Gặp gỡ nguyên lãnh đạo các thế hệ, Đảng đề phòng nguy cơ bất ổn ở “thượng tầng”

“Toàn trị” với bộ máy công an, quân đội, an ninh hùng hậu “rất ít có khả năng sẽ ‘có biến’ từ bên dưới, với một phong trào của quần chúng”. Nếu như xảy ra, thì sự thay đổi chỉ có thể đến từ “bộ phận thượng tầng của ban lãnh đạo Đảng” – nơi Đảng luôn đề phòng nguy cơ bất ổn. Ngày 17/1 việc ông Chủ tịch Nước "xin” từ chức về hưu khi đương nhiệm tiếp ngay sau hai ông Phó Thủ tướng Chính phủ bị “hạ bệ” là chưa có tiền lệ trong lịch sử Đảng. Tuy nhiên, lý do không được công khai rõ ràng, chưa có quy chế về “chịu trách nhiệm chính trị”, khiến khoảng một phần ba số Uỷ viên trung ương của Ban Chấp hành khoá 13 và cũng với tỷ lệ như vậy số Đại biểu Quốc hội khoá 15 đã không đồng ý trong các hội nghị được triệu tập bất thường mới đây. Sự kiện này chứa đựng sự bất ổn ở thượng tầng.

Ngày 6/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, trong cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng CS mồng 3/2 và dịp đầu Xuân Quý Mão 2023 với các nguyên lãnh đạo “Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng và tương đương”, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu mong muốn các vị tiếp tục “có những đóng góp cho Đảng, cho nhân dân, cho đất nước…”. Cuộc gặp này về hình thức mang tính “biểu tượng” nhưng hàm ý sâu xa rằng Đảng luôn “quan tâm” đến họ.

Các “nguyên lão” của Đảng được coi là đối tượng quan trọng của bộ máy cai trị đặc quyền đặc lợi, lợi ích của họ gắn liền với lợi ích của Đảng với phương châm “còn Đảng còn mình!”. Mặc dù không trực tiếp “tham chính” nhưng sự ủng hộ của họ là quan trọng bởi những mối quan hệ và tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chống tham nhũng, thanh trừng lên tới “vùng cấm” và ngày càng khó khăn, Đảng muốn họ phải được quản lý, phải trong tầm kiểm soát. Sự “cảnh giác” như một bản năng chuyên chế là có thể hiểu được bởi trong thời kỳ Đổi mới đã có một số “sự cố nghiêm trọng” xảy ra ở thượng tầng. Dưới đây là điển hình.

Trước hết là vụ ông Trần Xuân Bách (1924-2006), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, là người có chủ trương đa đảng ở Việt Nam đã bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng năm 1990. Từ đó, ông ta đã bị “quản thúc” cho đến ngày qua đời.

Vụ tướng Trần Độ (1923 – 2002), từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội khóa 7 (1987-1992).Những phát biểu đòi đa nguyên đa đảng, áp dụng mô hình chính trị phương Tây, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng CS bị đánh giá là “vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng viên” và, ông bị khai trừ khỏi Đảng CS khi đã 59 năm tuổi đảng.

Ông Lê Khả Phiêu nắm quyền Tổng bí thư hơn ba năm nhiệm giữa kỳ Đại hội 9 (1996-2001). Ông là người thay thế ông Nguyễn Hà Phan, nguyên Trưởng ban kinh tế Trung ương, Phó chủ tịch Quốc hội bị kỷ luật khai trừ Đảng năm 1996. Dưới thời cố Tổng bí thư Phiêu, Hội đồng cố vấn Trung ương, từng tồn tại trong các khóa Đại hội 7, 8 và 9 của Đảng CS, bao gồm các nguyên lãnh đạo trong “tứ trụ” và “có tiếng nói rất lớn trong tập thể lãnh đạo ở Việt Nam, đã bị giải thể. Và, vì thế ông đã phải trả giá, tuy nhiên quyết định này vẫn gây tranh cãi, có ý kiến coi là “sai lầm chính trị” và số khác cho là quyết đoán.

000_Hkg2306524.jpg
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu trong một phỏng vấn tại nhà riêng ở Hà Nội hôm 22/4/2009. AFP

Và mới đây, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 23/11/2022, nhiều báo chí đánh giá vai trò to lớn của ông thúc đẩy chính sách Đổi Mới năm 1986. Ông được ví như "tổng công trình sư" nhiều dự án táo bạo và được ca ngợi là lãnh đạo “vì dân” như bí danh Sáu Dân của ông. Tuy nhiên truyền thông Nhà nước đã không nhắc tới nhiều đề xuất của ông về chính sách phát triển đất nước, trong đó đặc biệt về quan điểm “hoà hợp dân tộc”. Ông từng nói: "Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng…"

Nhìn sang Đảng CS Trung Quốc “anh em” cũng thấy hình ảnh như vậy, nhưng được “nâng tầm” bởi nền văn minh tập quyền lâu đời. Các Hội nghị Bắc Đới Hà , truyền thống có từ thời Mao Trạch Đông, là nơi diễn ra các cuộc gặp “hậu trường” chính trị quan trọng thường niên của các chính trị gia, giữa các lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, dưới thời Tập Cận Bình các hội nghị kiểu này đã diễn ra “căng thẳng” bởi các quy chế đảng, vốn được thiết lập dưới thời Đặng Tiểu Bình theo hướng nới lỏng “toàn trị”, nay bị siết lại, thanh trừng phe phái quyết liệt, để ông Tập tiếp tục kéo dài cai trị. Dường như, nhiều ý kiến không “ủng hộ” Tổng bí thư tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm 2020 trước Đại hội 20 khiến ông Tập không “hài lòng”. Bởi vậy, sự cố hy hữu đã diễn ra trong phiên khai mạc Đại hội 20, khi nguyên Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào miễn cưỡng bị “hộ tống” rời khỏi nghị trường, bị coi là “trò diễn thâm nho kiểu Tàu” - một cơ hội để ông Tập Cận Bình công khai thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với bất kỳ ai có thái độ, ý kiến khác biệt với ông ta, và cũng có nghĩa là với Đảng.

Thực tế cho thấy việc quay lại chế độ chuyên chế “toàn trị” của hai Đảng CS ở hai nước giống nhau “kỳ lạ”, có chăng chút khác biệt về chiều kích và hình thức biểu hiện như đã nêu trong loạt bài trước*. Trước hết, cả hai Đảng đều phải đương đầu với “nhà nước tư bản thân hữu” vì cải cách thể chế chính trị không theo hướng kiểm soát quyền lực bằng đối trọng chính trị để thích ứng với kinh tế thị trường. Tiếp đến, việc giải quyết quốc nạn tham nhũng như hậu quả của thực trạng rối loạn này, Đảng đã kết hợp với thanh trừng nội bộ bằng cách tập trung quyền lực tuyệt đối, trong đó ông Tập Cận bình tiến hành “đả hổ diệt ruồi” và ông Nguyễn Phú Trọng phát động “đốt lò”… Chính sách này cho thấy giới lãnh đạo Đảng CS Việt Nam nghiêng hẳn về Trung Quốc.

Những sự kiện trên cho thấy bất ổn chính trị được cảnh báo, nguy cơ lớn dần bởi người dân “đứng ngoài cuộc” không chỉ trong công tác cán bộ mà còn cả trong phòng chống tham nhũng. Và, việc quay lại chế độ chế độ “toàn trị” khiến vấn đề thêm tồi tệ khi cơ chế công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm của quan chức trước nhân dân, những nguyên tắc cơ bản của dân chủ, không được thiết lập. Quan điểm “dân là gốc” vẫn chỉ là tuyên truyền, và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” - từng được là “điểm mới!” trong Văn kiện Đại hội 13 Đảng CS cũng chỉ là khẩu hiệu khi những nguyên tắc dân chủ không được thể chế hoá, và vì vậy không có cơ sở pháp lý, điều kiện để nhân dân tham gia.

Các nhà nghiên cứu chính trị chỉ ra rằng cơ hội chuyển đổi dân chủ tối ưu đối với các chế độ chuyên chế “toàn trị” kiểu Trung Quốc là chuyển từ một Nhà nước pháp trị (rule by law) sang Nhà nước pháp quyền (rule of law), một Nhà nước chịu sự kiểm soát của luật pháp. Nghĩa là quá trình cải cách thể chế cần phải thiết lập các quy định rõ ràng áp dụng cho người dân thường, cho đến các quan chức cấp thấp hơn, rồi với cả chính bản thân Đảng. Việc thực thi quyền lực cần phải được khống chế, kiểm soát thực sự về mặt Hiến pháp. Tư pháp phải có quyền tự trị rộng rãi. Người dân phải được có thêm quyền tự do. Tất nhiên, chỉ có cải cách chính trị theo hướng này, thì quốc nạn tham nhũng mới có thể diệt trừ tận gốc, thể chế mới có thể phù hợp với thị trường, tránh được bất ổn, và đất nước mới có thể phát triển bền vững.

---------------------

* Xem thêm:

(1)https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-vcp-reform-when-anti-graft-campaign-struggles-02062023095345.html

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/ultimate-power-of-the-party-chief-challenge-to-find-successor-02132023071449.html

(3) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/returning-to-totalism-signals-of-a-slowdown-in-economic-development-02172023100602.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do