Báo cáo An ninh Trung Quốc năm 2023
Cộng đồng quốc tế luôn theo dõi chặt chẽ chính sách an ninh và xu hướng quân sự của Trung Quốc. Công chúng Nhật Bản ngày càng nhận thức được tác động to lớn từ sức mạnh quân sự (và kinh tế) trỗi dậy của Trung Quốc, theo đó có thể tác động rất lớn đến an ninh của Nhật Bản. Trung Quốc, hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã trở thành một đối tác kinh tế quan trọng đối với Nhật Bản và các nước Đông Á khác. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cho phép Trung Quốc tăng gấp bội chi tiêu quân sự và tiến tới hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Trước tình hình này, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia (NIDS) của Nhật Bản vừa công bố "Báo cáo An ninh Trung Quốc năm 2023" với tiêu đề "Nhiệm vụ kiểm soát lĩnh vực nhận thức và các tình huống vùng xám của Trung Quốc".[1] Trong báo cáo này, NIDS khẳng định Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng thông qua các biện pháp phi quân sự, chẳng hạn như truyền bá thông tin có lợi cho đất nước trên mạng xã hội. Báo cáo có đoạn: "Bắc Kinh đang sử dụng các biện pháp phi quân sự, chẳng hạn như các hoạt động gây ảnh hưởng trong lĩnh vực tâm lý và nhận thức hay các tình huống vùng xám trên biển".
Cải cách quân đội
Báo cáo đã chỉ ra ba bước đi quan trọng của Trung Quốc dẫn đến việc gia tăng sử dụng các biện pháp phi quân sự, bao gồm các cải cách quân sự của Chủ tịch Tập Cận Bình để tạo ra một cơ chế giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trực tiếp kiểm soát PLA; thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) - cơ quan giám sát chiến tranh mạng và điện tử, chiến tranh tâm lý và nhận thức; và đặt lực lượng hải cảnh (CCG) dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của quân đội Trung Quốc. Báo cáo của NIDS đề cập đến một số vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, Trung Quốc tổ chức lại quân đội và tăng cường các phương tiện phi quân sự. PLA là quân đội của ĐCSTQ, do đó phải tuân thủ sự chỉ huy của Đảng và xác định vai trò quan trọng nhất là bảo vệ chế độ của Đảng. Với cuộc cải cách quân đội của Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã thực thi quyền kiểm soát đối với quân đội chủ yếu thông qua các tổ chức công tác chính trị của PLA, bao gồm Tổng cục Chính trị và các chính ủy. Tuy nhiên, sự kiểm soát gián tiếp như vậy dễ dẫn đến các vấn đề về liên lạc và cản trở việc thực hiện các hoạt động liên hợp, đồng thời gây ra tình trạng hối lộ và tham nhũng tràn lan trong PLA.
Cải cách quân đội của Tập Cận Bình đã thúc đẩy việc tái cơ cấu các tổ chức quân đội Trung Quốc, và trong bối cảnh đó, vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ đã được củng cố. Sự kiểm soát trực tiếp của ĐCSTQ đã được chú trọng nhiều hơn, đặc biệt tập trung vào việc thực hiện cơ chế trách nhiệm chủ tịch của Quân ủy Trung ương và các ban đảng trong quân đội. Hơn nữa, việc quản lý quân đội thông qua luật pháp và các quy tắc cũng đã được nhấn mạnh. Sự lãnh đạo của Đảng đã được củng cố không chỉ đối với PLA, mà còn đối với các tổ chức quân sự khác, và các cơ chế đang được phát triển để điều phối giữa quân đội và các cơ quan khác trong chính phủ. Các biện pháp này cũng được phát triển như một ứng phó đối với các hình thức xung đột hiện đại vốn tích cực sử dụng các phương tiện phi quân sự.
Đối với các hoạt động gây ảnh hưởng, SSF đã được thành lập. Lực lượng này dường như không chỉ tích hợp các chức năng liên quan đến mạng, phổ điện từ và không gian bên ngoài, mà còn tham gia sâu vào cuộc chiến tranh tâm lý và nhận thức. Đối với các hoạt động vùng xám, Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP) và CCG đã được tổ chức lại. PAP được đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Quân ủy Trung ương, trong khi CCG trở thành thuộc cấp của PAP và cũng được đặt dưới sự lãnh đạo của PLA. Do kết quả của việc tổ chức lại, PAP chuyên trách duy trì an ninh công cộng trong thời bình và đóng góp dễ dàng hơn cho các hoạt động chung của PLA trong trường hợp khẩn cấp.
Gia tăng các hoạt động gây ảnh hưởng
Thứ hai, Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây ảnh hưởng. Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự gắn liền với các hoạt động gây ảnh hưởng tổng thể của ĐCSTQ dưới danh nghĩa đấu tranh trong lĩnh vực tâm lý và nhận thức. Đối với Trung Quốc, cuộc đấu tranh thông tin và ảnh hưởng là cuộc đấu tranh an ninh và thống trị tư tưởng với phương Tây. Trung Quốc có thể chống lại những nỗ lực của phương Tây trong việc xâm nhập hệ tư tưởng của họ bằng cách tuyên truyền câu chuyện về Trung Quốc trong các cuộc thảo luận ở trong nước và toàn cầu. Bằng cách này, Bắc Kinh đang tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng của mình ở cả Trung Quốc và nước ngoài. Vì lý do này, công tác tuyên truyền, công tác mặt trận thống nhất, cũng như các hoạt động truyền thông xã hội đã tăng lên.
Trong khi các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ chủ yếu ở cấp độ chiến lược, thì các hoạt động của quân đội trải dài cả cấp độ chiến lược và chiến dịch. PLA có truyền thống nhấn mạnh chiến tranh tâm lý, và gần đây là “Tam chủng chiến pháp” gồm chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Ngày nay, “Tam chủng chiến pháp” được cho là do các tổ chức quân sự ở nhiều cấp tiến hành. Có một cơ quan chuyên về “Tam củng chiến pháp”, trong khi cũng có những đơn vị thi hành “Tam chủng chiến pháp”. Hoạt động của ĐCSTQ và hoạt động của PLA trong những năm gần đây ngày càng chồng chéo.
Sự ra đời gần đây của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới nổi khác đã dẫn đến việc khám phá chuyển sang chiến tranh trí tuệ để tận dụng triệt để các công nghệ. Trong bối cảnh đó, khái niệm hoạt động trong lĩnh vực nhận thức nổi lên như một phần mở rộng của chiến tranh tâm lý. Một ví dụ dễ thấy nhất về các cuộc chiến tranh tâm lý và nhận thức là các hoạt động gây ảnh hưởng chống lại Đài Loan. Các biện pháp này bao gồm lan truyền tin tức giả qua không gian mạng và các kết nối cá nhân, bên cạnh việc tiếp cận người dân Đài Loan, thì có cả tiếp cận các sĩ quan quân đội. Các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ và PLA có phạm vi rộng và là mối đe dọa lớn đối với Đài Loan.
Tăng cường các hoạt động vùng xám
Thứ ba, Trung Quốc tạo ra các tình huống vùng xám trên biển. Trung Quốc đã cố gắng thay đổi nguyên trạng thông qua các xung đột cường độ thấp trong lĩnh vực hàng hải. Để tránh chiến tranh và tạo thế trận có lợi, Trung Quốc sử dụng Hải quân PLA như một lực lượng răn đe, đồng thời sử dụng cơ quan thực thi pháp luật của lực lượng hải cảnh và lực lượng dân quân biển để quản lý cường độ tranh chấp để không dẫn đến xung đột vũ trang, trái lại gây áp lực lên đối phương, từ đó từng bước mở rộng quyền và lợi ích của Trung Quốc.
Các nhiệm vụ cụ thể của lực lượng dân quân biển được xem xét như sau: Một là, lực lượng dân quân biển, tận dụng lợi thế về số lượng và trang bị lớn, có nhiệm vụ chủ yếu là khẳng định các quyền và lợi ích trên biển - những hoạt động khó phối hợp và thực hiện bởi từng bên; Hai là, lực lượng dân quân biển đóng vai trò trung gian giữa quân đội, các tổ chức hành chính và khu vực dân sự. Ngoài ra, so với Lực lượng hải cảnh và PLA, các đơn vị của lực lượng dân quân biển đóng vai trò ở vùng nước nông, có thể vận hành các tàu nhỏ hơn nhưng cơ động hơn, đồng thời có thể tiến hành nhiều hoạt động giám sát với nhiều tàu cá. Chính phủ Trung Quốc có thể tin rằng việc huy động lực lượng dân quân biển có thể kiểm soát sự leo thang của một cuộc khủng hoảng, kiềm chế kẻ thù, tránh các cuộc giao tranh quân sự và mở rộng sự kiểm soát hiệu quả của Trung Quốc.
Để trở thành một “cường quốc biển”, đồng thời duy trì và mở rộng các quyền và lợi ích trên biển, chế độ Tập Cận Bình đã nỗ lực phối hợp các chủ thể trên biển, cụ thể là Hải quân PLA, CCG và Lực lượng dân quân biển, dựa trên các khái niệm về cảnh sát quân sự-dân sự và hành động chung “5 trong 1”. Hơn nữa, bằng cách tích hợp chuỗi chỉ huy của CCG và Lực lượng dân quân biển vào quân đội và tăng cường trang thiết bị cho các đơn vị này, Trung Quốc đã cải thiện khả năng hoạt động vùng xám của mình ở các khu vực tranh chấp. Sau khi ông Tập lên nắm quyền, tiến bộ đã đạt được đặc biệt là trong việc hợp nhất lực lượng hải cảnh và lực lượng dân quân biển vào hệ thống chỉ huy quân sự. Bằng cách tích hợp các chủ thể hàng hải vào quân đội, giới lãnh đạo Trung Quốc tìm cách liên tục tạo ra các tình huống vùng xám và gây áp lực lên đối thủ trong khi tránh đụng độ quân sự với các nước khác. Điều này nhằm dần mở rộng quyền và lợi ích của Trung Quốc trong khi hạn chế quyền chủ quyền của các nước khác. Để tăng cường khả năng hoạt động trong các tình huống vùng xám như vậy, Trung Quốc đã mở rộng các tiền đồn của mình ở các vùng biển tranh chấp, mở rộng và trang bị vũ khí cho các tàu của lực lượng hải cảnh, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động của lực lượng dân quân biển.
Trong những năm 2010, việc tích hợp các kế hoạch mua sắm thiết bị của lực lượng hải cảnh đã đạt được tiến bộ rõ rệt, trong khi các tàu hải cảnh lớn hơn đã được đóng. Đặc biệt, lực lượng hải cảnh nhanh chóng tăng cường đội tàu có lượng choán nước từ 500 tấn trở lên, đủ khả năng tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích lâu dài trên biển. Các tàu hải cảnh mới đóng còn được trang bị trực thăng, xuồng đánh chặn cao tốc, súng ở trên boong và các vòi rồng áp suất cao.
Việt Nam phải làm gì?
Theo dự báo của phía Nhật Bản, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động vùng xám trên khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Vậy Việt Nam cần làm gì để chống lại đe doạ này?
Một chuyên gia về Biển Đông của Việt Nam là Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, trong một bài báo có cho biết: "Năm 2011, các nhà nghiên cứu Việt Nam đề xuất Công thức "3 C" (hay còn gọi là "Tam công pháp") bao gồm: Công khai, Công luận và Công pháp để đối lại với Tam chủng chiến pháp."[2]
Tuy nhiên, để chống lại các hoạt động vùng xám phối hợp với “Tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông, không thể chỉ đơn thuần dùng Công thức 3C là đủ. Đầu tiên là phải có một đội ngũ thực thi pháp luật biển đủ mạnh để có thể ngăn chặn và đối phó một cách tương xứng với các lực lượng gây hấn từ Trung Quốc. Nếu không có lực lượng trên biển đủ mạnh thì có thể sẽ đánh mất lợi thế khi các lực lượng của Trung Quốc, vốn áp đảo về số lượng, sẽ có thể tạo ra sự đã rồi như trường hợp Bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012.
Chính vì vậy, các chính sách của Mỹ, Nhật Bản… đều tập trung muốn giúp đỡ Việt Nam xây dựng và phát triển năng lực thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Tuy nhiên, dường như bắt đầu từ năm nay, kể từ khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Việt Nam lo ngại sự đe doạ từ Trung Quốc, nên các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Lực lượng Tuần duyên của Mỹ đang bị đình trệ.
Với chuyến thăm Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng hồi tháng trước, có lẽ Đảng cộng sản Việt Nam tin tưởng vào các cam kết của Trung Quốc. Chắc phải đợi tới khi Trung Quốc tiếp tục đe doạ Việt Nam như Sự kiện Giàn khoan năm 2014 hoặc Sự kiện Tư chính năm 2019, thì Việt Nam mới thúc đẩy việc phát triển lực lượng Cảnh sát biển mạnh hơn.
Các nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội cần có một chiến lược bao quát và dài hơi hơn trong vấn đề Biển Đông với Bắc Kinh, nếu không sẽ mãi mãi chạy theo xử lý các sự kiện mà Trung Quốc sẽ tạo ra, và khả năng đánh mất biển đảo sẽ là nguy cơ hiện hữu.
_____________
Tham khảo:
[1] http://www.nids.mod.go.jp/english/publication/chinareport/index.html
[2] https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/340169/CVv225S52022056.pdf
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.