Tăng cường an ninh chế độ (“bảo vệ an ninh chính quyền”, “an ninh Nhà nước”) Đảng Cộng sản Việt Nam toàn trị đã lựa chọn củng cố để duy trì chế độ đảng – nhà nước tập quyền. Thời kỳ hoàng kim đang kết thúc và thoái trào đã bắt đầu đã đặt ra những thách thức to lớn về việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế đồng thời với chống tham nhũng để đảm bảo tính chính danh của chế độ trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang có những thay đổi nhanh và khó lường. Thực tế chỉ ra thể chế ngày càng có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, nhưng nghịch lý tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ động lực thị trường và tham nhũng tràn lan đang đặt ra những vấn đề mới, phức tạp cho cải cách thể chế ở Việt Nam, trong đó thể chế chính trị phải tương thích với kinh tế thị trường. Tăng cường an ninh chế độ, Đảng cho rằng đó là giải pháp củng cố đảng – nhà nước ‘trong sạch, vững mạnh’, tuy nhiên sự tác động đến tăng trưởng kinh tế thế nào là vấn đề thách thức to lớn.
Trước hết, về tăng trưởng kinh tế, mặc dù với cách tiếp cận truyền thống thì các số liệu cũng toát lên sự thách thức không hề nhỏ. Đến Đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng thời gian còn lại không nhiều, khoảng một năm rưỡi, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP bình quân năm khoảng 6,5% - 7% và kiềm chế lạm phát ở mức 4,5% cho thời kỳ năm năm 2021-2026. Quốc hội khoá 15 đã đánh giá đây “là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.”[1] Những năm đầu nhiệm kỳ 13 chỉ tiêu tăng GDP trồi sụt ở mức thấp. Bỏ qua độ tin cậy của những con số thống kê “lạc quan” thì mục tiêu GDP cho cả nhiệm kỳ cũng không thể đạt được.
Để kích thích tăng trưởng, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ phục hồi, nhưng hiệu ứng của chúng không được như mong muốn. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp đã phải tiếp tục ‘ra hạn’ thêm hay kích cầu du lịch cũng không tác động nhiều. Ngoài ra, các chuyên gia đang theo dõi tỷ lệ lạm phát đang có xu hướng tăng lên trong năm 2024[2]. Tăng lương công chức viên chức tăng lên đến 30% và các đối tượng hưu trí 15% từ 1/7/2024 cũng như chi phí tăng trong các lĩnh vực, trong đó có kinh phí cho an ninh, quốc phòng là động lực của áp lực gia tăng này…
Ngoài những đánh giá thị trường qua cung cầu đầu tư và tiêu dùng, sự thay đổi đáng chú ý là chính sách đã tập trung hướng vào các trụ cột tăng trưởng GDP mà nền kinh tế phụ thuộc vào. Đó là các lĩnh vực bất động sản, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư công. Đây là cách tiếp cận thể chế về tăng trưởng. Chẳng hạn, việc sửa đổi, bổ sung ba bộ luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, vừa được thông qua tại Quốc hội khoá 15, có vai trò quan trọng nhằm tháo gỡ ‘vướng mắc pháp lý’ cho lĩnh vực bất động sản thoát khỏi khủng hoảng, vì tính cấp bách, được ‘chỉ đạo’ cần phải được gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành để chúng cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.[3] Đối với trụ cột đầu tư nước ngoài một kế hoạch về quỹ thu hút đầu tư nước ngoài đang được Chính phủ xem xét phê duyệt. Quỹ này có nguồn từ ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài ở quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí thông minh nhân tạo, chất bán dẫn… Và, trụ cột thứ ba là tăng cường đầu tư công trong các dự án hạ tầng cơ sở giao thông như đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, dự án đường dây 500kV mạch 3 được Chính phủ đốc thúc thực hiện…
*********
[ Thời kỳ ‘hoàng kim’ kết thúc: quá thái vật chất và tham nhũng chính trịOpens in new window ]
[ Đảng ‘ngộ nhận’ về năng lực lãnh đạo kinh tế thị trườngOpens in new window ]
[ Tăng cường an ninh chế độ, Đảng siết chặt kiểm soát xã hộiOpens in new window ]
**********
Việt Nam là nước nghèo rất cần vốn cho tăng trưởng. Các lãnh đạo chính phủ công du nước ngoài tích cực kêu gọi các dự án đầu tư[4]. Tuy nhiên, những lo ngại tăng lên khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn ‘cân nhắc’ lựa chọn Việt Nam để đầu tư, trong đó có hiệu ứng từ tăng cường an ninh chế độ. Nửa cuối năm 2023 vào dịp nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, những tập đoàn khủng của Mỹ ‘hăng hái’ đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng rồi phần lớn đã ra đi ‘thầm lặng’. Thay vì Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã được lựa chọn. Báo mạng Investor thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE) cảnh báo rằng, những tập đoàn toàn cầu lớn, gồm Intel, LG Chemical, AT&S, Samsung và SMC, đang bỏ qua Việt Nam để đầu tư vào những nước khác hay đang xem xét không đầu tư thêm vào Việt Nam, trong đó khung pháp lý lỗi thời của Chính phủ là một trong những nguyên nhân đã khiến những tập đoàn khổng lồ toàn cầu từng có đề nghị đầu tư lớn vào Việt Nam bỏ qua thị trường này để đầu tư vào những nơi khác. Vì vậy việc ‘giữ chân họ’ là nhiệm vụ quan trọng.[5]
Cách tiếp cận thể chế ngày càng quan trọng để cải cách thúc đẩy tăng trưởng. Để tăng trưởng bền vững phòng chống tham nhũng là cần thiết cấp bách nhưng việc tạo dựng khung khổ thể chế mang tính nguyên tắc cho thị trường hoạt động là cơ bản lâu dài. Trong cuộc chiến “đốt lò” do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo những năm gần đây hàng ngàn quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đã bị điều tra, liên quan đến nhiều vụ án tham nhũng, trong đó, như đã trình bày, gây xáo trộn nhân sự lãnh đạo chóp bu là “chưa từng thấy.” Và, hiệu ứng phụ là các quan chức chưa ‘bị lộ’ sợ thành «củi», hoạt động kinh tế chậm lại. Thiết lập “lồng thể chế” để nhốt quyền lực theo quy luật vận hành của nó trong bối cảnh thị trường mới là giải pháp chính sách căn cơ. Đây thực sự là món nợ cải cách mà Đảng cam kết với toàn dân.
Nhà khoa học chính trị Yuen Yuen Ang tại Đại học Michigan đã chỉ ra một thực tế ở nền kinh tế và chế độ chính trị Trung Quốc tương đồng với Việt Nam, rằng trong thời kỳ ‘hoàng kim’ thì tăng trưởng bùng nổ nhưng đồng thời với tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng[6] và, khi chiến dịch chống tham nhũng căng thẳng thì không những làm sụt giảm tăng trưởng mà, như hậu quả, còn gây ra rối loạn xã hội, suy yếu quản trị nhà nước, thậm chí là nguy cơ sụp đổ chế độ. Bà đã so sánh tương đối với thời kỳ mạ vàng (gilded age) ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19 khi chủ nghĩa tư bản mở rộng ‘hoang dã’ hàm ý những cải cách theo hướng dân chủ để kiểm soát quyền lực đã thúc đẩy nước Mỹ bước vào “Kỷ nguyên Tiến bộ” (1896–1917)[7] với đặc trưng là các hoạt động xã hội và cải cách chính trị lan rộng trên khắp đất nước. Tại đó, các nhà tiến bộ đã tìm cách giải quyết các vấn đề gây ra bởi quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, đô thị hóa và tham nhũng chính trị cũng như sự tập trung lớn của quyền lực của các công ty độc quyền.
Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Ang được dẫn ra ở trên xoay quanh giai đoạn trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt dưới thời Tổng bí thư Đảng CS Tập Cận Bình, – một trong những sự gián đoạn đáng kể nhất của thời đại hiện nay và những hậu quả toàn cầu của nó. Nó chỉ ra Trung Quốc với tư cách là ‘kẻ gây rối loạn trật tự toàn cầu’ và cách chính phủ nước này đối diện với những thách thức của thế kỷ 21, trong đó đỉnh cao căng thẳng là cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Sự tương đồng chế độ chính trị của Việt Nam mang tính lịch sử nhưng đã không thể thoát nổi “đồng minh ý thức hệ”. Việt Nam đã ‘cam kết’ tham gia “cộng đồng chia sẻ tương lai”, một khái niệm mơ hồ, nhưng do Trung Quốc dẫn dắt. Đây thực sự là một thách thức lớn nhất, cơ bản lâu dài đối với cải cách vì sự phát triển đất nước.
Qua thời kỳ hoàng kim, Trung Quốc bước vào thời kỳ thoái trào, Việt Nam học tập thế nào?[8] Chiến lược an ninh chế độ có nguồn gốc Trung Quốc đang chứng tỏ việc vận dụng trong điều kiện đặc thù Việt Nam, họ là cường quốc ta là nước nhỏ, cũng là thách thức không nhỏ khi hậu quả nhãn tiền là chế độ đã bị ‘công an hoá’, sự quá thái chuyên chế sẽ huỷ hoại sự phát triển đất nước và dân tộc.
_________
Tham khảo:
[4] https://vafie.org.vn/kinh-te-xa-hoi/giu-chan-cac-ong-lon-cong-nghe-bang-cach-nao-1367
[6] Yuen Yuen Ang (2020). China's Gilded Age.The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption. University of Michigan Pres; https://www.amazon.com/Chinas-Gilded-Age-Yuen-Ang/dp/1108745954
[7] https://en.wikipedia.org/wiki/Progressive_Era
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do