Bộ Giáo dục đang ung dung trên trời đạp mây xanh hôm nay xuống chơi?

Bạn bè tôi hay gom sách truyện thiếu nhi tặng thư viện cộng đồng ở những vùng sâu, nơi không đường, không điện, không nước sạch, không chợ. Nhưng cách tiếp nhận không giống nhau: có những nơi quý từng cuốn sách giáo khoa cũ, các thầy cô hoặc người quản lý thư viện nâng niu đánh số và cất giữ cẩn thận để sử dụng lâu hơn. Nhưng cũng không ít nơi đặc biệt khó khăn mà chúng tôi vô cùng ưu ái trong việc tặng sách thì ngược lại.

Đó là những lần tôi tận mắt trông thấy những cuốn sách in ở nước ngoài, giấy cứng trắng bóng, bìa cứng, tranh ảnh rực rỡ vô cùng đẹp mắt, nội dung rất phù hợp cho thiếu nhi nhưng bị bỏ mặc lăn lóc, quăn mép và long bìa trong những kệ sách phủ bụi ở vài trường học vùng biên giới.

Bọn trẻ con chẳng đứa nào đọc, hoặc chỉ lật lật xem tranh xong rồi vứt xó. Các thầy cô giáo ở đấy thì không có thói quen đọc sách cho học trò.

Những cuốn sách đó rất đắt tiền. Công vận chuyển chúng lên tận các điểm trường sâu trong rừng núi còn đắt hơn nữa, vì sách rất nặng và cồng kềnh. Các hội nhóm thiện nguyện hay tổ chức phi chính phủ về giáo dục phải chia nhỏ lượng sách ra để có thể nhờ người dân hoặc chính các thầy giáo chở chúng lên điểm trường bằng xe gắn máy. Miền núi trời âm u, thường có sương mù hay mưa nhỏ suốt cả ngày, dốc trơn nhẫy, đường núi xe cày xuống thành rãnh sâu và sống trâu, tay lái sơ sẩy một tí là ngã hoặc phi luôn xuống vực. Những cuốn sách đó chở nặng cả tình thương và sự quan tâm đến tương lai của những đứa trẻ dân tộc thiểu số lớn lên trong rừng núi.

Nhưng, bọn trẻ đã đọc được mấy chữ phổ thông đâu!

Con đường học hành của chúng khó khăn hơn rất nhiều so với người Kinh. Sáu tuổi, chúng vào lớp 1. Đang nói tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Nùng, tiếng Dao, tiếng Pa Dí… suốt những năm đầu đời với cha mẹ và bạn bè, đùng một cái chúng phải học tất cả mọi thứ bằng tiếng Kinh. Trẻ con Kinh ngày đầu đi học khóc lóc vì xa cha xa mẹ. Trẻ con dân tộc thiểu số không khóc, nhưng nói thẳng tuột là chúng gần như chẳng hiểu những gì thầy cô nói, và những chữ viết trong sách.

Sau chuyến thiện nguyện lên những trường vùng biên giới miền Trung, một người bạn tôi kể: trong lớp, thầy gõ thước đọc trước thì chúng bắt chước đọc theo, nghe cũng không sai. Nhưng để chúng tự đọc thì đến lớp 5 vẫn đọc võ vẽ, hoặc vẫn đọc được nhưng không hiểu nghĩa của từ. Nhất là sách giáo khoa chủ yếu do người Kinh (phía Bắc) viết nên có khá nhiều từ chỉ phổ biến ở phía Bắc, trẻ con các miền còn lại không hiểu.

Bắt buộc học bằng tiếng Kinh nghĩa là chúng đang học bằng ngoại ngữ. Ra khỏi lớp, chúng tiếp tục giao tiếp với gia đình và hàng xóm bằng tiếng mẹ đẻ. Trong các bản vùng sâu rừng núi phía Bắc, có nhiều người lớn thậm chí cả đời chưa ra khỏi ngọn núi nơi mình sinh ra. Họ cũng không biết lấy một tiếng phổ thông nào. Do vậy, bọn trẻ càng không có môi trường để học và thực hành tiếng phổ thông.

Đó là lý do giản dị của việc sách vở gửi lên trường miền núi không được đón nhận vui mừng như chúng ta tưởng tượng.

Chỉ có một số rất ít trẻ em được nhiều thuận lợi của hoàn cảnh và môi trường có thể vượt khỏi khó khăn này. Ví dụ nhà gần trung tâm hơn, cha mẹ hiểu biết, kiên trì hơn để khuyến khích con theo đuổi học tập.

000_Hkg7971090.jpg
Học sinh người Hmong ở lớp học bán trú cấp hai ở Mù Cang Chải hôm 24/10/2012. AFP

Ba lần ngoại ngữ

Chồng lên khó khăn trong học tập của trẻ em là khó khăn trong việc giảng dạy của các nhà giáo miền núi. Hiện tại đã có nhiều giáo viên là người dân tộc thiểu số, ra trường đi dạy trong tỉnh mình. Tuy nhiên, sự phân bố giáo viên không đều như nhau ở các dân tộc. Ở nhiều nơi, hiện trạng chung là thầy cô người Kinh dạy và giao tiếp với trẻ các dân tộc khác. Thầy cô người Thái dạy và giao tiếp với trẻ người Mông. Thầy cô người Dao dạy và giao tiếp với trẻ người Nùng, chẳng hạn. Những thầy cô này đều phải học chút ít tiếng của vùng dân tộc thiểu số mình đang giảng dạy (hoặc cắm bản), nhưng việc chuyển qua ba ngôn ngữ (trong đó ít nhất hai là ngoại ngữ) khiến khả năng hiểu sâu và sử dụng tốt ngôn ngữ tốt bị hạn chế. Truyền đạt nội dung càng khó khăn hơn.

Đến các trường học miền núi, ở tiểu học, tuy tỷ lệ đến trường được báo cáo trong các khảo sát của Nhà nước là 100%, nhưng thực tế, ở cấp này hầu hết thiên về “dỗ” hơn “dạy”. Thầy cô vận động được cha mẹ đưa trẻ đến trường, trẻ chịu đến lớp dù thời tiết gió mưa lạnh giá hay tuyết rơi, trẻ chịu ngồi trong lớp suốt giờ học mà không bỏ về… đã là thành công rất lớn. Bọn trẻ cũng thích đến trường vì có nhiều bạn cùng tuổi để chơi. Nhưng chỉ học hết cấp 1, số trẻ đi học đã rơi rụng đi 1/3. Là vì trẻ đã lớn hơn, nhiều đứa có thể lao động nhẹ phụ giúp cha mẹ, ít nhất là bế em, nấu cơm.

52 km để đến trường cấp ba

Khi đi học cấp 3, quý vị phải đi bao nhiêu cây số từ nhà đến trường?

Còn trẻ dân tộc Ơ Đu phải đi 52,2 km, còn trẻ dân tộc Rơ Măm phải đi 44,3 km. Đó là các đoạn đường dài nhất. Còn trung bình, chúng phải đi 11 km.

Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, khoảng cách trung bình từ nhà đến trường tiểu học gần nhất của đồng bào dân tộc thiểu số là 2,2 km; đến trường trung học cơ sở gần nhất là 3,7 km.

2,2 km đường thành phố cha mẹ chở con đi véo phát là tới. Nhưng bọn trẻ rừng núi phải tự đi bộ hết quãng đường từ 2, 2 km cho đến mấy chục km.Mà đường núi thì vừa gập ghềnh, vừa đồi dốc, gian truân và nguy hiểm. Chưa kể, ở cấp trung học phổ thông, hầu hết chúng còn phải tự cõng gạo và thức ăn tới trường để ở đó một tuần, cuối tuần lại cuốc bộ về nhà lấy lên.

Bất đồng ngôn ngữ khiến chúng không tiếp thu kiến thức tốt ở cấp dưới. Đặc điểm này không được giải quyết tốt nên khi lên cấp cao hơn, việc học ngày càng khó khiến trẻ chán học và sợ học.

Chính vì thế, khi hoàn cảnh và môi trường sống của cả bản, cả buôn vẫn không có gì thay đổi, vẫn không điện-đường-trường-trạm thì việc có một đứa bé biết đọc biết viết không tạo ra được ích lợi gì thiết thực cho gia đình. Nghỉ học, đi đào măng bắt cá thôi anh em!

Vẫn theo Kết quả điều tra nói trên, tỷ lệ trẻ em khu vực thành thị đi học Trung học phổ thông là 71,1%, ở trẻ em dân tộc thiểu số chỉ là 50,7%. Một nửa số còn lại đã rơi rụng theo từng cấp học.

Ở vùng Tây Nguyên, tỷ lệ này chỉ là 19,2%.Vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy không khó khăn về kinh tế và bất đồng ngôn ngữ nhiều như vùng dân tộc thiểu số phía Bắc và Tây Nguyên nhưng cũng chỉ có 38,4% trẻ em đi học trung học phổ thông.

Cái nghèo trói tay tất cả. Số hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm 22,3%, hộ dân tộc thiểu số cận nghèo chiếm 13,2% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số của cả nước, tập trung ở các tỉnh Điện Biên, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Lai Châu...; 1,4% tổng số thôn không có điện lưới quốc gia; 5,2% tổng số thôn có đường giao thông đến xã, huyện... chưa được rải nhựa, bê tông hay sỏi, đá; 16,3% địa bàn khu vực biên giới chưa có phòng học kiên cố. Ở một số tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ, con số này còn cao hơn nữa. Như tại Bắc Kạn là 26% địa bàn chưa có phòng học kiên cố; Tuyên Quang 25,8%; Điện Biên 24,6%; Đắk Lắk 20,9%; Hậu Giang 29,5%...

Một cô giáo tiếng Anh cho hơn 2.600 học sinh

Ai cũng biết học tập là chìa khóa thoát nghèo.

Cạnh đấy, ai cũng biết với thực trạng vùng dân tộc thiểu số hiện nay, yêu cầu có cơm no áo ấm, đường giao thông an toàn và thuận tiện, có điện, nước sạch, có viễn thông và trạm y tế… còn cấp bách, khẩn thiết hơn rất nhiều lần.
Mà vô số dự án của Nhà nước và quốc tế đổ vào, tuy trên các báo cáo có "đạt thành tích năm sau cao hơn năm trước", nhưng thực tế ở những vùng đó vẫn là một cuộc sống trần trụi khổ ải, một trời một vực với cuộc sống ở các đô thị. Như một thế giới song song nhưng tụt hậu vài trăm năm.

Đó là vẫn chưa nói đến đồng lương thấp đã khiến hàng ngàn giáo viên ở các tỉnh đồng loạt xin nghỉ việc, khiến nhân lực ngành giáo dục khủng hoảng.

Báo Vietnamnet đưa tin ở Mèo Vạc, một huyện thuộc tỉnh Hà Giang, năm nay có hơn 2.600 học sinh lớp Ba ở 18 trường tiểu học. Nhưng chỉ có một cô giáo tiếng Anh.

Chuyện tương tự như thế diễn ra khắp cả nước.

Thế mà Bộ Giáo dục bắt buộc học sinh từ lớp 3 trở lên phải học tin học (má ơi, nhiều giáo viên còn chưa có chiếc laptop để sử dụng) và tiếng Anh 4 tiết/tuần từ năm học này (2022-2023).

Tôi cảm tưởng những người làm chính sách của Bộ này đều là thần tiên cả. Chắc họ “đang ung dung trên trời đạp mây xanh hôm nay xuống chơi” (lời một bài hát hết sức phổ biến trên TikTok Việt Nam). Chứ người chân buộc gầm bàn mà chịu đọc báo cáo trong ngành thì cũng không thể đạt được tầm mức quan liêu kỳ vĩ đến như thế!

Ấy, xin phép đập bàn nói lại. Bộ Giáo dục toàn tiên sư giáo sĩ đi Tây đi Tàu về cả, chém gió phầm phập, não lạch cạch toàn sạn. Các bác không quan liêu đâu. Tiền đánh đống đánh đụn cả đấy. Chả vẽ ra dự án để bắt tay với các công ty bán máy tính dỏm vào nhà trường, bán bằng cấp, chứng chỉ và đại loại thì cạp đất mà ăn ư?

_______________

Tham khảo:

https://vtc.vn/mot-huyen-18-truong-tieu-hoc-nhung-chi-co-1-giao-vien-tieng-anh-ar708245.html#:~:text=%E2%80%9CM%C3%A8o%20V%E1%BA%A1c%20l%C3%A0%20huy%E1%BB%87n%20%C4%91%E1%BA%B7c,huy%E1%BB%87n%20ngh%C3%A8o%20c%E1%BB%A7a%20c%E1%BA%A3%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc.

https://vtc.vn/dau-xot-khi-thay-nhieu-giao-vien-sang-len-lop-toi-ve-ban-hang-online-kiem-song-ar706336.html

https://laodong.vn/giao-duc/cac-dia-phuong-mien-nui-voi-bai-toan-thieu-giao-vien-1096106.ldo

https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/07/01-Bao-cao-53-dan-toc-thieu-so-2019_ban-in.pdf

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do