Theo những gì truyền thông trong nước tiết lộ, “Chương trình Gặp nhau cuối năm 2021” trở lại với format Táo quân quen thuộc quả đã mang lại cho khán giả nhiều niềm vui, tiếng cười sảng khoái và không ít suy ngẫm chua cay.
Qua “màn báo cáo” những việc các Táo đã làm trong suốt cả năm cũ, Táo quân 2021 tập trung liệt kê, tranh luận, đả kích những vấn đề nóng bỏng, nổi cộm của năm Canh Tý như sách giáo khoa lớp 1, dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tăng phi mã, chuyển đổi số, COVID-19, tin giả, nâng giá khống thiết bị y tế, tham nhũng, cách ly sai quy định…
Với hàng loạt những câu thoại dễ tạo “trend” như “lằng nhằng thế mới là giáo dục”, “công tác nhân sự lật cánh đánh đầu”, “tiền không phải là tất cả nhưng không tiền vất vả lắm em ơi”… tất cả đã khiến kịch bản Táo quân 2021 tránh được các mô-tip cũ kĩ, nhạt nhẽo.
Ẩn dụ khá dũng cảm và thông minh
Nhưng có lẽ chi tiết khá đắt giá, cũng theo dư luận trong nước, là trò chơi các táo quân muốn giành giật nhau 2 chiếc ghế. Đây quả là một ẩn dụ khá dũng cảm. Bởi với việc ví von ấy, khán giả dễ dàng liên tưởng tới đề tài nóng bỏng liên quan đến Đại hội 13 ĐCSVN: trong các Uỷ viên Bộ Chính trị (BCT) quá tuổi theo quy định (7 trường hợp) thì có 2 người được bầu ở lại vì “trường hợp đặc biệt”.
Các Táo tự bày trò và tự phô diễn luôn gương mặt của chính mình để vạch rõ bản chất của “màn đấu đá” trên thượng tầng quyền lực nhằm giành giật 2 chiếc ghế để ngồi lại trong BCT, đó là hai trường hợp của Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Một cách gián tiếp nhưng không thể nhầm lẫn, các Táo trong vở hài kịch cuối năm cũng đã diễn lại tiến trình “5 bước”trong công tác nhân sự của Đại hội 13, thông qua “5 bước chân” mà các Táo đã vạch ra trong cuộc đua khá ác liệt giữa các Táo trên để chiếm giữ 2 chiếc ghế trong thời buổi “ghế ít đít nhiều”.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, trong một lần trả lời báo chí trong nước, phát biểu rằng, ông mong muốn khán giả xem Táo quân như một chương trình hài kịch, giải trí thay vì một chương trình to tát chính luận. Nhưng chính với phông nền của sân khấu trong đêm biểu diễn, một bộ phận công chúng đã bắt được sóng, rằng chương trình Táo quân rõ ràng đã dám đụng chạm đến các vấn đề chính luận.
Không ngẫu nhiên, phông của “Gala Hài Tết 2021” nổi bật trong đêm diễn là khuôn hình về “Thiên đình”, na ná như địa danh Trương Gia Giới từ bên Hồ Nam, Trung Quốc trong bộ phim 3D Avatar. Thông điệp ở đây là: Mọi chuyển động trong thượng tầng quyền lực giữa các yếu nhân trên “Thiên đình” Việt Nam đều do một “Thiên đình” uy quyền cao hơn hơn nhiều điều khiển từ Trung Quốc.
Hiểu vẫn duyệt hay sơ suất bỏ qua?
Chương trình Gala Hài Tết năm nay đã khiến không ít nhiều lãnh đạo các bộ ngành “nóng gáy”. Tuy nhiên, nếu có áp lực nào đó, thì như Đơn vị sản xuất nhiều lần chia sẻ, họ vốn đã quen với các sức ép. Thậm chí có những năm sát giờ chương trình lên sóng, Táo Quân vẫn bị cắt và dựng lại một số đoạn.
Ngay báo chí trong nước cũng đã “bật mí” ý nghĩa chính trị - xã hội của Chương trình Táo quân khi bình luận không che giấu: “Không đơn thuần là chiếc ghế ngồi cho đỡ mỏi chân, với các Táo tư lệnh ngành, nó tượng trưng cho quyền lực, địa vị nên ai cũng ra sức ngồi vào. Và tấm thẻ khen chê mà thiên đình phát sau đó để các Táo đánh giá lẫn nhau, trở thành một công cụ để hạ bệ nhau nhằm giữ vững vị trí”.
Trang TTO còn chê chương trình: “Các Táo ra sức lôi kéo người về phía mình. Châm biếm nhau, bóc mẽ nhau, phê phán nhau. Rồi như thường lệ, “trùm cuối” Ngọc Hoàng xuất hiện có nhiệm vụ xoa dịu (đầy vẻ cải lương) thông qua một tâm thư tạm biệt năm cũ, đón một năm mới tốt đẹp hơn. Huề cả làng. Hóa ra mạch chuyện suốt mấy chục phút trước đó, trở nên vô dụng”.
Chê như trên phải chăng là một cách chê để “thấu hiểu” hơn, chê đề truyền đi thông điệp chính trị của vở diễn. Nếu bạn chỉ sống một giờ thôi dưới chế độ toàn trị, bạn mới hiểu thế nào là thái độ dũng cảm của ê-kíp đạo diễn, biên kịch và đặc biệt là dàn diễn viên quen thuộc.
Thậm chí, đối với những ai đã bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để thưởng lãm Gala Hài Tết 2021, trong đầu đều lăn tăn một câu hỏi. “Những cơ quan có trách nhiệm, ở đây đầu bảng phải kể đến Ban Văn hoá Tư tưởng và Đài truyền hình Trung ương có thấu hiểu ý đồ của Đạo diễn? Hiểu mà vẫn duyệt hay do sơ suất nên bỏ qua? Điều này mãi mãi là một bí mật nếu youtube “Chương trình Gặp nhau cuối năm 2021” vẫn chưa bị dỡ xuống.
Biên kịch Đỗ Trí Hùng cho rằng, đòi hỏi cái mới cho Táo quân là bất khả. Mô-tip không thay đổi và không thể thay đổi. Thành ra không tránh được đôi lúc, đôi chỗ có nét tẻ nhạt. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả vẫn mong chờ chương trình đêm giao thừa, ở khía cạnh nào đó, Táo quân 2021 không chỉ hoàn thành, mà đã hoàn thành ngang tầm đón đợi của khán giả.
Táo Quân là một chương trình truyền hình tạp kỹ phát triển lên từ chương trình Gặp nhau cuối tuần. Táo Quân không hẳn là một tiết mục tiểu phẩm, mà là kịch đã được “truyền hình hóa”, pha trộn với các yếu tố thời sự. Thời điểm Táo Quân 2021 ra đời đã tạo nên được sự chú ý rất lớn, bởi lần đầu tiên có một chương trình phản ánh tình hình xã hội, ở đây là sự kiện Đại hội 13 ĐCSVN, qua lăng kính hài hước.
Mời tham khảo thêm:
[ https://www.youtube.com/watch?v=gT5MUVXRdAE&ab_channel=VTVGoOpens in new window ]
Táo quân 2021 - Bản FullHD
Táo quân lần đầu không lên sóng sau 15 năm quen thuộc mỗi giao thừa
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do