Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 2)

(II)

Các kịch bản thay đổi

Quốc nạn tham nhũng và chống tham nhũng “không vùng cấm” được cho là quyết liệt nhưng không hiệu quả như mong muốn khiến cho niềm tin vào chế độ giảm sút và đấu đá khốc liệt ở thượng tầng khiến khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Giới quan sát cố gắng ‘giải mã’ “trò chơi cung đình”, những biến cố trên chính trường Việt Nam, có thể dẫn đến các kịch bản thay đổi thế nào.

Tình hình đang diễn biến khó lường. Tuy nhiên, các kịch bản đưa ra nếu căn cứ vào bản chất toàn trị của chế độ thì sẽ phù hợp hơn với xu hướng quay trở lại của mô hình chuyên chế. Ngoài ra, lịch sử thăng trầm của các mô hình đảng CS toàn trị cho thấy cách thức ứng phó với hoàn cảnh để sống sót và tồn tại, điển hình là mô hình Liên Xô, sụp đổ: tất cả ở thượng tầng – từ các lãnh đạo trong cơ quan quyền lực chóp bu - Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Trong suốt lịch sử tồn tại của chế độ đảng toàn trị theo mô hình Liên Xô, từ cách mạng vô sản Nga năm 1917 đến nay, hệ thống “nomenklatura” tinh vi và khép kín, trong đó luôn giữ bí mật về tình trạng sức khoẻ và nguyên nhân thực sự của cái chết của các lãnh tụ chế độ, đã xác định xu hướng tuyệt đối hoá quyền lực, sùng bái cá nhân. Và, hệ quả là sự kế thừa người đứng đầu chế độ toàn trị hay chuyển giao quyền lực không mấy “suôn sẻ”, nhưng hiếm khi xảy ra những cuộc đảo chính bạo lực đẫm máu hay loạn “mười hai sứ quân”.[1] Dưới đây là một vài sự kiện lịch sử.

V.Lênin qua đời năm 1924 được cho là bệnh nặng do bị ám sát, người kế thừa ông ấy là J.Stalin được cho là khá “êm thấm”. Bí mật cũng bao trùm lên tình trạng sức khỏe của Stalin, ”người cha dân tộc” 73 tuổi đầy quyền lực sau 30 năm cầm quyền, luôn bị bệnh nhồi máu cơ tim đe doạ, mất năm 1953 theo thông cáo chính thức là vì xuất huyết não.

Sự kế vị Stalin dù có khó khăn, nhưng người đạt được là Nikita Khrushchyov với cương vị Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng CS Liên Xô và, năm 1958 ông kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên, năm 1964 Khrushchyov đã phải “từ chức” trong một âm mưu lật đổ[2] ông do những người cộng sự thân cận trong đảng lập ra rất tỉ mỉ. Một trong chi tiết của câu chuyện này là Khrushchyov đã quá tin vào các cộng sự và quá tự tin vào trí tuệ có vẻ như kiệt xuất của mình nên không kịp thời xử lý những thông tin trái chiều nhận được.

Trường hợp Leonid Brejnev, người kế vị Nikita Khrushchyov, bị chứng xơ động mạch do nghiện rượu và thuốc lá, thường dùng thuốc ngủ, cuối đời hay đau ốm nhưng vẫn tại vị đến khi qua đời năm 1982. Có ý kiến phân tích cho rằng vì “Brejnev biết lắng nghe, lãnh đạo một cách tập thể, tránh sỉ nhục người khác kể cả không cùng phe, làm ngơ trước nạn tham nhũng đang hoành hành, không từ chối điều gì với quân đội, hào phóng phân phát huy chương, nên đại đa số quan chức thích một Brejnev sức khỏe kém…”[3] Ngoài ra, một số người cũng sợ khi Brejnev chết tình hình sẽ hỗn loạn. Tuy nhiên, sau ông sự kế vị không mấy suôn sẻ nhưng bạo lực không xảy ra như lo sợ...

Mikhail Sergeyevich Gorbachev (1931-2022), vị Tổng bí thư ĐCS LX cuối cùng, người được cho là nguồn cơn tranh luận từ khác biệt ý thức hệ về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Ông ấy khi cầm quyền là người khởi xướng, lãnh đạo “cải tổ” (perestroika) và “công khai” (glasnost), khi Liên Xô sụp đổ bị coi là “tội đồ” khi bị chỉ trích là đã từ bỏ ý thức hệ cộng sản, là “người hùng” từ quan điểm phương Tây khi nỗ lực dân chủ hoá đất nước. Gorbachev bị buộc thoái vị khi Liên Xô tan rã, lãnh đạo các nước cộng hoà như Liên bang Nga, Ukraine và Belarusia, đặc biệt vai trò của Boris Yelsin, “đảo chính” hoà bình. Sau này, “bày tỏ sự hối tiếc về sự tan rã của Liên Xô nhưng trích dẫn những gì ông thấy những thành tựu của chính quyền khi ông lãnh đạo là: “tự do chính trị và tôn giáo, sự kết thúc của chủ nghĩa toàn trị, sự ra đời của nền dân chủ và nền kinh tế thị trường, và sự kết thúc của cuộc chạy đua vũ trang và Chiến tranh Lạnh”[4]

Tiếp nối M.Gorbachev là Tổng thống Boris Yelsin cầm quyền nước Nga trong một thập kỷ khủng hoảng toàn diện khi chuyển đổi chế độ. Yelsin đã chọn V.Putin kế vị với phẩm chất độc đoán đến “lạnh lùng” và vì sự an toàn cho bản thân và gia đình ông ta. Tất cả những gì xảy ra sau đó, từ năm 2001 đến nay, trong hơn một phần tư thế kỷ dưới quyền cai trị của nhà độc tài xuất thân từ một sĩ quan KGB – cơ quan mật vụ Liên Xô, cho thấy những cách thức cai trị thay đổi phức tạp, nhưng Putin vẫn phải dựa vào hệ thống “nomenklatura” nhưng dưới hình thức khác[5] để duy trì quyền lực. Nước Nga đang ở trong thời kỳ chế độ độc tài kiểu mới…

Một số bài học chủ yếu là: Một là, sự thay đổi chỉ diễn ra trên thượng tầng, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban bí thư; Hai là, với quyền lực tuyệt đối vai trò người đứng đầu quyết định; Ba là, Tổng bí thư có xu hướng cầm quyền suốt đời; Bốn là, sự chuyển giao quyền lực này luôn khó khăn; Năm là, những người thân cận khó đạt thoả thuận để có thể “đảo chính”; Sáu là, không thể có người kế vị là những thời khắc thay đổi; Bảy là, ai tích luỹ đủ quyền lực áp đảo tập thể lãnh đạo sẽ là người thay thế… Và, cuối cùng và quan trọng nhất là chế độ đảng toàn trị không dễ dàng sụp đổ. Dưới đây là hai kịch bản thay đổi có thể.

Một, người đứng đầu Đảng, ông Tổng bí thư, mặc dù có hạn chế về tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn làm chủ “cuộc chơi” theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thủ trưởng quyết định. Các lãnh đạo chóp bu như nêu ở trên bị kỷ luật vẫn theo nguyên tắc này. Ngoài ra, cơ chế “đảng cử, dân bầu” vẫn được vận hành ‘suôn sẻ’ chứng tỏ mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát của Đảng và người đứng đầu. Bởi vậy, trường hợp tân Chủ tịch nước, mới được “đảng cử và dân bầu”, một chức vị “hữu danh vô thực”, mang tính biểu tượng, đối ngoại, cũng nằm trong sự ‘tính toán’, thậm chí bị coi là “vật tế thần”[6] cho quyền lực tuyệt đối như hai người tiền nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng vừa phải “chịu trách nhiệm chính trị”.

Kịch bản thứ hai là ông Tổng bí thư có thể đã bị “tiếm quyền”. Luồng ý kiến này cho rằng, mặc dù trên danh nghĩa có quyền lực tuyệt đối, nhưng hạn chế về tuổi cao sức yếu khiến ông dần mất kiểm soát. Để chống tham nhũng “không vùng cấm” kéo dài ông Trọng vẫn phải dựa vào Bộ Công an, và, như hệ quả ngày càng lệ thuộc vào nó. Sức mạnh của Bộ CA được nhân lên và, ông Bộ trưởng đã ‘khôn khéo’ chuẩn bị lực lượng, đặc biệt là nhân sự... Với ưu thế này và, lợi dụng chủ trương chống tham nhũng kết hợp với thanh trừng phe phái, ông Bộ trưởng CA có thể ‘hạ bệ’ các đối thủ cạnh tranh ngôi kế vị Tổng bí thư. Và khi ông Tô Lâm còn đủ các tiêu chuẩn để tiếp tục ở nhiệm kỳ Đại hội 14 thì cương vị Chủ tịch nước chỉ là quá độ và, chức Tổng bí thư, mới chính là tham vọng thực sự...

Các quý vị có thể nêu kịch bản của riêng mình, nhưng sự sụp đổ chế độ toàn trị là không dễ dàng và chưa phải lúc này. Dù ông Tổng Bí thư có vẫn làm “chủ tình hình” hay bị “tiếm quyền” thì ông ấy vẫn kiên định bảo vệ chế độ và, Bộ CA và cá nhân ông Bộ trưởng vẫn là “công cụ đắc lực” để thực thi. Bộ chính trị đã được “kiện toàn” khi bổ sung 3 nhân sự từ trưởng của ba Ban của Đảng: Tuyên giáo, Dân vận và Văn phòng TƯ và, một là từ Chủ nhiệm chính trị Bộ Quốc phòng… Tuy nhiên với các nhân sự chủ chốt trong Bộ Chính trị là công an, quân đội, thì mô hình chuyên chế theo kiểu công an trị cần được cảnh báo…

(Còn tiếp)

Phần 1: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 1)

Phần 3: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 3)

_________

Tham khảo:

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Loạn_12_sứ_quân;

[2] https://daidoanket.vn/nha-lanh-dao-nikita-khrushchyov-da-bi-lat-do-nhu-the-nao-10141220.html;

[3] https://www.rfi.fr/vi/điểm-báo/20230117-b%C3%AD-mật-về-bệnh-tật-của-các-sa-hoàng-đỏ-lênin-stalin-brejnev;

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Mikhail_Gorbachev;

[5] Snegovaya, Maria; Petrov, Kirill (2022). "Những cái bóng dài của Liên Xô: mối quan hệ nomenklatura của giới tinh hoa Putin". Các vấn đề hậu Xô Viết.38 (4): 329–348. doi:10.1080/1060586X.2022.2062657. ISSN 1060-586X. S2CID 246185307;

[6] https://www.youtube.com/watch?v=ISHnuoujijw /RFA/Truyền thông quốc tế: ông Tô Lâm có tham vọng làm Tổng bí thư

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do