuộc cách mạng thầm lặng” của Đặng Tiểu Bình, nó vẫn mang tính thời sự cho mô hình Trung Quốc nói chung và Việt Nam nói riêng. Như đã biết, sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Đặng Tiểu Bình đã tiến hành cuộc cải cách gồm bốn điểm chính. Một là, ông ấy đã thay thế chế độ cai trị độc đoán cá nhân bằng nguyên tắc lãnh đạo tập thể như thường vụ Bộ chính trị hay Bộ chính trị; Hai là, bãi bỏ sự sùng bái cá nhân và thay thế bằng một triết lý thực dụng: "Tìm kiếm sự thật từ thực tế". Ba là, việc giới hạn nhiệm kỳ và thể chế hóa sự kế nhiệm được xác lập. Mỗi nhà lãnh đạo đảng cấp cao chỉ được phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, tổng cộng là 10 năm, và sau đó trao quyền cho người kế nhiệm. Bốn là, chế độ nghỉ hưu bắt buộc được quy định, nhấn mạnh rằng các công, viên chức quá một độ tuổi nhất định phải từ chức và nhường chỗ cho những người còn đủ tuổi theo tiêu chuẩn… Bản thân Đặng Tiểu Bình được cho đến cuối đời vẫn tránh được ‘căn bệnh thành tích’ của chủ nghĩa toàn trị, mặc dù ông là người có công lớn đã đưa Trung Quốc đến thịnh vượng. Lưu ý rằng, đồng thời với phát động cải cách ông Đặng cũng đã chỉ đạo đàn áp dã man cuộc biểu tình của sinh viên đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
![AP20302177262433.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/JBF4FNBFXXTMZZDIKV7GLG6FA4.jpg?auth=c729123214fe9017c5bf623a924ee267751d082e247bf06b6de6cfadc087f5f8&width=800&height=531)
Các nguyên tắc này vận hành đúng qua bốn thế hệ lãnh đạo cho đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội 18 Đảng CSTQ năm 2012… Ông ta đã phá vỡ các chuẩn mực trên, tiếp tục giữ tổng bí thư ở nhiệm kỳ thứ ba, viết lại lịch sử, thay đổi hiến pháp để có thể cai trị trọn đời… Giới quan sát đang chứng kiến sự vận hành theo chu kỳ thịnh suy của chế độ tập quyền nói chung và mô hình toàn trị nói chung. Nếu coi ông Đặng Tiểu Bình là người mở đầu thì ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ là người kết thúc chu kỳ với những dấu hiệu quay lại kiểu lãnh đạo dưới thời Mao.
Việt Nam dưới thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù được ca ngợi là "Nhà lý luận xuất sắc, liêm chính của Đảng…", [7] nhưng dường như ông ấy đã "vi phạm" những quy tắc tự kiểm soát tha hoá quyền lực của chế độ tập quyền toàn trị khi vận dụng hai lần "trường hợp đặc biệt", quá tuổi và ba nhiệm kỳ, để níu giữ cương vị tổng bí thư đảng…
Ngoài cách Đảng“tự kiểm soát” quyền lực dưới chế độ toàn trị thì trên thế giới còn còn có nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng quyền lực” trong chủ nghĩa tư bản, ở đó tự do thị trường tạo ra những động lực to lớn và sự sáng tạo thúc đẩy sự phát triển. Trong phần bốn (IV) những “quản trị quốc gia”, “thị trường” và “dân chủ” trong trò ghép hình “thể chế bao trùm” cho “kỷ nguyên vươn mình” sẽ được phác hoạ.
========
Chú thích:
[ *Xem Phần (I) Cơ hội cải cách” từ bên trên” Opens in new window ]
Tham khảo:
- https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html;
- https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-119240728083015243.htm;
- https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-chu-tri-phien-hop-thu-tu-ban-chi-dao-tong-ket-40-nam-doi-moi-119240822101928001.htm;
- https://dangcongsan.vn/tieu-diem/bai-1-tiep-tuc-doi-moi-manh-me-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-680651.html;
- https://tienphong.vn/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-post1687400.tpo;
- https://www.xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-22014;
- https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/945504/dong-chi-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong---nha-ly-luan-xuat-sac%2C-liem-chinh-cua-dang.aspx.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do