Giò chả thếp vàng bán chạy ngày vía Thần Tài ở Hà Nội

Một cửa hàng bán giò chả ở Hà Nội đã đưa ra món giò chả dát vàng trong dịp Tết vừa qua. Có hai món: giò lụa dát vàng và chả quế dát vàng. Chủ cửa hàng cho biết vàng được thếp lên là vàng 23 carat nhập khẩu từ Đức. Giá 179.000 /200gr, mỗi khoanh giò thếp một hoặc hai lá vàng. Tức khoảng 900.000 đ/kg. So với thương hiệu giò chả Ước Lễ (làng nghề làm giò chả có tiếng ở Hà Nội, tôi đã ăn, rất ngon), giá này gấp khoảng 3 đến 3,5 lần.

Gọi là dát vàng nhưng nếu ai mua món giò chả dát vàng này rồi háo hức nghĩ đến món bò dát vàng nổi tiếng của thánh rắc muối thì sẽ thất vọng.

Vì vàng ăn vào chẳng có tác dụng gì về dinh dưỡng nên việc bọc vàng món ăn chỉ là một sáng kiến thẩm mỹ giúp thay đổi cách trình bày món ăn, cũng như giúp tiệm ăn móc túi những người có tiền, tò mò hoặc thích cảm giác sang chảnh đặc biệt.Do thế những món ăn được bọc vàng ở nước ngoài thường được làm khéo léo, miếng vàng căng, mỏng, bọc sát và kín hết bề mặt món ăn, bắt sáng ánh lên một màu vương giả. Màu sắc càng phải tính toán cho hòa hợp. Như chiếc đùi bò màu đỏ hồng của thánh rắc muối Nusret Gökçe được bọc lớp vàng lấm chấm trông rất gợi khung cảnh sơn son thếp vàng của cung đình Trung Hoa, Việt Nam xưa.

Hay món bánh bông lan thếp vàng của nhà hàng Le Castella (Việt Nam) xuất hiện vào năm 2018 cũng cực kỳ đẹp mắt. Chiếc bánh màu trà xanh, bên trên phủ kín một lớp vàng mỏng mịn trông như lớp váng sữa đặc biệt.

Banh bong lan dat vang.jpg
Bánh bông lan dát vàng. Hình: Zing

Nhưng món giò chả thếp vàng thì ôi thôi!

Về màu sắc, món chả lụa Việt Nam màu trắng tái, không gợi cảm giác ngon miệng. Nên khi đặt lên bàn ăn, các bà nội trợ thường rắc thêm ít lát ớt sừng đỏ tươi và vài cọng ngò xanh tươi trên mặt cho thêm màu sắc. Màu trắng tái của giò chả hoàn toàn không liên quan tí nào với sắc vàng óng ánh của lá vàng. Cạnh đó, thợ của cửa hàng cũng chỉ là… thợ chứ không phải nghệ nhân ẩm thực nên tay nghề vụng về. Họ chỉ đặt một lá vàng mỏng 23K lên mặt miếng giò, thậm chí còn không phủ hết bề mặt. Hình dạng miếng giò cũng hoàn toàn bình thường do làm thủ công, không tròn đều mà còn bị lõm do dây buộc, thêm miếng vàng phủ nhăn nhúm lên trên, trông mâu thuẫn như đội vương miện với quần đùi rách. Đã thế, miếng chả còn được cắt khá thô vụng. Nhìn những tấm ảnh mà chủ cửa hàng tự hào khoe trên mạng, tôi cười phá, vì nó phản tác dụng vô cùng. Miếng giò chả bình thường trông không vấn đề gì, qua bàn tay người thợ thếp vàng bỗng trở nên thô thiển, phản thẩm mỹ và hết sức buồn cười.

Tuy thế, chủ tiệm giò chả Thực phẩm cỗ quê khoe trên báo chí món này bán khá chạy.

Những người khách thì nói thấy hay hay nên mua về ăn thử. Chất lượng giò chả tiệm này cũng khá ngon nên nhân ngày Tết hay vía Thần Tài họ mua vài lạng về bày mâm cúng vì nó tạo cảm giác sang trọng. Nhưng ngày thường thì thôi! Dát vàng thì cũng chẳng bổ béo gì. Mà cái giá tuy không thấp nhưng cũng không đạt đến cái ngưỡng hết sức đắt đỏ để người ăn tận hưởng cảm giác hơn người, như bác Tô Lâm đi tây ăn bít tết dát vàng chẳng hạn.

Nói tóm lại là một thử nghiệm hàng chợ. Nhưng nó đánh trúng tâm lý người Việt Nam gần đây vốn thích những gì gây cảm giác sang trọng và (có thể được kích thích sau khi bác Tô Lâm thực chứng cảm giác ăn thịt bọc vàng), cộng với giá rẻ nên cũng bán khá chạy.

Việc thích ăn các món hiếm có hoặc thếp vàng, rắc vàng là một căn tính của con người ở bất cứ đâu, không có gì phải bàn nhiều về nó. Kim cương không ăn được chứ nếu ăn được chắc nhiều người cũng nghiền ra rắc lên món ăn cho lấp lánh và ngồi tận hưởng lời khen ngợi trầm trồ rồi. Thực ra cái mà người ta nghiện và là cơn nghiện không thể thỏa mãn được là cảm giác được người khác thán phục, ao ước chứ vàng với kim cương chỉ là những phương tiện phổ biến nhất mà thôi.

Tuy vậy, xin có lời khuyên với chủ cửa hàng có sáng kiến thếp vàng cho món giò chả. Chị đã chọn đúng cái món người Bắc (địa bàn cửa hàng tọa lạc) ưa dùng trong mâm cúng tết và vía Thần Tài để bọc vàng, xin chúc mừng vì chị thật thông minh. Nhưng hãy đầu tư hơn về thẩm mỹ và tay nghề, hoặc nhờ một chuyên gia nghệ thuật để món ăn trông đẹp mắt, xứng với cái danh “bọc vàng”. Ví dụ đĩa xôi gấc màu đỏ tươi rất đẹp kia có thể rắc ít hạt vàng lấm tấm lên sẽ rất lộng lẫy. Miếng giò chả cắt tỉa lại cho tròn trịa, bọc kín một lớp vàng căng che toàn bộ màu trắng tái của nó đi trông cũng sẽ giống các thỏi vàng đặt trong đĩa. Cái đĩa bày hàng quảng cáo cũng phải chọn kỹ về màu sắc và kiểu dáng, đừng bạ đâu lấy đấy. Học thêm ít bí quyết tạo nét nữa giống như việc rắc muối chẳng hạn, biết đâu chị sẽ giúp cho đất nước Việt Nam đỡ tốn một khoản công quỹ để quan chức ra nước ngoài công cán tiện thể đi ăn vàng.

__________

Tham khảo:

https://zingnews.vn/gio-cha-dat-vang-gia-gan-1-trieu-dongkg-hut-khach-ngay-via-than-tai-post1294677.html

https://zingnews.vn/4-mon-an-dat-vang-o-viet-nam-post1138863.html

https://kenh14.vn/nhung-mon-an-dat-vang-co-the-mua-o-viet-nam-gia-chi-khoang-1-trieu-dong-mon-20201005105553479.chnOpens in new window ]

https://cafebiz.vn/can-canh-mon-bo-dat-vang-sac-mui-tien-o-ha-noi-bao-tay-ca-ngoi-dan-mang-tranh-cai-20211212080054919.chn

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự do.