Các ‘quan tham’ có chứng cứ do vi phạm pháp luật trong các vụ án tham nhũng nói chung hay trong vụ án ‘điển hình’ đã nêu ở phần một, phần lớn thông qua cấu kết giữa doanh nghiệp ‘làm ăn bất chính’ và quan chức ‘suy thoái’, thì đương nhiên họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. nhưng có một kiểu “chịu trách nhiệm chính trị” mà Đảng mới áp dụng đầu năm ngoái, năm 2023, với trường hợp các vị trí lãnh đạo cấp cao nhất của chế độ, hay còn gọi là “vùng cấm”, thì cần phải làm rõ khái niệm, nội hàm và tính chất của nó và, liệu chế tài này liệu có thể nên bước ngoặt để cải cách thể chế đột phá trong bối cảnh chống tham nhũng căng thẳng? Liệu có thể chính thức ban hành cơ chế khuyến khích “xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu” để cho Đảng – Nhà nước “trong sạch, vững mạnh.”
Tháng 1 năm 2023 hình thức kỷ luật "chịu trách nhiệm chính trị" lần đầu tiên áp dụng cho các ông (1) nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai ông phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Trong đó nêu rằng họ phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu" khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ (2) , 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Một năm sau, ngày 31/1/2024 kiểu kỷ luật đảng như trên 'ứng' với ông Trần Tuấn Anh (3) , lúc đó đương nhiệm Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH) Đảng khoá 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Trong đó nêu rằng ông ấy "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu" khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu và được Đảng 'chuẩn thuận'.
Mới đây nhất, lại thêm một sự kiện gây chấn động chính trường Việt Nam. Ngày 20/3/2024 tại hội nghị bất thường lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 "đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ [4] các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân". Ông ấy phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước… vì đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên."
Chiến dịch chống tham nhũng hiện đang căng thẳng đến đỉnh điểm, xu hướng suy thoái chính trị trầm trọng được phản ánh ở thượng tầng, trong ‘cung đình.’ Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 (năm 2021) đến nay số ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 còn 14 do bốn người ‘xin thôi nhiệm vụ’. Số Ủy viên Trung ương (cả dự khuyết) từ 200 hiện còn 179…
Sự đổi mới thể chế chính trị Việt Nam đang có những ‘bước lùi’ đáng lo ngại. Trước hết, như đã biết, giới hạn nghiêm ngặt nhiệm kỳ công tác được quy định trong điều lệ Đảng, lãnh đạo tối cao bất kỳ không phục vụ quá 2 nhiệm kỳ đã bị phá vỡ liên tiếp bởi “các trường hợp đặc biệt” trong hai nhiệm kỳ Đại hội 12 và 13. Khủng hoảng trong công tác nhân sự mang lỗi ‘hệ thống’ trong các khâu từ tuyển chọn, sử dụng và bổ nhiệm. Các ủy viên Bộ Chính trị hoặc các lãnh đạo cao cấp được bầu chọn không còn theo tiêu chí là đã phải qua hai nhiệm kỳ công tác ở vị trí liền kề. Tuy về nguyên tắc việc cất nhắc không còn theo “cha truyền con nối” nhưng các hiện tượng “thái tử đảng” và “hạt giống đỏ” mang tính hình thức, nhiều người trong số họ đã tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống. Việc quy hoạch cán bộ chiến lược kế cận, đặc biệt ở các vị trí cao nhất của Đảng, kém chất lượng, không khả thi…
Như đã lưu ý, nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng nghiêm trọng, trong đó từng ‘chấp nhận’ tham nhũng để tăng trưởng kinh tế như một công cụ đảm bảo tính chính danh (không do dân bầu) cho Đảng và, những bất cập về tổ chức và nhân sự nêu trên, đang sói mòn nguyên tắc lãnh đạo theo tập thể, có nghĩa là không cá nhân lãnh đạo nào có thể đi quá lệch khỏi sự đồng thuận của nhóm. Tuy nhiên, cái gọi là ‘tập thể lãnh đạo’ không thể còn được đảm bảo là ‘không nhúng chàm’.
Tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng đã khiến người dân đánh giá tiêu cực về các cán bộ đảng viên lãnh đạo, mất niềm tin vào chế độ, bởi vì công dân có thể coi tham nhũng là dấu hiệu quản lý yếu kém. Hơn thế, thể chế “chịu trách nhiệm chính trị” nay áp dụng đối với những trường hợp nêu trên càng khiến cho dân đang bị ‘đánh lừa’ trong một trò chơi chính trị cung đình.
Thể chế “chịu trách nhiệm chính trị” không hẳn là nguyên tắc công khai và trách nhiệm giải trình để giám sát tha hoá quyền lực trong chế độ dân chủ. Đây là kiểu giải trình và chịu trách nhiệm chủ yếu được thực hiện theo chiều từ cấp dưới lên cấp trên trong hệ thống Đảng CS. Nghĩa là, nếu anh là một quan chức và, Đảng, chính phủ muốn trừng phạt anh, chẳng hạn vì tham nhũng hay bất trung, thì họ có thể bắt anh phải giải trình và chịu trách nhiệm. Kiểu “chịu trách nhiệm chính trị” như vậy đối lập với nguyên tắc giải trình và chịu trách nhiệm được thực hiện theo quy trình thông qua bầu cử dân chủ, trong đó sự giải trình theo chiều từ trên xuống dưới để cho thấy cấp trên sẽ chịu trách nhiệm ra sao đối với những người bị lãnh đạo ở cấp dưới, với dân.
Đặc điểm tiếp theo của tính giải trình và chịu trách nhiệm dưới chế độ Đảng CS toàn trị mang nội dung đạo đức nhiều hơn là thủ tục pháp lý. Về nguyên tắc là người lãnh đạo phải biết cảm nhận về trách nhiệm đạo đức của mình trước người dân. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nho giáo, sự biên minh và tuyên truyền về “làn sóng thứ ba” của chủ nghĩa xã hội để duy trì chế độ đã đặt lợi ích của đảng trên lợi ích người dân, thúc đẩy tính toàn trị tăng cường đàn áp bất đồng chính kiến, hạn chế các quyền cơ bản và tự do của người dân.
Sau nữa, sự suy thoái chính trị sẽ kéo dài khi thể chế giải trình và chịu trách nhiệm chính trị trong chế độ toàn trị thiếu tính công khai, minh bạch. Các trường hợp “chịu trách nhiệm chính trị” nêu trên đều không công khai về những vi phạm cụ thể, chẳng hạn như nhận hối lộ hay suy thoái đạo đức lối sống như thế nào? Trách nhiệm giải trình luôn phải song hành với tính công khai, minh bạch tạo nên những nguyên tắc quan trọng trong các khía cạnh khác nhau của xã hội, bao gồm quản trị nhà nước, kinh doanh và các mối quan hệ cá nhân. Chúng liên quan đến hành vi cởi mở và trung thực, sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động của một cá nhân và khả năng đưa ra lời giải thích hoặc biện minh rõ ràng cho các quyết định hoặc kết quả.
Tình hình tham nhũng đến nay vẫn nghiêm trọng và, chính sách chống tham nhũng thiên về sức mạnh bạo lực, không bền vững khi thiếu thể chế hiệu quả kiểm soát quyền lực, ngăn cản sự tham gia chính trị của người dân… khiến nguy cơ tồn vong chế độ càng lớn. Ngoài ra, hiệu ứng ngược từ chống tham nhũng kiểu này đang triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế và đóng băng bộ máy hành chính vốn đã quan liêu.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do
Tham khảo:
- https://vov.vn/chinh-tri/xay-dung-chinh-don-dang/ong-nguyen-xuan-phuc-thoi-giu-chuc-vu-dang-nha-nuoc-post997011.vov;
- https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-chinh-thuc-phe-chuan-mien-nhiem-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-post994557.vov
- https://vov.vn/chinh-tri/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-xem-xet-ve-cong-tac-can-bo-post1074864.vov;
- https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vo-van-thuong-thoi-chuc-chu-tich-nuoc-4722542.html;