Nào có ai ác đến nỗi hả hê khi bốn cô tiếp viên Vietnam Airlines (VNA) bị phát hiện trong hành lý xách tay có đến hơn 11 ký ma túy. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật, “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” . Đây là nguyên tắc vàng của tố tụng hình sự, là một trong những nguyên tắc cơ bản của bộ Luật Tố tụng hình sự để đảm bảo quyền con người và hoạt động tố tụng hình sự.
Nhưng suy nào thì suy, cũng phải dựa chắc trên những bằng chứng và lời khai hợp pháp. Nếu không, nó sẽ là suy diễn vô tội chứ chẳng phải suy đoán vô tội nữa.
Lời khai bất nhất, thiếu logic
Theo thông tin trên báo chí thì lời khai của các cô tiếp viên rất bất nhất.
Ban đầu, họ khai nhận số hàng này từ một người không rõ danh tính bên Pháp, nhờ chuyển về Việt Nam cho người thân.
Theo Văn bản hợp nhất thông tư quy định về nhân viên hàng không (ban hành theo thông tư 31/HNVB-BGTVT, ngày 21/7/2922 của Bộ Giao thông Vận tải), tiếp viên hàng không thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho hành khách trong chuyến bay. Khi đào tạo nghiệp vụ, tiếp viên hàng không được huấn luyện cách xử lý trong cả các tình huống phát hiện khách hàng mang theo hàng cấm trong hành lý xách tay, như ma túy, chất nổ, vật sắc nhọn có thể dùng làm hung khí... Cạnh đó, một trong những điều cấm, in vào óc của tiếp viên hàng không là: cấm tuyệt đối việc mang xách hành lý giùm người lạ.
Một người bình thường không bay nhiều như các cô tiếp viên cũng hiểu rõ nếu bị phát hiện hàng cấm trong hành lý thì nhiều khi tình ngay lý gian, thậm chí có khi không có cách nào chứng minh được bản thân trong sạch. Còn nếu đã nhận xách, điều mà luật pháp cấm nhưng tất cả mọi người đều thừa biết gần như mọi nhân viên hàng không đều làm thường xuyên, thì hoặc họ chỉ nhận qua một công ty vận chuyển có pháp nhân đàng hoàng, hoặc nhận qua người quen, biết rõ nhân thân. Hai đầu người gửi-người nhận đều phải có tên tuổi, địa chỉ, điện thoại cụ thể tận nơi. Để nhỡ có chuyện gì, ví dụ không liên lạc được với người nhận, hay người nhận không chịu trả tiền xách hàng, hàng bị phát hiện không giống với khi giao vận chuyển…ví dụ thế, thì người xách hàng thuê còn có một cái “đầu có tóc” để yêu cầu xử lý, chịu trách nhiệm.
Đằng này, tất cả bốn cô tiếp viên, trong đó có cả tiếp viên trưởng vốn có sỏi trong đầu về kinh nghiệm và kiến thức an toàn bay, mà lại đồng loạt ngây thơ tập thể khai nhận số kem đánh răng từ một người gửi không biết là ai, “không rõ danh tính” như nguyên văn báo chí trích dẫn (!). Vậy có thể nào ngay cả người nhận các cô cũng không biết là ai, cũng là người không rõ danh tính hay không?
Đã không biết người nhận là ai mà còn sơ sẩy đến mức chỉ kiểm tra qua loa số hàng được thuê xách, xong “bàng hoàng và khóc rất nhiều khi biết trong đó có ma túy”! Xin lỗi các em, lý lẽ này ngô nghê đến mức không thể tiếp nhận nổi.
Rồi tiền công 10 triệu cho cả bốn cô, tính ra mỗi cô được có 2,5 triệu đồng.
Dân tình bàn tán rất có lý. Họ bảo tiền công đấy là quá ít so với mặt bằng và bối cảnh là một chuyến bay từ Pháp về, nhưng lại quá cao so với giá xách hàng tiêu dùng thông thường.
Hải quan đi đằng đông, Công an đi đằng tây
Khi các cô bị bắt, dư luận choáng váng và xót thương vì dính đến số ma túy lớn đến thế thì ít nhất sẽ có người dựa cột. Nhiều người muốn tin rằng các cô bị oan, chứ tiếp viên hàng không có cả trăm thứ hàng an toàn mà thu nhập vẫn cao để xách, ai lại dại đến nỗi xách ma túy ngơ ngơ để lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân sớm. Một số người khác cười khẩy, bảo hội hàng không cũng làm ăn kinh lắm, tiền nhiều quáng mắt, lời khai vô lý như trò trẻ, sơ hở lộ vết nói dối sờ sờ như thế mà bảo oan, thì có mà oan Thị Màu!
Hai phe đang cãi nhau kịch liệt thì Cục Hải quan TP HCM trả lời với báo chí khẳng định vụ này không phải tình cờ bắt. Căn cứ loạt thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan, loạt dấu hiệu nghi vấn, đối tượng trọng điểm, thông tin thu nhập… Cục Hải quan TP HCM mới chỉ đạo phá án.
Giải nghĩa điều này là: sau một thời gian dài theo dõi thấy nhóm tiếp viên này tiêu pha rộng rãi vượt xa thu nhập hợp pháp + thông tin tình báo đã khoanh vùng nhóm này + các nghiệp vụ kiểm soát hải quan đã phát hiện nghi vấn có căn cứ trong hành lý của họ có chứa ma túy + là nhóm đối tượng trọng điểm, tức còn các đối tượng râu ria khác nhưng nhóm này là các nhân vật chính đầu trò + nhất là (có thể) nhiều dấu hiệu nghi vấn họ đã hơn một lần xách tay ma túy về Việt Nam… Tóm lại trong ngoài trên dưới trước sau đã đủ chứng cứ để bắt thì Hải quan TP HCM mới phát lệnh bắt.
Sau lời giải thích của Cục Hải quan thì các phe đang cãi nhau hòa bình hẳn. Thì ra thế! Hóa ra quân mình siêu quá. Hóa ra theo dõi, đón lõng, giăng lưới từ tám mươi đời rồi. Đáng đời bọn buôn ma tóe, tưởng bay trên mây mà lọt được mắt thánh à? Phải thế chứ, ma tóe giết sống bao nhiêu người thấy không? 11 cân này mà lọt vào Việt Nam thì bao nhiêu gia đình điêu linh. Hoan hô Hải quan, hoan hô Công an.
Đánh đùng một cái, chỉ sáu ngày sau lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột ấy, Công an TP HCM tuyên bố trả tự do cho bốn cô tiếp viên. Lý do cực kỳ ngắn gọn: Bước đầu xác định khi bốn tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có một người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà. Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có cất giấu ma túy. Do vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Ngoài thông tin các tiếp viên này không biết bên trong số hàng có chứa ma túy, không còn thông tin gì nữa.
“Không biết bên trong là ma túy” là lời khai của các cô, đồng thời cũng chính là kết luận của cơ quan công an sau khi điều tra.
Nhưng, như thế thì nên hiểu sao về khẳng định trước đó của Cục Hải quan TP HCM về thông tin tình báo, loạt dấu hiệu nghi vấn, nhóm đối tượng trọng điểm, nghiệp vụ kiểm soát, thông tin thu nhập, quyết định phá án… ?
Tại sao thông tin quan trọng nhất, có vai trò trực tiếp xác định mức độ vi phạm pháp luật và thủ phạm, lại chỉ cụt ngủn mù mờ đến thế, trong khi phần đầu của vụ án lại có nhiều-thậm chí quá nhiều thông tin chi tiết được tung ra báo chí?
Ví dụ các clip (trông rõ mặt) từ khoảnh khắc cô tiếp viên trưởng đặt hành lý lên băng chuyền, qua kiểm soát hải quan, phát hiện nghi ngờ, đến đoạn công an cắt từng ống kem đánh răng tháo ra ma túy dạng bột và thuốc lắc. Hình ảnh cả bốn cô vẫn mặc nguyên áo dài ngồi chung với nhau viết tường trình. Tâm sự của Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng với báo Thanh Niên: "Độ tuổi của các tiếp viên này còn rất trẻ, trẻ quá. Khi trực tiếp chỉ đạo phá án, nói thật là tôi đã run. Run không phải vì sợ mà thấy tiếc quá, tuổi đời còn trẻ như vậy, cả tương lai dài phía trước... Hơn 3 giờ sáng, trên đường về nhà tôi cứ tự hỏi tại sao các bạn trẻ này lại hành động thiếu suy nghĩ như vậy”.
Không gì rõ ràng hơn, chia sẻ của Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM chính là khẳng định với dư luận rằng các cô tiếp viên này là thủ phạm trong vụ vận chuyển ma túy, mặc dù vụ án mới chỉ được bắt đầu điều tra.
Suy đoán vô tội hay suy diễn vô tội?
Đến giờ, khi Cục Hải quan TP HCM và Công an TP HCM anh hát một đường tôi đàn một nẻo, thì dư luận nên nghe ai?
Nếu Cục Hải quan TP HCM “tung” tin không chính xác, gây dư luận tiêu cực về bốn tiếp viên này và gián tiếp đó là nhóm nhân viên hàng không, thì họ phải có lời xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Còn nếu-như phía Công an TP HCM tái khẳng định sau đó, vụ án mới chỉ đang bắt đầu điều tra để làm rõ bản chất vụ việc, khẳng định sự thật khách quan, thì nên chăng các cơ quan có trách nhiệm hãy thinh lặng làm việc và đừng vội đưa ra thêm thông tin nào về các cô tiếp viên này nữa, cho đến khi vụ án được xác định rõ hoàn toàn, định danh rõ thủ phạm. Bởi tính mạng và danh dự con người rất nhạy cảm và dễ tổn thương, nhưng không thể bồi thường hoặc bù đắp.
Muốn cho nguyên tắc văn minh Suy đoán vô tội được thực hiện đúng bản chất và đúng trình tự pháp luật, các cơ quan có chức năng nên hết sức thận trọng và tiết chế trong việc đưa thông tin, để tránh Suy diễn vô tội (hoặc Suy diễn có tội). Suy diễn nào cũng đều không tốt cho việc xác định, trừng phạt thủ phạm, phổ cập kiến thức pháp luật trong xã hội và thiết lập lòng tin của người dân vào chính quyền.
______________
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do