Trong phần hai “trụ cột” hệ tư tưởng Mác – Lê-nin được khái quát nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò của nó đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản. Phần ba này tập trung trình bày một nội dung “nhạy cảm” thuộc lĩnh vực tư tưởng – an ninh chế độ, làm rõ không chỉ tầm quan trọng dẫn dắt chiến lược, chính sách và hành động như nền tảng lý luận và thực tế của Đảng mà còn, vì vậy, phải bảo vệ nó “từ sớm, từ xa.” Hơn thế, nội dung này góp thêm cách luận giải những sự kiện, nhất là về chính trị, hay suy đoán về triển vọng chế độ trong giai đoạn thoái trào.
An ninh chế độ là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia. An ninh quốc gia là “một khuôn khổ mô tả cách một quốc gia cung cấp an ninh cho nhà nước và công dân của mình. Chính sách an ninh quốc gia là một mô tả chính thức về sự hiểu biết của một quốc gia về các nguyên tắc chỉ đạo, giá trị, lợi ích, mục tiêu, môi trường chiến lược, các mối đe dọa, rủi ro và thách thức nhằm bảo vệ và thúc đẩy an ninh quốc gia. Thông thường, chính sách an ninh quốc gia dựa trên hiến pháp, tài liệu thành lập và luật pháp của một quốc gia. Chính sách làm rõ hành vi và trách nhiệm của các tổ chức nhà nước trong việc cung cấp an ninh và duy trì pháp quyền.”[1] Ở Việt Nam Luật an ninh quốc gia được ban hành năm 2004, trong đó tập trung nghiêng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia khi trong Chương IV có ghi “việc thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia.”[2] Tuy nhiên, nó đang thay đổi ‘khó lường’ để đối phó với chuyển đổi thị trường, cải cách thể chế và chống tham nhũng khó khăn, trong đó thay vì một chính sách nhấn mạnh mục đích đã dần được ‘nâng cấp’ thành công cụ chủ yếu mang tính chuyên chế.
An ninh chế độ là một chính sách "nhạy cảm" mang tính nội bộ đảng, nhưng "bất ngờ" khi được "tiết lộ" bởi một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền. Dự án 88 (Project 88) đã công bố Chỉ thị 24-CT/TW (viết tắt CT24) của Bộ Chính Trị Đảng CSVN, do bà Trương Thị Mai, cựu Thường trực Ban Bí Thư ký, ban hành ngày 13/7/2023 về "Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng" trong một Báo cáo có tựa đề "Vietnam's leaders declare war on human rights as a matter of official policy"[3] (Lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến với nhân quyền như chính sách chính thức), trong đó có nội dung cho rằng Việt Nam đã vi phạm luật quốc tế và vi phạm Hiến pháp Việt Nam khi viện dẫn "an ninh quốc gia" để biện minh cho việc cấm người dân hội họp, lập nhóm, biểu tình, cấm xuất nhập cảnh, ngăn chặn tài trợ quốc tế cho các dự án của các tổ chức xã hội dân sự.
Khẳng định quyền kiểm soát toàn diện và nghiêm ngặt lĩnh vực tư tưởng. Việc ban hành Chỉ thị 24 nêu trên là một trong những động thái cụ thể hoá, tăng cường chiến lược an ninh chế độ, bộ phận cấu thành của hệ thống an ninh quốc gia, với trụ cột là an ninh tư tưởng, an ninh ý thức hệ. Trụ cột này đề cập đến môi trường trong đó hệ tư tưởng thống trị của nhà nước được bảo vệ tương đối an toàn và không có các mối đe dọa bên trong và bên ngoài cũng như khả năng đảm bảo tình trạng an ninh liên tục. Đảng xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của an ninh quốc gia nói chung[4] trước các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trong khi quan điểm truyền thống về an ninh, chủ đề là quốc gia-nhà nước, tập trung vào an ninh chính trị và quân sự, như đã nêu ở trên về Luật An ninh Quốc gia 2004, an ninh phi truyền thống, thường chú trọng vào các mối đe dọa an ninh do "các tác nhân phi nhà nước" gây ra, chẳng hạn như các tổ chức liên quốc gia, các phe nhóm trong nội bộ ở trung ương và địa phương, xã hội dân sự hoặc cá nhân có ảnh hưởng. Ngoài ra, từ quan điểm của xã hội, an ninh tư tưởng chủ yếu liên quan đến an ninh ý thức hệ của Đảng CS. Nó liên quan đến cả hai lĩnh vực chính trị và văn hoá và, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nó dễ bị tác động bởi các nền văn hóa và tư tưởng đối nghịch trong và ngoài nước. Bởi vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần thiết phải xác định mục tiêu và giá trị cơ bản của an ninh ý thức hệ là duy trì tính hợp pháp chính trị và các đặc điểm và sự độc lập của văn hóa quốc gia.
************
[ Thời kỳ ‘hoàng kim’ kết thúc: quá thái vật chất và tham nhũng chính trịOpens in new window ]
[ Tăng cường an ninh chế độ, Đảng siết chặt kiểm soát xã hộiOpens in new window ]
[ Đảng đối diện với những thách thức thế nào?Opens in new window ]
**************
Tăng cường chiến lược an ninh tư tưởng, Đảng siết chặt kiểm soát xã hội. Giới quan sát đã nhận thấy rằng, từ năm 2016 Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (NQ 04-NQ/TW[5] ngày 30/10/2016) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ” không chỉ phản ánh những lo ngại về sự tha hoá trong nội bộ mà còn tái khẳng định quyền kiểm soát toàn diện lĩnh vực tư tưởng, thể hiện thái độ thù địch với xã hội dân sự. Đảng đã tiến hành kế hoạch hành động toàn diện để thực thi chính sách an ninh tư tưởng. Việc luật hoá để mở rộng quyền hạn của Bộ Công an được tăng tốc, tổ chức và nhân sự được củng cố, lực lượng và nguồn lực, kinh phí hoạt động được tăng cường. Bộ Công an thực sự đã trở thành công cụ chuyên chế của Đảng.
Chẳng hạn, từ đầu tháng 7/2024 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở năm 2023 có hiệu lực thi hành. Lực lượng này bao gồm công an phường, xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng và, Bộ Công an đã rầm rộ ‘ra quân’ ở khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Tại TP. Hồ Chí Minh có 4.861 tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở với hơn 15.000 thành viên; ở thủ đô Hà Nội - TP lớn thứ hai cả nước - thành lập hơn 5.430 tổ với 21.270 thành viên; tại Nghệ An nơi có nhiều người theo đạo Công giáo và là nơi có những căng thẳng giữa chính quyền địa phương và giáo dân, số lượng tổ an ninh cơ sở là 3.797…
Ban hành chỉ thị ‘mật’ 24 nêu trên, làn sóng trấn áp đã tăng cường, hàng chục nhà hoạt động xã hội, môi trường, các nhà báo, các Facebookers… bị bắt theo các điều 117 và 331 Bộ luật hình sự. Vụ bắt giữ hai quan chức của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội[6] và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gây chú ý khi được cho là có liên quan đến cải cách quyền của người lao động trong Bộ Luật Lao động Việt Nam. và, mới đây ngày 7/6/2024 là hai vụ bắt giữ[7] Blogger Huy Đức, nhà báo, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Bên thắng cuộc” và luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Các nhà quan sát cho rằng Chỉ thị ‘mật’ 24-CT/TW có ‘mối liên hệ’ với Tài liệu số 9 hay còn gọi là Thông cáo về Tình trạng hiện tại của Lĩnh vực tư tưởng[8] của Đảng CS Trung Quốc ban hành vào năm 2013. Tuy nhiên, Chỉ thị 24 có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn, tập trung vào kiểm soát ở trong nước trong khi Tài liệu số 9 tập trung vào "phương Tây" cho rằng họ đã tìm cách "lật đổ" quyền lực của Đảng CS TQ bằng cách truyền bá nền Dân chủ Lập hiến phương Tây, các giá trị phổ quát về các quyền con người và tự do cá nhân, xã hội dân sự, tự do báo chí, chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa hư vô về lịch sử và chính sách cải cách và mở cửa, từ đó Đảng có thể tạo ra một hệ thống "cơ chế cảnh báo sớm rủi ro ý thức hệ." Cần nhấn mạnh sự tương đồng về tính chất của chính sách an ninh chế độ của hai Đảng CS ‘đồng minh ý thức hệ’ là tất yếu nhưng Trung Quốc trực diện đối đầu phương Tây trong khi Việt Nam thì không vì vị thế của mỗi nước, trong đó có lý do kinh tế.
Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang tìm cách trở thành cường quốc hàng đầu thế giới và, “chiến lược an ninh quốc gia toàn diện” được xác lập, trong đó an ninh ý thức hệ là một bộ phận, là nỗ lực quyết đoán “chuyển đổi từ tư duy phòng thủ chủ yếu sang kết hợp cả các yếu tố phòng thủ và tấn công."[9] Từ luật an ninh quốc gia hà khắc ở Hồng Kông, đàn áp dân tộc, tôn giáo ở Tân Cương đến chiến tranh chính trị chống lại Đài Loan… là những động thái thể hiện tầm nhìn của chiến lược này. Tư duy thực thực dụng Đặng Tiểu Bình đã chấm dứt, “cải cách và mở cửa” đang chuyển hướng mô hình Trung Quốc trong thời kỳ thoái trào.
Đối với Việt Nam câu hỏi đặt ra là vì sao không công khai hoá chính sách an ninh chế độ để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Việc áp dụng cực đoan ‘quá thái’ chỉ vì duy trì quyền lực chế độ đang thúc đẩy tình huống “công an trị” sẽ cản trở cải cách chuyển đổi thị trường, huỷ hoại dân chủ và, cuối cùng là kìm hãm sự phát triển.
___________
Tham khảo:
[1] Lực lượng đặc nhiệm SSR của Liên Hợp Quốc (2012), Cải cách ngành an ninh. Ghi chú Hướng dẫn Kỹ thuật Tích hợp; DCAF (2008), Thông tin cơ bản về Chính sách An ninh Quốc gia
[2] https://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=18582
[3] https://the88project.org/wp-content/uploads/2024/02/D24-report-final.pdf
[7] https://tuoitre.vn/bat-ong-truong-huy-san-osin-huy-duc-va-ong-tran-dinh-trien-20240602083151396.htm
[8] https://www.chinafile.com/document-9-chinafile-translation
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do