Đàm phán EEZ giữa Indonesia và Việt Nam thúc đẩy các đàm phán tương tự ở ASEAN

Đầu năm 2022, truyền thông quốc tế cho biết Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi vừa công bố các mục tiêu trong năm 2022, theo đó khẳng định Jakarta sẽ tăng cường đàm phán để giải quyết tranh chấp biên giới với một số quốc gia Đông Nam Á.

Theo bà Retno, các tranh chấp về biên giới cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế và đây cũng là lập trường của Indonesia đối với tranh chấp ở Biển Đông.

Indonesia tự coi mình là quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và bốn quốc gia Đông Nam Á ở vùng biển giàu tài nguyên này. Tuy nhiên, khu vực mà Jakarta gọi là Biển Bắc Natuna lại nằm trong khu vực thuộc yêu sách “Đường 9 đoạn” mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính sự chồng chéo này đã dẫn đến căng thẳng gần đây tại khu vực này, mặc dù Indonesia không công nhận yêu sách của Trung Quốc.

Quá trình đàm phán phân định vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia

Indonesia là quốc gia láng giềng có quy chế quốc gia quần đảo nằm đối diện với bờ biển phía đông nam Việt Nam. Khi xác định phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế, giữa hai quốc gia có vấn đề hoạch định ranh giới chung vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa chồng lấn: Giữa Việt Nam và Indonesia có vùng thềm lục địa chồng lấn được hình thành trên yêu sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1971 và Indonesia năm 1968 với diện tích khoảng gần 40.000 km2 nằm ở phía đông nam Biển Đông. Năm 1972 chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đàm phán với phía Indonesia nhưng hai bên không đạt được giải pháp nào.

Đến năm 1982, khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được ký kết và bắt đầu có hiệu lực năm 1994, UNCLOS đã trở thành nền tảng pháp lý để các quốc gia trên thế giới áp dụng phân định các vùng biển chồng lấn của mình.

Căn cứ vào các quy định của UNCLOS về việc xác định phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Việt Nam và Indonesia xác định có một vùng biển và vùng thềm lục địa chồng lấn cần phân định. Năm 1969, Indonesia tuyên bố ranh giới thềm lục địa của mình dựa theo nguyên tắc đường trung tuyến tính từ đường cơ sở quần đảo Indonesia và đường cơ sở của các quốc gia hữu quan. Năm 1971 Việt Nam Cộng hoà đã vạch ranh giới đặc nhượng dầu khí trên thềm lục địa của mình, dựa theo trung tuyến tính từ bờ biển Việt Nam và bờ biển của đảo Bornéo, Indonesia. Năm 1972, Indonesia và Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn có diện tích khoảng 40.000km2.

Đến tháng 6/1978, Việt Nam và Indonesia nối lại đàm phân định vùng chồng lấn rộng khoảng 98.000 km2, được hình thành bởi đường ranh giới tự nhiên (rãnh sâu) và trung tuyến đảo - đảo. Sau đó, Việt Nam đã đề xuất đường phân định mới, “đường dung hòa”, nằm giữa đường rãnh ngầm và đường trung tuyến bờ - bờ, thu hẹp vùng chồng lấn xuống còn 40.000 km2.

Cho đến ngày 26/6/2003, Việt Nam và Indonesia đã ký kết Hiệp định phân định thềm lục địa giữa hai bên. Hiệp định này có hiệu lực ngày 29/5/2006. Hiệp định gồm có sáu điều chứa đựng nội dung liên quan đến vị trí đường phân định, tính chất của đường phân định, về bảo vệ môi trường biển, về cách thức xử lý các cấu tạo mỏ dầu khí hoặc mỏ khoáng sản nằm vắt ngang qua đường phân định, cách thức giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua hiệp thương hoặc đàm phán.

Vấn đề thềm lục địa chồng lấn đã được giải quyết, thế nhưng vẫn còn vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai bên vẫn chưa được phân định. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc Indonesia cáo buộc nhiều tàu cá Việt Nam đã xâm nhập trái phép vào EEZ của Indonesia, trong khi ngư dân Việt Nam thì cho rằng họ bị oan.

Trong quá trình đàm phán phân định ranh giới thềm lục địa chồng lấn, Việt Nam đã đề xuất phương án sử dụng một đường phân định chung cho cả hai vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế chồng lấn, nhưng Indonesia không đồng ý. Có thể Indonesia cho rằng phương án này không lợi cho họ cả về mặt pháp lý, với tư cách là quốc gia quần đảo mà UNCLOS 1982 đã quy định, lẫn về mặt diện tích phân chia cụ thể.

Giải pháp Việt Nam đưa ra lấy căn cứ thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển, nên ranh giới là rãnh ngầm phân chia thềm lục địa của hai nước nằm rất gần nhóm đảo Natuna Bắc của Indonesia.

Đây là một trong những giải pháp mà Toà án quốc tế đã đưa ra trong vụ Thềm lục địa Biển Bắc và đã được một số quốc gia áp dụng. Đường đề nghị này tạo với đường yêu sách của Indonesia thành vùng chồng lấn khoảng 98.000 km2.

Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) công nhận quy chế quốc gia quần đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho Indonesia và bất lợi cho Việt Nam.

Tận dụng quy chế quốc gia quần đảo, Indonesia đã sử dụng đường cơ sở quần đảo để mở rộng tối đa các vùng biển và thềm lục địa của mình. Indonesia cũng chính thức ban bố luật quốc gia, khẳng định nguyên tắc quốc gia quần đảo và nguyên tắc sử dụng đường trung tuyến để phân định thềm lục địa với các nước khác có liên quan.

Thế nhưng, phương pháp đường trung tuyến thuần tuý này không phải là nguyên tắc bắt buộc đối với Việt Nam. Phương pháp trung tuyến có thể được sử dụng như nhiều phương pháp khác, nhưng điều quan trọng là việc chọn điểm cơ sở hai bên như thế nào để đường trung tuyến khi được vạch ra đem lại một kết quả tương đối khách quan, dễ sử dụng để điều chỉnh đi tới một giải pháp phân định công bằng.

Việc Indonesia sử dụng đường cơ sở quần đảo vạch cả tới những đảo rất nhỏ (Natuna Bắc) nằm cách xa đảo lớn Kalimantan tới 178 hải lý để vạch đường trung tuyến với các đảo của Việt Nam chỉ nằm cách bờ chưa tới 48 hải lý đã tạo ra hoàn cảnh đặc biệt dẫn tới một kết quả không công bằng.

Ngoại trưởng Retno cho biết Indonesia đã tiến hành 17 vòng đàm phán với Philippines, Malaysia, Palau và Việt Nam vào năm 2021: “Thật đáng chú ý khi tổng số vòng đàm phán được tiến hành trong thời gian đại dịch còn hơn gấp đôi so với năm 2020 – với chỉ bảy vòng. Trong năm 2022, các nỗ lực để đẩy nhanh việc phân định ranh giới đất liền và phân định ranh giới trên biển cũng sẽ được tăng cường”. Điều này cho thấy nỗ lực của Indonesia cùng các nước láng giềng thế nào trong việc phân định các vùng biển chồng lấn.

000_Hkg10125852 (1).jpg
Một sĩ quan hải quân của Indonesia đang ngắm bắn chìm một tàu cá Việt Nam bị co là đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia ở tỉnh Riau hôm 5/12/2014. AFP

ASEAN đoàn kết trước đòi hòi quá đáng từ Trung Quốc

Indonesia luôn khẳng định rằng, bởi vì theo UNCLOS, Indonesia là một quốc gia quần đảo, do đó, quyền sở hữu của Indonesia đối với Biển Natuna là rất rõ ràng theo các quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, từ nhiều năm trước, đặc biệt từ 2019 tới nay, các tàu Trung Quốc đã liên tục xâm phạm khu vực biển này của Indonesia.

Đầu tháng 9/2021, tàu Côn Minh 172 của Trung Quốc và các tàu hộ tống đã đi vào khu vực Biển Natuna và tiến vào các vùng biển thuộc EEZ của Indonesia. Thậm chí một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc cũng đã xuất hiện ở đây trong thời gian này.

Trước sự đe doạ từ Trung Quốc như vậy, đã có chuyên gia kêu gọi rằng: Để đối phó với ý đồ của Trung Quốc, chính phủ Indonesia không nên mở các cuộc đàm phán về ranh giới trên biển xung quanh quần đảo Natuna, để khẳng định rằng yêu sách “Đường 9 đoạn” là không có cơ sở pháp lý và đã bị tòa trọng tài quốc tế tuyên bố là vô hiệu năm 2016. Đồng thời, Indonesia cần đàm phán về phân định biên giới trên biển, để bảo vệ và chia sẻ việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển Đông với các quốc gia láng giềng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đó là Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam. Một thỏa thuận đa phương như vậy sẽ giúp củng cố các đường biên giới trên biển của Indonesia ở Biển Natuna cũng như củng cố quan hệ giữa Indonesia với các nước láng giềng. Đồng thời, thỏa thuận đa phương đó cũng sẽ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Natuna, đồng thời thúc đẩy hợp tác bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.

Ngoài ra, Indonesia cũng cần tăng cường các cuộc tuần tra hải quân trong vùng EEZ để bảo vệ ngư dân của mình và ngăn chặn các mối đe dọa từ các tàu Trung Quốc. Thậm chí, Phó Đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (Bakamla), cho biết ông đã mời những người đồng cấp Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp vào tháng 2/2022 để “chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy tình anh em” giữa các quốc gia đang đối mặt với những thách thức tương tự do Trung Quốc đặt ra.

Những bước đi thiết thực như vậy từ Indonesia - Quốc gia “anh cả” của ASEAN có lẽ sẽ khiến cho tình hình biển Đông có thêm những triển vọng trong thời gian trong tương lai. Thời gian qua, các quốc gia ASEAN đã bị chia rẽ rất nhiều trước vấn đề biển Đông, cho nên, nhiều người hy vọng với các động thái của Indonesia sẽ có thể có những khởi sắc cho sự đoàn kết của khối này trước Trung Quốc.

Và trước hết, việc thúc đẩy mạnh đàm phán phân định EEZ giữa Indonesia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hợp tác an ninh biển trong nội khối ASEAN, cũng như tạo đà cho các hoạt động hợp tác tương tự với các quốc gia biển Đông còn lại.

Ngày 22/12/2022, trong chuyến thăm Indonesia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng thông báo Việt Nam và Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước sau 12 năm nỗ lực.

Đàm phán kéo dài 12 năm, nhưng quan trọng nhất là “Cuộc họp kỹ thuật lần thứ 15 về việc xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia-Việt Nam” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26–27 tháng 9/2022. Sự kiện này được các chuyên gia về luật biển quốc tế và an ninh khu vực khen ngợi động thái này của Indonesia và Việt Nam.

Sau khi có thông báo Việt Nam và Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước, ngày 23/12/2022, ông Dejun Liu nhà điều hành trang mạng Free in China ở Bắc Kinh nhận định rằng việc phân định này là một động thái được các nhà phân tích khu vực khen ngợi nhưng “có khả năng khiến Trung Quốc khó chịu”.

001_19O87G_JPEG.jpg
Bản đồ Biển Đông có hình lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra trên biển. AFP

Tin hoàn tất đàm phán giữa hai nước đã được các nhà phân tích và quan sát khu vực chào đón và cho rằng đây là một thành tựu quan trọng của cả hai nước.

Ông Shahriman Lockman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (ISIS) của Malaysia nói “Đây là một dấu mốc quan trọng”. “Đây là một bước tiến lớn hướng tới việc phân định biên giới biển rõ ràng hơn giữa các quốc gia Đông Nam Á”.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, nhà phân tích an ninh của Việt Nam đồng thời là giảng viên Đại học Kinh tế, Tài chính Tp.Hồ Chí Minh, kết quả này “chứng tỏ rằng các nước ASEAN có thể giải quyết các tranh chấp biển giữa họ với nhau”.

“Nó sẽ giúp làm dịu tình hình, đặc biệt đối với các vấn đề liên quan tới đánh bắt cá bất hợp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) – vốn là vấn đề nóng giữa Việt Nam và Indonesia”. “Điều này cũng có tính khích lệ đối với các đàm phán hiện tại giữa Việt Nam với Philippines cũng như với Malaysia”.

Chi tiết về thỏa thuận vừa đạt được giữa Indonesia và Việt Nam chưa được công bố nhưng các vùng đặc quyền kinh tế mà hai nước tuyên bố chủ quyền nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc sử dụng để phân định “quyền lịch sử” đối với gần như 90% diện tích Biển Đông.

Ông Shahriman Lockman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (ISIS) của Malaysia “Trung Quốc có thể khăng khăng rằng họ có quyền tài phán đối với những khu vực này”.

Một tòa án của Liên Hợp Quốc, vào năm 2016, đã tuyên bố vô hiệu “đường chín đoạn” của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cho đến nay vẫn bác bỏ phán quyết này và cho nó là “không có hiệu lực pháp lý”.

Trung Quốc có khả năng sẽ lên tiếng phản đối thỏa thuận mới này của Indonesia và Việt Nam – ông Lockman và các nhà phân tích khác cảnh báo.

Trước đó, theo báo Daily Inquirer, ngày 23/5/2019, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa đã ký thỏa thuận dài ba trang trong cuộc gặp ở Manila. Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán kéo dài 20 năm qua giữa chính quyền Manila và Jakarta. Thỏa thuận trên chỉ rõ phạm vi mà ngư dân và các đối tượng khác của hai nước “được thực hiện chủ quyền” và hướng dẫn các cơ quan nhà nước Philippines cùng Indonesia “giới hạn của quyền thực thi pháp luật” trong vùng EEZ chồng lấn.

“Đây là thỏa thuận mang tính cột mốc, được thiết lập dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS)” - Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định sau lễ ký kết.

Ông Aquino và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã cùng chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận này. Ông Aquino nhấn mạnh: "Thỏa thuận phản ánh quyết tâm tôn trọng thể chế pháp trị và theo đuổi giải pháp hòa bình cho các vấn đề hàng hải”.

Thỏa thuận giữa Philippines và Indonesia ghi rõ một đường ranh giới biển rõ ràng giữa hai nước sẽ giúp thúc đẩy hợp tác trong vùng EEZ, bảo tồn tài nguyên và thắt chặt hợp tác an ninh song phương.

Có thể nói sự ra đời của UNCLOS 1982 đã tạo nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển, bởi công ước này quy định rất rõ ràng, cụ thể về những nguyên tắc chung và những nội dung chi tiết để giải quyết các tranh chấp trên biển.

Với thực tiễn áp dụng như vậy, UNCLOS 1982 cũng trở thành luật tập quán quốc tế và điều này sẽ giúp các quốc gia chưa phê duyệt UNCLOS 1982 có thể viện dẫn sử dụng cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách biển của quốc gia cũng như giải quyết các tranh chấp, bất đồng.

Tiến sỹ Vũ Hải Đăng, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách đại dương thuộc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, nhấn mạnh UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển của các quốc gia.

Chính vì thế, Công ước thường xuyên được viện dẫn và áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có nhiều điểm nóng về tranh chấp trên biển như Biển Đông hay Biển Hoa Đông.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.