Với chuyến “tuần du” đất Sài thành, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng muốn tranh thủ sự ủng hộ của “cánh miền Nam” tại Hội nghị Trung ương 6 sắp tới. Tuy nhiên, có thể ông Trọng còn có những kỳ vọng cao siêu hơn mà người thường khó thấy qua chuyến “kinh lý” đầy bất ngờ và chóng vánh lần này.
Theo báo chí Nhà nước Việt Nam, sáng 23/09/2022, Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương Đảng đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Theo chính lời của ông Trọng, đây là chuyến thăm và làm việc lần thứ 15 của ông tại thành phố, kể từ năm 2011 đến nay. Ông Trọng thừa nhân, đây cũng là chuyến đi "tiền trạm" chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc sắp tới (ông Trọng hàm ý về Hội nghị Tung ương Đảng lần thứ 6 (TƯ6).
Bất ngờ, chóng vánh và bất thường
Đến 8 giờ kém 15 phút sáng 23/09, tờ "Thanh Niên" mới đưa tin, ảnh về "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại TP.HCM", trong đó có tấm hình mở đầu là cảnh bà Trương Thị Mai được ông Nguyễn Phú Trọng nắm tay đi vào sảnh chính của tòa nhà ở địa chỉ 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3. Tấm hình này có một chi tiết khiến người đọc tò mò, đó là ánh mắt và nụ cười của Chủ tịch TP Phan Văn Mãi hướng vào cảnh "tay trong tay" giữa hai người đồng chí Mai – Trọng ấy… Phải đến gần 10 giờ trưa, báo "Tuổi Trẻ", "Người Lao Động" mới lên tin về "TBT Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại TP.HCM", nhưng là dẫn lại từ tờ "Sài Gòn Giải Phóng", phát hành lúc 9h12 phút ngày 23/09/2022. Đến đầu giờ chiều, một tờ báo khác thuộc chủ quản Thành ủy mới lên tin về sự kiện chính trị kể trên, nhưng phải dẫn nguồn từ Thông tấn xã ( 1).
Nội dung của cuộc làm việc được báo “Sài Gòn Giải Phóng” cập nhật ngay luôn ở bản tin phát lần đầu lúc 9h12 phút cùng buổi sáng 23/9, và đến cuối giờ sáng, khi đoàn quan chức về T78 để nghỉ trưa, thì bài viết này mới được nối dài với nội dung tóm tắt. Tuy nhiên, sáng 24/9 – vẫn theo TTXVN – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở lại ở Hà Nội, cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập Văn phòng Chủ tịch nước. Xem thế để thấy “chuyến kinh lý thành Hồ” của ông Trọng khá bất ngờ, ông có mặt ở Sài gòn từ chiều hôm 22/9 mà mãi sáng hôm sau TTXVN mới đưa tin. Còn điều bất thường là báo chí Sài Gòn rõ ràng bị hạn chế tác nghiệp về sự kiện chóng vánh của việc “TBT Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại TP” (Hầu như chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất). Điều bất thường này có thể là do yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho chuyến “kinh lý”, vì chưa ai quên “tai nạn nghề nghiệp” cách đây hơn bốn năm xẩy ra với TBT khi ông phải đi viện cấp cứu trong chuyến thăm Kiên Giang.
O bế “thành đồng của Tổ quốc”
Trong bài diễn văn dài hơn 5.500 chữ, TBT Nguyễn Phú Trọng đã dành những lời lẽ tốt đẹp để vinh danh người dân TP.HCM "rực rỡ tên vàng" và đồng bào Nam Bộ – "thành đồng của Tổ quốc". Ngoài việc chia sẻ với nhân dân TP và đồng bào Nam Bộ về những mất mát và tổn thất do đại dịch Vũ Hán gây ra, dường như không thấy TBT nhận trách nhiệm về công tác chỉ đạo yếu kém của Trung ương để cho hàng trăm ngàn người dân lao động ngoại tỉnh phải làm một cuôc “di tản” trong nội địa, bồng bế dắt díu nhau chạy thục mạng khỏi Sài thành giữa mùa đại dịch. Hãy chờ xem vài tuần lễ nữa, người dân cả nước sẽ thấy ngay “hiệu ứng” từ chuyến “kinh lý” lần thứ 15 này của ông.
Nếu các Ủy viên Trung ương từ TP và các tỉnh Nam Bộ tại TƯ6 tới đây ủng hộ ông ngồi tiếp ghế TBT vốn đang bị nhiều "đệ" của ông nhòm ngó, coi như chuyến đi o bế "thành đồng Tổ quốc" thành công mỹ mãn. Nếu kết quả ngược lại thì ông sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về các nguyên nhân thất bại. Lần tới (nếu như sẽ có lần tới), khi ông Trọng trở lại TP, xin hãy nhớ rằng, không chỉ một mình ông là "phương diện quốc gia" đại diện cho cái "Nhà nước thất bại". Lúc ấy, cả nhân loại, cộng đồng thế giới và lịch sử Việt sẽ nhìn ông và Đảng Cộng sản Việt Nam của ông để đánh giá nghiêm khắc về ba nhiệm kỳ cầm quyền hiện nay. Liệu lúc ấy, ông còn đủ sức lực và thời gian để kiến tạo tác phẩm mới, như Luật sư Nguyễn Hữu Liêm đã có lần khuyên ông? ( 2)
Khai thác khía cạnh “Dân tộc”
Các đời Tổng bí thư trước đây như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu hay kể cả Nông Đức Mạnh cũng từng được bộ máy tuyên truyền của Đảng ra sách ca ngợi, nhưng sách được xuất bản sau khi các vị này không còn nắm quyền nữa. Và ngày nay cũng chẳng có ai rỗi hơi ngồi đọc các tuyển tập người khác viết để các vị này đứng tên. Từ guồng máy ấy mà ra, ông Trọng biết những đề tài trong các cuốn sách ấy không hấp dẫn ai. Ông muốn chọn một phương án “lưu danh” khác. Theo các nguồn tin không muốn lộ danh tính, hiện nay, Văn phòng TBT đang tập trung các nhà khoa học được cho hàng đầu về xã hội học và chính trị học, đang xây dựng đề cương các tác phẩm mới do đích thân ông duyệt. Ông muốn khai thác các khía cạnh hấp dẫn hơn trong thời cuộc hiện nay. Đừng nghĩ là ngài TBT mị dân.
Ông Nguyễn Phú Trọng thật lòng muốn vào đất của Tả quân Lê Văn Duyệt để phất ngọn cờ "Dân tộc". Ông biết người Mỹ nhớ về "ngài Phó vương từng có sự lựa chọn sáng suốt các đề tài trong các cuộc đàm đạo để tìm hiểu về thế giới, với một đầu óc rộng mở, thúc đẩy bởi sự khao khát khôn nguôi về tri thức và thông tin" (3). Trước khi vào TP, ông đã chuẩn thuận cho Bí thư Nguyễn Văn Nên đi thắp hương lăng mộ Tả quân, mặc cho ai đó có dèm pha. Việc ông khai thác khía cạnh "Dân tộc" có ý nghĩa "sâu xa" hơn chuyện kiếm mấy lá phiếu. Nếu như Tập Cận Bình bên Tàu muốn vượt Mao, thì trên đất "Đại Việt" này, Nguyễn Phú Trọng cũng muốn vượt trên Hồ Chí Minh và Lê Duẩn. Bác và anh Ba vẫn bị "ém" bởi "lá bùa" Mác – Lê-nin đã rách tả tơi.
Nếu Nguyễn Phú Trọng phải giã từ chính trường, ông muốn hơn các bậc đàn anh khác. Nhưng ông và chỉ có ông mới được đặc quyền phất ngọn cờ của những người "mang gươm đi mở cõi". Lịch sử sẽ lưu danh ông ở tầm tư tưởng là con người "thế thiên hành đạo" không chỉ cho ĐCSVN, mà cho cả dân tộc Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua ( 4). Vâng, ông phải "được lưu danh muôn đời". Vì thế không thấy TBT "nặng lời" với đám thuộc hạ ở thành Hồ. Ông khen nhiều hơn chê. Ông Trọng không muốn làm mất lòng các đại biểu miền Nam. Đây là điều "xưa nay hiếm" đối với TBT, vì đi đâu ông cũng quan tâm đến cái "lò thiêu người". Thế mà vào TP của một Thủ Thiêm "oán hận ngút trời", của một vườn rau Lộc Hưng "chôn vùi bao thế hệ", ta thấy ông với Bí thư Nên đều hỉ hả. Nhìn nụ cười của hai ông, ai cũng nghĩ TP.HCM sắp bước đến "cửa" của chủ nghĩa cộng sản, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu (5).
______________
Tham khảo:
[ 2. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59463398Opens in new window ]
[ 5. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c88pd29el32oOpens in new window ]
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do